ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ Nguồn:Văn nghệ, Hà Nội, số 40 (3 - 11 - 1992)
VÌ SỰ
PHÁT TRIỂN VỮNG CHẮC CỦA VĂN HỌC
(Lược
thuật cuộc gặp gỡ của giới lý luận phê bình văn học tại tuần báo
Văn nghệ, ngày 15-7-1992)
Nhằm nâng cao chất lượng phần lý luận phê bình văn học của báo, ngày
15-7-1992, tuần báo Văn nghệ phối hợp với Hội đồng Lý luận
phê bình của
Hội Nhà
văn tổ chức cuộc gặp gỡ với các
nhà văn hội viên làm công tác lý luận phê bình tại thủ đô Hà Nội và
một số cộng tác viên trong lĩnh vực này. Đông đảo các tác giả đã có
mặt trong cuộc gặp gỡ: Nguyễn Đức Đàn, Hà Xuân Trường, Lê Xuân Vũ,
Vũ Đức Phúc, Phong Lê, Phương Lựu, Phan Cự Đệ, Nguyễn Xuân Nam,
Thành Duy, Nguyễn Huệ Chi, Từ Sơn, Nguyễn Minh Tân, Hoàng Ngọc Hiến,
Khái Vinh, Phan Hồng Giang, Ngô Thảo, Hồ Sĩ Vịnh, Trần Đình Sử, Vân
Thanh, Đức Hạnh, Vương Trí Nhàn, Hồng Diệu, Lại Nguyên Ân, Lê Thành
Nghị, Văn Tâm, Ngọc Trai, Lê Sơn, Nguyễn Văn Lưu, Văn Hồng, Đỗ Lai
Thúy, Nguyễn Thanh Hùng, Đỗ Văn Khang, Lã Nguyên, Bùi Việt Thắng...
Các nhà văn: Vũ Tú Nam (Tổng thư ký), Nguyên Ngọc, Ngọc Tú (đại diện
Ban Chấp hành), Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức (đại diện Hội đồng Lý
luận phê bình của Hội) đã tới dự. Về phía báo Văn nghệ, có
các đồng chí: Hữu Thỉnh (Tổng biên tập), Hoàng Minh Châu (Phó tổng
biên tập), Thiếu Mai, Phạm Tiến Duật, Phạm Đình Ân, Đỗ Bạch Mai,
Trần Thị Thắng...
Nhà thơ
Hữu Thỉnh mở đầu cuộc gặp gỡ "Lý luận phê bình là một mảng quan
trọng trên tờ báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Với tinh
thần Đoàn kết, Dân chủ, Đổi mới, báo Văn nghệ
mong muốn có được sự cộng tác chặt chẽ của đông đảo anh chị em là
công tác lý luận phê bình văn học, cùng góp sức vào sự phát triển
văn học của nước ta hôm nay. Văn nghệ mong muốn tập hợp được
những tiếng nói phong phú, những tìm tòi suy ngẫm tâm huyết của tất
cả các cây bút lý luận phê bình có chung mục đích là làm sao cho văn
học phát triển một cách vững chắc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp
đổi mới đất nước, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng, vì Tổ quốc, vì
chủ nghĩa xã hội. Không phải chỉ bạn đọc, mà ngay cả giới sáng tác
cũng rất chờ đợi, lắng nghe tiếng nói của các nhà lý luận phê bình.
Vừa qua, báo Văn nghệ đã có một số cố gắng cải tiến trang lý
luận phê bình theo tinh thần đó; tuy nhiên cũng còn rất nhiều khó
khăn, hạn chế, còn rất nhiều điều chưa được như ý muốn...". Sau khi
nêu những điểm mà báo chưa làm được trên lĩnh vực lý luận phê bình
văn học, nhà thơ Hữu Thỉnh chân thành đề nghị các bạn cộng tác viên
có mặt tại cuộc gặp gỡ đóng góp những sáng kiến thiết thực nhằm nâng
cao chất lượng phần lý luận phê bình văn học của tờ báo: "Sao cho
mảng lý luận trên báo Văn nghệ vừa khoa học hơn, đi sâu vào
chiều sâu hơn, đồng thời cũng thiết thực hơn, góp phần giải đáp
những vấn đề mà sáng tác đặt ra. Sao cho mảng phê bình văn học trên
đó, nhạy bén hơn, sâu sắc hơn, có sự bình giá đúng đắn đối với các
tác phẩm cụ thể, kịp thời biểu dương cái hay, phê phán cái dở, cái
lệch lạc, phát hiện được những nhân tố mới của phong trào sáng tác".
