TRUYỆN NGẮN HÔM NAY Trong sự phát triển chung của văn học mấy năm gần đây, truyện ngắn có sự phát triển đặc sắc riêng, đáng lưu ý, trao đổi, nhận diện. Công chúng bạn đọc, cũng như các nhà nghiên cứu phê bình văn học và ngay cả những người cầm bút nữa, đều có nhiều suy nghĩ, nhận xét, đánh giá, phân tích về tình hình truyện ngắn mấy năm qua. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 12-11-1991, tại Trung tâm văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Thủ đô, Ban sáng tác - Hội Nhà văn Việt Nam - cùng với tuần báo Văn nghệ và Trung tâm văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp tổ chức hội thảo truyện ngắn. Đông đảo các nhà văn, các nhà nghiên cứu phê bình văn học đã tới dự hội thảo, tái lập ở Văn Miếu một không khí bình văn có truyền thống từ xưa. Cuộc hội thảo tuy đặt vấn đề một cách khiêm tốn, nhưng qua những ý kiến trao đổi cởi mở, đã tiếp cận những vấn đề khá cơ bản, thời sự đối với sáng tác. Các nhà văn, nhà nghiên cứu sau đây đã phát biểu trong hội thảo. Ma Văn Kháng, Nguyễn Kiên, Hoàng Minh Tường, Ngô Ngọc Bội, Khuất Quang Thụy, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Lộc, Đặng Anh Đào, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Cao Tiến Lê, Nguyễn Quang Thân, Bùi Bình Thi, Hà Minh Đức, Phạm Xuân Nguyên, Bùi Hiển, Nguyên Ngọc. Trong khuôn khổ có hạn, tuần báo Văn nghệ xin trích giới thiệu một số ý kiến được nêu ra tại cuộc hội thảo phong phú và bổ ích này. NGUYỄN KIÊN ... Nhớ lại cách đây không lâu, truyện ngắn Khách ở quê ra của nhà văn Nguyễn Minh Châu ra đời, gây nên một cuộc tranh luận dai dẳng, nhiều ý kiến tranh cãi. Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng có thể coi lão Khúng là một cái mốc chuyển đổi sang một thời kỳ mới của truyện ngắn, có một sự rộng mở hơn trước nhiều. Không ít những vấn đề gay gắt và gai góc, với những cách khai thác, tiếp cận hiện thực, những phương thức biểu hiện khác nhau... Truyện ngắn những năm gần đây đã bộc lộ ngày càng rõ một cái nhìn thực tế về cuộc sống. Đã có một thời, chúng ta đem mơ ước của chúng ta, và cả ảo tưởng nữa, áp đặt vào cuộc sống. Mơ ước thì vẫn còn đó, vẫn cần thiết; nhưng những ảo tưởng thì đang bị thực tế xua đi. Truyện ngắn hiện nay vừa tiếp tục, lại vừa khác với thời kỳ trước, có lẽ là ở chỗ này. Thoạt tiên, có một nhu cầu nhìn nhận lại thời kỳ đã qua thấy có những sai sót, cả những nhầm lẫn nữa. Rồi truyện ngắn của chúng ta ngày càng tập trung vào những đề tài được khai thác trực tiếp từ cuộc sống hàng ngày đang diễn ra. Cuộc sống này có những khía cạnh gai góc, những vấn đề phức tạp. Và các tác giả không né tránh điều đó... Tôi không muốn nói rằng trong toàn cảnh truyện ngắn chúng ta không có gì cần phải bàn. Tôi nghĩ rằng còn nhiều điều phải bàn, thậm chí phải tranh luận, có những điều phải đính chính nữa. Nhưng, nói cho cùng, chính cuộc sống quyết định tiến trình của văn học. Và truyện ngắn với đặc điểm nhanh nhạy của nó, đã cung cấp được những phác họa gần gũi với gương mặt hiện thực hôm nay... Truyện ngắn gần đây có sự phá cách rõ rệt, có những nỗ lực tìm tòi về hình thức biểu hiện. Truyện ngắn không còn nhất loạt tuân theo một khuôn mẫu nào nữa, kể cả khuôn mẫu truyền thống. Truyện ngắn đang ngắn đi rất nhiều, nhịp điệu nhanh gọn hơn và linh hoạt hơn... Trên căn bản, truyện