ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ Nguồn: Tác phẩm mới, Hà Nội, số 2 (1992)
VĂN HỌC VÀ HIỆN THỰC HÔM NAY
Ngày 1-10-1992 tại trụ sở tạp
chí Tác phẩm mới, Ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam và Ban
biên tập tạp chí Tác phẩm mới đã tổ chức cuộc trao đổi về vấn
đề "Văn học và hiện thực hôm nay". Quan hệ giữa văn học và hiện
thực là một trong những vấn đề cơ bản, lâu dài của lý luận và thực
tiễn sáng tác. Quan hệ giữa văn học và hiện thực hôm nay càng là vấn
đề thời sự nóng bỏng của đời sống văn học ta. Nhận thức như thế nào về hiện
thực xã hội và con người của chúng ta những ngày sôi động và phức
tạp này? Văn học đã làm gì, vừa qua và
bây giờ, cần và có thể làm gì trước hiện thực ấy? Đánh giá như thế nào cả một
dòng văn học (đặc biệt là văn xuôi) đậm tính "tả thực xã hội" - có
thể gọi như thế chăng? - Chúng ta đang có, phong phú, sinh động,
phức tạp? "Thiên chức" của văn học, cuối
cùng là gì, trước hiện thực và con người? Vai trò của hiện thực và vai
trò tích cực, chủ động của nhà văn trong khi biểu hiện hiện thực đó
trong sáng tác, là như thế nào? v.v... Cuộc trao đổi đã diễn ra sôi
nổi, thẳng thắn, dân chủ. Đã có những điều có thể thống nhất, hoặc
gần nhau. Cũng còn những ý kiến xa nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Đó là việc bình thường. Điều đáng mừng là các ý kiến đều xuất phát
từ những suy nghĩ từng được cân nhắc lâu dài, và với tinh thần trách
nhiệm, vì mong muốn tâm huyết cho một sự phát triển văn học lành
mạnh và phong phú, xứng đáng với những ngày sóng gió mà cũng rất
giàu triển vọng chúng ta đang sống. Tạp chí Tác phẩm mới xin
giới thiệu một số ý kiến trong cuộc trao đổi bổ ích này và xin được
giữ nguyên những chỗ khác biệt trong các phát biểu. (Một số anh chị
không trực tiếp đến dự cuộc họp, đã nhiệt tình gửi bài đến sau). Mong rằng chính những ý kiến
còn khác nhau, ở mức độ này hay mức độ khác sẽ gợi ý để chúng ta
cùng tiếp tục suy nghĩ trên đường đi tới. "Chân lý là đứa con gái của
tranh cãi, không phải đứa con gái của thiện cảm" - Trong một bài
viết của mình, có người đã nhắc lại câu nói chí lý ấy của một nhà
triết học. Mong ước của chúng ta là cuộc
"tranh cãi" sẽ được tiếp tục, chứ không phải sẽ dừng lại, tranh cãi
thẳng thắn và thân ái, với "thiện cảm" của những người thành tâm
muốn cùng nhau đi tìm chân lý.
HỮU MAI −
Đổi mới
và tự do sáng tạo
Công cuộc đổi mới đã mở ra
trước nhà văn một chân trời sáng tạo rộng lớn về đề tài cũng như chủ
đề, hình thức cũng như nội dung. Chúng ta không còn bị ràng buộc bởi
những điều cần kiêng cữ trước đây vì thắng lợi của sự nghiệp chiến
đấu cho độc lập, thống nhất, hoặc vì một vài quan niệm văn học giản
đơn, thô thiển. Qua mấy năm đổi mới, bình tĩnh nhìn lại, văn học đã
có nhiều khởi sắc nhưng nó vẫn chưa đạt được những thành tựu mà ta
hằng trông đợi. Và hiện nay, nó đang ở trong tình trạng khủng hoảng
về nhiều mặt, đáng lo ngại. Người đọc bỏ rơi chúng ta. Số lượng in
trung bình mỗi cuốn tiểu thuyết trước khi đổi mới là một, hai vạn
cuốn, nay còn lại là... một ngàn! (có lúc 500!) Khá nhiều nhà thơ,
nhà văn phải bỏ đồng tiền hiếm hoi của mình để in tác phẩm, chỉ mong
nó ra mắt bạn đọc mà không hy vọng thu lại vốn. Điều đáng buồn hơn
là sự xuống cấp, mà ai cũng nhận thấy, về chất lượng của những tác
phẩm văn học nói chung. Tự do sáng tạo là điều kiện
sống còn đối với nhà văn. Nhưng không phải chỉ cần có sự tự do sáng
tạo là lập tức những tác phẩm hay sẽ xuất hiện. Ở nhiều nước xã hội
chủ nghĩa trước kia thường lưu hành lập luận coi sự lãnh đạo của
Đảng đối với văn học là sợi dây trói buộc nhà văn. Quả thật có những
vấn đề cần giải quyết trong mối quan hệ không đơn giản này. Nhưng
điều muốn nói tới ở đây là đã không thấy những tài năng phát triển ở
một số nước khi sự "trói buộc" đó không còn! Cũng nên cảm thông với
một số bạn đồng nghiệp của chúng ta. Họ có thể làm gì tốt hơn khi sự
bất công này được thay thế bằng sự bất công khác tệ hại hơn, cái xấu
này được thay thế bằng cái xấu khác ghê gớm hơn! Họ đang nghĩ gì khi
thấy rõ mình đã đánh đổi một cuộc sống tuy chưa sung túc, nhưng ấm
no, yên bình lấy một cuộc sống đói rét, mà mọi dục vọng thấp hèn của
con người được khơi dậy, dẫn tới sự hằn thù và những cuộc tàn sát
sắc tộc liên miên?... Sử dụng tự do sáng tạo như thế
nào để đạt được những thành tựu mới trong văn học là công việc hoàn
toàn không dễ dàng. Một số nhà văn đã tìm cái mới
trong khu vực đề tài, chủ đề ngày trước cần kiêng cữ. Rõ ràng đây là
những vùng đất mới, đối với văn học ta, chưa được khai thác. Nhưng
người đọc đã tỏ ra chóng chán với những món ăn mới này. Có những nhà
văn tìm cái mới trong hình thức biểu hiện. Sự khác lạ về hình thức
thường cuốn hút được sự chú ý ban đầu. Nhưng cái lạ nào về hình thức
cũng trở thành quen. Và hình thức tự nó không đủ để chinh phục người
đọc. Tai hại hơn là có những người lầm tưởng cái mới là những gì
không giống, hoặc ngược lại, cái đã có. Do đó, người ta chuyển từ
viết cái tốt trước đây sang viết cái xấu, từ viết cái tích cực sang
cái tiêu cực, từ cái thiện sang cái ác, từ cái thực sang cái giả,
v.v... Cũng có nhà văn đi tìm cái mới
ở một số trào lưu triết học, mỹ học phương Tây. Văn học phương Tây
đã mang lại cho chúng ta không ít những thành tựu quý giá, nhưng
tiếc rằng hiện nay cũng đang ở trong tình trạng khủng hoảng rất trầm
trọng. Tháng trước, Hội Nhà văn Việt Nam vừa đón tiếp một đoàn nhà
văn Pháp do bà Marie France Briselance, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn
Pháp, dẫn đầu. Trong khi trao đổi, chúng ta đã hỏi đoàn về sự đánh
giá của người đọc Pháp đối với nhiều nhà văn Pháp cận đại và hiện
đại. Các bạn cho biết: người Pháp ngày nay không còn đọc Victor
Hugo; chủ nghĩa nhân đạo của Aragon được coi là chủ nghĩa nhân đạo
của thời công xã Paris; triết học nhân sinh là "một nhánh của nền
triết học chết", cũng như triết học của Camus được xem là "triết học
của học sinh trung học", v.v... Điều quan trọng hơn là các nhà văn
Pháp cho biết họ đang phải đấu tranh với tệ nạn "văn phiệt" của một
số người có khuynh hướng phủ nhận toàn bộ thành tựu của văn học
trước đây, chủ trương bắt đầu một thứ văn học mới bắt đầu từ số 0! ở
Pháp từ nhiều năm nay, người ta đã bàn tới sự cáo chung của văn học.
Kết thúc một buổi trao đổi, nhà văn Alain du Grand nói: "Cái chủ yếu
của văn học, nói cho cùng, vẫn là vấn đề đạo lý". Tất cả những người
có mặt bữa đó đã đồng ý với anh. Tôi không nghĩ là sự khủng
hoảng của văn học là sự phản ánh tất yếu của cuộc khủng hoảng xã
hội. Lịch sử đã chứng minh không nhất định lúc nào cũng như vậy. Sự
khủng hoảng này có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng nhất,
theo tôi, là do chúng ta còn chưa xác định được những tiêu chí mới
về giá trị tinh thần trong lúc nhiệm vụ cách mạng đã thay đổi, và
chúng ta chưa xây dựng được hệ chuẩn giá trị cho văn học. Điều này
dẫn tới sự khủng hoảng về tư tưởng của nhà văn phản ánh trong những
tác phẩm của họ. Trong quá khứ cũng như hiện nay
không ít người lầm tưởng là có thể xây dựng một chế độ mới, một nền
văn hóa mới hoàn toàn độc lập với những gì đã có trước đó. Không một
xã hội nào có thể ngừng vận hành, dù chỉ trong giây lát, để người ta
làm lại tất cả từ đầu. Mọi đổi mới đều phải xây dựng trên những nền
móng đã có, chứ không phải trên chân không. Có thể nào văn học đổi mới của
ta lại là một cái gì đoạn tuyệt với quá khứ, với văn học dân tộc? Và
đối lập với văn học cách mạng, kháng chiến, một bộ phận của văn hóa
mới gắn liền với chủ nghĩa yêu nước và lý tưởng của chủ nghĩa xã
hội? Nền văn hóa mới đó đã tạo nên cả một thế hệ những con người kỳ
vĩ, những nhân cách lớn, những giá trị tinh thần mới, hoàn thành
nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc và góp phần làm thay đổi bộ
mặt thế giới. Nó phục vụ quảng đại quần chúng, và là của họ. Đó là
loài người cần lao, những người còn đang chịu đựng bất công, đói
nghèo, đau khổ. Nếu tách khỏi họ, văn học sẽ không còn tính nhân văn
của nó. Một thứ văn học phục vụ cho chủ nghĩa cá nhân cực đoan, vị
kỷ, quay lưng lại với số đông là không có tương lai. Sự suy đồi về đạo đức xã hội
hiện nay có nguyên nhân ở nền kinh tế thị trường mà chúng ta buộc
phải lựa chọn (cách đây không lâu, nhiều người còn cho rằng có kinh
tế thị trường thì sẽ có tất cả!). Nhưng nếu chỉ nghĩ là với kinh tế
thị trường sẽ không còn đạo lý thì vừa không đúng với thực tế vừa
hết sức nguy hiểm. Đạo lý không thể thiếu trong xã hội loài người để
góp phần bảo vệ sự tồn tại và phát triển của nó trong cuộc đấu tranh
với cái ác, với bất công. Nó đã tiến triển cùng với sự tiến triển
của lịch sử. Nó không bao giờ xa rời mục tiêu là làm cho cuộc sống
con người càng ngày càng tốt đẹp hơn. Văn học, một nhu cầu tự bộc
lộ, hưởng thụ của con người, đã tồn tại và phát triển vì nó cũng
mang cùng mục tiêu: vì tự do, hạnh phúc của con người. Nếu xa rời
những mục tiêu này, văn học sẽ khó có cơ may để tồn tại.
Để khắc phục sự khủng hoảng về hệ chuẩn
những giá trị thẩm mỹ hiện nay, có nhất thiết phải đi tìm những tư
tưởng mới ở đâu xa? Những chuẩn mực của văn học, theo tôi, vẫn không
nằm ngoài cái Chân,
cái Thiện,
cái Mỹ
mà ta đã biết từ lâu, và trong thời đại
ngày nay không thể không gắn với chủ nghĩa nhân văn cộng sản.
Tự do sáng tạo trong văn học, cũng như mọi
thứ tự do khác, không bao giờ là vô hạn độ, cũng không bao giờ ở
dạng hoàn thiện. Nó luôn luôn tiến triển theo những điều kiện, quy
luật của lịch sử. Tự do sáng tạo của nhà văn trong đổi mới không thể
vượt ra ngoài ranh giới của cái
Chân, cái
Thiện và
cái Mỹ.
NGUYỄN KIÊN
− Vấn đề là đôi mắt
Trước hết tôi nghĩ rằng ở thời điểm hiện
tại có cái xấu, cái ác, hay nói theo lối nói thông dụng là cái tiêu
cực đang quấy nhiễu và chưa có vẻ gì là đã bị đẩy lùi. Chính hiện
thực khách quan ấy tràn vào những trang sách. Còn thị trường sách
thì sao? Nó ồn ào, nhốn nháo như một cái chợ. Giữa cảnh xô đẩy và
chen lấn, có kẻ làm ăn chụp giật để kiếm tiền, có người cũng muốn
làm văn chương nhưng lại nghĩ rằng để thiên hạ phải chú ý đến mình
thì cần khác lạ, cần hò hét hoặc gai ngạnh lên v.v... Ngụy
biện và dùng xảo thuật thì không còn là chuyện văn chương, đời sống
hiện ra trên trang sách thành ra méo mó, không thuyết phục. Tuy
nhiên, vấn đề đặt ra không phải là gia giảm liều lượng theo kiểu pha
chế, nhiều cái ác quá thì cho thêm cái thiện vào, giống như canh mặn
quá thì đổ thêm nước vào, hay là ngược lại, v.v...