Chính
bản thân cuộc gặp gỡ lần này tại tòa soạn Văn nghệ cũng đã
phần nào thể hiện tinh thần đoàn kết - dân chủ - đổi mới mà Đại hội
Nhà văn Việt Nam lần thứ IV nêu ra. Suốt một ngày, trong không khí
chân tình, thẳng thắn và cởi mở, hầu hết những người tới dự cuộc gặp
gỡ đã phát biểu những suy nghĩ tâm đắc của mình. Có những vấn đề đã
được xem xét từ các góc độ khác nhau. Có những ý kiến mang tính chất
tranh luận trực tiếp. Và, ngay cả ở những lúc có sự khác biệt, cuộc
gặp gỡ lần này của các nhà lý luận phê bình văn học đã khẳng định
một điều: biết tôn trọng người khác, lắng người khác - chính là con
đường đúng đắn để đi tới chân lý khoa học.
Vấn đề
đầu tiên mà nhà nghiên cứu tới dự cuộc gặp gỡ đã nêu ra là sự tương
quan giữa lý luận phê bình với sáng tác. "Ít lâu nay, lý luận phê
bình, nói chung có phần chững lại" (Nguyễn Đăng Mạnh, nhận xét). Bản
thân nền văn học đang chuyển, đang đổi mới, khác trước rất nhiều.
Sáng tác đổi mới, phê bình tất nhiên cũng phải đổi mới. Lý luận phải
đi trước một bước để giải quyết vấn đề này. "Sự đổi mới mạnh mẽ
trong sáng tác đã gây ra không ít lúng túng cho giới lý luận phê
bình. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, lý luận phê bình
không thể một sớm một chiều phát triển tưng bừng được. Hiện thực
sáng tác văn học hôm nay có nhiều điều mới mẻ quá. Giới lý luận phê
bình cần tiếp tục quan sát, tiếp cận, để nhìn nhận, tổng kết những
sáng tạo nghệ thuật ấy, dần dần tạo dựng một bầu không khí lý luận
phê bình văn học sôi nổi như mọi người mong đợi" (Văn Tâm). "Phê
bình hiện nay quả thật, rất khó. Nếu con người là một "tiểu vũ trụ"
thì có thể ví sáng tác như một quá trình luôn luôn tìm tòi những
giải sóng mới trong cái tiểu vũ trụ ấy. Vậy mà trong khi sáng tác đã
thật sự chuyển động, bao nhiêu giải sóng trước kia chưa hề biết đã
được phát hiện, thì phê bình vẫn chỉ có một kênh nhận sóng cũ kỹ,
làm sao tiếp nhận được hết các giải sóng mới mẻ, thiên hình vạn
trạng này?" (Nguyễn Huệ Chi). "Lý luận phê bình văn học thời gian
qua tuy không ồn ào, nhưng không phải không có cố gắng. Nó đang đổi
mới phương pháp luận phê bình, đang tìm tòi để nhìn nhận lại văn học
sử, đang đánh giá lại các tác phẩm văn học trước
Cách mạng Tháng Tám,
trong thời kỳ kháng chiến và tác phẩm hiện nay" (Trần Đình Sử). "Lý
luận có khó khăn nhưng tôi lại không bi quan về phê bình. Kết quả
các giải thưởng Văn nghệ của các báo, tạp chí, cơ quan vừa qua là sự
thể hiện một quan niệm mới về lý luận đang hình thành, một cách cảm
nhận mới về phê bình có thay đổi. Phê bình đang lấn sân trong các
hội thảo, các sinh hoạt học thuật rõ ràng là có mặt sôi nổi hơn trên
mặt báo chí" (Phong Lê).
