ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 12 (25-3-1989); số 13 (1-4-1989) VỀ MỘT CHẶNG ĐƯỜNG VĂN XUÔI
(Tổng thuật của Phạm Thanh Ba Mấy năm vừa qua, văn xuôi có nhiều khởi sắc là nhận định chung của nhiều nhà văn và người đọc của nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, khi nhìn vào tác phẩm và tác giả cụ thể thì ý kiến đánh giá lại rất khác nhau. Ngay hai chữ khởi sắc khi đem giải nghĩa ra thì không phải không lắm ý kiến. Chính vì những điều này mà cuộc Hội thảo của Hội đồng văn xuôi mở rộng diễn ra vào cả ngày 22 tháng Hai vừa qua của ngành lý luận, phê bình là những sinh hoạt quan trọng trước thềm của Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV sắp họp. Mở đầu, nhà văn BÙI HIỂN, chủ tịch Hội đồng văn xuôi đã phát biểu ý kiến có tính chất gợi mở. Ông cho rằng việc đánh giá sự phát triển mới của văn xuôi, khẳng định các thành tựu, đồng thời cùng nhau thảo luận, phân tích những thiếu sót lệch lạc nếu có và cùng suy nghĩ về hướng đi cho một bước phát triển mới là những gì phải cùng nhau bàn bạc. Về chặng đường vừa qua, nhà văn Bùi Hiển đánh giá cao về sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng và ông cho rằng một "sự khởi sắc trong đổi mới" nằm trong bối cảnh công cuộc đổi mới toàn xã hội. Văn xuôi phong phú lên về đề tài, về tư tưởng chủ đề và cả về cách tiếp cận hiện thực. Nhiều vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đã được đặt ra. Nhiều tập tiểu thuyết được đánh giá cao. Một số hồi ký văn học tốt. Thể loại văn học tư liệu chưa phát triển nhiều nhưng vừa đây đã gây được thành công lớn. Thể ký, phóng sự điều tra có một sức sống mới do cái nhìn phanh phui vào sự thật. Tiếp đó, nhà văn Bùi Hiển nói về sự phát triển của lực lượng sáng tác và cũng nêu lên những vấn đề mới nảy sinh trong đánh giá chất lượng văn xuôi mấy năm gần đây. Đó là sự lan tràn ở nhiều địa phương các loại sách giật gân câu khách, ve vuốt thị hiếu tầm thường với những truyện chém giết, trả thù ly kỳ rùng rợn hoặc chuyện dâm loạn, đồi trụy. Đó là việc xuất hiện một khuynh hướng viết những cuốn sách dễ dãi. Ông cho rằng vấn đề quan trọng là ở chỗ người viết phải có hoài bão nâng cao nghề nghiệp để vươn tới những sáng tác có chiều sâu và có giá trị thẩm mỹ. Một vấn đề lớn khác được nhà văn Bùi Hiển nêu lên là việc khẳng định các phương hướng, mục tiêu đúng đắn của cả một dòng lớn, dòng chính của văn xuôi đổi mới hiện nay. Tiếp tục khám phá, sáng tạo để có thêm tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm chống tiêu cực đầy ý thức trách nhiệm, không phải không có ý kiến cho rằng: người viết đi quá đà, phê phán có tính chất mắng mỏ, chửi rủa, không có ý thức xây dựng không có cái "tâm" không những không có tác dụng nâng cao, thanh lọc tâm hồn mà còn có thể gây kích động, tạo bi quan, chán nản, mất lòng tin. Vậy nên suy nghĩ thế nào về những ý kiến này? Tiếp đó, nhà văn Bùi Hiển cũng đã đặt ra những câu hỏi về những quan niệm khác nhau về tiếp cận hiện thực, về mối quan hệ giữa nhà văn và cuộc sống, về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Nhà văn ĐOÀN GIỎI phát biểu ý kiến. Ông không đi vào tất cả các vấn đề của văn xuôi hiện nay mà bằng giọng nói ôn tồn, điềm đạm, nêu lên