ngắn chúng ta vẫn thuộc về chủ nghĩa hiện thực nhưng quan niệm này đã được mở rộng hơn. Vì vậy, đã xuất hiện ngày càng nhiều những truyện ngắn được xây dựng theo kiểu biểu tượng, theo một lối nói ẩn dụ hoặc phúng dụ... Truyện ngắn hoàn toàn có thể và cần phải trở nên "nặng ký" hơn trong hình hài bé nhỏ mà thể loại khuôn nó vào... Truyện ngắn những năm gần đây dân chủ hơn, do đó đã góp phần vào tiến trình dân chủ trong văn học và trong đời sống. Chính không khí dân chủ hiện nay đã kích thích cho truyện ngắn phát triển. Biết đau cùng những nỗi đau của người khác, biết cười những cái đáng cười, tôi nghĩ đó là một biểu hiện của tinh thần dân chủ. Nhìn vào truyện ngắn hiện nay thấy thoáng đãng hơn trước. Các tác giả có sự tự tin và thoải mái hơn trong việc lựa chọn và bộc lộ thái độ của mình. HOÀNG MINH TƯỜNG Báo Văn nghệ là nơi hàng tháng, hàng năm cho xuất bản một khối lượng truyện ngắn lớn, là nơi tập hợp một đội ngũ đông đảo những cây bút truyện ngắn thuộc nhiều thế hệ, ở khắp mọi miền đất nước. Tôi xin góp vài suy nghĩ về truyện ngắn trên Văn nghệ trong khoảng thời gian năm năm lại đây, từ 1985 đến 1990. Mở đầu năm 1985 được ghi nhận bằng cuộc thi truyện ngắn 1983 - 1984 của báo, với 14 tác giả được giải trong đó hai giải nhất được trao cho Thùy Linh và Phạm Khắc Vinh. Có thể coi cuộc thi này như khép lại mọi thời kỳ mà cả người viết và người đọc dường như vẫn còn nhìn nhận văn học dưới một góc hẹp của những nguyên lý đã vạch sẵn... Năm 1987 được ghi nhận như một năm đầy sôi động của báo... Suốt năm 1987, rồi năm 1988, bạn đọc báo dồn dập đón nhận những truyện ngắn đặc sắc. Những tác giả có tên tuổi như Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Vũ Bão, Mai Ngữ, Nguyễn Kiên... dường như "phả" vào truyện của mình một hơi thở mới. Các anh sâu sắc hơn, đáo để hơn và cũng nhân ái hơn. Nhưng đáng chú ý là một loạt các cây bút mới xuất hiện: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Nguyễn Kim Trạch, Hồ Trung Tú, Trần Văn Thước, Trương Huy San, Nguyễn Hiếu, Mai Huy Thuật... Ở những tác giả và tác phẩm này, hiện thực đời sống được phản ánh một cách gân guốc, sống động, thậm chí không hề né tránh cả những mảng tối nhất. Người đọc sửng sốt và kinh ngạc, hả hê và phẫn nộ. Thì ra văn chương không phải chỉ là một thứ trang sức... Cuộc thi viết về đề tài nông nghiệp và nông thôn đã tạo nên diện mạo chủ yếu của truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1989... Qua cuộc thi này, các tác giả mới: Đoàn Ngọc Hà, Trần Văn Thước, Tạ Duy Anh đã được khẳng định, trở thành những cây viết truyện ngắn nông thôn xuất sắc... Tiếp đến năm 1990, chúng ta được làm quen và ngỡ ngàng với hàng loạt cây bút mới. Ngô Tự Lập ào đến với cái chất mặn mòi hoang dã của biển... Hiếu Tân và Lê Đình Bích, hai tác giả phía Nam, không hẹn mà cùng gặp nhau ở bút pháp đầy tính ẩn dụ và cổ tích... Rồi một loạt các truyện ngắn của Trần Đức Tiến, Phạm Hoa, Lê Đình Bốn, Minh Dậu, Trần Huyền Ân, Hữu Phương, Thứ Lang, Hòa Vang... Còn năm 1991, thì xin cho phép khoan bàn đến, vì báo đang có cuộc thi truyện ngắn... Có một thực tế đầy bi hài trong hoạt động xuất bản mấy năm gần đây: Để trở thành một nhà tiểu thuyết dởm, dễ hơn rất nhiều việc trở thành một tác giả truyện ngắn. Con đường hình thành một tác giả truyện ngắn khó khăn, vất