Đi vào
những vấn đề cụ thể của lý luận văn học, nhiều ý kiến phong phú đã
được phát biểu. "Lý luận là tư duy khái niệm; trong lúc nhiều khái
niệm không rõ thì làm sao mà tranh luận cho ra chân lý. Ví dụ, như
thuyết phản ánh, như chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Rõ
ràng là đã có một sự lẫn lộn giữa thuyết phản ánh với tư cách nhận
thức luận mác-xít với trình độ phản ánh hiện thực của từng nhà văn,
do đó mới có sự đồng nhất giữa "phản ánh giản đơn" với phản ánh. Kể
cả quan niệm hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng bị quan niệm sai lệch
chịu ảnh hưởng của những định kiến của lý luận chống chủ nghĩa xã
hội, do đó mà bài bác nó" (Hà Xuân Trường). "Ngay ở góc độ lý luận
thuần túy thôi, tôi cho rằng mỗi khi bàn một vấn đề như văn học và
hiện thực thì cũng nên nhạy bén một chút ở giác quan văn học sử"
(Lại Nguyên Ân). "Hiện nay, vấn đề "mở" là tất yếu. Không thể chui
vào một cấu trúc khép kín nữa rồi. Phải hòa vào thế giới để tìm con
đường có lợi cho dân tộc. Cần phải ủng hộ khuynh hướng cởi mở, nhưng
phải có định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần có một hội đồng chọn lọc,
"mở" những gì có lợi cho văn học dân tộc" (Phan Cự Đệ).
Đối với
nghiên cứu và phê bình văn học, cũng có nhiều ý kiến bàn tới các vấn
đề cụ thể. Về công tác lý luận phê bình văn học nói chung, chúng tôi
thấy còn tồn tại nhiều vấn đề. Đó là những vấn đề thuộc đánh giá nền
văn học nước ta (nói đúng hơn là nền văn học quốc ngữ nước ta) qua
các thời kỳ, những vấn đề quan hệ giữa văn học với các lĩnh vực khác
như chính trị, triết học, khoa học v.v... "Tôi xin lưu ý việc bảo
vệ, giữ gìn di sản văn hóa dân tộc và việc viết lại bộ lịch sử văn
học hiện đại. Đồng thời với nó là việc làm thiết thực để lưu giữ
những tác phẩm có giá trị của văn học nghệ thuật thời đại chúng ta.
Tâm lý tìm lợi tức thì của người làm kinh tế thị trường
quy mô manh mún đang tàn nhẫn loại bỏ những gì họ thấy không có
thể sử dụng để kiếm lời. Trong khi chờ đợi, việc thẩm định lại vị
trí và đóng góp của từng nhà văn, từng tác phẩm, từng trào lưu cần
thiết" (Ngô Thảo). "Với cách viết phê bình hiện nay, ý kiến riêng
thì nghèo nàn, nói ra phải dựa dẫm, thay cho sự trình bày những phán
đoán riêng là sự phô trương những kiến thức chung chung, thường có
tính chất nhà trường. Điều đáng quan tâm, đáng lo ngại hiện nay
không phải là "cơ sở lý luận" mà là "trình độ văn hóa" của người làm
phê bình. (Hoàng Ngọc Hiến) "Phải công bằng và khoa học trong đánh
giá các hiện tượng văn học. Có giữ được nguyên tắc đó mới có khả
năng tiến gần đến chân lý. Gần đây chúng ta trở lại nhiều tác giả
trước 1945, nhưng chúng ta vẫn bỏ quên một số người, ví dụ nhà văn
Ngô Tất Tố mà theo tôi một số tiểu phẩm của ông không kém gì tạp văn
của Lỗ Tấn" (Phan Cự Đệ). "Bản chất của văn học thời nay là văn học
phản tỉnh, xã hội. Vậy kiểu phê bình văn học ngày nay phải là kiểu
phê bình phản tỉnh văn chương. Phê bình kiểu mới là phê bình luôn
"đánh động" để văn học tự phản tỉnh mình, để văn học luôn anh minh,
luôn biết cách vượt qua các điểm dừng. Chẳng có văn học nào lớn mà
lại xuất phát từ cái nhìn bé xíu, hẹp hòi và phiến diện về thời đại"
(Đỗ Văn Khang). "Gần đây ta mở rộng hơn trong việc chấp nhận các di
sản văn học, thơ và văn xuôi lãng mạn thời gọi là "tiền chiến" chẳng
hạn. Có những khía cạnh lý luận hoặc phương pháp luận rất thú vị,
chẳng hạn nếu cứ dùng nguyên những tiêu chuẩn đánh giá như trước đây
thì dù có thiện chí cũng không chấp nhận nổi hoặc chỉ chấp nhận một
cách hạn chế và khá méo mó về những giá trị đã có trong văn hóa của
người Việt ở ngay thế kỷ này" (Lại Nguyên Ân).
