ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn: Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 4 (tháng 7 & 8-1990)

NGHĨ VỀ CÔNG CHÚNG VĂN HỌC
CỦA CHÚNG TA HIỆN NAY

TỪ SƠN

Có nhiều cách để tiếp cận, tìm hiểu và đánh giá tình hình văn học thời gian vừa qua. Dù cho tiếp cận bằng cách nào chúng tôi nghĩ sẽ có cách nhìn không đầy đủ nếu không xuất phát từ bối cảnh một thời kỳ đầy biến động của tình hình chính trị xã hội trong nước và thế giới hiện nay, và nếu bỏ sót một trong ba yếu tố tạo nên khuôn mặt văn học thời gian qua là công chúng, nhà văn và cơ quan lãnh đạo, quản lý văn học. Ba yếu tố này có mối liên hệ hữu cơ, ràng buộc và chi phối lẫn nhau. Trong giai đoạn cách mạng trước đây, thời chiến tranh cứu nước, ba yếu tố này ở trong thế tương đối ổn định, hài hòa, hỗ trợ và bổ sung cho nhau đã tạo nên nền văn học nghệ thuật "xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay" như Đại hội Đảng lần thứ VI đã nhận định. Đứng trước những yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới hiện nay, ba yếu tố trên đang có những biến đổi mạnh mẽ về chất ở các cấp độ cao hơn, hoàn chỉnh hơn. Sự biến đổi ấy tạo ra một trạng thái không ổn định trước khi tạo thế cân bằng mới. Do vậy đã xảy ra những hiện tượng "lệch pha" trong mối liên hệ vốn mật thiết và động bộ giữa công chúng - nhà văn và giới quản lý - lãnh đạo. Chúng ta cần bình tĩnh và sáng suốt trước trạng thái này để tránh những kết luận vội vã sai lệch. Điều làm cho chúng ta có thể yên tâm trước trạng thái thiếu ổn định này là sự biến đổi ấy đang ở xu thế phát triển theo hướng tích cực. Bởi vì nó xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo và từ yêu cầu tự thân của nền văn học xã hội chủ nghĩa của chúng ta trước một chặng đường mới đầy tương lai hứa hẹn. Trong bài viết này, chúng tôi xin phép bạn đọc nêu lên một số suy nghĩ về một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định chiều hướng phát triển và đổi mới nền văn học hiện nay là công chúng của chúng ta.

Công chúng mà chúng ta bàn tới đây theo một khái niệm rộng: vừa là đối tượng phục vụ của văn học vừa là đối tượng văn học phản ánh. Nói một cách khác chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về nhân dân, về những người đang làm nên lịch sử và đang nuôi dưỡng nền văn học xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ trước đến nay và mãi mãi sau này.

Suốt 30 năm chiến tranh giành độc lập và giải phóng, thống nhất đất nước, văn học cách mạng của chúng ta được hạnh phúc lớn là đã có một nhân dân anh hùng để phản ánh, ca ngợi. Văn học gắn bó máu thịt với chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo những thế hệ anh hùng cho đất nước. Người anh hùng trong chiến tranh giải phóng của thời kỳ này là hình ảnh tiêu biểu của con người mới Việt Nam trong hiện thực cách mạng và trong tác phẩm văn học.

Bước sang giai đoạn cách mạng mới hiện nay hầu như các thước đo giá trị về con người mới Việt Nam đã thay đổi. Các chuẩn mực quen thuộc về con người mới có một thời chúng ta ra sức cổ vũ như: lao động, làm chủ tập thể, yêu nước, có tinh thần quốc tế vô sản... vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống hôm nay dường như không đầy đủ. Các chuẩn mực ấy nhấn quá nhiều đến phẩm chất chính trị mà lại bỏ quên rất nhiều phương diện cuộc sống cụ thể của con người.

"Văn học là nhân học" (Gorki). Thiên chức của văn học là tìm hiểu con người và hướng con người tới cái hoàn thiện, toàn chân, toàn mỹ. Con người Việt Nam ta vốn có một đời sống tâm hồn hết sức phong phú. Điều này đã được chứng minh qua văn học dân gian và qua kho tàng văn học dân tộc. Trong chiến tranh, các hoạt động tinh thần bình thường của con người bị kiềm chế, dồn nén, để dành mọi sức lực và khả năng cho cuộc chiến đấu anh hùng. Điều này có tính lịch sử hợp lý và là một nét sáng chói rất đáng tự hào của tính cách con người Việt Nam. Nay hoàn cảnh sống đã đổi khác, con người trong hoàn cảnh sống bình thường đang xuất hiện với trăm nỗi lo toan, với muôn ngàn dáng vẻ ở mặt phải và cả mặt trái cuộc đời.