vả hơn nhiều... ... Để đạt được hiệu quả là mang văn chương đến với người đọc, các tác giả đầy ý thức trong việc tìm kiếm một giọng điệu riêng, một phương thức biểu hiện mới mẻ. Nhiều tác giả, ngay từ những tác phẩm đầu tiên đã lập tức thu hút người đọc, Nguyễn Huy Thiệp là trường hợp điển hình. Phải khẳng định đó là một nhà văn có tài, một cây bút có ma lực, từng dòng cứ hút lấy người đọc. Anh lạnh lùng mà sắc sảo, thâm trầm mà dữ dằn, cay độc. Giọng điệu Nguyễn Huy Thiệp - đó là niềm vinh quang của anh trong truyện ngắn, là cái trời cho đối với nhà văn. Sau Nguyễn Huy Thiệp, những tác giả mới tuy chưa thực định hình, nhưng cũng không kém phần tài hoa, độc đáo. Trần Văn Thước mộc mạc và duyên thầm. Đoàn Ngọc Hà hóm hỉnh và thâm nho. Tạ Duy Anh sâu sắc và tài hoa trong từng câu chữ. Ngô Tự Lập uyên bác và bay bướm, Nguyễn Minh Dậu đầy nữ tính nhưng không kém sắc sảo, dữ dội. Riêng Hòa Vang, Hiếu Tân, Lê Đình Bích lại huyền ảo, hư thực, trộn giữa cổ tích và đời thường, tìm cái xưa để nói cái nay... Chưa bao giờ truyện ngắn lại tung phá và biến ảo như thời kỳ này. Các nhà văn như những nhà giải phẫu điệu nghệ, mỗi người sử dụng con dao mổ của mình theo một cách riêng để lách vào cuộc sống, giải phẫu nó theo góc độ mỹ cảm của riêng mình... KHUẤT QUANG THỤY ... Số lượng các nhà văn khởi đầu sự nghiệp của mình bằng thể loại truyện ngắn rất đông. Phải chẳng, bởi vì khi bước vào con đường văn học, người ta thường cho rằng truyện ngắn là một thể loại tương đối dễ dàng, hợp với sức mình hơn. Nhưng rồi, theo năm tháng, nhà văn càng nhận ra truyện ngắn là một thể loại khó. Nhiều nhà văn đã từng viết hàng chục tiểu thuyết, vẫn luôn phập phồng cay cú vì mình chưa viết được một truyện ngắn nào thật vừa ý. Nhiều nhà văn mãi mãi chỉ là tác giả của tiểu thuyết, truyện dài, và không có một thành công đáng kể nào về mặt truyện ngắn... Truyện ngắn có thể ví như cuộc đua một trăm mét, còn tiểu thuyết là cuộc marathon. Những tay đua marathon siêu hạng chưa chắc đã giành được thắng lợi trong cuộc đua tốc độ một trăm mét. Và ngược lại... Vào thời điểm khởi đầu, người viết trẻ thường dồn nén khát vọng, trang trải bao điều mình ấp ủ, suy nghĩ lên trang viết. Bởi vậy, nếu được trang bị tương đối về văn hóa, về tình cảm, họ dễ dàng đạt được thành công trong thể loại truyện ngắn, một thể loại lúc đó họ cho là dễ nhưng thật ra rất khó. Những bước đi tiếp theo, có thể thuận lợi, có thể rất khó khăn. Nhiều người không thể vượt qua được cái mốc mà chính họ đã dựng lên, để rồi tiếp tục xuất hiện với những truyện ngắn nhàng nhàng, hoặc chuyển sang viết tiểu thuyết. Những nhà văn trọn đời chung thủy và luôn thành công ở thể loại này (như Chékhov, O'Henri, Guy De Maupassant, Nam Cao...) là rất hiếm hoi... Viết được một truyện ngắn hay là một niềm vui lớn - không phải chỉ đối với những cây bút mới bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp văn chương, mà còn là sự đắc ý của tất cả các nhà văn đã trưởng thành... ĐẶNG ANH ĐÀO ... Theo dõi sự phát triển của truyện ngắn mấy năm gần đây, chúng ta thấy có hai vệt sáng lan tỏa trên bức tranh toàn cảnh. Vệt thứ nhất là sự phát triển của hình thức nhại truyện lịch sử và nhại cổ tích... Nhại không có nghĩa chỉ là bắt chước mà nó mang bản chất dân dã và dân chủ. Sự xuất hiện thành cả một vệt của những