TRĂN TRỞ ĐÔI ĐIỀU VĂN HỒNG Cuối năm 1975, chúng tôi bị nghẽn xe, trọ lại ở Đà Nẵng mấy ngày. Con gái chủ trọ chừng năm sáu tuổi kháu khỉnh và hồn nhiên giải tỏa tâm trạng chờ đợi căng thẳng của chúng tôi bằng những bài hát Chú bộ đội đánh Mỹ tài ghê và Em mơ gặp Bác Hồ. Thật cảm động khi nghe giọng hát trẻ thơ hướng về cách mạng giữa thành phố xô bồ mới giải phóng. Nhưng một việc làm tôi ngạc nhiên ngay chiều đó, khi bé đang hát thì một bé gái khác - chừng 12 tuổi - đi đâu về và cho bé mấy chiếc kẹo xanh đỏ xinh xinh. Bé không nhận. Con chị nhét vào túi, con em lại bỏ ra. Hôm sau nhân lúc vắng người, tôi liền bắt chuyện: - Hôm qua bé không ngoan nhé, sao chị bé cho kẹo bé lại không nhận. Mặt bé đang nở tươi thoáng khựng lại ngơ ngác: - Chị đâu mà chị! Con ở đấy, mình ăn của nó, nó khinh mình! Thì ra thế. Biết nói gì với bé bây giờ! Mặc dù đó là một điều rất đơn giản mà bất cứ em bé nào ở miền Bắc cũng coi là lẽ phải tự nhiên. Lúc đó là như vậy. Có một ranh giới vô hình mà rạch ròi giữa địch và ta, giữa chủ tư bản và chủ nghĩa xã hội. Còn bây giờ thật phức tạp. Một bộ phận khá đông lớp trẻ hiện nay có sự đảo lộn về các giá trị. Và có thể cùng với quá trình đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, phát huy quy luật giá trị, đề cao lợi ích vật chất... sự đảo lộn này sẽ còn lộn xộn hơn! Trong lớp trẻ hiện nay bên cạnh sự mất mát về lý tưởng là những đổ vỡ trong những quan hệ đạo đức cơ bản nhất của con người: con đối xử tàn nhẫn với cha mẹ, học sinh coi thường thậm chí hỗn láo với thầy giáo. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ trong những vấn đề kinh tế - xã hội nhưng những người làm sách cho thiếu nhi cũng có góp phần. Đã tồn tại 30 năm và có hàng ngàn cuốn sách Kim Đồng nhưng chưa có một cuốn nào thật cảm động về tình mẹ con, thầy trò, bè bạn. Phải chăng một thời gian khá dài chúng ta thiên về những vấn đề vĩ mô mà thiếu vắng những vi mô: những tình cảm gần gũi, thiết thân nhất như tình gia đình, xóm giềng, bè bạn. Văn học là cách nhận thức khái quát cuộc sống thông qua cái cụ thể, cảm tính, trực tiếp mà sách văn học cho thiếu nhi lại đầy những giáo huấn, lý tính, khô khan. Cho nên sách tuy nhiều mà đọng lại chẳng bao nhiêu. Những điều này không phải bây giờ mới nhận ra. Từ năm 1980 chúng tôi đã có chủ trương "thay đổi bộ mặt sách Kim Đồng" theo hướng tăng cường các thể loại dân gian, viễn tưởng, phiêu lưu, tăng các loại hình văn học phản ánh chân thực lịch sử và cuộc sống, tăng sách văn học dịch nhằm làm cho bộ mặt sách Kim Đồng bớt khô nặng, nhiều chất tưởng tượng, hồn nhiên, bay bổng... hợp với tâm lý và thị hiếu tuổi thơ. Phải chăng đó là một sự đổi mới. Vì vậy trên nhiều mặt nó phải đối đầu với những nhận thức cũ. Búp sen xanh (1982) là xoáy vào chủ đề đạo đức nhân cách, là sự phá vỡ quan niệm văn sử đồng nhất và tinh thần sùng bái lãnh tụ như những siêu nhân. Vì ngược với lề lối cũ nên Sơn Tùng bị một đòn trời giáng. Hành trình những ngày thơ ấu (1985) là một cách nhìn sắc nhọn về nhà trường và thầy giáo, về hiểm họa của những quyền uy thiếu đức thiếu tài. Thời thế đổi thay, Dương Thu Hương không bị "đánh" trực diện như Sơn Tùng nhưng cũng không tránh khỏi những cú đá ngầm, đá móc. Tất nhiên, thẩm định giá trị của những tác phẩm trên, chắc còn nhiều ý kiến khác nhau. Chủ trương "thay đổi bộ mặt sách Kim Đồng" cũng đã đưa lại một số đổi thay nhất định nhưng chậm chạp và bất cập. Bản thân người đề ra chủ trương cũng không đủ trình độ - bản lĩnh để triển khai, để bảo vệ nó trước những uốn nắn, nhận xét theo kiểu sách Kim Đồng nội dung chung chung, lạm phát cổ tích, huyền thoại, không sát đời sống, không phản ánh được những Hòa Bình, Phả Lại, Trị An... Lại thêm một lý do quan trọng: chức năng của nhà xuất bản Kim Đồng. Theo anh Hồ Trúc thì dự định ban đầu của những người sáng lập là một nhà xuất bản Văn học thiếu nhi với một đội ngũ lãnh đạo, biên tập là các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Phạm Hổ, Nguyễn Kiên, Cẩm Thạnh... Nhưng chẳng bao lâu nó đã trở thành nhà xuất bản tổng hợp phục vụ sự nghiệp giáo dục thiếu nhi của Đoàn