một vấn đề gay gắt nổi bật của tình hình văn xuôi là việc lực lượng sáng tác bị dồn ép từ nhiều phía. Giống như sự bao vây của "trận càn chữ 0" trong chiến tranh, các loại sách "bung ra" đủ thứ, truyện Tàu, truyện Tây, truyện vụ án bao vây văn học chính thống của cách mạng. Trước tình hình rối loạn của các loại sách đen, sách kích dục, hiếu kỳ loạn xạ, anh em sáng tác cũng rối loạn theo, mạnh ai nấy làm. Cũng có nhiều anh em dũng cảm không bẻ cong ngòi bút theo thị hiếu thấp hèn. Nhà văn Đoàn Giỏi cũng lưu ý đến những kẻ làm đổi mới giả tức là những kẻ làm hại đổi mới, ném đá giấu tay, lợi dụng các cơ quan ngôn luận để mưu đồ cá nhân, coi thường độc giả. Cho nên những người có thiện chí mặc nhiên bị coi là bảo thủ. Nhà văn Đoàn Giỏi cũng nói về sự im lặng đáng sợ ở những người có uy tín trong nghề văn từ lâu. "Tôi cũng xin lưu ý ở chỗ này, những người có cái nhìn chính đáng hình như cũng không muốn dây vào làm gì". Nhà văn BÙI BÌNH THI bàn về chặng đường văn xuôi mấy năm vừa qua bắt đầu từ việc xem lại cái chữ "cởi trói" và tư cách nhà văn trong chuyện này. Anh cũng bàn đến một quan niệm mà nhiều người thường nói là quan niệm có sự gác cổng, phải xây dựng "người gác" trong mỗi người. Quan niệm xơ cứng ấy bắt đầu từ sự thiếu lòng tin ở nhà văn và nhà văn thiếu tự tin, tự chủ. Cho nên cái lỗi ở đây không ở phía những người viết mà ở các phía các nhà quản lý, ở phía các nhà lý luận, phê bình. Cho nên nói cởi trói là trước hết phải nói với những người làm quản lý, những người làm lý luận. Tiếp đó, nhà văn Bùi Bình Thi bàn đến một xu hướng tuy chỉ mới xuất hiện nhưng rất đáng bàn là xu hướng bạo ngược trong văn học. Phá bỏ tất cả, khinh thường tất cả là bạo ngược, kiêu căng, coi người như rơm như rác, đến lịch sử cũng chẳng ra gì, là bạo ngược; phá bỏ thần tượng đã đành, phá bỏ cả ông cha là bạo ngược. Theo anh, nếu bàn đến chữ tâm là trên ý nghĩa này, anh có quyền nói về mọi cái thấp hèn, cái đểu giả nhưng khi gập sách lại người đọc khao khát cái đẹp, cái cao cả. Nếu không làm được điều ấy thì sẽ sa vào văn học bạo ngược. Nhà văn Bùi Bình Thi đã lấy trường hợp một nhà văn nữ và một cây bút nam ra làm ví dụ có sức thuyết phục. Nhà văn NGUYỄN QUANG THÂN từ Hải Phòng lên dự cuộc họp để rồi cuối ngày lại trở về Hải Phòng. Người có nhiều tác phẩm được giải, dường như rất nhiều chất thơ này lại có nhiều ý kiến sôi sục đầy chân thành liên quan đến hàng loạt vấn đề nóng bỏng hiện nay. Anh cho rằng trong văn học ta chưa bao giờ có sự chia rẽ như hiện nay. Sự chia rẽ ấy, theo anh là đáng mừng vì nhà văn sống thực hơn. Mỗi nhà văn là một con người độc lập, là con người của mình. Về công cuộc đổi mới trong văn học, anh cho rằng trừ những người viết kiếm tiền ra, các nhà văn luôn luôn trăn trở, luôn luôn muốn đặt ra các vấn đề mới trước xã hội và văn học. Sau khi phân tích một vài hiện tượng cụ thể, nhà văn Nguyễn Quang Thân nói đến tính phủ định trong công cuộc đổi mới mà theo anh, nói đến đổi mới thì có nghĩa bao giờ nó cũng mang theo ít nhiều tính phủ định. Từ vấn đề này, anh nói, đến mối quan hệ giữa hai thế hệ già và trẻ. Anh nói: "Tôi cho rằng sự đóng góp của các nhà văn lớp trước, bên cạnh việc sáng tác là việc ủng hộ sự đổi mới của lớp