ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 19 (7-5-1988)

THỂ KÝ VÀ NHỮNG TÍN HIỆU
CỦA MỘT CHÂN TRỜI VĂN HỌC MỚI

VÕ HỒNG NGỌC

Khoảng hai năm trở lại đây, một trong những sức hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc đối với báo Văn nghệ chính là ở một loạt bài ký dám xoáy vào những vấn đề nhức nhối của đời sống, dám nói đến những mặt xù xì, thô nhám, gai góc của thực tại mà trước đó, qua sự vẽ vời của lối văn chương minh họa, thường chỉ hiện diện trước bạn đọc như một ảo giác đẹp đẽ về sự thật, chứ không phải bản thân sự thật.

Nếu năm 1985, ký trên báo Văn nghệ chưa có những thành tựu nổi bật gây được dư luận, thì sang năm 86, bạn đọc đã có thể sung sướng đón nhận những bài ký "có vấn đề" như: Đất ven biển Nghĩa Hưng (số 13), Chị Ba Thi và bát cơm người thành phố (số 18), Luận chứng cho một tâm hồn đa cảm (số 43), Ông già ở cửa ngõ Đồng Tháp Mười (số 44) v.v... Và đặc biệt là năm 87. Tiếp theo Trị An - Nước và Lửa (số 18) gợi lên nhiều vấn đề xã hội đáng suy nghĩ là thiên phóng sự điều tra Câu chuyện về một ông "vua lốp" (số 19). Có thể nói: đây là bài ký "nặng đồng cân" hơn cả mà tòa báo đã hiến cho bạn đọc, một thiên phóng sự tràn đầy tinh thần trách nhiệm công dân, dũng cảm đứng về phía người sản xuất để lên án những thứ "sách nhiễu dây chuyền", những lề luật quái gở đang giam hãm sức lao động sáng tạo của quần chúng. Sự kiện "vua lốp" sẽ còn được tiếp tục trở lại trong Lời khai của bị can (số 37). Đọc xong thiên phóng sự này, bạn đọc dường như khó mà tin ngay được đây là chuyện có thật. Tại sao giữa chế độ tươi đẹp của chúng ta, người lao động lương thiện vẫn còn phải chịu nhiều bất công ngang trái đến thế! Thấm đượm biết bao ý vị khôi hài và chua chát ở lời thỉnh cầu của bị can được ghi lại trong những dòng cuối của thiên phóng sự: "Nhà tôi ngoài bàn thờ tổ tiên có thêm một bàn thờ nữa để thờ thần Công lý và Pháp luật. Mồng một, ngày rằm tháng nào tôi cũng cúng: lạy thánh, lạy thần, xin thánh thần phù hộ độ trì cho các ông quận, ông thành, ông công an, tài chính khỏe mạnh sáng láng để làm việc cho đúng pháp luật, đừng bắt oan người dân vô tội..."

Cũng với nhiệt tình phê phán, phủ định cái cũ, Đá nổi xôn xao (số 39) đi theo một hướng khai thác vấn đề đời sống hàng ngày của người lao động. Ở đây, bên cạnh bức tranh của nguy nga công trường xây dựng là bức tranh chẳng lấy gì làm tươi vui để đời sống công nhân: bữa ăn không đủ no hàng ngày, tình trạng làm việc quá sức, gánh nặng đời thường chồng chất, viễn cảnh những tai nạn rủi ro... Nỗi băn khoăn của tác giả cứ ám ảnh mãi tâm trí bạn đọc: "Phải chăng trong cả nước nói chung và ở Trị An nói riêng, cái lãng phí lớn nhất của chúng ta là lãng phí con người, lãng phí cả trong chiến lược lẫn chiến thuật sử dụng con người!?". Phải đổi mới cách nghĩ, cách làm - kết luận lịch sử đó được rút ra từ bài học Trị An và được tiếp tục vang lên trong hàng loạt bài ký khác: Họp mặt các "tướng cá" miền Đông (số 31), Cơn sốt vàng ở Hiệp Đức (số 33), Tiếng hú của con tàu (số 5) v.v...