Trước đây, trong cơn hoang tưởng của một
thời, tôi có viết một truyện ngắn trong đó tả một đám ma, người ta
khiêng cái tư hữu
đi chôn, có đủ kèn trống và tiếng khóc não
nùng. Hóa ra là không thể chôn cái đó, dù cái đó hiển nhiên là mối
nguy cơ dẫn tới đủ thứ tệ nạn như ích kỷ, giả dối, cướp đoạt v.v...
Bởi vì cái đó, cái tư hữu,
cũng hiển nhiên không kém, là một động lực của sự phát triển. Rút
cục, vấn đề đặt ra có lẽ vẫn là cái có vẻ như muôn thuở: hãy nhìn
nhận và biểu hiện cuộc sống một cách thấu đáo, trong sự vận động đầy
mâu thuẫn của nó. Nhà văn phải là người chứng - của một thời - người
chứng chủ động tham gia vào tiến trình phát triển, bằng tác phẩm của
mình, theo cách riêng của mình. Số lượng các chi tiết về sự thiện
hay sự ác trên trang sách chẳng qua chỉ là bề nổi của tác phẩm mà
thôi.
Các nhà cổ điển dạy chúng ta được nhiều
điều. Ai yêu dân tộc mình hơn Lỗ Tấn khi ông thành thật đến đau đớn
chỉ ra rằng lịch sử dài dằng dặc của Trung hoa là bữa tiệc thịt
người và chỉ ra cái thuyết "thắng lợi tinh thần" nơi chú AQ. Người
Trung Hoa cùng thời không phải ai cũng hiểu ông. Ai viết nhiều trang
u ám hơn Dostoevski, nhiều đến mức chính Gorki đã không công bằng
coi ông là một thiên tài độc ác. Nhưng cũng chính các nhà văn
Xô viết
thời Liên Xô còn tồn tại, nhiều người đã trở lại với cái nhân bản
thấm nhuần trong những trang sách - có phần rối rắm của ông. Gần
đây, nhân có chuyện tranh cãi "Văn nghệ có chức năng giải trí
không?" Tôi chợt nhớ đến câu cuối của truyện Kiều. Cụ Nguyễn Du đã
đặt vào đó hai chữ "mua vui" - có nghĩa là văn chương nghệ thuật
đương nhiên có để "mua vui" đồng thời lại có cái gì đó lớn hơn là để
"mua vui". Câu chữ của cụ cứ như bỡn cợt mà rõ rành.
Hôm nay tôi cũng nhớ đến Nguyễn Minh Châu.
Mấy năm cuối đời, anh Châu rất hay nhắc đến Nam Cao, nhắc đến sự chú
tâm của Nam Cao miêu tả cái đói, cái nghèo và cái đó đã gặm nhấm, đã
tàn phá nhân cách ra sao? Bởi thế chăng mà hôm nay chúng ta có thêm
Khách ở quê ra
và Phiên chợ Giát
trong đó hiển hiện lên thân phận một con người suốt cả đời phải "bới
đất lật cỏ" (chữ của anh Châu) mà vẫn không thoát ra khỏi mối lo
miếng cơm manh áo hàng ngày. Ở đây không có chuyện tốt - xấu, tích
cực - tiêu cực phân chia ra một cách máy móc. Ở đây là cuộc sống và
chỉ là vậy mà thôi.
Nhà văn phải tự chịu trách nhiệm trong cảm
nhận và thái độ của mình trước cuộc sống. Tựu trung lại vấn đề là
"Đôi mắt" theo như tên gọi một truyện ngắn của Nam Cao. Cái anh
chàng "tôi" trong Đôi mắt
thực ra cũng không có lý lẽ gì nhiều, dường như do trực giác mách
bảo mà anh ta đi theo đại nghĩa của dân tộc đang cuồn cuộn dâng lên
người sáng tác, tôi tin vào trực giác. Một nghệ sĩ chân chính, hết
lòng vì đất nước, vì nhân dân mình sẽ được trực giác mách bảo làm
gì, viết gì, viết ra sao.
LÊ MINH KHUÊ
− Viết về cái ác cũng là một cách thức tỉnh nhân tính
Sự phản kháng của nhà văn trước mặt tiêu
cực của xã hội hiện nay tập trung ở các tác phẩm, gọi một cách nôm
na là viết về cái ác. Đã có nhiều tác phẩm quả là rùng rợn. Tác giả
có thời gian miêu tả hiện thực một cách tự nhiên, đôi khi cũng là
phản tác dụng. Nhưng nếu như cái ác trong đời sống được nhìn qua
lăng kính lòng tốt của nhà văn, nó sẽ có cái gì đó như sự thức tỉnh
nhân tính của đồng loại, làm cho con người tự ghê tởm thú tính của
mình và sẽ đỡ ác hơn chăng? Vì vậy những truyện ngắn, tiểu thuyết
thành công trong mảng đề tài này quả là đã có sức lay lộng lớn lao.
Truyện Không có vua
của Nguyễn Huy Thiệp là một đơn cử - tác giả là một trong những
người mở đầu cho cách nhìn mới về mảng đề tài này. Nhà văn miêu tả
tính thú vật trong con người quả là tài tình đến mức cái ác trở nên
thảm thương, con người quẩn quanh trong những cái nhỏ nhặt, độc địa
và không biết thoát ra bằng cách nào. Truyện ngắn đã có sức mạnh
thức tỉnh tâm thức của con người và đặt ra câu hỏi lớn: tại sao con
người cứ làm khổ nhau mãi và sao con người cứ khốn khổ mãi như vậy?
Câu hỏi đặt ra, có thể khóc được. Gần đây có một loại truyện ngắn
của các tác giả, một cách đậm đặc hoặc điểm xuyết, các anh cũng đề
cập tới vấn đề con người bức bối, gầm gừ và quay lại cắn xé lẫn
nhau. Bởi vì không thể né tránh. Bởi vì cái ác trong xã hội ta có
tính báo động. Tham nhũng, buôn lậu là tội ác... Từ những cái đó,
cho đến sự đâm chém, hại nhau giữa hàng xóm láng giềng, giữa cha con
vợ chồng... Đó là những cái nhìn thấy. Còn biết bao nhiêu cái ác ẩn
giấu, tàn phá tinh thần con người. Cái ác như nấm độc, như cỏ dại
đang hủy hoại cộng đồng, báo hiệu sự suy kiệt khủng khiếp về văn
hóa, báo hiệu sự mất trắng về đạo đức truyền thống của một dân tộc.
Có lẽ không ở đâu trên hành tinh này có sự sùng bái đồng tiền mù
quáng như ở xứ ta. Bởi vì càng giàu thì nhiều kẻ càng tham lam và
càng có nhiều tiền thì càng ác. Chúng ta nhìn thấy rõ hàng ngày là
cái ác đang kéo cộng đồng quay lại cuộc sống bầy đàn, thú tính mạnh
hơn nhân tính và ai cũng cố tỏ ra mạnh hơn đồng loại bằng cái ác. Có
lẽ cứ như thế này, chúng ta sẽ không cần chiến tranh, không cần
thiên tai, chúng ta sẽ tự hủy diệt mình. Nhà văn, với trách nhiệm công
dân của mình, không thể làm ngơ trước một thực trạng xã hội như vậy.
Các tác phẩm trong mảng đề tài này, có thể chưa đạt đến mức thành
công về văn học, nhưng công bằng mà nói, đó là những ghi chép sinh
động về một khoảng thời gian chúng ta đang sống. Cuộc sống không thể
chỉ ghi chép một cách đơn thuần như là chụp ảnh, nhưng nếu như không
còn cách nào khác, chúng ta cũng nên để cho một thứ ảnh ấy tồn tại
song song với các loại hình khác. Nói như vậy, để thấy rằng các mảng
đề tài khác cũng có mất đi đâu. Đó là những vấn đề cao cả về cái
sống, cái chết, về tình yêu, về thân phận con người. Và vẫn có các
tác giả với những cách viết khác nhau, có nước mắt, có trăng thanh
gió mát, có hẹn hò... có tất cả cái sắc thái của đời sống chứ không
có gì bị lấn át, bị chìm lấp. Bởi vì cuộc sống cũng cần cả những
điều đó. Bởi vì cuộc sống cần phải được lý giải tất cả, tiếng khóc,
tiếng cười, nỗi đau đớn và hạnh phúc. Không có lý nào tất cả trạng
thái tinh thần của một xã hội lại không in dấu trong các tác phẩm
văn học. Viết về cái ác không phải là tán thành hoặc phản kháng một
cái gì. Cũng không phải là lời biện bạch hay tự vệ, cũng không có
tính luận chiến hoặc ám chỉ. Nó chỉ đơn thuần là một mảng đề tài cần
phải đề cập qua cái nhìn của nhà văn đối với cuộc sống. Hy vọng mong manh rằng, miêu tả
cái ác để có thể chăng, một tí chút nào đó thức tỉnh nhân tính của
đồng loại.
HÀ XUÂN TRƯỜNG
− Không "có một thời..." như thế
Đánh giá là một công việc bắt đầu, một
công việc rất cơ bản phải làm tốt thì mới có được định hướng đúng.
Đánh giá đúng bất cứ trên lĩnh vực nào cũng là việc khó. Riêng đối
với văn học, nghệ thuật, đánh giá đúng lại khó hơn nhiều. Để giải
tỏa được khó khăn, thì yêu cầu trước hết là phải có
tư liệu chính xác,
phải hiểu cho đúng
những hiện tượng, những sự kiện đã diễn ra. Trong văn học nước ta hiện nay
đang có nhiều sự bất đồng. Những sự bất đồng ấy không phải mới nảy
sinh hôm nay, mà có từ lâu, thậm chí rất lâu. Những bất đồng nổi lên
là từ vài ba năm sau ngày miền Nam được giải phóng, cả nước đi theo
con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều đó được giải thích bằng
yêu cầu mới của một giai đoạn mới của cách mạng: giai đoạn xây dựng
đất nước trong hòa bình, sau hai cuộc chiến tranh lâu dài và gian
khổ với bao hậu quả của chiến tranh, lại thêm sự bao vây kinh tế và
sự thù địch về chính trị của các thế lực đế quốc và phản động quốc
tế. Bất đồng trong văn học nghệ thuật, không có phương pháp nào khác
để giải quyết ngoài tranh luận; tranh luận trên tinh thần đồng
nghiệp, đồng chí. Tôi nhớ một câu nói của nhà triết học Pháp, Gaston
Bachelard: "Hai người, nếu họ muốn nghe nhau thực sự, thì trước tiên
họ phải nói trái nhau. Chân lý là đứa con gái của tranh cãi, không
phải đứa con gái của thiện cảm". Về sự bất đồng và giải quyết
bất đồng trong nội bộ, phong trào, Lênin đã lý giải rất hay: "Những mâu thuẫn nhỏ và những
bất đồng nhỏ thường gây ra những mâu thuẫn và bất đồng lớn, khi mà
người ta cứ khư khư giữ cái sai lầm nhỏ và cứ ra sức không sửa chữa
nó hoặc khi những người phạm sai lầm lớn, cứ chĩa mũi nhọn vào sai
lầm nhỏ của một người hoặc một số người khác. Những sự bất đồng và chia rẽ
thường bao giờ cũng phát triển như vậy.
... Tất cả đảng viên cần phải nghiên cứu
một cách hết sức bình tĩnh và thận trọng: 1- Thực chất của những sự
bất đồng; 2- Sự phát triển của cuộc đấu tranh trong Đảng. Cần nghiên
cứu cả hai điểm đó, vì chính ngay thực chất của những bất đồng đó
phát triển, thể hiện rõ ra, trở thành cụ thể (và thường biến hóa)
trong quá trình đấu tranh, là quá trình mà qua các giai đoạn khác
nhau, luôn luôn cho chúng ta thấy thành phần
khác nhau
và số lượng khác nhau
những người tham gia đấu tranh, những lập trường
khác nhau
trong cuộc đấu tranh v.v... Cần phải nghiên cứu cả hai điểm đó, nhất
thiết phải đòi hỏi những tài liệu chính xác nhất, đã được in ra và
có thể kiểm tra toàn diện. Người nào tin vào lời nói đầu lưỡi, thì
người đó là kẻ ngu ngốc thật sự không còn trông mong được gì nữa.
Nếu không có tài liệu thì cần phải chất vấn những người biết rõ sự
việc của hai hay của nhiều bên hữu quan, tuyệt đối phải "chất vấn kỹ
càng" và chất vấn trước mặt những người làm chứng"[i].