Quan hệ
giữa những người cùng làm công tác lý luận phê bình là một vấn đề
tưởng như ở ngoài nhưng lại có tác động rất lớn tới sự phát triển
của lý luận phê bình. Dễ hiểu vì sao có khá nhiều ý kiến trong cuộc
gặp gỡ phát biểu về vấn đề này. "Tôi không ủng hộ ý kiến chia đội
ngũ những người làm lý luận phê bình, cũng như chia báo chí ra hai
phe: "bảo thủ" và "cấp tiến". Có cảm giác thời đại đã vượt qua cách
nghĩ ấy rồi. Có thể là lại rơi vào bảo thủ nếu ai còn giữ nguyên
cách nghĩ dó. Tôi thấy những người làm nghề không ai muốn đổi mới.
Còn bảo vệ chân lý thì không phải bảo thủ" (Lê Thành Nghị). "Phải có
một hội nghề nghiệp để tổ chức lực lượng lý luận phê bình lại và
phát huy khả năng của anh em" (Vũ Đức Phúc). "Sinh hoạt lý luận phê
bình văn học của chúng ta nói chung còn nặng về tính chất "đấu tranh
tư tưởng". Điều đó thường đem lại sự phiến diện, tinh thần quy chụp,
công kích cá nhân, sự thiếu tôn trọng người mình đối thoại. Thiết
nghĩ, nếu đã có chung một mục tiêu đổi mới, thì phải đặt vấn đề chân
lý lên trên hết. Chỉ có đề cao chân lý thì đời sống lý luận phê bình
mới thực sự có đổi mới, có tiến bộ, có tinh thần dân chủ, bởi không
ai có được đặc quyền hoặc độc quyền về chân lý, trước chân lý" (Trần
Đình Sử). "Đã tranh luận là phải để cho người ta trình bày hết ý
kiến. Cần giữ hòa khí trong tranh luận, song đôi khi quá phấn hứng,
có "bốc" đôi chút thì cũng cần được thông cảm" (Nguyễn Văn Lưu).
"Gần đây, những bài báo trao đổi về cuốn sách lý luận văn học của
anh Lê Ngọc Trà đã tạo được không khí. Nên duy trì không khí trao
đổi lành mạnh, có nội dung học thuật và có ý nghĩa thời sự. Làm sao
để hoạt động lý luận phê bình thật sự tạo được sự tin cậy và có hứng
thú" (Hà Minh Đức). "Lý luận phê bình có rực rỡ hay không là tùy
không khí dân chủ trong xã hội. Mà trước hết người cầm bút phải có
tinh thần dân chủ với nhau. Chưa có văn hóa tranh luận thì không thể
đi đến chỗ hiểu nhau được" (Lã Nguyên). "Phê bình lý luận có đối
thoại là chuyện đáng mừng, nhưng đối thoại không có nghĩa là nhắm
vào một bài, hoặc một người nào đó để truy kích", cũng không có
nghĩa là vứt bỏ sự lịch thiệp trong giọng điệu và vẻ đẹp văn hóa
trong phong cách... Đổi mới là một cuộc vật lộn gay go, nhưng là lẽ
sống còn của đất nước, dân tộc, trong đó có văn học. Mỗi người đều
có lúc đúng, lúc sai, nhưng thấy được cái sai của mình là đáng quý.
Vì thế, để thấy được sự thành tâm của nhau, cần phải biết cách đọc
nhau, cũng phải biết đợi nhau. Đối lập, miệt thị nhau, xem ra đều
không ổn (Nguyễn Huệ Chi).