trẻ. Phải chống sự ghen tỵ và sợ hãi, chỉ khi đó mới đánh giá đúng tình hình văn học khách quan được. Lâu nay chúng ta không muốn thừa nhận và còn che giấu về sự khác biệt của các thế hệ nhà văn". Tiếp đó, nhà văn Nguyễn Quang Thân bàn lại về chức năng của văn học. Theo anh, "văn học là công cụ của con người tiến đến sự thật". Làm ngơ trước sự thật là men đến sự giả dối. Quá trình đi làm sự thật, văn học ta chưa làm được bao nhiêu. Chúng ta đã ngoảnh mặt trước sự thật. Cái lỗi chủ yếu là ở nhà văn. Thấp hèn, buông thả, vô trách nhiệm, lãng quên trong đó có cả sự quên đi nỗi khổ của con người. Nền văn học của ta thiếu quá nhiều sự thật. Dĩ nhiên, phản ánh được sự thật là việc không dễ dàng gì. Nhà văn Nguyễn Quang Thân đã biểu dương hiện tượng Nguyễn Huy Hiệp và băn khoăn việc làm Ban Chấp hành của Hội Nhà văn đối với báo Văn nghệ là "kìm hãm văn nghệ tiến đến gần sự thật". Nhà văn NGUYỄN VĂN BỔNG, nhân ý kiến của nhà văn Đoàn Giỏi, nhắc lại một ý kiến của Tô Hoài cũng có lần nói rằng chưa bao giờ bị trói buộc như bây giờ. Thị trường sách quả hỗn loạn, đánh giá văn học cũng lung tung, mỗi người mỗi cách. Cái hay cái dở, cái mới cái cũ bao nhiêu chuyện. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng cho rằng việc in anh Nguyễn Huy Thiệp hay chị Phạm Thị Hoài là chuyện bình thường, đáng hoan nghênh. Nhưng văn chương ấy là mới hay là cũ lại là chuyện khác. Có thể mới với bạn đọc của ta mà không mới với nước ngoài chẳng hạn. Trở lại vấn đề thị trường sách, nhà văn Nguyễn Văn Bổng báo động rằng hiện nay có nguy cơ tùy tiện xuất bản, hỗn loạn quá cả thời kỳ Mỹ ngụy trước Mậu Thân. Ở các tỉnh phía Nam, bao nhiêu thứ cũ in lại hết. Có lẽ chỉ còn "chưởng" là chưa in. Anh tin rằng rồi bạn đọc sẽ chán các loại tác phẩm thấp kém đó. Một ngày nào đấy số đông sẽ quay trở về đọc các cây bút đứng đắn. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng cũng nêu yêu cầu rằng muốn đánh giá văn học quá khứ phải đặt vào hoàn cảnh yêu cầu và mục đích của một thời kỳ. Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một thời kỳ lịch sử mới và sinh ra một lớp nhà văn mới của cách mạng. "Phủ nhận gì thì phủ nhận, tôi không phủ nhận những cái cách mạng mà Đảng đã mang lại cho tôi". Anh cũng nói: Cái lỗi của ta (các nhà văn) là đã kéo dài quá lâu sự ngây thơ và lãng mạn. Nhà văn ĐOÀN GIỎI mở thêm một dấu ngoặc về điều mà anh Nguyễn Quang Thân đã nói về mâu thuẫn giữa các thế hệ. Ông nói: Mỗi thế hệ có vai trò và sứ mệnh của nó và nó phải chịu trách nhiệm về vai trò lịch sử của mình. Không nên có sự phủ nhận hoặc ghen tỵ (có thể có). Nhưng không thể có sự chệch choạc, không thể tồn tại thứ văn có hại cho lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Tự do, nhưng không thể tự do đốt nhà được. Nhà phê bình văn học, giáo sư HÀ MINH ĐỨC đã điểm lại sự phát triển khá sinh động của văn xuôi những năm vừa qua. Anh biểu dương các cuốn Nhớ Mai Châu của Tô Hoài, Ông cố vấn của Hữu Mai, Không phải trò đùa của Khuất Quang Thụy. Anh biểu dương cây bút nữ Đoàn Lê và mấy cây bút đều tên là Tuấn ở trong Nam: Trần Văn Tuấn, Nhật Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn. Hoàng Lại Giang và Nguyễn Quang Lập cũng được anh ghi nhận có những