Lênin nói chính trị, tôi nghĩ về văn học cũng như vậy. Ở nước ta, từ sau Đại hội VI
của Đảng, và sau Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về "đổi mới và nâng
cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát
huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển
lên một bước mới" (28-11-1987), một không khí thảo luận khá sôi nổi,
từ đánh giá nền văn học qua các thời kỳ, đến quan hệ giữa văn học và
chính trị, chức năng văn học, sự lãnh đạo của Đảng trong văn học
v.v... nói tóm lại gần như toàn bộ các vấn đề văn học, nghệ thuật từ
trước tới nay. Giải quyết những vấn đề lớn như
vậy mà không có một sự nhìn nhận khách quan có tính toàn cục lịch sử
phát triển của nền văn học nước nhà, đánh giá chúng một cách kỹ
lưỡng, nghiêm túc thì tất yếu sẽ là tính tự phát, tùy tiện gây nên
tình trạng lộn xộn, làm cho những tiếng nói chân chính có trí tuệ,
những khuynh hướng lành mạnh không thể có chỗ xứng đáng trong sự
phát triển văn học. Trong lúc đó tình trạng biệt phái, thiếu tin cậy
lẫn nhau trong giới lý luận, phê bình, giữa lý luận phê bình và sáng
tác, và ngay cả giữa một số người có trách nhiệm tham mưu, chỉ đạo
với một số anh chị em làm văn học, kéo dài làm cho tình hình thêm
phức tạp, tưởng như không bao giờ giải quyết được "anh đi đường
anh", "tôi đi đường tôi".
Một số người khi so sánh tình hình hiện
nay và trước kia, bắt đầu bằng một câu như nhận định chắc nịch: "đã
có một thời minh họa..." "đã có một thời bắt văn nghệ phục vụ kịp
thời...", "đã có một thời văn nghệ chỉ biết ca ngợi...", "đã có một
thời phê bình quyền uy...", "đã có lúc chúng ta rơi vào tình trạng
hình như chúng ta có hai đảng, đảng làm và đảng duyệt", v.v. và
v.v... Cứ như thế người viết không cần đọc, tra cứu xem trước đó ai
đã bàn, đã nói về vấn đề này, vấn đề kia, như thế nào, làm như mọi
vần đề cần đổi mới đều bắt đầu từ hôm nay, từ đầu ngòi bút của họ.
Mãi cho đến gần đây, các tác giả còn nói: "...một thời gian trước
đây, người ta kiêng kỵ biểu tượng", "một hồi, văn chương chỉ có một
nghĩa..."[ii];
có người còn viết: "Nhiều năm qua do áp lực nặng nề của quan điểm
"văn học phản ánh hiện thực" được hiểu một cách giản đơn, phần lớn
các tác phẩm văn xuôi nước ta thiên về mô tả hiện thực nhằm tạo ra
một bức tranh về đời sống xã hội... Điều đó làm cho bức tranh văn
học có phần nghèo nàn, đơn điệu"[iii].
Những nhận định như vậy không phải từ nhiều người, nhưng tạo nên một
ấn tượng lệch lạc là văn học Việt Nam ở dưới một chế độ chuyên chế,
bị trói chặt, nhà văn bị theo dõi. Điều đáng nói hơn nữa, một số
người theo cách hàm hồ như thế lại đang hàng ngày giảng giải cho bao
nhiêu sinh viên, là những người được giao cho soạn sách giáo khoa
văn học. Những bài nói lại phê phán những lập luận phiến diện, cực
đoan không thấm vào đâu. Nếu đó là việc riêng của một số người thì
chúng ta hơi đâu mà bận tâm. Nhưng khi lập luận kiểu như vậy, lại
ảnh hưởng ngày một rộng ra, rộng tới các trường đại học, đến các lớp
phổ thông, thì nó đã trở thành
quốc gia, không thể xem thường
được. Một khi người ta công khai, dùng việc đổi mới sách giáo khoa
văn học để đưa "Tuyên ngôn độc lập" ra khỏi văn học, coi đó là chính
trị, thì "logic" ấy sẽ có thể áp dụng cho văn học trực tiếp phục vụ
cách mạng và kháng chiến. Và "logic" đó nếu được ngự trị thì chắc
chắn sẽ đụng đến các áng văn bất hủ của dân tộc, "Nam quốc sơn hà
Nam đế cư" của Lý Thường Kiệt,
Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo,
Bình Ngô đại cáo
của Nguyễn Trãi... với nội dung 100% là chính trị. Tôi chưa nói đến
một tình hình khác liên qua. Trong khi người ta xét nét từng ly từng
tý đối với văn học cách mạng và kháng chiến thì người ta lại rộng
rãi "không bờ bến" đối với các dòng văn học không cách mạng. Tôi
muốn nói ngay rằng, theo tôi, những khái niệm "văn học cách mạng",
"văn học không cách mạng" là để chỉ những trào lưu văn học gắn bó
hay không gắn bó với cách mạng, chứ tuyệt đối không chỉ lấy điều
kiện chính trị cách mạng hay không cách mạng để quyết định tất cả
giá trị văn học. Theo tôi, trước đây trong quan điểm có phần cứng
nhắc, giáo điều nên sự đánh giá chưa được toàn diện, đầy đủ, thiếu
công bằng về các trào lưu văn học không cùng đi với cách mạng. Song
không phải vì thế mà lật lại toàn bộ, bất chấp lịch sử, bỏ sang một
bên những hoàn cảnh cụ thể nảy sinh ra những phong trào đó, cả những
chuẩn mực tư tưởng, đạo đức của tác phẩm và khuynh hướng. Đối với
các nhà văn thuộc cả hai thời kỳ "tiền chiến" và sau cách mạng, thì
có một cách nhìn nhận thiên hẳn về thời kỳ "tiền chiến", coi đó mới
là thời kỳ "văn học, đích thực". Thật không thể hình dung được một
Nguyễn Tuân, nếu không tính đầy đủ những tập bút ký vừa sống động,
vừa dí dỏm về đánh Pháp, đánh Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội chiếm
hơn nửa đời viết văn của ông; càng không hiểu được ông nếu tước mất
sự tự hào của ông khi thành người đảng viên cộng sản. Cũng như hiểu
Hoài Thanh chỉ ở Thi nhân Việt Nam
thì khác nào tự che mắt mình trước một Hoài Thanh lớn hơn nhiều của
văn thơ cách mạng và kháng chiến. Hiểu phong trào
Thơ Mới
mà chỉ dừng ở một cuộc cách mạng trong thơ, mà không chú ý tới các
giòng tích cực và tiêu cực của phong trào thơ mới, hơn nữa quên đi
một giòng thơ mới khác, giòng thơ mới cách mạng mà Tố Hữu là ngọn cờ
thì làm thế nào để hình dung được toàn diện kết quả tất yếu của dòng
thơ này, tức là đã cắt thơ mới khỏi mọi yêu cầu đổi mới rất thực
chất của thơ. Giảm nhẹ thơ Tố Hữu giảng dạy trong nhà trường đúng
vào phần thơ trong Gió lộng, Ra
trận, Máu và hoa[iv]
là điều khó chấp nhận.
Văn học tự thân nó không có lịch sử nếu
đứng một mình tách rời khỏi cuộc sống, bối cảnh xã hội, đặc biệt là
bối cảnh đấu tranh chính trị. Chỉ chiếu theo văn bản, tôi thấy từ
sau 1945, ngay trong khói lửa của hai cuộc chiến tranh, khi đề cập
về vấn đề văn học, nghệ thuật, không lần nào đồng chí Trường Chinh -
một trong số đồng chí lãnh đạo thay mặt Đảng phát biểu về văn hóa,
văn nghệ - không phê phán các hiện tượng giản đơn, sơ lược, công
thức, một chiều, hình thức chủ nghĩa tự nhiên chủ nghĩa, tô hồng,
bôi đen trong văn học, nghệ thuật. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp đang rất cần những sự động viên, cổ vũ kịp thời bằng
văn học, nghệ thuật, Đảng cũng không cấm "những tác phẩm làm kỹ và
lâu để cho nghệ thuật được trau dồi và nâng cao hơn"[v]
và yêu cầu làm kịp thời cũng phải có nghệ thuật (tác giả phân biệt
nghệ thuật và nghệ thuật tuyên truyền). Trong Đại hội Văn nghệ toàn
quốc lần thứ II- 1957, Trung ương tự phê bình về lãnh đạo văn nghệ
của Đảng. Đọc lại phần tự phê bình đó, tôi có cảm giác giống nội
dung hiện nay chúng ta đang phê bình lãnh đạo của Đảng đối với văn
nghệ. "Về lãnh đạo sáng tác, đã có những quan điểm đơn, thiển cận về
vấn đề văn nghệ phục vụ chính trị, dẫn tới chỗ coi nhẹ trách nhiệm
cá nhân, ít khuyến khích sự suy nghĩ, tìm tòi của từng người trong
sáng tác; gò bó đề tài và hình thức nghệ thuật một cách hẹp hòi,
phiến diện...". Về đặc trưng của văn học, thì ở nước ta không ai
"kiêng kỵ biểu tượng", mà cũng không có hồi nào "văn chương chỉ có
một nghĩa"... Trong những yêu cầu đối với văn học, đồng chí Trường
Chinh đề ra một yêu cầu là chủ đề rõ ràng, không nên có "biểu tượng
hai mặt" với ý nghĩa không nên nói quanh khi phê phán những cái xấu
của chế độ. Đồng chí Trường Chinh viết: "Đừng có dùng biểu tượng hai
mặt và đừng để một câu văn hoa làm ra vẻ tiến bộ nào che giấu cái tư
tưởng lạc hậu. Ta có nhiều cái hay, cái đẹp, nhưng cũng có những cái
xấu thì ta cũng phải phê bình, mà nói thì nói thẳng, không việc gì
phải úp mở, quanh co". Lý luận chính thống của Đảng còn chấp nhận cả
ấn tượng, tượng trưng, thì sao lại không chấp nhận biểu tượng? Những điều ta phê phán hôm nay:
công thức, sơ lược, truy chụp, tô hồng, bôi đen, nghèo nàn... thiếu
dân chủ, quyền uy, v.v... đều có cả, đã xảy ra và cũng đang xảy ra.
Nhưng đó là những hiện tượng, là tình hình một nơi nào, trong một
hoàn cảnh cụ thể nào đó. Không thể coi đó là tình hình bao trùm,
khái quát lên thành "có một thời..." Ngay việc tìm nguyên nhân của
những sai sót đã mắc hay đang mắc cũng không nên giản đơn chỉ tìm ở
sự lãnh đạo của Đảng mà một số người quan niệm là "sự áp đặt chính
trị vào văn nghệ" hay chỉ tìm ở những thuyết như thuyết phản ánh hay
chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mà không ít người hiểu không
chính xác, thiếu quan điểm lịch sử.
Tôi cho rằng phương hướng lớn và những chủ
trương nói chung của Đảng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật là đúng
đắn, nhưng trong các quan điểm cũng như phương thức lãnh đạo, có
những vấn đề cần được xem xét lại, đổi mới và bổ sung. Hơn nữa vì
thiếu một hệ thống pháp luật cho lĩnh vực hoạt động phức tạp này,
nên việc thực hiện quyền tự do, dân chủ của người sáng tạo không
được rõ ràng. Có một tình hình là nhiều cấp ủy không hiểu đặc trưng
của văn học, cơ quan tham mưu giúp cấp ủy cũng không thạo về văn
học, nên lúc thì buông, lúc thì nặng về xử lý hành chính, dùng ngăn
chặn, cấm đoán làm biện pháp xử lý, tạo ra trong một số anh chị em
làm văn học tâm lý mình bị coi thường, phản ứng lại thì sợ cho là
phản kháng, không phản ứng lại thì ấm ức "tự thấy như mình hèn". Một
tâm lý như vậy chắc chắn không lợi cho sáng tác, phê bình, và tâm lý
bất mãn khó tránh được thể hiện trong tác phẩm. Có những vấn đề
thuộc về học thuật, nghề nghiệp nhiều khi có ý kiến từ một đồng chí
lãnh đạo, sau đó không được bàn bạc, vô tình như một sự "áp đặt",
mặc dù văn học vẫn theo quy luật của nó. Từ một việc nhỏ không được
giải quyết tốt ở nơi này, nơi kia, gây nên không khí chung "cường
quyền". Về quan điểm nghệ thuật, để giải quyết bất đồng, không có
giải pháp nào khác ngoài tranh luận. Chúng ta thường nói đến "văn
hóa tranh luận". Theo tôi có hai điều tiên quyết của văn hóa tranh
luận: 1 - Các luận điểm đưa ra, các nhận định, đánh giá phải có căn
cứ; 2 - bình đẳng, dân chủ. Tranh luận vì chân lý, trong tranh luận
không có cấp bậc, chức vụ. Văn học nước ta còn hiếm những cuộc tranh
luận bảo đảm được những điều kiện như thế. Có những ý kiến khác nhau
đăng lên báo, nhưng ít có tranh luận. Khuyết điểm không thể đổ cho
lãnh đạo, mà ở chúng ta, trước hết là ở những tờ báo, tạp chí văn
học và những nhà văn, nhà phê bình. Mong ước có những cuộc thảo
luận, tranh luận thực sự. Cuộc thảo luận về cuốn sách
Lý luận và văn học
của Lê Ngọc Trà là một khuyến khích theo hướng mà có lẽ tất cả chúng
ta mong muốn.