truyện nhại lịch sử, nhại cổ tích này phản ánh một tín hiệu về nội dung, một tín hiệu về một lớp người của thời đại hiện nay, dù người viết không có ý thức đầy đủ... Vệt thứ hai là sự xuất hiện và phát triển của truyện ngắn cực ngắn, hay gọi là truyện "mi ni"... Có một vạch nối giữa truyện ngắn mi ni với truyện nhại lịch sử và nhại cổ tích: rất nhiều truyện mi ni được nối với hai truyện trên bằng mạch ẩn dụ, biểu tượng, huyền thoại. Có lẽ vì khi viết loại truyện quá ngắn, người viết phải tăng lượng thông tin bằng nghệ thuật hàm ẩn. Loại truyện này đặc biệt phát triển khoảng hai, ba năm nay. Tất nhiên có vấn đề của phong cách nhà văn. Nhưng cũng do nhu cầu báo chí: thường loại truyện cực ngắn này hay đăng trên các nhật báo. Nhu cầu gấp gáp của thời đại thông tin cũng là một tác động làm cho loại truyện cực ngắn này phát triển... HOÀNG NGỌC HIẾN ... Truyện ngắn hiện đại có sự tổng hợp giữa hai thể loại rất ngắn: giai thoại và ngụ ngôn... Trong truyện ngắn hiện đại, tính cách nhân vật bộc lộ thông qua những biến cố. Hành động bên trong là cốt lõi của truyện ngắn hiện đại, đó là phản ứng của tâm thức đối với những kinh nghiệm sống. Truyện ngắn hiện đại không xa lạ với chất thơ của văn xuôi và đời thường, dù có những truyện ngắn đi đến cùng trong sự tả chân bụi bặm của đời thường... Truyện ngắn hiện đại cũng rất gần với kịch. Trong truyện, kịch tính là lời, chứ không phải là xung đột, mâu thuẫn. Yêu cầu về giọng trong truyện rất quan trọng... NGUYỄN ĐĂNG MẠNH Hiện nay, thấy truyện ngắn đứng đắn hơn truyện dài. Truyện dài có nhiều quyển nhảm nhí. Viết truyện ngắn buộc người ta phải đứng đắn. Có những tác giả, khi viết truyện ngắn thì thấy rất đứng đắn, có tư tưởng, nhưng viết truyện dài lại nhảm nhí. Báo Văn nghệ được người ta coi trọng là vì những truyện ngắn có tư tưởng. Truyện ngắn có nhiều lợi thế: dễ có tính tư tưởng hơn, dễ đặt vấn đề, nêu vấn đề hơn, dễ bộc lộ cái tôi, dễ có cá tính, dễ nói cái biểu tượng, cái có nhiều ý nghĩa. Một thời gian dài trước đây, người ta kiêng kỵ biểu tượng. Văn chương phải có biểu tượng mới là văn chương chứ! Một hồi, văn chương chỉ có một nghĩa. Văn chương chủ đề không rõ ràng mới là văn chương chứ! Có khi chính nhà văn viết ra mà cũng không biết hết ý nghĩa tác phẩm của mình nữa kia. Quan trọng nhất của truyện ngắn là tạo ra một tình huống nào đấy, từ tình huống bật nổi một bản chất tính cách nhân vật hoặc bộc lộ một tâm trạng. Trước đây, tâm trạng phi ngã (không có cá tính); truyện ngắn bây giờ là tâm trạng của cá nhân. Dù thế nào, cái quan trọng là phải có tư tưởng. Tư tưởng phải gắn với hình tượng. Như truyện Khách ở quê ra, hoặc Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, có tư tưởng, có tính biểu tượng, có hình tượng cụ thể. Cũng phải thấy, truyện ngắn dễ cách tân, dễ đổi mới cách viết, cảm hứng dễ đa dạng (bi, hài, lãng mạn, hiện thực...) Truyện ngắn dễ làm văn hơn: không có văn không thành truyện ngắn. Đỗ Chu có một thời làm văn, mơ mộng. Bây giờ thì câu văn của Nguyễn Huy Thiệp mỗi câu mỗi chữ đọng bao ý nghĩa... Theo tôi, truyện ngắn nên phát huy hơn nữa tính tư tưởng. Truyện ngắn của ta đang tìm tòi về mặt tư tưởng, nhưng còn lệ thuộc vào hiện thực, nên còn dài quá. Có hai hiện tượng được bàn tới nhiều là Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài. Nguyễn