đóng góp quý. Chủ thể rõ hơn, nhịp điệu nhanh hơn, lượng thông tin nhiều hơn, miêu tả đầy tình tiết đến triệt để hơn là những ưu điểm lớn của văn xuôi mấy năm vừa qua, theo anh. Nhà phê bình Hà Minh Đức cho rằng sự mở rộng mà ít quy tụ, thiếu bề sâu, là nhược điểm lớn nhất trong văn xuôi vừa rồi. Nhiều cuốn sách hấp dẫn, lôi cuốn, hay. Nhưng tác phẩm thật hay vẫn hiếm. Nhà văn XUÂN CANG cho rằng: Bản chất văn học là sáng tạo. Thời nào cũng có những con người sáng tạo, những nhà văn vượt lên tất cả. Chẳng hạn như Nguyễn Du, Cao Bá Quát. Chỉ có điều mỗi thời mỗi khác. Cao Bá Quát, thời ông, đã phải xếp thơ vào bồ để sau này công chúng khui ra. Thời gian 10 năm qua, do thể chế nên con người bí bách nên ta mới phải làm đổi mới, phải tạo ra cho ta một nền văn hóa để không phải sa vào tình trạng như Cao Bá Quát viết mà không công bố được. Anh cũng đồng ý với mọi người rằng ta có một nền văn học rất đáng tự hào, một nền văn học do cả dân tộc làm ra. Phát biểu về vấn đề công chúng trong văn học, nhà văn Xuân Cang cho rằng thời nào cũng có một lớp công chúng là lương tâm của thời đại. Cái đúng, cái sai, cái hay, cái dở họ sẽ tự lựa chọn. Không nên quá lo lắng đến một số sách tạp lẫn với sách hay, sách tốt. Nhà văn NGUYỄN QUANG THÂN có đôi lời trao đổi lại với mấy nhà văn lớn tuổi, rằng anh rất tôn trọng các anh lớp trước (mà anh cho mình là lớp trung gian). "Tôi kính trọng các anh trong sự nhận đường của các anh. Không được xúc phạm. Song vấn đề lại ở chỗ tất cả những tình cảm tốt đẹp đó đã đưa lại những gì cho thế hệ hiện nay và sau này cho sự đi lên của văn học và cho sự đi lên của con người?" Nhà văn NGUYỄN VĂN BỔNG nói thêm rằng thế hệ nhà văn đi trước luôn chờ đợi và cổ vũ những lớp người đến sau. Thái độ không hoan nghênh cái mới của lớp trẻ là rất nguy hiểm. Trước một hiện tượng văn học mới, có sợ hay không sợ cũng chẳng quan trọng vì rồi người đọc hôm nay và ngày mai sẽ lựa chọn, sẽ xóa bỏ trong lịch sử văn học những gì không phải là sáng tạo. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng cũng cho rằng việc đánh giá văn học không phải chỉ để đánh giá ông A, ông B mà cái quan trọng là để xem văn học ta nên phát triển như thế nào. Biết đâu anh trẻ lại không già và ngược lại. Vấn đề là nhìn vào trang sách, nhìn vào tác phẩm. Nhà văn NGUYỄN KIÊN phát biểu về sự nghiệp đổi mới trong văn học. Anh thấy rằng ai cũng nói đến đổi mới, song đổi mới là đổi mới những gì thì cần phải bàn không chỉ trong giới văn học. Văn học, trong bản thân nó luôn có nhu cầu đổi mới, nhưng ở đây, phải bàn kỹ lưỡng hơn về những nhu cầu của đời sống. Theo anh, chúng ta đã chiến đấu cho một lý tưởng và không hề ân hận gì về điều đó. Song, ta có một cái nhìn đó là dựng mô hình kinh tế - xã hội. Mô hình dựng không trúng phải làm đi làm lại mãi. Và điều này chi phối không ít đến văn học. Ngoài ra, văn học có nhu cầu đổi mới để đáp ứng cho chính sứ mệnh của văn học. Về điều này, trong Dự thảo báo cáo của Ban Thư ký có vạch được rõ hơn cái lầm, cái sai của ta. Tôi đề nghị trong dự thảo cần làm thấu đáo hơn, rõ ràng hơn. Không ai được phủ nhận sự đổ xương, đổ máu của chúng ta. Chúng ta là những người anh hùng, không phải là người anh hùng thất bại mà là người