Đổi mới là quy luật nội tại của văn học.
Từ văn học chữ Hán sang văn học chữ Nôm, từ văn học chữ Nôm sang văn
học quốc ngữ, đó là một chặng đường đổi mới rất quyết định của văn
học nước ta, là những cuộc "cách mạng" trong ngôn ngữ và văn học dân
tộc. Thơ mới, văn chương lãng mạn, văn chương hiện thực phê phán...
đều là những bước cải cách lớn trong nền văn học nước nhà... Tôi
muốn nói tới hai thời kỳ đổi mới
rất cơ bản của nền văn học dân tộc
từ 1930 trở lại đây. Thời kỳ sau 1945 và thời kỳ sau 1975. Cách mạng
Tháng Tám thành công phá bỏ mọi sự cấm kỵ trước đây của thực dân đối
với văn học. Sau 1945 nhà văn được tự do ca ngợi đất nước, tự do thể
hiện những tình cảm lớn đối với Tổ quốc, đồng bào. Truyền thống
chiến đấu yêu nước của văn học Việt Nam được thể hiện hùng hồn trong
hai cuộc kháng chiến thần thánh, tạo nên một thời kỳ văn học rực rỡ
của dân tộc. Đúng rằng trong văn học thời ấy cái hiện thực "đau
thương mất mát" bị lướt qua, những tình cảm riêng tư của con người
bình thường bị nén lại, nhưng đó là sự kiềm chế có ý thức của những
nhà văn - chiến sĩ phục vụ cho mục đích cao cả của dân tộc là chiến
thắng. Tác phẩm văn học của thời kỳ đó là ý chí, là tâm hồn của nhà
văn, nhà thơ một lòng vì dân tộc, vì Đảng. Không thể coi đó là sự
đối lập giữa cộng đồng và cá nhân. Thời kỳ văn học chiến tranh của
nền văn học dân tộc Việt Nam đã đứng trong nền văn học dân tộc và
văn học thế giới như một kỳ công, một cống hiến vĩ đại của đội ngũ
nhà văn Việt Nam. Trách nhiệm của công tác lý luận và phê bình là
phát huy được liên tục cái cảm hứng vĩ đại ấy vào văn học và vào
cuộc sống hôm nay. Sau 1975, trước yêu cầu mới của
cuộc sống, bước sang một giai đoạn mới của cách mạng, văn học nước
ta lại bước sang một thời kỳ đổi mới lần thứ II mà Đại hội VI của
Đảng là cái mốc chính trị khẳng định sự đổi mới và mở rộng toàn diện
sự đổi mới. Mặc dù còn bao khuyết tật tồn
tại đến mãi hôm nay, chúng ta đã có một thời kỳ văn học rực rỡ đáng
tự hào, là niềm khích lệ cho những sáng tạo hôm nay. Để đổi mới thực
sự, đúng hướng, việc soát lại các quan điểm, đánh giá lại một cách
khách quan, khoa học các thời kỳ văn học không những là cần thiết mà
còn cấp bách. Vì đổi mới văn học không phải là một sự cắt đứt với
lịch sử, mà là một sự kế tục lịch sử ở một mức độ cao hơn, hoàn
thiện hơn.
PHONG LÊ
− Đôi điều trao đổi
Lý luận bao quát về chủ nghĩa
xã hội đang có khó khăn, nhiều mặt phải nhận thức lại. Lý luận bộ
phận về văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa không thể không có lúng
túng, trên không ít vấn đề cơ bản. Việc tìm tòi cho ra cái đúng, cho
ra cái chân lý là cần, là khẩn thiết, nhưng là khó; khó nên mới phải
cùng nhau tìm kiếm, và phải biết chờ đợi và tôn trọng lẫn nhau. Định hướng lý luận như thế nào
cho thoát ra khỏi lúng túng, là còn gay go; dự kiến phương hướng
phát triển cho nó một tương lai gần hoặc xa là điều cần được cùng
nhau cân nhắc, bàn bạc. Ở khu vực khoa học xã hội, nơi tôi công tác,
nhiều đơn vị đang được nhận những tài trợ của nước ngoài (ngoài
"phe" xã hội chủ nghĩa cũ), hoặc nhận những học bổng đào tạo cho cán
bộ khoa học xã hội, dân tộc học, nhân học, văn học, quản lý hành
chính, quản lý kinh doanh, luật, ngoại giao... Cần suy nghĩ và đánh
giá như thế nào về các kết quả, và về sự hình thành đội ngũ mới này,
có thể nói gần như đang được đào tạo mới, hoặc đào tạo lại, rõ ràng
là theo những dạng, những mô hình có khác với các cách ta hình dung
và mong mỏi trước đây. Không thể không thấy con đường
đi trong mấy chục năm qua, trên phương hướng xây dựng và phát triển
xã hội là có mặt chật chội. Chính do vậy mà có công cuộc Đổi mới do
Đảng khởi xướng, và có yêu cầu "cởi trói" cho văn nghệ. Ta đang tìm
hướng mở trên tất cả mọi khu vực, và do vậy, tôi nghĩ mọi tìm tòi
cần được khuyến khích, nếu có sai hoặc sơ hở thì cần tạo không khí
thân ái để trao đổi chứ tuyệt đối không nên đối phó theo cách quen
thuộc như nhiều năm trước đây. Tôi đã có dịp sinh hoạt với
nhiều giới văn hóa, khoa học; cũng đã có lần được gặp gỡ, trình bày
ý kiến với các đồng chí có trách nhiệm cao ở các cấp trên; nói chung
những dịp đó đều ít nhiều có tự do và cởi mở trong suy nghĩ. Nhưng ở
giới nhà văn ta, mỗi lúc gặp nhau tôi thấy thiếu một không khí tin
cậy. Chúng ta bắt bẻ, thắt buộc, quy chụp nhau quá nhiều. Trước đây trong sáng tác ta
thường bàn về Tốt-Xấu, Mới-Cũ; gần đây ta nâng lên Thiện-Ác, cả
trong sáng tác và lý luận - phê bình. Điều này không có gì là xa lạ.
Bởi lẽ nó là vấn đề muôn thuở trong cuộc đời. Tôi cho rằng công cuộc
đấu tranh với cái Cũ, cái Xấu, cái Ác, là trường tồn với con người.
Một thời chúng ta quen nhấn mạnh một phía của sự thật, trong khi sự
thật toàn vẹn là hai phía, hoặc nhiều hơn. Một thời ta nhấn mạnh ưu
thế của chủ nghĩa lạc quan, mà xem nhẹ các bi kịch, hoặc che giấu
các nghịch lý và mâu thuẫn. Cuối cùng thì sự nghiệp mà chúng ta theo
đuổi, dẫu thành công là cơ bản, cách mạng là đi từ thắng lợi này
sang thắng lợi khác, lại sa vào các nguy cơ. May mà trong sự nghiệp
Đổi mới ta đã đứng được; và sự thật này, dẫu còn rất nhiều âu lo,
vẫn rất cần được xem là điểm tựa. Tôi nhìn cuộc sống cố gắng
không bi quan, nhưng đầy âu lo. Và tự nhắc nhủ mình, cũng là mong
cho bạn bè đồng chí của mình không ai được phép quan liêu trước sự
thật. Cuộc sống như hôm nay ta đang trải, đang chứng kiến, quả là cả
một áp lực đồ sộ và ghê gớm, còn hơn cả những năm trước đây, là
những năm ta chỉ lo giành phần thắng trong chiến tranh. Vào những
năm ấy, hẳn không ai tiên đoán được cuộc sống hòa bình, với sự
nghiệp xây dựng, phát triển đất nước lại muôn phần nặng nề và gay go
như thế này đâu! Trở lại câu chuyện Thiện-Ác,
tôi cho rằng chúng ta còn phải chấp nhận sự tồn tại lâu dài, thậm
chí chưa biết lúc nào là cùng của nó; và xem ra cuộc chiến với nó
không chỉ là dai dẳng mà còn là khốc liệt. Nói như vậy không phải để
hô cái Ác muôn năm, và để chủ trương con người không cần hướng về
cái Thiện. Nói cái Ác muôn năm họa là người điên!
Nhìn vào văn học hôm nay tôi thấy đang
hình thành một cảm hứng mới về sự thật, và một khát vọng lớn về dân
chủ. Sự thật được khơi sâu vào nhiều tầng hơn, và nhu cầu dân chủ là
khẩn thiết hơn. Với bức tranh chung của cuộc sống thì quả là không
thiếu một số màu ảm đạm, nhìn vào không dễ lạc quan. Nhưng phần tôi,
tôi cũng không bi quan. Tôi không đứng ở phía nào trong cả hai cực:
bi quan và lạc quan. Vì tôi cho rằng lịch sử và cuộc sống là đi giữa
hai cực ấy. Lịch sử dân tộc là vậy, và lịch sử văn học cũng vậy.
Lịch sử dân tộc đã từng được nhấn mạnh với
Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô.
Nhưng lịch sử cũng có Chinh phụ
ngâm và
Đoạn trường tân thanh.
Lịch sử gần hơn có "hào khí Đồng Nai", nhưng lịch sử cũng đã có
những trang bi thảm, với mặc cảm tự ti, xấu hổ, nhục nhã ở Cao Bá
Quát, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, rồi hai cụ Phan đầu thế kỷ.
Có người nói, rồi thì lịch sử chỉ lưu lại
Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô,
còn thì sẽ quên đi mọi thứ khác.
Tôi lại không nghĩ như vậy. Lịch sử là công bằng, là gồm cả hai mặt.
Chỉ có điều ta thường quen khai thác một mặt, hoặc đã cố tình quên
đi những mặt khác. Tôi không đánh giá thấp lịch
sử, và cũng không bi quan gì trước cái bi quan này của lịch sử - ở
các tiền nhân, và cả ở hôm nay. Không phải chỉ có niềm tự tôn và tự
hào, mà chính mặc cảm tự ti, xấu hổ cũng đã từng là động lực cho dân
tộc phát triển, cũng như không ít dân tộc khác; và như vậy, nếu hôm
nay, âm điệu phê phán và đau buồn có lúc nổi trội, thì cũng là điều
tự nhiên; phần tôi, tôi không bi quan gì về nó cả. Tôi tìm thấy sự hưởng ứng từ
hai phía của công chúng đối với các sáng tác hôm nay: khen và chê,
đồng tình và phản đối; nhiều luồng dư luận không chỉ khác nhau, mà
còn là ngược nhau. Kể cả các giải thưởng được trao bởi các Ban Giám
khảo hoặc Ban Chấp hành, có tư cách đại diện cho Hội cũng gây nên
tranh luận, hoặc không đồng tình. Thì biết làm sao, nếu ta chấp nhận
đó là lẽ tự nhiên và cũng là quy luật thường tình của đời sống văn
học sôi động, đầy trăn trở, còn đang đi tìm một hướng mới trong cái
định hướng bao quát chung là chủ nghĩa xã hội mới còn đang là đường
viền, trong sự tan vỡ của mô hình cũ.