Mảng đề tài văn hóa giáo dục có nhiều phóng sự đáng chú ý: Báo động về loại sách "bung ra" (số 34) - tiếng kêu cứu về tình trạng lạm phát các ấn phẩm văn học "dởm", Làng giáo có gì vui (số 42) - những dấu hiệu suy sụp đáng lo ngại của nghề thầy, của sự nghiệp giáo dục thế hệ cách mạng cho đời sau, Anh hùng khi đã sa cơ (số 49, 50) - số phận chìm nổi của một mái trường danh tiếng và trách nhiệm của các cơ quan cấp trên.

Những số báo đầu của năm 88 hướng mạnh về đề tài sản xuất nông nghiệp - mặt trận hàng đầu của cả nước ta hiện nay. Có thể coi thiên phóng sự Suy nghĩ trên đường làng (số 1, 2) là nốt nhạc dạo đầu cho mùa ký 88. Tiếp đó, Cái đêm hôm ấy... đêm gì? (số 3, 4, 5), Nỗi oan khuất của cây dâu (số 11). Hành trình N.P.K. (số 12), Đêm trắng (số 13), Tiếng kêu cứu của một vùng văn hóa (số 14)... đều tập trung nói lên những sự thật đau lòng trong đời sống nông thôn ta hiện nay. Đã có ý kiến cho rằng đọc các bài ký này thấy chẳng khác thời anh Pha chị Dậu là mấy - cũng cảnh "thuế thúc trống dồn", cũng việc vây bè kéo cánh hà hiếp dân đen của các ông chức dịch mới... Sự tiếp nhận của bạn đọc đối với những bài ký này có tính chất phân cực rõ rệt. Nhiều người hoan nghênh, và cũng có người chê, thậm chí lên án gay gắt. Loại người ở đối cực này nhiều khi không phải là những kẻ có chức tước bổng lộc, nhiều khi họ cũng là "bọn cùng cánh áo vá" với chúng ta, nhưng do hậu quả của lối giáo dục một chiều, do bị chi phối bởi thứ nhãn quan "vô xung đột", họ đã đứng về trận tuyến của phái bảo thủ một cách vừa không ý thức được, lại vừa thành thực, nhiệt tâm. Việc quen tiếp nhận ảo ảnh đẹp đẽ về sự thật đã tạo ra trong ý thức họ luôn sẵn sàng chất đề kháng đối với sự thật, hay nói đúng hơn: đối với một sự thật trọn vẹn. Khi công cuộc đổi mới đang từng giờ, từng phút diễn ra trên khắp đất nước ta, trường hợp của họ không còn là tấm thảm kịch lịch sử nữa, nó đã chuyển sang đối cực khác - cái hài!

Xin ai đó hãy đừng lo ngại một cách vô cớ, rằng viết như vậy là bôi đen chế độ, là để địch lợi dụng, là làm mất lòng tin, là lẫn lộn hiện tượng và bản chất... Dấu hiệu của một cơ thể xã hội khỏe mạnh không phải ở chỗ nó khư khư giấu kín ung nhọt, bệnh trạng của mình mà chính ở chỗ nó dám phanh phui, mổ xẻ những ung nhọt đó để kê đơn, điều trị thích hợp, có vậy mới hòng lành bệnh. Đừng vội quy chụp, tẩy chay những ai dám nói lên sự thật khác với cái "sự thật đẹp đẽ" quen thuộc của mình, cũng như đừng vội ca ngợi, kết làm đồng minh bọn người thích "viết hoa chữ cách mạng" một cách trịnh trọng. Chính Mác đã từng chế giễu không thương xót thói phi-li-xtanh của người Đức: Mác cho rằng: "Cần phải tập cho nhân dân biết kinh khủng đối với bản thân họ để đem lại can đảm cho họ". Lênin đọc thấy ở những lời lẽ đầy chua xót của nhà dân chủ Đại Nga - Chernyshevski "Dân tộc khốn khổ, dân tộc nô lệ, từ trên xuống dưới - tất cả đều là nô lệ" một tình yêu chân chính đối với Tổ quốc, tình yêu lo âu trước tình trạng thiếu tinh thần cách mạng trong quần chúng nhân dân Đại Nga.