anh hùng có lầm lẫn. Phải làm rõ điều này. Nhà văn Nguyễn Kiên cũng trao đổi về vấn đề thị trường sách. Anh cho rằng nhà văn phải chấp nhận một tình hình là có một loại sách sẽ phát triển không thể kìm hãm được: Văn học giải trí, điều đó cũng có cái tốt, nhà văn phải ganh đua, làm sao vẫn giữ giá mà người đọc vẫn phải đọc mình. Nhưng cũng có thể có nhà văn không đếm xỉa gì đến quy luật của thị trường (biết đâu chẳng có những người như vậy). Với những nhà văn ấy, tổ chức của Hội nên có biện pháp giúp đỡ họ. Nhà văn BÙI HIỂN góp thêm ý kiến vào điều kiện người cầm bút. Nhà văn nhắc đến một định nghĩa về tiểu thuyết hiện đại, một nhà văn nước ngoài nêu lên: Tiểu thuyết là một thể loại ghi lại kinh nghiệm cá nhân. Yếu tố cá nhân, yếu tố riêng tư không chỉ vì định nghĩa ấy mà tương đương nhiên là có, song theo ông cũng nên hiểu cái riêng tư trong văn học thế nào cho phải. Ông nói, có cái riêng tư ông đọc thấy vào, nhưng có cái đọc không vào. Có thể vì nó tuế toái quá, riêng biệt quá và hình như nó không giúp gì cho mình. Cho nên, cái riêng tư gì thì cũng phải giúp nhà văn cũng giống như tâm trạng của nhiều tầng lớp người trong xã hội. Có người cho rằng trước kia mình bị lầm lạc và hoài nghi con đường đã đi. Có người cho rằng mình đã bị lừa gạt, đã từng bị tước đoạt. Có người lặng lẽ suy nghĩ... Mỗi người cầm bút lấy tâm trạng riêng tư để sáng tác. Tất nhiên là như vậy, nhưng ở đây phải nêu lại vấn đề trách nhiệm công dân của người cầm bút. Điều này còn đúng nữa không? Có người nói: Cuối cùng công chúng sẽ quyết định, song nếu "thả ra" thì các thứ sách đen và nhiều thứ tạp khác sẽ lan tràn và bao vây ta. Cấm kỵ hoặc khuôn vào một hướng nào đó là không nên, nhưng có lẽ cũng nên có một định hướng như thế nào chăng? Nhà văn XUÂN THIỀU đồng tình với nhà văn Nguyễn Kiên khi anh cho rằng vấn đề tạo ra một mô hình mới là rất quan trọng. Song mô hình ấy ta đang trên đường tìm kiếm, xây dựng dựa trên đặc điểm riêng của đất nước ta. Thế mà có nhà văn dám tự khẳng định mình đã tìm được mô hình mới. Điều đó thật đáng ngại. Bàn thêm về việc đổi mới trong văn học, nhà văn Xuân Thiều cũng một phần nhất trí với anh Nguyễn Quang Thân rằng đổi mới là công phá vào cái cũ. Song cái gì là cũ? Cái công thức, cái trì trệ, cái yếu hèn hẳn là phải công phá. Chứ không phải đổi mới là công phá vào các giá trị cũ. Chính vì sự lầm lẫn này nên mới gây ra sự mất đoàn kết. Bàn tiếp về công việc đổi mới trong văn học, nhà văn Xuân Thiều cho rằng đổi mới phải trở thành bản chất thường trực của nhà văn. Còn những người chỉ kêu lên "đổi mới" rất to khi toàn Đảng, toàn dân vừa làm, vừa sửa, vừa rút đúc rất nhọc nhằn. Không thể đánh giá cao những người kêu to đó. Về các trường hợp cụ thể, Xuân Thiều đánh giá cao những nét mới trong các tên tập sách viết về chiến tranh xuất bản trong mấy năm qua, trong đó có Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trí Huân, Hồ Anh Thái và nhiều cây bút khác. Về các cây bút mới nổi lên gần đây, nhà văn Xuân Thiều hoan nghênh hiện tượng anh Thiệp, chị Hoài. Nhưng đọc Nguyễn Huy Thiệp, Xuân Thiều vẫn phải nhớ đến Đông Chu liệt quốc, Chuyện làng nho và các truyện khác. Đọc Phạm Thị Hoài, anh vẫn phải nhớ đến Ph. Sagan chẳng hạn. Cứ bình tĩnh chờ xem, không nên coi mấy cái truyện kia là hay nhất. Có một số người đề cao một số người để bản thân họ cùng được nổi tiếng. Vậy cũng nên coi thường những con người đó. Nhà văn ĐỖ CHU mở đầu câu chuyện văn học và sự đánh giá bằng việc bàn lại chữ đoàn kết. Theo anh, đã có một thời chúng ta nhìn sự đoàn kết như nhìn một "tập thể thân thương". Bằng những cái "tập thể thân thương" ấy, mọi người cứ mụ mẫm dần. Bây giờ phải hiểu đoàn kết theo một nghĩa khác, không phải dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức chung chung hay không khí yên ổn giả tạo mà phải xét bằng sự hợp với lẽ phải, hợp với pháp luật. Nguyên tắc cao nhất của đoàn kết phải là nguyên tắc kết dính con người trong toàn xã hội. Cũng bởi thế nhiều ý kiến trái ngược nhau về văn học và xã hội trong thời gian qua là chuyện bình thường, nên có nhiều ý kiến khác nhau để cùng bàn bạc. Từ những nhận xét chung, nhà văn Đỗ Chu bàn đến các trường hợp cụ thể. Về trường hợp Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Đỗ Chu cho rằng cái lỗi trước hết là ở những người đã đẩy anh ta quá lên làm cho người ta không tán thành. Đỗ Chu phê phán truyện Phẩm tiết; anh cho rằng viết về Quang Trung như vậy là động vào các nguyên tắc. Có lẽ nguyên tắc mà anh nói đến không chỉ là nguyên tắc có tính chất văn hóa. Cũng từ ý này Đỗ Chu nói rằng ta phải phấn đấu để văn chương không tục tĩu mà vẫn hay. Phải chống lại mọi cái tục tĩu tầm thường trong văn học. Bàn về báo Văn nghệ, nhà văn Đỗ Chu đồng ý với cách làm vừa qua của Ban Chấp hành và Ban Thư ký Hội Nhà văn. Ngoài những lệch lạc cụ thể, trước đây, tờ báo cũng phản ánh lệch lạc nguyện vọng của các nhà văn, bộc lộ rõ chủ nghĩa anh hùng cá nhân, có thiên hướng phe nhóm, mất đoàn kết nghiêm trọng (không phải với cái nghĩa tập thể thân thương mà với cái nghĩa vi phạm các nguyên tắc của các mối quan hệ trong cộng đồng - P.T.B nhấn mạnh) vì vậy xử lý như vừa qua là rất đúng. Bàn thêm về công việc đổi mới trong văn học, Đỗ Chu nói rằng cải tổ hay đổi mới đòi hỏi mỗi người phải có trí lực, có tâm đức để làm chứ không thể láu cá, khôn vặt, hèn hạ. Anh không cho rằng mâu thuẫn lớn trong làng văn là mâu thuẫn giữa già và trẻ. Thế hệ già không dìm thế hệ trẻ, còn không thích thế hệ già là quyền của mỗi người. Chẳng hạn với Nguyễn Huy Thiệp, có ai định dìm anh ta đâu. Không nên tự lâm ly một cách giả tạo. Nếu nói thêm một câu về Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài thì nói rằng họ là những người có tài. Nhưng với Nguyễn Huy Thiệp đã thấy có dấu hiệu của một ca bệnh, nếu quá lên nữa. Đỗ Chu cũng nói thêm rằng ý kiến của anh Nguyễn Quang Thân có nhiều ý sâu sắc, là những tiếng nói trong nỗi buồn của người lương thiện. Ý kiến của Đỗ Chu cũng bắt nguồn từ đó. Nhà phê bình văn học NGUYỄN ĐĂNG MẠNH nói: "Đổi mới, theo tôi là làm theo cái đúng". Quả là trước đây chúng ta làm nhiều cái không đúng. Gần đây, một số người cứ hay lấy việc "phủ nhận sạch trơn quá khứ" ra lu loa mãi. Điều đó là hiện tượng không lành mạnh, vì nó gây tác động tâm lý làm một số người hoảng. Sau khi phân tích tính tự phủ nhận trong văn học, anh Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng đổi mới là làm đúng song làm thế nào