Lý luận có khó khăn, nhưng tôi lại không
bi quan về phê bình. Kết quả các giải thưởng văn học ở các báo, tạp
chí cơ quan vừa qua là sự thể hiện một quan niệm mới về lý luận đang
hình thành, một cách cảm nhận về phê bình có thay đổi. Hoạt động của
phê bình lâu nay trên mặt báo, mới chỉ thể hiện một phần nhỏ, và có
khi sai lạc về tiềm năng của nó. Phê bình đang hiện diện trong các
hội thảo, các sinh hoạt học thuật rõ ràng là có mặt sôi nổi hơn trên
mặt báo. Một hội thảo gồm nhiều ý kiến phát biểu thẳng thắn và tâm
huyết của giới lý luận, phê bình như đã diễn ra trong cả ngày 15
tháng 7 vừa qua ở báo Văn nghệ,
mà tránh né các việc cho đăng nguyên văn, để chỉ gom lại trong một
bài lược thuật thì coi như là mất hết, không còn gì. Lý luận có khó khăn, dễ hiểu nó
là nơi va chạm, nơi đụng độ giữa nhiều luồng ý kiến và quan niệm
khác nhau. Nhưng những gì đã diễn ra trong tranh luận lại có mặt
không được như mong muốn. Nó là những tranh luận mang tính chất thắt
buộc và quy chụp, mà không có hướng mở. Chưa thấy có nhân tố mới nào
trong cuộc tranh luận về cuốn sách của Lê Ngọc Trà vì cách đặt vấn
đề lạc hướng ngay từ những bài đầu, quả quá xa với một công cuộc Đổi
mới văn học đã diễn ra hơn năm năm. Tôi nghĩ cuộc tranh luận không
động bao nhiêu vào sự quan tâm của bạn đọc, cũng không động bao
nhiêu suy nghĩ của giới nghề nghiệp. Còn nói gì đến sự thúc đẩy và
phát triển lý luận. Trong Thông báo của Ban Chấp
hành Hội Nhà văn cuối tháng 8 vừa qua có đặt vấn đề nghiêm túc "rút
kinh nghiệm". Có lẽ việc "rút kinh nghiệm" lúc nào cũng là cần,
nhưng việc trình bày và khẳng định chính kiến của chính người đã
trao giải cho nó là cần hơn, là cao hơn. Cuối cùng tôi xin nói đôi điều
về phía bạn đọc. Thực thể này rất động và phức tạp. Có người đọc
quan tâm đến các vấn đề nhân sinh-xã hội. Có người đọc chỉ giải
trí... Thị hiếu, thiên hướng của bạn đọc hôm nay rõ ràng là rất khác
nhau. Nhưng dẫu đọc theo nhu cầu nào, thì trước bạn đọc, chúng ta
vẫn nên có thái độ bình đẳng, không xem thường họ, quen nhìn họ như
là đối tượng giáo huấn, bảo ban, khuyên nhủ. Và như vậy không nên
quá lo cho bạn đọc. Tôi thấy nhiều "động tác" mà chúng ta quen làm,
tưởng có thể hướng dẫn được dư luận, nhưng xem ra lắm khi gây ảnh
hưởng ngược lại. Điều quan trọng để cho văn học làm được sứ mệnh của
nó hôm nay, có khác với báo chí, cũng như với tất cả các phương tiện
thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện khác là bản thân nó
phải có giá trị văn học, phải trở về với thiên chức của văn học. Nhưng giá trị văn học và thiên
chức của văn chương là thế nào, đó lại là một câu chuyện dài. Cũng
lại là một vấn đề lý luận, khó gây tranh cãi. Nhưng, nếu có một điểm
tựa nào đó, để có thể gặp nhau, cùng bàn bạc với nhau - tôi nghĩ,
xin trở về với tất cả các danh nhân cổ điển và hiện đại. Cho đến hôm
nay họ vẫn chưa bị giảm hoặc mất đi các giá trị bền vững của họ, ở
tư cách là nhà văn - người nghệ sĩ.
NGUYỄN QUANG THÂN
− Không nên trách nhà văn
Thật vậy, không nên trách các
nhà văn khi hiện thực được họ tái tạo lại không được đẹp đẽ như
người đọc mong đợi. Điều đáng đòi hỏi và có lẽ cũng chỉ nên đòi hỏi
các nhà văn là họ đứng về phía nào, cảm xúc chủ đạo của tác phẩm đưa
đến cho người đọc là hướng thiện, hay ngược lại mà thôi. Nếu sau khi
đọc những điều tồi tệ được mô tả mà độc giả hướng sự căm phẫn của
mình vào chính những kẻ đã làm nên những điều tồi tệ ấy, thì nhà văn
đã được an ủi quá nhiều. Cái Ác đã từng có trong hình
hài con rắn thuở Ađam và Eva ở vườn Địa Đàng, vẫn không ngừng mọc
nanh vuốt cùng với sự hoàn thiện của con người. Nó vẫn tồn tại,
trưởng ác lên, mạnh lên mà không cần biết các nhà văn viết hay không
viết về nó. Trong nhiều giai đoạn lịch sử, ở nhiều quốc gia khác
nhau, khi con người làm ngơ hoặc bị che đậy, bưng bít để không biết
đến nó, thì nó đã thắng và đôi phen lộng hành, làm nên những trang
sử bi thảm.
Ai là người muốn kéo cuộc sống văn minh
trở lại luật rừng, muốn ngốn vào cái bụng tham lam không đáy thành
quả của các cuộc cách mạng và mồ hôi nước mắt của bộ phận loài người
lương thiện? Bọn cướp bóc, tham nhũng, giả ngụy đạo đức, bọn bất tài
hỗn xược hay các nhà văn, những người chỉ làm cái việc hiền lành
nhất là dựng chúng dậy trong tác phẩm của mình và thức tỉnh con
người cảnh giác? Mà tác giả đích thực là ai mới được chứ? Có một
lần, Picasso vĩ đại, với vẻ lễ độ điển hình, đã trả lời bọn phát xít
đến hoạnh họe ông: "Không phải tôi, mà chính các ngài đã vẽ
Géc-ni-ca đấy chứ!". Và Gogol, trong xác tín cơ đốc chính thống và
tình yêu với giới quý tộc Nga quá gần gũi với mình, đã viết
Linh hồn chết
bất hủ để rồi phải phát điên lên vì cái
hiện thực xấu xa cứ lồ lộ hiện lên trong tác phẩm... Ngay những nhà văn dũng cảm
nhất cũng phải đắn đo trên trang giấy. Cảm xúc về cái Đẹp những muốn
dẫn dắt họ làm nên những câu thơ, những trang sách tươi mát, đẹp đẽ.
Nhưng chính hiện thực cuộc sống bắt buộc họ phải chiến đấu. Mà vũ
khí duy nhất của họ để chống lại cái Ác chỉ là Ngôn Từ. Họ đâu có
sức mạnh và quyền của pháp luật, để lôi cái Ác ra vành móng ngựa?
Niềm tin của họ gửi vào Ngôn Từ, bởi vì họ luôn tin rằng sức mạnh
của Ngôn Từ là không bờ bến và bền vững như Chân Lý. Những người
lương thiện đứng bên cạnh họ, còn kẻ bất lương thì tìm đủ mọi cách,
mọi phương pháp kể cả phương pháp giả đạo đức của một tên trộm bịt
miệng người mất của lấy lý do bảo vệ sự yên tĩnh của đêm khuya.
Nhưng dù vậy, nhà văn vẫn phải hoàn thành sứ mệnh mà thiên chức đã
giao phó là tái tạo lại hiện thực để bảo vệ cái Đẹp. Những tâm hồn
vẫn được đăng quang hoặc ngay cả lúc bị dập vùi, các tác phẩm nghệ
thuật chân chính vẫn là những viên đá tảng xây đắp con đường vinh
hiển của loài người đi tới trong tương lai. Niềm an ủi đã đến, lớn
lao và dịu ngọt.
Đặt ra vấn đề viết về cái Ác, cái Thiện
trong văn chương chân chính có vẻ như thừa. Tác phẩm nghệ thuật
không phải là nơi cái Tốt và cái Xấu được chia đều theo tỷ lệ nào
đó. Nó là một thực thể sống và nó có đủ cung bậc của chính cuộc sống
mà nó mô tả. Cảm hứng lãng mạn manh nha từ thời Phục Hưng muốn rao
giảng thiên đường của chủ nghĩa tư bản rút cục cũng phải nhường chỗ
cho Tấn trò đời
của Balzac và bầu không khí đẫm bùn và máu trong các hầm mỏ của
Zola. Chúng ta vẫn trách cứ Tự lực văn đoàn và một số nhà Thơ Mới vì
họ muốn thoát ly đời sống nô lệ tối tăm thời thuộc Pháp, chúng ta đề
cao dòng hiện thực với Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố và
Vũ Trọng Phụng, những nhà văn không biết thương tiếc trưng bày trong
tác phẩm của mình nỗi thống khổ của đám lê dân ấy và những kẻ bất
nhân làm nên sự thống khổ ấy. Vậy có gì phải trách cứ các nhà văn
thời nay? Nếu như trong các tác phẩm của họ chủ nghĩa lãng mạn với
trò chơi thoát ly, tô hồng một thời đã không còn chỗ đứng thì trước
hết hãy tìm thủ phạm để giết chết "Con chim vành khuyên bé bỏng"
ngay trong những kẻ thù ác đang lộng hành quanh ta. Củng cố niềm tin, trước hết hãy
củng cố niềm tin vào Ngôn Từ của con người. Bởi vì Ngôn Từ là công
luận, là biểu hiện tình cảm chung nhất, sức mạnh chung nhất của cộng
đồng. Làm ngơ trước những điều tồi tệ, những đau khổ của con người
trước những chứng nan y tinh thần của thời đại có nghĩa là ru ngủ
độc giả. Có một thứ ô dù không kém phần hiệu lực chở che cho cái Ác
phát triển là những tác phẩm văn học được viết ra bởi những nhà văn
khiếp nhược và run sợ trước cuộc chiến đấu sống còn chống lại nó. Nhưng ngay cả việc đó, tôi vẫn
không tin rằng những nhà văn có lương tâm dù đã khoan nhượng có thể
làm nổi trong thời buổi này. Đó là một trong những nguyên nhân giải
thích vì sao một loạt tiểu thuyết tình nhợt nhạt và rẻ tiền chiếm
lĩnh các giá sách thời gian vừa qua.
ĐỖ VĂN KHANG
− Văn học với hiện thực
Có hai vấn đề lớn khiến văn học luôn luôn
chuyển mình là vấn đề băn khoăn
thời cuộc và niềm
khát vọng sáng tạo văn chương có giá trị
thẩm mỹ mới. Vấn đề thứ nhất gắn
với việc lý giải thực tại và dự báo tương lai. Vấn đề thứ hai là
thuộc quy luật nội bộ của văn chương. Sự thành công hay không thành
công của nhà văn thời gian qua tùy thuộc rất lớn vào khả năng nhận
thức, đánh giá thời đại và khả năng nắm được quy luật tiến bộ của
văn chương.
1- Trước hết nói về vấn đề "Băn khoăn thời
cuộc". Phải thừa nhận rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ khủng
hoảng. Nhưng đã có cách hiểu không đúng về thực chất của của cuộc
khủng hoảng. Khủng hoảng của chúng ta thời gian qua là khủng hoảng
mô hình thực hiện lý tưởng, nhưng lại có người ngộ nhận rằng đó là
khủng hoảng của chính lý tưởng xã
hội chủ nghĩa.
Nói cách khác, mô hình điều hành xã hội
theo quy luật thời chiến đã hết nhiệm vụ từ sau 1975, mà ta vẫn
không kịp thời thay đổi, do đó dẫn tới khủng hoảng, "khuyết điểm là
ưu điểm quá kéo dài" (Lênin). Phương hướng khắc phục của thời đại là
tìm mô hình điều hành kiểu mới phù hợp với kinh tế - xã hội mới,
nhằm thực hiện tốt hơn, tối ưu hơn
lý tưởng hơn mà dân tộc ta đã lựa chọn. "Băn khoăn thời cuộc" là nhu
cầu có tính chất của văn học. Song trước một thực tại cực kỳ phức
tạp đã dẫn tới hai kiểu "băn khoăn thời cuộc" trong văn học thời
gian qua.
- Kiểu thứ nhất thuộc những "băn khoăn
thời cuộc", có sự trăn trở, tìm tòi và mang tính nhân văn sâu sắc
trong các tiểu thuyết: Thời xa
vắng của Lê Lựu,
Khát vọng đau đớn
của Ông Văn Tùng, Ăn mày dĩ vãng
của Chu Lai v.v... Thời xa vắng
đặt vấn đề cần phát triển cá tính, nhân cách riêng và phê bình khéo
tật "nhiệt tình" chăm sóc đến thui chột cái riêng của con người.
Khát vọng đau đớn
được đặt vấn đề đi tìm một phương cách cụ thể cho việc thực hiện lý
tưởng mà Bác Hồ đã chọn. Ăn mày dĩ
vãng nêu được vấn đề có tầm triết
luận sâu sắc và có tính thời sự: "Kẻ nào chối bỏ dĩ vãng tốt đẹp của
mình, kẻ đó trước sau sẽ là tù binh của cái ác".
- Kiểu
thứ hai là một dạng "băn khoăn" sai
lầm. Sai lầm rõ nhất ở những nhà văn này là tinh thần hoang mang mất
phương hướng. Họ đã lẫn lộn giữa khủng hoảng cơ chế thực hiện với
bản thân lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Hơn thế, do tư duy đơn giản, do
thiếu công phu tìm tòi nghệ thuật, họ quay ra "phủ định" và
nói ngược.
Thuộc những sai lầm này có thể kể tới tiểu thuyết
Những thiên đường mù
của Dương Thu Hương,
Ly thân của Trần Mạnh Hảo,
Những mảnh đời đen trắng
của Nguyễn Quang Lập, truyện
Sang sông
của Nguyễn Huy Thiệp,
Sầu thương khó hiểu
của Bảo Ninh v.v... 2 - Vấn đề thứ hai của sự
chuyển mình văn học là "niềm khát vọng trong sáng tạo một văn chương
có giá trị thẩm mỹ mới". Cái mới của văn học hiện nay là
gì? Có người cho rằng đặc điểm của văn học hôm nay là văn học "đời
thường", văn học "chống tiêu cực". Kể ra ý kiến này không sai, nhưng
không thật chính xác. Bởi lẽ "đời thường" không phải là "đặc sản"
của văn học hiện nay. Văn học có lúc "đời thường", có lúc "không đời
thường" là tùy thuộc ở thời đại, và nhiệm vụ của văn chương ứng với
thời đại đó.
Xin
nêu một hiện tượng "Trước cách mạng, văn của Nguyễn Tuân là văn "đời
thường", nhưng khi cả nước lên đường giành độc lập tự do cho dân tộc
thì Nguyễn đã không ngần ngại "quẳng ngay cái thằng Tôi đi" (tùy bút
Đường vui).