Thanh niên. Và nhiều năm nay nó lại hoạt động như một cơ quan kinh tế để đóng góp một phần kinh phí cho phong trào. Liệu bao giờ mới có một nhà xuất bản văn học thiếu nhi? Một nước bạn ta có chưa đầy 10 triệu dân mà có đến ba nhà xuất bản sách văn nghệ cho thiếu nhi. Còn ta có đến hơn 60 triệu dân sao lại không thể dành riêng cho các em một nhà xuất bản văn học? Không phải là hư danh, mà là một chỗ đứng, một tầm nhìn, một trách nhiệm cùng với nhiều mối quan hệ trong ngoài và những điều kiện làm việc tốt hơn cho các em. Không ai hiểu đơn giản sách hay là do vị trí hoặc công lao của nhà xuất bản. Sách hay là do tác giả. Chúng ta chưa có nhiều sách hay là do đội ngũ ta chưa đủ mạnh, chưa có nhiều tài năng. Nhưng có những yếu tố chi phối làm phát triển nảy nở hoặc làm thui chột tài năng! Theo tôi nghĩ trong văn học thiếu nhi có những quan điểm đơn giản về văn học và về thiếu nhi hạn chế sức sáng tạo của người viết. Về mặt văn học nó cũng phạm những khuyết điểm kiểu văn học nêu gương, văn học minh họa, văn học nhai lại cuộc sống... như văn học cho người lớn, thậm chí còn nặng hơn. Báo Văn nghệ đã có nhiều bài nói về điều đó. Hôm nay tôi chỉ muốn bàn thêm về thiếu nhi. Năm kia, anh Hồ Ngọc Đại có đưa ra định nghĩa "trẻ em là một thực thể tự nhiên". Phải chăng có hàm ý: trẻ em bao giờ cũng là trẻ em? Các thứ tính giai cấp, tính chính trị, vốn không phải là thuộc tính tự nhiên của trẻ em? Lại có một định nghĩa khác: "Thiếu nhi là một thực thể tâm lý - xã hội". Định nghĩa này muốn nhấn mạnh con người xã hội đang từng bước trưởng thành trong mỗi trẻ em! Chúng tôi nghĩ hai khái niệm này có thể bổ sung cho nhau vì nó phù hợp với hai lứa tuổi: mẫu giáo - nhi đồng và thiếu niên. Dù là lứa tuổi nào thì cũng yêu cầu chúng ta nhìn nhận và xem xét đối tượng như một thực thể khách quan. Đã có lúc chúng tôi nghiên cứu đối tượng theo lối mô hình, từ những mục tiêu cần đào tạo mà tìm mô hình thiếu nhi, rồi lấy những mảng thực tế ở nơi này nơi kia ghép lại để minh họa cho mô hình đó, có khi đi đến những kết luận khá cực đoan: trẻ em có ý thức và khả năng làm chủ tập thể hơn cả người lớn! Từ những phương pháp luận chủ quan, thuần túy xuất phát từ mục đích như vậy, dễ đi đến chụp mũ cho những ai muốn nhấn mạnh thế giới tâm hồn có thật của trẻ em với những tưởng tượng kỳ lạ, những suy tư nghịch lý, những mặc cảm giới tính... là theo chủ nghĩa này, lý thuyết nọ. Những người làm sách, viết sách cho thiếu nhi nên quan tâm đến một luận điểm khoa học: sự phát triển của mỗi cá thể là lặp lại sự phát triển cả loài. Thế giới tâm hồn của thiếu nhi là gần gũi với thế giới tâm hồn của loài người cổ đại. Vì vậy ta vừa phải tìm hiểu các em trong cuộc đời hôm nay lại vừa phải tìm hình bóng các em trong cổ tích. Vừa rồi có một luồng ý kiến phê phán cổ tích ("một cổ hai tình") có thể ý kiến đó đúng ở chỗ này, chỗ nọ, nhưng xét trên phạm vi cả nước, nhất là xét ở góc độ sách Kim Đồng thì chưa phải là nhiều (tuy nhiên có tình trạng lỏng tay như một bài báo Văn nghệ đã đánh giá xác đáng). Anh Nguyễn Khắc Viện thường nhắc chúng tôi: phải để cho các em sống bằng cổ tích. Được nghe, được đọc, được tưởng tượng, được sống với những truyện cổ huyền diệu là nguyện vọng chính đáng của tuổi thơ. Không phải là các em, không có kiến thức sâu sắc về tâm lý các em không thể nào hiểu rõ điều đó. Cũng như cổ tích, truyện tranh cũng là một thể loại các em rất thích. Chúng ta thiếu quá nhiều truyện tranh, nhất là truyện tranh màu, in trên giấy tốt và có thể gấp, xếp, thay hình đổi dạng như đồ chơi. Các năm trước nhà xuất bản Kim Đồng không đáp ứng được thì các địa phương đổ xô vào làm. Hiện tượng này có mặt hợp lý và tích cực của nó. Đáng tiếc là thời gian qua, các báo phê phán có phần nặng nề. Trừ một số ít chất lượng thấp, phần lớn truyện tranh đó là có ích. Làm sao để sách Kim Đồng sát, phù hợp với thị hiếu, được bạn đọc chấp nhận mà nội dung cũng như chất lượng văn học nghệ thuật vẫn không ngừng nâng cao, đó là điều trăn trở thường nhật của chúng tôi.
w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 22 (28-5-1988)
31-12-18
|