cho đúng không phải dễ. Đổi mới là phải có sự mò mẫm. Cần có nhiều ý kiến tranh luận bàn cãi cho ra lẽ. Tự cho mình là chuẩn chân lý tức là chống đổi mới. Nhà văn NGUYỄN VĂN BỔNG nói: Chúng ta là những nhà văn theo Đảng. Nhiều cái tốt, cái đúng Đảng mang lại cho chúng ta. Song, chúng ta cũng theo Đảng cả cái sai. Dũng cảm sửa cái sai cũng là đổi mới. Song chúng ta nên tránh cực đoan. Không nên sổ toẹt những cái đã qua, cho cả một thời đều là minh họa, chẳng hạn. Một trong những nhiệm vụ của văn nghệ là phải góp phần tìm tòi các mô hình, dù có phải mầy mò, chập choạng. Nhà văn NGUYỄN ĐÌNH THI trong phần phát biểu của mình đã dành phần đầu để nói lại sự thật đã diễn ra vùng quanh tờ báo Văn nghệ và việc thay đổi Tổng biên tập. Tiếp đó, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã nói về công cuộc đổi mới và sự nghiệp văn học. Theo anh, công cuộc đổi mới vừa có vấn đề trước mắt là các vấn đề cấp bách về kinh tế - xã hội, lâu dài là vấn đề bản chất của chế độ. Mọi việc đòi hỏi phải bàn đến tận gốc để xây dựng một xã hội, xã hội chủ nghĩa chân chính, trong đó dân chủ là một vấn đề. Chứ không phải hiện nay chỉ có vấn đề dân chủ hóa. Qua bao nhiêu gian truân, ta như người bị chôn vùi ở dưới đất mới ngoi lên. Ta như người đi từ hậu trung cổ lạc hậu mà bỗng phải đáp ứng ngang với thế kỷ về mốt. Việc nóng vội bắt chước nguyên xi một hai mô hình các nước khác bắt nguồn từ đó. Nhưng chúng ta có những cái riêng không giống các nước khác. Trong đời sống và cả trong văn học cũng vậy. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã đưa ra các ví dụ để thấy các nét riêng của con đường văn học, dân tộc rất đáng tự hào, chống lại tâm lý cúi rạp trong mặc cảm, tự ti. Bàn về công chúng của văn nghệ, nhà văn Nguyễn Đình Thi cho rằng những bạn đọc trung thành của các nhà văn hiện nay nhiều khi lại là những người không đủ tiền mua sách. Công chúng chân chính hiện nay đang gánh chịu những gánh nặng nhất của đời sống. Số đông chưa chắc đã là một lớp công chúng bất kỳ lúc nào cũng quyết định chân lý. Từ những ý kiến về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, nhà văn Nguyễn Đình Thi nêu vấn đề chống bao cấp nhưng phải nuôi tài năng (P.T.B nhấn mạnh). Nếu văn hóa chỉ chạy theo kinh doanh, thả nổi cho nó tự bơi thì văn hóa nhất định xuống cấp. - Từ việc phân tích đến sự phát triển khác nhau của phong trào văn học, nhà văn Nguyễn Đình Thi bàn về một mảng lớn của văn học là văn học chiến tranh và cách mạng. Cuộc chiến tranh vừa qua chỉ có thể có hai kết quả này: một là thắng và hai là mất nước. Thắng không phải là kết quả dĩ nhiên, là không sóng gió. Đó là sự kiện lớn có tầm cỡ thế kỷ hoặc nhiều thế kỷ, những sáng tác đã thành tựu trong hai cuộc kháng chiến vừa qua là phần tinh túy nhất của văn học hiện đại nước ta. Phải đặt cho mình hoài bão tiếp tục viết tác phẩm lớn về thời kỳ đó. Nhà văn BÙI HIỂN, chủ tịch Hội đồng văn xuôi vui vẻ nói lời kết thúc một ngày thảo luận sôi nổi và bổ ích. Hàng loạt vấn đề chung của văn học và đời sống, các vấn đề nghiệp vụ đã được đi sâu trao đổi trên tinh thần thật sự dân chủ cởi mở, hiểu biết lẫn nhau. Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 12 (25-3-1989); số 13 (1-4-1989)
24-3-19 |