Vậy là lúc ông viết văn "đời thường" với "cái Tôi lù lù, chướng tai,
gai mắt" Nguyễn cũng lớn về văn chương, và khi ông "quăng ngay cái
thằng Tôi đi" Nguyễn cũng lớn về văn chương. Cái gì vậy? đó là cái mạch văn
lớn chập đúng cái mạch lớn của thời đại.
Muốn xét đâu là mạch văn lớn và đâu là
mạch lớn của thời đại là rất phức tạp, nhưng có thể xét
vấn đề con người
làm cơ sở gợi ý: Lịch sử văn học dân tộc Việt
Nam đã có sự phát triển từ hình tượng Người yêu nước - trung quân
(thơ văn Nguyễn Trãi) sang con người mang lý tưởng duy tân - dân chủ
(thơ văn Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh), qua con người của "cái tôi
nội cảm" (Tự lực văn đoàn - Phong trào thơ mới), đến con người có số
phận cá nhân đặt trong số phận cộng đồng (văn học cách mạng). Sáng
tạo mới của văn học hôm nay là đang khai thác "số phận cá nhân" đặt
cạnh "số phận cá nhân" trong mưu sinh. Đặt vấn đề như vậy, tự nhiên ý
kiến cho rằng "Văn học cách mạng không có số phận con người" là
không đúng. Đã là văn học thì văn học nào cũng có kiểu "số phận con
người" của riêng nó, không nên lẫn lộn và cũng không nên phủ định.
Sai lầm đáng tiếc nữa là khi khai thác văn học "đời thường" hôm nay,
không ít nhà văn đã dùng phương pháp sáng tác của Ngô Tất Tố, Nguyễn
Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Trong văn chương, khi lặp lại đàn anh thì
chỉ là cái bóng của đàn anh, sao trở thành nhà văn lớn của thời đại
mới. Ta hãy phân tích kỹ điểm này.
Thành tựu của văn học hiện thực phê phán
thế giới và Việt Nam là quá rõ. Nhưng khi tổng kết văn nghiệp của
mình, Anton Chékhov đã thở dài: "Tôi viết về hiện thực như nó vốn
có, sau đó thì chả nước non gì!". Đây là điểm rất quan trọng phân
biệt văn học "đời thường" của chúng ta hôm nay với văn học "đời
thường" của thời trước. Văn học "đời thường" của Chékhov của
Dostoevski của Nam Cao, Ngô Tất Tố được viết trên lý tưởng văn
chương mà nền hiện thực còn "tối trời, tối đất", ở đó
hoàn cảnh lấn át tính cách.
Đến văn học cách mạng, các nhà văn đã phát hiện ra kiểu người
có tính cách dám thay đổi
hoàn cảnh
(nhân vật Núp trong
Đất nước đứng lên
v.v...) Đây là một vấn đề then chốt thuộc
truyền thống và cách tân văn chương,
và cũng là vấn đề quyết định sự thành công hay thất bại của các nhà
văn hôm nay.
Thất bại ở chỗ nào? Ở chỗ đã không ít
người lầm tưởng rằng chất văn mới là khả năng tập hợp thật nhiều cái
ác, là tài "nâng cấp" cái tiêu cực, là biến tác phẩm thành "phòng
trưng bày những điều nhếch nhác". Cũng đã có hiện tượng đồng nhất sự
"quá quắt" của nhà văn với "phong cách", "bản lĩnh". Mà quá quắt
nhất là truyện Con gái thủy thần
(phần II) của Nguyễn Huy Thiệp và
Linh nghiệm của Trần Huy Quang.
Còn thành công ở chỗ nào? Ở chỗ tuyệt đại
đa số các nhà văn ở ta rất tinh: Rằng, cuộc đời sau chiến tranh còn
là "chiếc khăn hẹp", khi "số phận cá nhân" đặt cạnh "số phận cá
nhân" trong mưu sinh thì dễ gây ra va chạm, dễ nảy sinh
xu hướng phi nhân, vậy nhiệm vụ của văn
học là kéo con người ra khỏi nguy cơ ấy. Với nhiệm vụ này, văn học
cao cấp là văn học phản tỉnh xã hội. Phản tỉnh rằng cái xấu đang lấn
lướt cái Đẹp, cái ác đang khống chế cái Thiện. Phản tỉnh không phải
phê phán. Văn học hiện thực phê phán nhằm phủ định bản chất của đối
tượng. Văn học phản tỉnh nhằm làm xã hội anh minh hơn, nhân đạo hơn,
dân chủ hơn, chống cái ác để nâng đỡ cái Thiện, chống cái xấu để
nâng đỡ cái Đẹp. Hơn thế, văn học phản tỉnh xã hội không tự hạn chế
chỉ ở khả năng "đánh động" mà còn vươn tới khả năng định hướng các
nỗ lực cá nhân. Vì vậy, văn học sám hối, "bôi nhem" đều xa lạ với sự
tìm tòi của văn học hôm nay.
Trong khi phản tỉnh xã hội, văn chương mới
đã tiếp tục truyền thống của văn học cách mạng là tạo điều kiện để
con người vượt lên hoàn cảnh, từ bước làm chủ hoàn cảnh. Có điều
khác là nếu văn học cách mạng lấy cái Đẹp và cái Cao cả làm
đối tượng
và mục đích
của sự mô tả, thì văn chương phản tỉnh xã hội ý thức rằng: "Cái đẹp
không nhất thiết
bao giờ cũng là đối tượng của sự mô tả, nhưng
nhất quyết
bao giờ nó cũng là mục đích
của sự mô tả, dù có phải lượn chín vòng đời để đạt mục đích đó".
Nếu tất cả giá trị thẩm mỹ này
trở thành xu hướng phổ biến và chủ đạo của nền văn học hôm nay, thì
văn chương phản tỉnh xã hội đã có thi pháp riêng của nó và nó sẽ là
văn chương cực kỳ mới, nhân đạo và dân chủ mới.
NGUYỄN VĂN LƯU
− Con đường phức tạp của văn học và đời sống Có thể nói văn học Việt Nam
đang phân hóa trước ngã ba đường.
Phân hóa, bởi nói ra hay không, thừa nhận
hay không thì trong thực tế đã có hai khuynh hướng văn học, hai quan
niệm văn học mà trong khoảng mấy năm lại đây vẫn gọi là
đổi mới và bảo thủ,
tả và hữu,
chính thống và không chính thống... Đang đứng ở ngã ba đường, bởi
hệ thống xã hội chủ nghĩa đang bị khủng hoảng. Còn ở phía bên kia là
"thế giới tự do" luôn luôn mời chào, réo gọi, kích động, lôi kéo...
Đi về hướng nào, dừng lại hay tiến lên, hay rẽ bên này hay ngoặt bên
kia... đang đặt ra trước mắt những người cầm bút hôm nay.
Trong lý luận và sáng tác những năm gần
đây, đang có khuynh hướng trở lại chủ nghĩa nhân văn cổ điển, trở
lại con người cá nhân, con người thân phận, số phận, tách con người
và văn học ra xa các quan hệ giai cấp, quan hệ chính trị-xã hội. Đó
chưa phải là đổi mới mà là trở lại
điểm xuất phát. Chưa phải là những
khám phá nhằm thoát ra, vượt lên cao hơn tình trạng hiện tại.
Văn học đã đổi mới và có những thành tựu
đáng quý, song, theo tôi, đó mới là thời kỳ
văn học nhận thức lại thực tại,
chưa phải sự khám phá để mở hướng. Đọc các tác phẩm được dư luận
đánh giá tốt như Thời xa vắng, Mùa
lá rụng trong vườn, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng,
đa số những truyện ngắn được giải thưởng báo
Văn nghệ
gần đây, thấy rất rõ điều đó. Dòng văn học này mới nói to lên, công
khai ra, văn học hóa, nghệ thuật hóa những gì bị kìm nén, uất ức, mà
hầu hết như ai cũng đã biết, đã trải qua. Những sáng tác theo xu
hướng này được đón nhận với một tình cảm sảng khoái, nhẹ nhõm về một
điều được nói ra.
Tôi tán thành với ý kiến của anh Nguyên Ngọc cho rằng thành tựu của
văn học đổi mới vừa qua là ở chỗ đã làm được
nhiệm vụ chính trị của nó,
vạch ra, phanh phui, mổ xẻ, phê phán những hiện trạng hiện tại của
đời sống, nó mới hình thành được một
cơ sở vật chất
cho những khám phá tiếp theo. Đó là một
nhận định có cơ sở. Nhìn vào những Giang Minh Sài, đại tá Đông về
hưu, cô Lý vợ Đông, hai dòng họ đối địch của Nguyễn Khắc Trường,
Nguyễn Vạn của Dương Hướng v.v... càng thấy rõ đó là những
nhân vật của sự nhớ lại, nhận thức lại, của phản tỉnh và phê phán...
Văn học vừa qua chưa có nhân vật của sự tìm tòi, khám phá, nhận
đường, mở đường, chưa có những nhân vật mang tính thời đại, như thời
kỳ tiền cách mạng hay trong chiến tranh vệ quốc, chiến tranh giải
phóng dân tộc. Riêng Bảo Ninh, với
Nỗi buồn chiến tranh,
cần đánh giá cao nhiệt tình khám phá và sáng tạo, nỗi đau quằn quại
sâu thẳm của tác giả, nhưng phải thấy rằng, Bảo Ninh đã không đứng
vững trên quan điểm lịch sử khi nhìn nhận các vấn đề chiến tranh. Dù
lịch sử nhân loại vận động đến một hình thái khác, ở đấy không còn
chiến tranh, người ta có thể nhìn lại lịch sử đau thương của loài
người, vẫn phải nhớ rằng chiến tranh là quy luật tất yếu của xã hội
có đối kháng giai cấp... Không thể cao đạo thương hại cả thủ phạm
lẫn nạn nhân, kẻ ăn cướp và người bị hại, kẻ xâm lược và những người
kháng chiến như là hai đám người điên khùng như nhau.
Cho đến nay chủ nghĩa nhân văn cổ điển vẫn
là nhu cầu, vẫn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của
nhận loại. Chúng ta đang xem phim
Người giàu cũng khóc, một bộ phim
có sức lôi cuốn mạnh mẽ không chỉ với người Việt Nam mà dường như là
với người xem khắp thế giới. Chủ đề của phim này không phải là sự
khám phá mới mẻ, mà như là tổng hợp những mô tip chủ đề cũ. Trong đó
có chút ít Shakespeare, L. Tolstoi, Balzac, Tào Ngu, Vũ Trọng
Phụng... Nói như vậy để thấy rằng, văn
học đổi mới vừa qua, dù là trở lại, lặp lại chủ nghĩa nhân văn cổ
điển, nhưng vẫn là đóng góp quan trọng vào đời sống tinh thần xã
hội, đó là một thành tựu phải khẳng định. Nhưng nếu văn học vẫn tiếp tục
những tư tưởng và cảm hứng như vừa qua, thì nó sẽ không thể phát
triển mạnh mẽ được. Thế thì văn học phải đi theo
hướng nào?
Không có hướng nào khác là vẫn phải
trung thành với chủ nghĩa nhân văn cộng
sản. Chủ nghĩa nhân văn cộng sản là
chân trời vô tận cho sự khám phá con người và đời sống của nó. Chủ nghĩa nhân văn cộng sản
khác gì so với chủ nghĩa nhân văn cổ điển. Câu hỏi đó vừa khó trả
lời vừa cũng dễ trả lời. Hãy xem Mác, Ănghen, Lênin, Hồ Chí Minh
khác và giống với Thích Ca, Jesus, Saint Simon, Fourrier,... Gorki,
Lỗ Tấn với Hugo, Chékhov, Tào Tuyết Cần... thế nào, thì có thể suy
dần ra được. Văn học thời đại này, văn học
cách mạng, văn học xã hội chủ nghĩa không phải chỉ nghiền ngẫm về
những điều đang có, hiện có, những điều trông thấy, những điều sẽ
đến... Văn học cách mạng, văn học xã
hội chủ nghĩa không thể tách rời, không thể đứng ngoài, đứng trên
dòng chảy chính của cuộc sống trong thời đại này, là cuộc đấu tranh
giai cấp vĩ đại và khốc liệt. Nó sẽ không đứng ngoài, là một bộ phận
cấu thành cuộc sống đó, xã hội đó. Văn học hôm nay phải góp phần
thúc đẩy công cuộc đổi mới xã hội, tiếp tục nhiệm vụ nhân đạo hóa
con người và đời sống. Nghiền ngẫm cái hiện có, phanh phui, phân
tích, mổ xẻ, phê phán cái hiện có, cái tiêu cực như hiện nay là cần
thiết nhưng chưa đủ.