Huy Thiệp hấp dẫn hơn. Phạm Thị Hoài thiên về câu chữ, trí thức quá, chưa tạo ra được những áng văn hay, hấp dẫn. Truyện ngắn của Phạm Thị Hoài như là một con người luôn luôn đi tìm mình, xem mình là ai trong khi quan sát những người khác, nhưng chỉnh thể nghệ thuật thì chưa tạo ra được hình tượng hấp dẫn... NGUYỄN QUANG THÂN Một truyện ngắn có tầm hiện đại phải như thế nào? Một dạo, truyện ngắn không quan tâm đến thân phận con người, chỉ quan tâm đến những vấn đề hiện thực của một chính sách (vào hay ra hợp tác xã chẳng hạn). Thời kỳ ấy, truyện ngắn đề cập hầu hết những vấn đề lớn của thời hiện đại, nhưng vì đặt thân phận của con người xuống thứ nên không thành công. Sau đó, tỉnh ra, đã xuất hiện những ý định thay thế "văn học minh họa" bằng "văn chương của đời thường": chạy trốn vào pháo đài văn chương muôn thuở. Đó là những truyện ngắn tầm thấp, đọc cũng được, không sai không đúng, có thể an ủi con người một chút, nhưng không đã! Những truyện ngắn tầm thấp này không xứng đáng với thời kỳ hiện đại. Theo tôi, truyện ngắn có tầm hiện đại cần phải: không minh họa, đặt con người vào trung tâm; phải bao hàm những mối quan tâm lớn của xã hội. Không còn là hiện thực hay là nghệ thuật mà là một cái gì rất mạnh, đốt cháy lên được một cái gì đó, tạo ra được một cái gì đó, tiềm ẩn một mãnh lực, ma lực (như truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn). Truyện ngắn cũng phải có tính dự báo, nó không thể khước từ những vấn đề lớn của thời đại. Người chết trôi đẹp nhất trần gian của Marquez chẳng hạn, dự báo một cái gì đó của Mỹ Latinh... tính dự báo nằm trong cách thức sử dụng ngôn từ, bố cục... Nếu trong tiểu thuyết, tác giả dựng cho độc giả một ngôi đền nguy nga để họ sám hối, thì trong truyện ngắn là những cái miếu nhỏ rất thiêng liêng. Truyện ngắn có tầm văn chương cao siêu, gợi cho người ta nhớ đến chùa Một Cột... BÙI BÌNH THI ... Từ 1985 trở lại đây, truyện ngắn của chúng ta đã thực sự khác hẳn trước, cả về tầm vóc cũng như về chất. Đó là: truyện ngắn đã nói lên sự thật. Cái thật ấy, dù có thế nào, dù đã ẩn náu rất sâu xa trong tâm hồn con người, trong phẩm chất con người, trong thế giới bí ẩn và phức tạp trong lòng người, trong số phận con người, đã được phơi ra, bày ra, phanh phui ra một cách mạnh mẽ nhất... Các tác giả không khoan nhượng với thói giả dối, thói bịp bợm, thói biển lận, thói hèn nhát, phản trắc và xấu xa. Nắm lấy và biết cách trình bày cái thật và sự thật, có nhiều tác giả, nhất là những tác giả trẻ, đã có ý thức được về cái đẹp. Miêu tả cái thật, các cây bút ấy tựu trung đã bắt đầu tìm đến cái đẹp... Các tác giả truyện ngắn của chúng ta đã hết sức chú ý xem xét, nhìn nhận quá khứ một cách khá nghiêm túc và đĩnh đạc, kể cả những tác giả có lúc nhìn nhận quá khứ còn thiếu chính xác và cạn nghĩ. Nhưng cho dù cả những điều như thế nữa đi, thì sự nhìn nhận quá khứ ấy cũng có cái ích... Các tác giả truyện ngắn hiện nay là một lớp những cây bút có tài thực sự, họ đã viết một cách chín chắn, vạm vỡ, và nhìn lại quá khứ một cách đáng nể trọng. Bản thân sự nhìn lại quá khứ đã mang tính phủ định: phải biết bỏ cái gì, phải biết giữ cái gì, mới biết sắm sửa được cho cái hành trang đi vào tương lai... Truyện ngắn của chúng ta đã thực sự khởi sắc, đã biết cách bước hẳn qua một giai đoạn khác. Giai