Từ cộng đồng dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam hiện nay đang hòa nhập mạnh mẽ vào cộng đồng nhân loại. Công chúng văn học của chúng ta ngày nay hết sức quan tâm đến các vấn đề của con người. Con người với mọi nỗi buồn, vui; với cái thiện và cái ác; cái vị kỷ và cái vị tha; cái chân thật và cái giả dối; cái cao cả và cái thấp hèn; nỗi đau và niềm hy vọng; niềm tin và khát vọng... Cùng với bao nhiêu điều sâu lắng từ thế giới nội tâm, từ cái vô thức của tâm linh đến cái hữu thức của lý trí, từ trăm nghìn môi trường, hoàn cảnh khác biệt dẫn tới trăm nghìn tâm trạng và số phận khác nhau là những điều công chúng văn học của chúng ta hết sức quan tâm và khao khát tìm hiểu.

Công chúng của chúng ta ngày nay không dễ gì bằng lòng với những tác phẩm văn học viết một cách dễ dãi, một chiều về các gương người thật việc thật, người tốt việc tốt. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bác bỏ công việc viết về người thật việc thật, người tốt việc tốt vốn là điểm mạnh ở một số cây bút ưu tú của chúng ta. Vấn đề đặt ra là chống lối viết dễ dãi, thô sơ, minh họa, với ý đồ "giáo dục tư tưởng" một cách xơ cứng, áp đặt một chiều.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần chấm dứt một kiểu tư duy cũ: ấn định một số tiêu chuẩn con người mới theo ý muốn chủ quan rồi khuôn định cho cuộc sống và văn học phải dập theo. Đó là một việc làm không phù hợp với thực tế cuộc sống và thực tiễn văn học nghệ thuật. Có thể thấy rõ điều này trong lịch sử của thế giới hiện đại: một số cá nhân lãnh tụ đã từng là thần tượng trong một thời gian dài của một đất nước, một dân tộc tưởng như không có gì phải xem xét bỗng chốc trở thành một trong những nguyên nhân làm cho đất nước, dân tộc ấy đau khổ là điều rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Chúng ta không chủ trương phó mặc cho con người trong cuộc sống và trong văn học bộc lộ một cách tùy tiện. Định hướng của chế độ xã hội chủ nghĩa và nền văn học xã hội là hướng con người vươn tới những gì nhân đạo nhất, dân chủ và công bằng nhất. Đó cũng là lý tưởng thẩm mỹ - xã hội của chúng ta. Con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa hoàn thiện là gì nếu không phải là người nhất? Con người được phát triển toàn diện, hài hòa, được hưởng đời sống vật chất và tinh thần cao nhất, được sống trong tình yêu cao nhất giữa người với người, trong công bằng, dân chủ, tự do bằng năng lực chân tay và trí óc của mình là mơ ước, là khát vọng của mỗi nhà văn cộng sản chúng ta.