Cần nhìn lại kinh nghiệm lịch sử của văn
học các mạng. Những nhân vật vừa mang hành động thực tiễn vừa mang
tính lý tưởng, đã một thời hấp dẫn, thôi thúc, truyền sức mạnh cho
nhiều thế hệ người đọc. Không chỉ thúc đẩy người ta đấu tranh dũng
cảm trên các lĩnh vực đời sống, mà nêu tấm gương về cách sống đẹp,
đầy tình thương yêu con người và lòng hy sinh. Ngày nay nói đến đấu
tranh, nói đến hy sinh chắc có nhiều người giẫy nảy lên, cho là bảo
thủ, lạc hậu, quá mơ mộng lý tưởng... Nhưng chính cách sống khuôn
mình lại là làm cho quan hệ nhân sinh, quan hệ cộng đồng trở nên
lạnh lùng, trở nên xấu xa đi. Người ta chỉ tâm niệm lo cho bản thân
mình, chỉ tâm đắc với văn chương khi nào nỗi đau buồn cá nhân của họ
được sẻ chia... Văn học trong những năm gần đây hầu như chỉ có một
loại nhân vật tiêu cực, xấu ác và những nạn nhân của nó. Những sáng
tác như vậy đang là cái mốt.
Gần đây lại được vài ý kiến lý luận bổ trợ như cho rằng văn học là
sự nghiền ngẫm hiện thực, là sám hối, là nỗi đau về cái đẹp, về lý
tưởng không thể đạt đến được, cái ác là trường tồn cùng với con
người, phải chấp nhận nó, cái ác chưa hề khuất phục trước bất kỳ thể
chế nào... Những quan niệm về văn học, những sáng tác một chiều kiểu
mới đó liệu có thể đưa người đọc đến một nhận thức sâu sắc về bản
chất cuộc sống mà họ đang trải qua từng ngày từng giờ hay không? Chúng ta phải chấp nhận cơ chế
thị trường, đó là một bước lùi lịch sử tương đối, không làm thế
chúng ta không đứng vững được trong tình thế khó khăn này. Nhưng thị
trường tự do nghĩa là cạnh tranh. Đảng và Nhà nước phải chấp nhận
tình huống đó và tổ chức quá trình đó sao cho chủ động, tối ưu chứ
không phải bất lực buông trôi. Trong tình hình như vậy, và nói
chung, nếu còn phân chia đẳng cấp xã hội, còn bất công, còn xung đột
đẳng cấp, giai cấp... muốn cải tạo nó thì về lý thuyết, chưa học
thuyết nào khả quan hơn chủ nghĩa Mác. Sự khủng hoảng hiện nay của
mô hình xã hội chủ nghĩa sau Lênin có những nguyên nhân lịch sử của
nó. Nhưng không thể xem đó là sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa Mác.
Nếu muốn xóa bỏ bất công xã hội, giải phóng con người một cách triệt
để nhất, tạo ra một quan hệ xã hội nhân đạo nhất cho con người, thì
người ta vẫn phải trở lại những nguyên lý cơ bản của Mác. Những gì đã và đang diễn ra
trước mắt chứng tỏ rằng, nếu không tiếp tục chủ nghĩa nhân văn cộng
sản, văn học chỉ có thể trở lại chủ nghĩa nhân văn cổ điển, trở lại
chủ nghĩa hiện thực phê phán mà thôi. Trung thành với chủ nghĩa nhân
văn cộng sản, không phải là chúng ta tiếp tục vẽ nên bức tranh lãng
mạn về một thế giới tương lai tốt đẹp, không phải một chiều ca ngợi
những cái hay có được, cũng không chỉ một chiều phanh phui mổ xẻ phê
phán cái tiêu cực, mà phải phản ảnh được cuộc đấu tranh gian khổ
trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai để tiến tới một xã
hội nhân đạo. Liệu những con người cách mạng của những thế hệ tiền
cách mạng, các thời kỳ chiến tranh vệ quốc cho đến hôm nay, có còn
không, có trăn trở lo lắng không, hay đã trở nên tha hóa hết cả rồi?
Một lý tưởng có sức tập hợp hàng triệu người, từng đóng góp vào lịch
sử tiến hóa của nhân loại những thành tựu không thể phủ nhận được,
liệu hôm nay có còn sức sống, có còn hấp dẫn, có còn là niềm tin nữa
không? Với một đất nước mà 90% dân số là những anh Pha, chị Dậu,
những lão Hạc, Chí Phèo... đã diễn tiến như thế nào trong khoảng một
trăm năm trở lại đây? Con đường lịch sử họ đã đi, đang đi và sẽ đi
há chẳng phải là cảm hứng văn học đầy tính nhân bản đó sao! Và khi nói văn học đổi mới
nhưng trung thành với chủ nghĩa nhân văn cộng sản, có nghĩa là Đảng
phải tổ chức lãnh đạo quá trình đó. Và đấy là một chủ đề, một đề tài
khác cần phải bàn tới.
LẠI NGUYÊN ÂN
− Văn nghệ và cuộc sống hôm nay
Nền văn học mà chúng ta có hiện giờ, theo
một nghĩa nào đó, chính là một nền văn học cán bộ (chữ
nhà văn cán bộ
là tôi mượn của anh Vũ Tú Nam trong một lần anh gặp gỡ các nhà
nghiên cứu của Đại học Tổng hợp, chỗ anh Hà Minh Đức, Mã Giang
Lân...) Tác giả của văn học ấy là cán bộ không chỉ theo nghĩa phần
đông đều là viên chức ăn lương nhà nước, mà còn theo nghĩa rộng: các
tác giả của văn học này phải gắn với chế độ, với công việc của bộ
máy, và bản thân văn học cũng là một trong những bộ phận của bộ máy.
Do vậy, khi nêu vấn đề trách nhiệm văn học trước hiện thực đời sống
ở một thời điểm nào đó, thì thực chất đây là đặt vấn đề nhà văn phải
làm gì, viết như thế nào phù hợp với các công việc mà nhà nước đương
định làm ở thời điểm ấy.
Đối với thời điểm hiện nay, tình thế chung
là do đặc điểm cuộc đổi mới ở ta. Về đại thể, đặc điểm đó là việc
chuyển đổi
hạ tầng (từ kinh tế hành chính chỉ huy sang kinh tế thị trường) đi
đôi với việc giữ nguyên
thượng tầng kiến trúc cũ. Hiện thực cuộc sống hôm nay in rõ dấu ấn
của đặc điểm đó. Dẫu sao, đây cũng là một cuộc sống đã khác nhiều so
với trước đây. Và vì vậy cần nhận ra những điểm lạc hậu về quan niệm
văn học còn tiềm tàng trong nền văn học cán bộ, lạc hậu so với logic
phát triển của chính nó.
1 - Chủ thể nhà văn của nền văn học này
vốn gắn bó với chế độ từ trước lúc chế độ khai sinh, vì thế nên,
cùng với nhiều điều kiện và đặc điểm khác nữa, chủ thể nhà văn của
văn học này, từ người cầm bút thường đến giới lãnh đạo văn nghệ đều
đã quen với một tình cảm văn học
là: tự thấy mình đứng về phía người bị trị chống lại người thống
trị, đứng về phía người nghèo chống lại người giàu. Đây là một tình
cảm quen thuộc, nên nó vẫn còn lại sau khi nhiều biến động xã hội đã
đổi thay quay ngược các thang bậc xã hội. Ngay sau khi chế độ mới
được thiết lập thì tầng lớp thống trị cũ đã không còn, vậy mà tình
cảm "chống thống trị" vẫn còn, có điều là phải tìm đối tượng ở các
trận tuyến bên kia, có thật hoặc tưởng tượng. Về bọn nhà giàu, chỉ
sau cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản tư doanh, hợp tác hóa, thì
thế lực nhà giàu cũ cũng đã thành bóng ma; tuy vậy tình cảm ghét nhà
giàu, chống người giàu vẫn chưa tan, có điều nó phải tìm đối tượng ở
ngay xã hội đã cải tạo của mình, thậm chí tìm nó ở đồng chí, đồng
nghiệp, đồng bào... Trong khi đó, một cách dần dà,
cái xã hội "của mình" cũng lộ ra những sự phân hóa, có điều là với
sự phân hóa này thì cái tình cảm văn học nêu trên không khỏi nhiều
phen lúng túng, khó xử. Là vì những người có vị trí cao, có quyền
lực lớn, đáng gọi là người thuộc tầng lớp thống trị, nhưng lại vẫn
là đồng chí, đồng sự nghiệp với người ở cương vị thấp hoặc người ở
trong dân thường. Người có quyền chức lớn, tất được đãi ngộ cao,
được sở hữu một tài sản lớn, và cho đến nay đã là lớp hữu sản, nhưng
vẫn cứ là đại diện của vô sản, của công nông. Cho đến hiện giờ ở xã
hội ta đã có cả một tầng lớp giàu có, và hẳn là trong số này thì
người ở ngoài thành phần nhà nước là không nhiều. Vả chăng, các tiểu
chủ, tư nhân phất lên được thường là nhờ làm ăn với nhà nước. Họ bỏ
túi được một đồng, tất phải mất nhiều hơn một đồng để chi cho các cá
nhân trong bộ máy mà họ có quan hệ làm ăn. Tham nhũng, hối lộ vốn là
chất dầu mỡ bôi trơn cỗ may quan liêu han rỉ để nó có thể chạy được,
vận hành được ngõ hầu sinh lợi cho cả hai bên. Tầng lớp giám đốc
được "QĐ 217" giải phóng, trong khi làm năng động đời sống kinh tế,
đem lại lợi nhuận cho nhà nước, thì cũng không quên bỏ túi mình một
phần đáng kể, hơn thế, họ cũng giống như các tư nhân làm ăn với nhà
nước, không thể không "bôi trơn" cỗ máy trên dưới, tăng thu nhập cho
cả mình lẫn các nhân sự hữu quan. Quyền hạn, chức vụ, ngoài các vai
trò khác, còn có vai trò sinh lợi kinh tế cho bản thân. Tóm lại,
thành phần hữu sản ngày nay có một bộ phận đông đảo là người nhà
nước, người có nhiều trọng trách trong các bộ máy. Đối với tầng lớp
hữu sản ngày nay, ngay hệ thống bảo đảm luật pháp cũng không dễ phần
định phàn tài sản bất minh với phần thu nhập chính đáng. Đã vậy,
tình cảm văn học "vì người nghèo, ghét người giàu" áp dụng vào đây,
đâu chắc đã thích hợp!? Sự phân hóa xã hội nêu trên,
quá trình hữu sản hóa với các đặc điểm kể trên, thật ra là hiện
tượng bình thường đối với mọi chế độ, từ trạng thái nảy sinh đến
trạng thái tồn tại, định hình của nó. Điều đáng nói là hiện trạng ấy
trong tương quan với nền văn học cán bộ. Nền văn học này, chủ thể
nhà văn của nó vốn là một thành phần của cơ chế thống trị. Thành
viên của nó là nhà văn - cán bộ chứ không phải nhà văn thường dân.
Vậy mà, đối với họ, từ nay, người giàu có, người hữu sản, lại chính
là đồng chí của mình, là cấp trên, là cùng cấp, hoặc bạn hữu của
mình. Tình cảm "vì người nghèo, ghét người giàu", nếu có thể đã là
ảo tưởng lâu nay, thì từ nay không những không thể là ảo tưởng, mà
thậm chí còn có hại nữa, hại cho chức năng nhà văn cán bộ gắn bó với
lợi ích của bộ máy.
2 - Nền văn học cán bộ của ta vốn tôn trọng sự ích dụng thực tế, đặc
biệt là ích dụng tuyên truyền cho công việc của bộ máy. Dần dà, từ
định hướng trọng lợi ích thiết thực, thực tế, văn học này tự trang
bị lý thuyết: lý thuyết "văn học phản ánh hiện thực", lý thuyết chủ
nghĩa hiện thực. Người ta biện luận mọi quá trình văn học đều như là
ngày càng cố gắng "hiện thực" hơn, hiện thực "trực tiếp" hơn. Người
ta biện luận rằng giá trị hiện thực hầu như là phương diện giá trị
trọng yếu của văn học... Cố nhiên, văn học cán bộ là văn học có chỉ
đạo, luôn luôn có hướng dẫn thế nào là "hiện thực" tại một thời điểm
nào đó. Ví dụ một thời, nội dung hiện thực là "yêu nước, căm thù
giặc", sang thời khác, là yêu tập thể, ghét cá thể, quá trình hiện
thực là hợp tác xã cấp thấp lên cấp cao, quy mô nhỏ lên quy mô lớn
v.v... Nhưng sự hướng dẫn không thay thế được nỗ lực khám phá các
mặt nội dung hiện thực bởi các nhà văn. Rút cục, lời cổ vũ cho
khuynh hướng đào sâu vào hiện thực dường như đã đi đến giới hạn của
nó - một giới hạn có vẻ nguy hiểm khi nhận thấy "rõ ràng sáng tác
của chúng ta một số năm gần đây có xu hướng phô bày toàn bộ hiện
thực phức tạp của xã hội, gần như không còn e dè, né tránh gì..."
(gợi ý của Ban sáng tác
Hội Nhà văn
và Tạp chí Tác phẩm mới,
cho cuộc thảo luận ngày 1-10-1992). Rõ ràng sự cổ vũ cho nhiệm vụ
phản ánh hiện thực đã dẫn đến một hậu quả không mong muốn. Dẫu sao,
sự lo lắng ở đây giống như là quá khen sáng tác. Việc "phô bày toàn
bộ hiện thực phức tạp của xã hội" là một phẩm chất, một thành tích
mà chỉ những nền văn học lớn, với những tài năng lớn mới làm được.