Nhiều
người tới dự cuộc gặp gỡ đã góp ý một cách thẳng thắn và thiện chí
về trang lý luận phê bình của báo Văn nghệ thời gian vừa qua.
Có những ý kiến cụ thể về từng bài, từng mảng, từng mục, từng chuyên
đề của báo. Có những ý kiến bàn tới sự tăng cường chặt chẽ quan hệ
giữa tòa soạn với cộng tác viên. Có một vấn đề gợi nên hai chiều ý
kiến: thái độ của báo trước những cuộc đối thoại, tranh luận. Một số
người cho rằng cần phải tỏ rõ thái độ của mình, một số khác ủng hộ
cách làm cứ đăng các ý kiến khác nhau mà đừng vội kết luận, đừng đưa
ra chủ kiến của tòa soạn trước khi bắt đầu thảo luận. Về mối quan hệ
giữa báo với cộng tác viên, anh Vương Trí Nhàn nói: "Điều kiện tiên
quyết để có sự cộng tác giữa người viết với một tờ báo là cả hai bên
tin cậy lẫn nhau." Anh Huỳnh Khái Vinh gợi ý "Báo nên chọn một số
cuốn sách có vấn đề về nghệ thuật và quan điểm sáng tác đưa ra trao
đổi rộng rãi trên cơ sở đó hướng dẫn người đọc theo hướng đúng đắn".
Nhìn chung, mọi người đều mong muốn góp phần làm cho báo Văn nghệ
trở thành một diễn đàn dân chủ của giới lý luận phê bình văn học,
một nơi mà anh chị em trong giới có thể tin cậy gửi gắm những điều
tâm đắc của mình.
Nhà văn
Vũ Tú Nam, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chấp hành
Hội phát biểu ý kiến tổng kết cuộc gặp gỡ có thể nói là đông đảo
nhất của giới lý luận phê bình văn học kể từ sau Đại hội Nhà văn
Việt Nam lần thứ IV:
"Theo
tôi, trên tờ báo Văn nghệ, phần khó nhất mà cũng là phần bạn
đọc chờ đợi nhất; có lẽ là phần lý luận phê bình. Vừa qua, báo đã
làm được một số việc, nhưng trang lý luận phê bình còn yếu, cần đẩy
mạnh hơn nữa như các đồng chí đã phát biểu. Cố gắng của báo trong
thời gian tới cũng nên tập trung vào phần này. Muốn tiếp cận chân
lý, tôi nghĩ cần thực sự dân chủ, thực sự lắng nghe nhau. Đừng nên
có thái độ miệt thị, bè phái, loại trừ nhau, moi móc nhau. Cá tính
khác nhau thì không sao. Tôi đồng ý là khi tranh luận không tránh
khỏi sự biểu thị thái độ, song nhất thiết phải tránh thái độ "thiếu
văn hóa". Ở chỗ này, báo phải làm vai trò trọng tài. Tôi rất mừng vì
một số anh em chúng ta đã nói thẳng với nhau. Những gì lâu nay chưa
có dịp nói đã được nói, được giải tỏa, như vậy, sẽ bớt những định
kiến về nhau.
Sắp
tới, Hội và báo sẽ mở rộng và nâng cao công tác lý luận phê bình; đề
nghị các hội viên và cả anh chị em ngành lý luận phê bình ngoài Hội
thường xuyên đóng góp cho báo. Về phía báo, có lẽ ta nên tổ chức các
cuộc hội thảo, đi sâu vào từng chuyên đề, để có tiếng nói thiết thực
hơn về những vấn đề lý luận đang đặt ra hôm nay. Nhiều anh nhiều chị
đã nói là báo Văn nghệ cần có chủ kiến, có định hướng rõ. Tôi
nghĩ là những vấn đề cụ thể về học thuật cần phải được trao đổi hết
lý lẽ mới có cơ sở để đi đến nhất trí. Còn định hướng lớn "Vì Tổ
quốc, vì chủ nghĩa xã hội", vì sự giàu mạnh của đất nước và hạnh
phúc của nhân dân phải là cơ sở chung cho mọi tìm tòi, đổi mới". P.V lược thuật
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 40 (3 - 11 - 1992) 25-10-19 |