đoạn này rất đáng mừng, và từ đây sẽ đi đến một cách biểu hiện khác, cách biểu hiện ấy người ta gọi là thi pháp. Sẽ có một thi pháp khác trong truyện ngắn mà chúng ta sẽ thấy. HÀ MINH ĐỨC Thời gian gần đây có nhiều truyện ngắn hay, nhất là trên báo Văn nghệ. Năm, bảy năm nay, truyện ngắn có sự phân hóa, có những đổi thay về tư tưởng trong truyện ngắn. Trong sự đổi thay này, có hai tác giả phải chú ý: Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Huy Thiệp... Các nhà văn lớp trước cũng có sự thay đổi. Tuy nhiên, phần đóng góp chủ yếu trong truyện ngắn thuộc về các tác giả trẻ, mới; họ có giọng điệu của mình, của thời đại mình... Truyện ngắn có thể hái được cái có sẵn trong cuộc sống, nhưng giai đoạn đó đã qua rồi... Truyện ngắn ngày nay hay, hiện thực được miêu tả có thêm nhiều yếu tố, chất liệu đa dạng hơn; những yếu tố huyền thoại, hư ảo sử dụng thuần thục, thậm chí cả những cái phi lý... Về phương diện nhà văn: có tư duy mới, không bị ràng buộc, không bị soi mói, bắt bẻ truy chụp... Các tờ báo chịu chấp nhận, cũng là sự gợi mở cho người đọc chấp nhận... Truyện ngắn ngày nay có tình huống đặc biệt: sự sống trong truyện phải đem lại cái gì đó mới mẻ cho người đọc. Truyện phải có chủ đề, có những triết lý tự nhiên nảy sinh trong mọi tình huống... Ngoài ra, không thể có truyện ngắn hay nếu không có giọng điệu của người cùng thời, người trong cuộc... BÙI HIỂN Để đi thẳng vào vấn đề, chắc hẳn mọi người đều công nhận những năm gần đây, thể truyện ngắn chúng ta có bước phát triển mới, khá ngoạn mục. Trước hết về nội dung. Các tác giả, đặc biệt là tác giả trẻ có khi "mới toanh", tự giới thiệu mình bằng một giọng điệu riêng, một cách nhìn độc đáo, phía sau những điều đó có thể đoán nhận một sự suy ngẫm tương đối thấu đáo và có trách nhiệm về cuộc sống. Thường những truyện như thế, ít nhiều đều mang một nội dung phê phán hoặc đánh giá lại. Không còn như đó đây trước kia sự ca ngợi dễ dãi, cái vui vẻ hồn nhiên, hoặc sự đồng tình xuôi chiều nhẹ nhõm làm yên tâm và đưa người ta vào giấc ngủ không mộng mị. Với một nội dung như vậy, các phương pháp thể hiện cũng ít nhiều đổi mới. Giọng văn thường trầm tĩnh hơn. Các tình tiết nói chung được chọn lọc đắc địa hơn để gây ấn tượng (một điều kiện thiết yếu của truyện ngắn nhằm đạt hiệu quả tối đa với phương tiện tối thiểu). Cũng đã xuất hiện đó đây "bút pháp lạnh", kiểu truyện ngắn lạnh (conte froid), truyện ngắn cộc lốc (conte sec). Nhưng phần lớn vẫn giữa cái văn phong "truyền thống" của văn tự sự, trần thuật và miêu tả các cảnh đời, thói đời một cách bình tĩnh, tỉnh táo, mặc dù có lúc hài hước, có lúc đau đớn xót xa. Có lẽ chính cái hình thức vắn gọn của thể loại cho phép truyện ngắn phát huy (trong sáng tạo) cái đa dạng của chất liệu đời sống và sức cô đọng tư duy nói trên. Riêng tôi, với kinh nghiệm chẳng lấy gì làm dày dặn của mình, nhiều khi tôi nghĩ viết truyện ngắn có cái "thú" riêng. Làm thơ thì cần cảm hứng nảy một tứ, thế là hình thành cốt lõi bài thơ. Với truyện ngắn thì cái cảm hứng chính là lúc nảy ra một ý mới, một cách nhìn nhận mới mẻ sự vật hoặc con người, con người đó bỗng dưng trở thành nhân vật và quanh nó dần hình thành cốt truyện. Vì vậy, cùng một tác giả nhưng có thể có nhiều giọng điệu bút pháp khác nhau tùy từng truyện, có nghĩa là từng trạng thái tâm