Chưa nói rằng nếu đem so với các dữ kiện xã hội học mà một cuộc tổng
điều tra lý tưởng may ra có thể mang lại, thì sáng tác văn học ở bất
cứ thời nào, ở đâu cũng chẳng thấm tháp gì. Nhưng ta hãy quay lại xu
hướng cổ vũ lý thuyết và sự nhận định hiện tình văn học nêu trên.
Quả là một sự giật mình tỉnh ngộ: hóa ra văn học "phô bày toàn bộ
hiện thực phức tạp" không phải là thứ văn học có lợi! Như vậy, phải
chăng đã đến lúc đành phải gác lại lý thuyết "văn học phải phản ánh
hiện thực", và từ nay không nên đặt quả cân giá trị văn học vào chủ
nghĩa hiện thực? Xem ra, quyền lợi của xã hội chính thống đang đòi
hỏi như thế.
3 - Cũng từ tâm thế xem trọng ích dụng
thực tế, nền văn học cán bộ thường chú trọng các tác động mà văn học
có thể gây ra tại một thời điểm nào đó, thậm chí cả những tác động
khách quan, không phụ thuộc lắm vào nội dung văn học (ví dụ đang
chiến tranh thì không bàn về Chinh
phụ ngâm, đang xung đột ở biên giới
thì không bàn về văn học Trung Hoa, hoặc "chê" hơn là khen...) Theo
hướng này, tại thời điểm hiện nay cũng phát sinh những tác động
khách quan nếu động tới những bộ phận văn học đã có. Ở trên đã nói
tới tình cảm "vì người nghèo chống người giàu", "vì bị trị chống
thống trị". Ở đây nêu thêm tác động có thể nảy sinh hôm nay đối với
sáng tác thuộc một số bộ phận văn học vốn được đề cao hoặc hạ thấp.
Ví dụ, chủ đề cách mạng, văn học cách
mạng. Nếu quan sát người xem tivi về các kịch
Bắc Sơn, Đêm dài,
hoặc Cô hàng rau...
có thể thấy một thứ nhận không mong muốn: người ta thấy, qua các
sáng tác ấy, cách mạng như một cái gì chia rẽ, phá vỡ gia đình, gây
hận thù giữa người ruột thịt. Ở các vở diễn trên, vợ chồng, cha con,
anh em giết nhau, hại nhau chỉ vì theo hay không theo cách mạng. Quả
là một tác dụng không đáng mong muốn. Đối với văn học hiện thực của
những Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... cũng
có thể nảy sinh những hậu quả tiếp nhận tương tự. Nếu đứng từ quan
điểm cần sự ổn định cho hôm nay thì một Chí Phèo, một anh Pha, kẻ
cầm dao, kẻ đòn gánh nổi dậy trả thù, một lão Hải Vân vượt biển mưu
đảo lộn v.v... là "có lợi" hay chăng? Đến một tâm trạng cùng đường,
đứng giữa đêm tối "tắt đèn" như chị Dậu nữa, phỏng có nên khơi gợi
lên chăng? Trong khi đó, đối với các sáng
tác của Tự lực văn đoàn chẳng hạn, vốn bị chê là cải lương, nay có
khi lại phát huy tác dụng tốt hơn chăng? Là vì cái xu hướng điều hòa
mâu thuẫn, giải hòa xung đột, cái xu hướng chỉ vạch ra, nêu ra các
vấn đề mà không đẩy đến tai biến, bùng nổ, đổ vỡ ở các sáng tác
thuộc loại này, dẫu bị chê bai xưa nay, biết đâu lại không có tác
dụng tạo ra sự bình ổn về tâm lý, sự biết điều trong nhận thức và
hành động của người ta? Nói tác động là để nói tới hoạt
động phổ biến văn học đến công chúng chứ chủ yếu không phải nói đến
nghiên cứu, phê bình. Song le, từ tình thế sống mới hôm nay phải
chăng cũng manh nha tiền đề cho những tình thế đọc, tiền đề cho
những sự phân tích, đánh giá mới hơn, hiểu biết hơn về các di sản?
XUÂN CANG
− Tình huống mới của một nền văn học
Tình huống mới ấy có thể gọi là
một thời kỳ chuyển tiếp. Các nhà văn nhiều thế hệ nước ta đang chứng
kiến, đang sống trong thời kỳ chuyển tiếp ấy. Mỗi người một kiểu,
một tâm trạng, chúng ta đang có những phản ứng khác nhau với những
cái do chính chúng ta sản sinh ra. Chỉ biết rằng, đó là những phản
ứng mãnh liệt: hân hoan chào đón và lạnh nhạt; lo lắng và vui mừng;
chưa bao giờ tâm trạng người sáng tác, người làm lý luận phê bình,
người lãnh đạo lại chuyển động dữ dội đến như thế. Nhưng rồi chúng ta bình tĩnh
lại. Cuộc làm ăn chung của đất nước, vận mệnh của thế giới mà chúng
ta ra công xây dựng vừa sụp đổ khiến mỗi người nhìn ra trách nhiệm
của mình. Và một tình huống mới cứ thế tỏ rõ ra. Theo tôi tình huống mới mẻ ấy
gồm ba đặc điểm như sau: Thứ nhất đó là một nền văn học đầy tâm
trạng, đầy suy tư mang dấu vết của một thời kỳ cuối thế kỷ, không
những thế thập niên cuối cùng của một thiên niên kỷ. Nổi váng lên
trên hoặc lắng cặn dưới đáy là một lớp dày những thứ không thể gọi
là văn học, những thứ gì đó viết nhanh, viết tập thể kiếm tiền ai
cũng có thể dễ dàng lên án. Còn lại là cái gì? Là một tầng tầng lớp
lớp những tác phẩm phản ánh và "nghiền ngẫm" về những gì nhân dân ta
đã và đang trải qua: Những cuộc chiến tranh, những cuộc cải cách,
cải tạo, những mảng quan hệ xã hội, quan hệ con người bị văn học bỏ
đâu hết, cánh đồng văn học bị cày xới ngổn ngang. Qua các tác phẩm
hiện lên những gương mặt nhăn nhó, nhàu nát của các tác giả; sự bất
lực vì tuổi tác không cho phép làm lại mình nữa, sự vội vã vượt lên
không sợ vấp ngã; sự ngang tàng từng trải của chính lớp trẻ không
biết tự kiềm chế và không cần kiềm chế; sự dấn thân của một lớp
người không sợ hậu họa; cả những gương mặt cơ hội đủ vẻ thời nào
cũng có. Nếu tôi không lầm thì thời kỳ cuối thế kỷ nào cũng có những
mảng văn học và những tác giả đầy tâm trạng, xới lật khám phá, miêu
tả đi sâu đến tận cùng những mâu thuẫn; nhất là cái ác, cái tội lỗi,
cái sai lầm đã ghìm bước tiến của đất nước, của xã hội. Đó là một
hiện thực khách quan của một nền văn học, chính từ đây cho ta hy
vọng sẽ xuất hiện những tác phẩm tiêu biểu làm rạng rỡ cho thời ta.
Nhà văn có nhu cầu tháo gỡ những gì đang cản trở cho sự phát triển.
Thật vậy, một nền văn học đầy tâm trạng bao giờ cũng là một nền văn
học đầy hứa hẹn. Huống chi, cái thời này không chỉ là thời kỳ cuối
thể kỷ, còn là thời kỳ cuối một chặng đường - cũng suốt một chiều
dài thế kỷ- một mảng nhân loại tìm tòi khám phá một xã hội mới với
những thắng lợi, những chiến công huy hoàng - nhưng cũng nhanh chóng
sụp đổ, cùng lúc là một bộ phận khác kiên cường, kiên trì vực dậy
bảo vệ những gì là chân lý. Thứ hai là sự tác động của cơ
chế thị trường, trong đó sức lao động nói chung và lao động sáng tạo
nói riêng thực sự trở thành hàng hóa. Tác phẩm văn học cũng trở
thành hàng hóa dù có thêm từ "đặc biệt", nghĩa là nó cũng chịu tác
động của luật cung và cầu, giá trị và giá cả... Nó cũng phải biết
len lỏi tìm "đầu ra", tìm lối vào lòng bạn đọc. Nó cũng phải bán
được và phải nuôi sống được người làm ra nó. Nói cho cùng thì tất cả
tài năng xưa nay khi sáng tác ra bất kỳ tác phẩm nào đều phải chịu
tác động của đủ thứ sức ép, và tài năng chính là ở chỗ bất kỳ sức ép
nào cũng không ngăn nổi sự tự do sáng tạo. Ở đây là sức ép của cơ
chế thị trường, một mặt nó giải phóng sự sáng tạo của cá nhân, nhưng
mặt khác nó đòi hỏi người viết hôm nay phải tính tới nhu cầu bạn đọc
và những yếu tố khác: Sở thích, trình độ, những thói quen mới, kể cả
cái mốt, sức mua v.v... Ngày nay, việc bỏ tiền ra in sách trở thành
chuyện bình thường vì nó đáp ứng nhu cầu của người sáng tác muốn
được bày tỏ, thổ lộ đi tìm bạn đọc. Chính vì vậy chưa bao giờ nhiều
sách như bây giờ. Người đọc cũng chỉ tìm đến những cái mình cần.
Người đọc cũng chịu đủ mọi sức ép: thời gian nhàn rỗi có hạn, tiền
nong có hạn. Do đó, người đọc phải lựa chọn. Và sự lựa chọn đó chính
là câu trả lời lặng lẽ và đầy hiệu lực của bạn đọc đối với người
sáng tác.
Thứ ba, cần tính tới một đặc điểm của
những tìm kiếm mới trong văn học nước ta gần đây. Đó là sự xuất hiện
một khu vực đề tài mới đi sâu vào những quan hệ xã hội thiết thân,
hàng ngày của con người và khẳng định những bản lĩnh cá nhân của con
người, sự trôi dạt của những thân phận, số phận con người trong và
ngoài lề của những biến thiên lịch sử. Đây là những hệ quả của hai
yếu tố trên kia. Một mặt những trăn trở của thời kỳ cuối thế kỷ khêu
gợi nhà văn đi tìm những khía cạnh nhân bản nổi lên trong suốt nhiều
cuộc chiến tranh và cách mạng, qua bình diện của một nhân loại bao
la đã nhờ sự phát triển của thông tin mà thu nhỏ lại như một cái
làng và những biến thiên lịch sử dữ dội, những đảo lộn chưa từng có
trong thời kỳ cuối thế kỷ đồng thời là cuối thiên niên kỷ. Một mặt
là sự vận động của kinh tế thị trường làm biến đổi những quan niệm
có sẵn về các định hướng giá trị, về các giá trị con người, ngành
nghề, giai tầng xã hội, cộng đồng xã hội, trên nền những thay đổi đó
nổi bật lên chủ đề về bản lĩnh của các cá nhân và thân phận, số phận
con người. (Thời xa vắng
của Lê Lựu; Đám cưới không giấy
giá thú - Ma Văn Kháng,
Cỏ lau
(trong đó đặc biệt là Phiên chợ
Giát) - Nguyễn Minh Châu;
Thân phận của tình yêu
của Bảo Ninh; Mảnh đất lắm người
nhiều ma - Nguyễn Khắc Trường...
Thơ của Nguyễn Duy, Phùng Khắc Bắc). Những tìm kiếm của Nguyễn Huy
Thiệp (Tướng về hưu; Con gái thủy
thần), Phạm Thị Hoài (Thiên
sứ; Mê lộ), Nhật Tuấn
(Đi về nơi hoang dã),
Trần Văn Tuấn (Người mất tích),
Cao Duy Sơn (Người lang thang),
Tạ Duy Anh (Bước qua lời nguyền),
có cái đã được khẳng định, có cái còn ngổn ngang, nhưng tất cả đều
mang dấu vết của một thế hệ mới, một thời kỳ mới trong văn học, tạo
nên những đường nét khác biệt ít ra là so với thời kỳ từ năm 1985
trở về trước (Tôi lấy mốc từ giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1985). Những nhận xét trên khiến tôi
phấp phỏng hy vọng và lo nghĩ về những sáng tác của mình. Tình huống
mới của một nền văn học đã bắt đầu. Cũng bắt đầu một cuộc sàng lọc
lớn đối với nhà văn Việt Nam.
[i]
Lênin. Toàn tập, Nxb Sự thật 1983, t42, tr289-290.
[ii]
Báo Văn nghệ, số ra ngày 30-11-1991.
[iii]
Báo Người lao động Tp. Hồ Chí Minh, tuần cuối tháng
11-1991.
[iv]
Xem bài Sách học văn đã có chất văn học hơn, báo
Tuổi trẻ Tp.HCM, số ra ngày 13-8-1992.
[v]
Xem Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam của Trường
Chinh (tháng 7-1948) Nxb Sự Thật. Nguồn: Tác phẩm mới, Hà Nội, số 2 (1992)
15-2-2020 |