Trong thực trạng xã hội hiện nay – thực trạng "từ nhiều năm nay, nước ta đã lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, xã hội, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa ra khỏi tình trạng đó"[i] – đã phát sinh nhiều tâm trạng phức tạp trong nhân dân ta. Do đó công chúng văn học hiện nay đang có nhu cầu tìm đến văn học, nghệ thuật và báo chí để giải tỏa. Điều này đã giải thích hiện tượng vì sao công chúng tìm đọc nhiều những tác phẩm chống tiêu cực, phê phán những mặt trái của xã hội ta. Trong tâm trạng suy giảm lòng tin, trong những hoàn cảnh éo le của số phận, một bộ phận không nhỏ công chúng của chúng ta đã tìm đến những tác phẩm nói về nỗi đau, sự mất mát trong cuộc đời như tìm đến người bạn đồng cảm. Phải chăng từ nhu cầu này của công chúng đã khiến cho văn học của chúng ta mấy năm gần đây chú ý nhiều hơn đến yếu tố phê phán, lên án các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; chú ý nhiều hơn đến đời thường, đến số phận của con người, đến nỗi đau và những điều oan trái? Nếu đúng là như vậy thì có điều gì đáng lo ngại? Công chúng tìm đến văn học để lấy lại niềm tin và lý tưởng, vào lẽ sống tốt đẹp hay để đánh mất niềm tin nhiều hơn? Người ta đến với tác phẩm để tìm đến cái cao cả hay là để thỏa mãn nhu cầu tìm đến cái "tầm thường, vụn vặt"? Về mặt lý luận hầu như ở đây không có vấn đề gì phải lý giải dài dòng. Nhà văn đã lên án cái ác, cái xấu đối với con người cũng tức là muốn thức dậy nơi con người cái thiện, cái đẹp. Nhà văn viết về nỗi đau, về sự mất mát là để bày tỏ niềm cảm thông của đạo lý làm người. Nói về nỗi thất vọng là để khơi dậy niềm tin vào lẽ phải. Chúng ta có thể tìm hàng ngàn dẫn chứng trong văn học thế giới và văn học dân tộc để minh chứng cho điều này. Vậy thì tại sao trong thực tế đời sống văn học hiện nay lại đang xuất hiện mối lo ngại kể trên? Phải chăng vì ở một bộ phận công chúng ngọn lửa niềm tin vào lý tưởng, vào lẽ sống cao đẹp đang có dấu hiệu tàn lụi? Phải chăng trong hiện thực cuộc sống cải thiện chưa đủ sức thắng cái ác, ánh sáng chưa đủ độ sáng để đầy lùi bóng tối, lương tri của mọi người chưa đủ thức tỉnh đến độ cần thiết để tiêu diệt cái bất lương? Theo sự quan sát của tôi, mấy năm qua văn học chúng ta đã nói lên tiếng nói đầy kinh nghiệm trước nhân dân của mình không có điều gì đáng phải lo ngại đến mức phải "báo động".

Nói tới nhu cầu của công chúng hiện nay đối với văn học, chúng ta không thể không nói tới tính đa dạng của nhu cầu. Trong thời kỳ trước đây công chúng văn học của chúng ta "thuần" hơn. Ngày ấy người ta không đòi hỏi gì nhiều, và thật ra cũng không có điều kiện để đòi hỏi: vì chiến tranh, vì khó khăn về giấy má in, vì giao lưu quốc tế chưa mở rộng v.v... Đấy là chưa kể tình trạng "bao cấp" trong khâu phát hành sách làm cho người đọc không có đầy đủ quyền lựa chọn đọc những tác phẩm mà mình yêu thích. Đã có một thời do thói quen phân phối, bao cấp, với giá bán sách rẻ như cho nên in ra bao nhiêu cũng hết dù chất lượng thế nào. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng người viết không quan tâm đầy đủ đến người đọc và người đọc không có đủ quyền đặt hàng cho người viết.

Công chúng ngày nay có quyền rất lớn đối với nhà văn vì tình hình xã hội đã đổi khác với nền kinh tế nhiều thành phần và tác động của cơ chế thị trường. Ở trên đã nói tới trạng thái tâm lý xã hội hết sức phức tạp của công chúng đã phát sinh ra những nhu cầu khác nhau của người đọc hiện nay. Cần nói thêm là những nhu cầu ấy không đồng nhất mà còn bị phụ thuộc rất nhiều vào tầng lớp xã hội, các thế hệ, phụ thuộc vào trình độ văn hóa, trình độ cảm thụ thẩm mỹ rất khác nhau. Bạn đọc đã về hưu có nhu cầu sách khác với bạn đọc trẻ. Tầng lớp thị dân nhiều tiền có nhu cầu khác với bạn đọc là cán bộ viên chức. Lớp cán bộ lãnh đạo quản lý Đảng và Nhà nước có nhu cầu đọc và thưởng thức khác với cán bộ bình thường. Trí thức, sinh viên, học sinh có nhu cầu đọc khác với bà con nông dân. Từ ngày thống nhất đất nước đến nay có sự giao hòa các nhu cầu và thị hiếu thưởng thức văn học nghệ thuật của nhân dân hai miền Bắc và Nam. Đồng thời nhân dân mỗi miền cũng còn giữ bản sắc những nhu cầu và thị hiếu nghệ thuật riêng. Chúng ta cũng không thể không quan tâm đến những đòi hỏi về các món ăn tinh thần của đồng bào miền núi, đồng bào ở vùng căn cứ kháng chiến cũ, của hàng triệu chiến sĩ của chúng ta ở biên giới, hải đảo và đang làm nghĩa vụ quốc tế cùng hàng vài chục vạn người lao động của chúng ta đang làm việc ở nước ngoài và bà con Việt Kiều đang ngày đêm hướng về đất nước. Từ những nhu cầu đa dạng và luôn luôn biến động ấy của công chúng đã hình thành những "đơn đặt hàng" của xã hội đối với nhà văn và dần dần mỗi nhà văn sẽ có những lớp công chúng riêng của mình. Đó là một điều hợp với quy luật cuộc sống.

