ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 29 & 30 (16-7-1988)
VỀ
NHỮNG LỜI BÌNH CA NHẠC
Văn Ký
Trên sân khấu
ca nhạc Hà Nội đang diễn những chương trình ca nhạc. Trong đó chiếm
phần lớn là những bài ca sáng tác trước Cách mạng Tháng Tám 1945 và
đầu kháng chiến chống Pháp: Thiên Thai, Trương Chi, Suối mơ
của Văn Cao, Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong, Đêm đông
của Nguyễn Văn Thương, Dư âm của Nguyễn Văn Tý, Nụ
cười sơn cước của Tô Hải, Sơn nữ ca của Trần Hoàn,
Biệt ly của Doãn Mẫn, Ngày về, Mơ hoa của Hoàng Giác,
Chiều của Dương Thiệu Tước phổ thơ Hồ Dzếnh v.v... Báo Hà
Nội mới, số ra ngày 4-4-1988 có bài Những bản nhạc của một thời:
"Sự tái hiện cùng lúc nhiều nhạc phẩm trữ tình thời kỳ trước cách
mạng của những tác giả đã từng "vang bóng một thời" làm đời sống âm
nhạc Hà Nội thêm nhộn nhịp. Những hàng ghế khán giả chật ních trong
mọi thời tiết, chăm chú lắng nghe cái kho báu âm nhạc đang trải ra
trước mắt nhiều sắc màu, mà vì nhiều lý do, hàng thập kỷ qua ít được
nhắc đến"...
Lời bình trên
có thể hiểu ra nhiều cách, có thể gây những ngộ nhận.
Tôi nhớ hồi đầu
Cách mạng 1945, đồng thời với những bài hát cách mạng, chúng ta cũng
hát những bài ca thuộc dòng lãng mạn này, thậm chí Suối mơ,
Trương Chi, Thiên Thai đã được sử dụng trong một cuộc chiêu đãi
trọng thể khách nước ngoài, với nghi lễ Nhà nước (Hồi ký của Đinh
Ngọc Liên). Nào có ai cấm đoán gì đâu. Nhưng rồi dần dà sau đó, công
chúng ngày càng không thỏa mãn với những tình cảm lãng mạn yếu đuối,
những tâm trạng cô đơn, u uất, những nỗi buồn da diết xé lòng, những
"dương thế bao la sầu" vốn để phản ánh cuộc đời nô lệ trước cách
mạng. Người ta cũng dần dần chán những tiết tấu tango, những âm điệu
ảnh hưởng nhạc Tây. Công chúng đòi có những bài ca của mình, những
bài ca có thể giúp họ vững tin, vui hơn trên con đường tự giải
phóng, những bài ca cách mạng lạc quan trong sáng, hào hùng.
Chính nhiều tác
giả (lúc đó cũng đã đứng vào hàng ngũ cách mạng) cũng ngày càng thấy
rõ những bài ca ấy có nhiều hạn chế không tránh khỏi do xa lạ với
cuộc đời mới. Nhiều nhạc sĩ tự nguyện đi theo Đảng xây dựng nền văn
hóa mới, dân tộc, khoa học, đại chúng. Họ viết những tác phẩm bắt
nguồn từ cái đẹp hiện thực mới, trở về với nguồn ca nhạc dân tộc cổ
truyền vô giá và phong phú. Từ bấy đến nay đã gần nửa thế kỷ, nền âm
nhạc dân tộc hiện đại Việt Nam, đứa con đẻ của cách mạng ra đời.