lý và tư duy từng thời điểm một. Tôi chỉ muốn nhấn thêm rằng dù muốn mới mẻ độc đáo hoặc khám phá đến đâu, người viết vẫn cần phải giữ cái cốt nhân cách nhân văn của người làm văn học, không xa đà, cường điệu hoặc quá lạnh lùng, kênh kiệu, tự tách mình ra nhìn xuống lũ "chúng sinh". Văn học đích thực bao giờ cũng là thứ văn học ấm nóng tình người, mặc dù giọng điệu có thể mang nhiều âm sắc khác nhau NGUYÊN NGỌC Khi nhận diện tình hình truyện ngắn trong mấy năm gần đây, chúng ta thấy có một sự phát triển đồng bộ khá đẹp trong diện mạo chung của văn học. Đã có sự được mùa truyện ngắn trong những năm 60, trong những năm chống Mỹ; và giờ đây, có lẽ chúng ta đang đứng trước một vụ mùa mới của truyện ngắn... Trong một thời gian tương đối ngắn, đã xuất hiện nhiều truyện ngắn hay, khá, đáng chú ý, hoặc gây được dư luận. Trên tuần báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, và nhiều tạp chí văn nghệ khác, thường xuyên có truyện ngắn được dư luận chú ý. So sánh với những năm 60, chúng ta thấy hiện nay hiện thực xã hội lịch sử mà truyện ngắn đề cập rất rộng lớn, không có giới hạn; do đó làm cho truyện ngắn có dung lượng lớn về hiện thực xã hội lịch sử. Truyện ngắn có một xu hướng tiểu thuyết, thậm chí có những truyện ngắn đề cập cả một thời đại lịch sử, muốn xử lý cả một bình diện xã hội rộng lớn. Trong một thể loại "bỏ túi", truyện ngắn muốn đặt ra những vấn đề xã hội lịch sử rộng lớn. Không hề có một giới hạn nào, không có vấn đề gì mà truyện ngắn không đề cập. Tự do sáng tác là một hiện thực. Nhà văn cầm bút đầy đủ tự tin và rất có trách nhiệm. Truyện ngắn đã hướng ra xã hội một cách mạnh mẽ, đồng thời cũng đi sâu vào đời sống cá nhân con người. Con người trở thành trung tâm của sự quan sát, sự xử lý của nhà văn. Tác giả xuất phát từ kinh nghiệm bản thân, thể nghiệm bản thân, chứ không phải thể nghiệm cộng đồng. Giờ đây, phương thức tiếp cận của truyện ngắn cũng trở nên đa dạng hơn: nhại lịch sử, nhại cổ tích, tính phi lý trong nghệ thuật, truyện ngắn mi ni, giọng đa âm... Trên một sự phát triển đại trà như thế, có lẽ đã có sự hội tụ một số tác giả, tác phẩm đặc sắc; sự hội tụ này chọc thủng mặt bằng của tầm truyện ngắn trước kia, mở ra một thời kỳ mới. Theo tôi, có hai tác giả đưa truyện ngắn chúng ta sang một diện khác, đó là Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Huy Thiệp. Cuộc trao đổi hôm nay giúp chúng ta có một bước nhận thức mới về thể loại truyện ngắn. Tuy nhiên, chúng ta không muốn đưa ra những kết luận, mà chủ yếu là gợi mở để cùng nhau suy nghĩ. Mặt khác, còn một số vấn đề cần được tiếp tục trao đổi. Chẳng hạn: khuynh hướng tiểu thuyết hóa truyện ngắn đã phá vỡ khái niệm về đặc trưng của truyện ngắn, làm xuất hiện những tiểu thuyết ngắn (tiểu thuyết mi ni). Tính cốt truyện tăng lên, truyện ngắn đi xa chất thơ của nó; mở rộng tính hiện thực là một cái mạnh, nhưng cũng có thể lại là cái yếu sắp tới đây. Vậy truyện ngắn sẽ phát triển như thế nào? Ngoài ra, còn một vấn đề: sự đóng góp vừa qua của truyện ngắn là rất lớn, nhưng việc in ấn thì vô cùng khó khăn (in sách). Hội Nhà văn cũng là một trong những cơ quan có trách nhiệm, phải tạo điều kiện cho sự phát triển của truyện ngắn cùng với những thể loại khác...
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 48 (30-11-1991) 4-10-19
|