Trong các nhu cầu của công chúng đối với văn học nghệ thuật chúng ta cần quan tâm đầy đủ tới nhu cầu thông tinnhu cầu giải trí mà hầu như ở tầng lớp công chúng nào cũng đòi hỏi. Cuộc sống càng lắm nỗi lo toan, xã hội càng phát triển theo hướng hiện đại hóa thì nhu cầu thông tin và giải trí bằng các món ăn tinh thần - chủ yếu là văn học nghệ thuật - càng tăng. Đây cũng là một quy luật phát triển trong đời sống tinh thần của con người.

Một đặc điểm quan trọng của công chúng văn học nghệ thuật chúng ta ngày nay là tỷ trọng trí thức trong công chúng khá lớn. Số người có trình độ đại học và trên đại học cộng với giáo viên và học sinh từ phổ thông cơ sở trở lên có tới hàng chục triệu người. Trong số này chiếm đa số là thanh thiếu niên. Số công chúng này, trong bối cảnh xã hội hiện nay, ngày càng được tiếp thu một lượng thông tin rất lớn về mọi lĩnh vực từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, các thông tin trong nước lẫn thế giới. Họ thường đặt chân đến mọi vùng đất nước, có mặt ở mọi lĩnh vực công tác và không ít người đã nhiều lần đi học tập, công tác, tham quan ở các nước trong và ngoài phe xã hội chủ nghĩa. Văn học của ta có cái may là được phục vụ lớp công chúng đông đảo này, được họ hết sức quan tâm và không phải lúc nào các nhà văn của chúng ta cũng đáp ứng được các đòi hỏi của họ. Thời gian vừa qua ta thường nói văn học nghệ thuật trong bước đầu đổi mới được công chúng quan tâm nồng nhiệt có lẽ là bởi chính đối tượng công chúng này. Và cũng chính ở tầng lớp công chúng này đang có nhiều cách nhìn nhận tình hình chính trị xã hội, tình hình văn học nghệ thuật khác hoặc mâu thuẫn với các công chúng khác.

Một lớp "công chúng đặc biệt" mà người cầm bút thời kỳ trước đây cũng như hiện nay đều hết sức quan tâm là những đồng chí cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội từ địa phương đến trung ương. Tiếng nói của lớp công chúng này về văn học thường rất có trọng lượng đối với nhiều người cầm bút. Trong cơ chế cũ (cơ chế quan liêu bao cấp) tiếng nói của lớp công chúng này hầu như được coi là tiếng nói cuối cùng về số phận tác phẩm. Trong bối cảnh đổi mới toàn diện hiện nay, từ sau Đại hội Đảng VI nhất là từ sau Nghị quyết 05, lớp công chúng này cũng đang tự đổi mới cách nhìn nhận của mình đối với các vấn đề văn học nghệ thuật. Nói chung nhiều đồng chí lãnh đạo, quản lý đã tránh được cách nhìn đồng nhất các vấn đề văn nghệ với các vấn đề chính trị, tránh áp đặt ý kiến của mình đối với văn nghệ sĩ, quan tâm, tiếp xúc nhiều hơn với tác phẩm và văn nghệ sĩ trong niềm tin cậy và với thái độ trân trọng. Tuy vậy cũng còn một bộ phận nhỏ của lớp "công chúng đặc biệt" này thường là ở các địa phương còn giữ lại nếp tư duy cũ trên các vấn đề văn nghệ. Do đó đã dẫn tới những quy kết không đúng hoặc xử lý sai đối với một số vụ việc văn học nghệ thuật. Vấn đề đặt ra đối với bộ phận công chúng nay là phải kịp thời "đổi mới và nâng cao trình độ cách mạng, quản lý văn học nghệ thuật" như Nghị quyết 05 đã đặt ra.

Nguồn: Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 4 (tháng 7 & 8-1990)

 


 

[i] Nghị quyết Hội nghị Trung ương VI (khóa 6).

Mục lục

 

23-1-19