Không chỉ ca khúc mà còn có những thể loại lớn, âm nhạc bác học -
những nhạc kịch, giao hưởng. Không chỉ có nghệ thuật dân gian mà còn
có những ca sĩ, nhạc sĩ biểu diễn, đạt đỉnh cao quốc tế, có những
giáo sư, tiến sĩ ở các lĩnh vực sư phạm và nghiên cứu âm nhạc. Thành
tựu thật đáng tự hào. Riêng ca khúc, đã có biết bao bài ca ghi dấu
những chặng đường đấu tranh cách mạng, đi sâu vào lòng người, rung
động hàng triệu trái tim, trở thành bạn đường thân thiết của nhân
dân mọi lúc vui buồn. Những bài ca đã biến thành sức mạnh vật chất
góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc. Đó mới là kho báu đích
thực của âm nhạc mà nhân dân ta không bao giờ quên. Thực ra, cái
tinh hoa, cống hiến lớn lao nhất của nhạc sĩ Văn Cao là những
Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam, Bắc Sơn, Làng tôi, Sông Lô và
nhiều bài ca cách mạng khác chứ đâu phải chỉ là những Thiên
Thai, Trương Chi, Suối mơ. Vậy thì đâu là kho báu? Và có thể
nào đánh đồng cái "chất mơ ngàn đời" của Văn Cao với các bài khác
như Ngày về của Hoàng Giác? Mong các nhà lý luận âm nhạc
phân tích đầy đủ, chính xác hoàn cảnh nào chúng ra đời, những hạn
chế nào về nội dung hình thức mà chúng không tránh khỏi, chúng có
những gì là ý nghĩa tích cực.
Lại còn có lời
giới thiệu, cắt một khúc con, một nhánh phụ của dòng sông âm nhạc
rồi bảo người nghe rằng đó là trở về với cội nguồn (!) mà với giọng
nghiêm túc trịnh trọng! Cội nguồn âm nhạc Việt Nam là kho tàng âm
nhạc dân gian truyền thống quý giá và giàu có của 54 dân tộc trên
các miền đất nước ta. Nói như vậy làm một số thính giả đáng yêu của
chúng ta tưởng thiệt. Một vài lời bình luận có lẽ đã quá "xúc động"
trở nên dễ tính đã gán cho số bài ca đó ánh hào quang rực rỡ đến mức
cái giá trị đích thực trở thành đáng nghi ngờ.
Tôi được nghe
cuốn băng ghi chương trình thơ nhạc do Câu lạc bộ quận Hoàn Kiếm
làm, còn quá hơn kiểu này. Một số nơi khác đang chuẩn bị làm tới.
Tất nhiên rồi cũng sẽ đi qua khỏi, nhưng đáng lẽ nó không đáng có.
Sẽ chỉ là việc bình thường nếu biết làm. Ở văn học, đồng thời với vô
số tác phẩm văn học hiện đại các loại, ta đã xuất bản những tác phẩm
thời trước thuộc các dòng khác nhau trong và ngoài nước. Việc làm
chỉ có lợi. Vì sao? Những quyển sách ấy có lời tựa, lời giới thiệu
đầy đủ, có luận cứ khoa học, được biên tập kỹ lưỡng. Lại có điểm, có
bình. Tình hình này khác hẳn với tình hình của âm nhạc đang diễn ra
hiện nay. Dường như có hỏa mù. Chúng ta đang thả nổi.
Nhân dân ta có
quyền và đủ sức tự mình lựa chọn, không cần ai đó chọn hộ mình.
Đúng, tôi đồng ý với đồng chí Trần Độ và xin nói thêm: công chúng +
thời gian = chân lý. Tôi hoàn toàn tin ở nhân dân ta. Nhưng thiết
nghĩ người đầu bếp (nhạc sĩ) phải cố nấu những món cho ngon lành.
Còn chủ quán (người quản lý) cần biết dọn những bữa ăn đặc sắc, nếu
là tiệc thì tốt, với đầy đủ trách nhiệm và trung thực, nhằm thỏa mãn
sự lựa chọn của khách hàng. Bài báo này chính cũng mong góp phần
cùng nhân dân ta lựa chọn.
Về những điều
nói trên, chắc có nhiều bạn còn có ý kiến. Mong các cơ quan ngôn
luận mở cửa cho một cuộc đối thoại dân chủ, công khai. Với sự tham
gia của công chúng âm nhạc, các nhạc sĩ (kể cả tác giả các bài ca đó
mà hiện vẫn còn sống) xin đừng hiểu rằng tôi chủ trương đóng cửa
những chương trình đó. Không, có thể cứ diễn tới chừng mực nhất
định, đồng thời với đối thoại dân chủ công khai, như vậy chắc sẽ có
ích và có nhiều lý thú. Qua đó chân lý sẽ được sáng tỏ.
Nguồn: Văn
nghệ, Hà Nội, số 29 & 30 (16-7-1988)
21-10-2021 |