Theo cách hiểu thông thường, phàm nói đến tiểu thuyết là người ta nghĩ ngay tới chuyện hư cấu, và ngược lại, nói đến ký là muốn nhấn mạnh tính chất xác thực của hiện thực được mô tả, nói đến những nhân vật sự kiện "có địa chỉ" cụ thể xác định. Ấn tượng vững bền về hình thức thể loại mà ký đã để lại ở bạn đọc nhiều thế hệ chính là ở chỗ đó. Tuy nhiên, trong quá trình văn học hiện đại, sự xâm nhập lẫn nhau giữa các loại hình nội dung các phương thức mô tả, các kênh giao tiếp... trở thành hiện tượng phổ biến. Có trường hợp nhà văn mượn một hình thức xác thực để nói về cái không xác thực, và ngược lại, cái xác thực nhiều khi được trình bày dưới một hình thức không xác thực.

Ở đây chúng tôi không định bàn đến các đặc trưng, tiêu chí phân định thể ký nói chung. Chúng tôi chỉ giản đơn đứng về phía tiếp nhận ở bạn đọc để nêu lên một nhận xét: cần phải có sự phù hợp giữa kênh giao tiếp với đặc thù thể loại. Điều này rất quan trọng trong việc tiếp nhận tác phẩm văn học, bởi vì ngay trong đời sống thông thường, sự lạc kênh, lệch pha trong đàm thoại tất sẽ dẫn đến tình trạng chỉ tiếp nhận được những thông báo giả, thông báo hình thức từ phía người đối thoại. Không thể tiếp nhận những câu nói đùa, nói mỉa, nói khích, nói dỗi... như những câu nói nghiêm túc. Cũng vậy, không thể tiếp nhận ký theo một hệ thống kênh giống với tiểu thuyết truyện ngắn, hay nói chung, với văn xuôi nghệ thuật.

Ở các ý kiến phê phán một số bài ký "viết mạnh tay". Vừa rồi đều nổi lên một sự quy chụp chung: cho rằng tác giả lẫn lộn hiện tượng với bản chất. Những người đứng ra phê phán thừa nhận rằng có thể rải rác đâu đây có những hiện tượng như thế, nhưng bản chất của xã hội ta thì không thế. Có nghĩa: miêu tả thì xác thực đấy song không chân thực. Vậy cần phải nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Tính xác thực và tính chân thực của tác phẩm văn học là thống nhất với nhau, song không hoàn toàn đồng nhất. Và ở mỗi thể loại, chúng được biểu hiện ra với những mức độ và tính chất quan hệ khác nhau. Tính xác thực thời sự là bản chất của ký, còn tính chân thực của nó lại nằm ở hệ vấn đề mà nó đề xuất, chứ không phải ở chỗ nhà văn quan sát, lựa chọn, tổng hợp nhiều hiện tượng rồi hư cấu sáng tạo ra một hiện tượng mới vừa có tính khái quát, vừa sinh động cụ thể. Đó là công việc của nhà tiểu thuyết, chứ không phải của nhà viết ký. Đọc một bài bút ký hay phóng sự điều tra, người đọc luôn tin rằng họ đang được tiếp xúc với những người, những việc "có địa chỉ" hoàn toàn xác thực, rằng tác giả bài phóng sự không thêm bớt sự kiện, không nói không thành có và ngược lại. Tính chân thực của bài phóng sự đó cùng các phẩm chất tư tưởng - ý nghĩa xã hội của nó nằm ở một cấp độ khác, phụ thuộc vào chỗ vấn đề nó đưa ra có cấp thiết không, có phù hợp với xu thế phát triển khách quan của lịch sử, có đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của quảng đại quần chúng không v.v...

Lịch sử văn học cổ kim đông tây đã chứng minh rằng: sự xuất hiện và nở rộ của ký bao giờ cũng là dấu hiệu của một nền văn học giàu tính hiện thực và nhân dân. Các thế kỷ XVII, XVIII ở Pháp, nửa đầu thế kỷ XIX ở Nga là một ví dụ. Ở ta, đó là những năm 20 - 30 của thế kỷ này. Sự sung mãn của tư liệu, ý nguyện ghi chép trung thành sự kiện đời sống, sự di chuyển điểm tường thuật từ vị trí "độc thoại" sang "đối thoại" - đó là những yếu tố góp phần làm cho văn học trở nên thực sự dân chủ và đậm đà màu sắc hiện thực chủ nghĩa.

Tuy nhiên, sự phồn thịnh hay suy tàn của một thể loại nào đó không hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân nó. Chính những điều kiện lịch sử - xã hội khách quan đã quy định, chi phối sự thăng trầm trong số phận mỗi thể loại. Song đây không phải là mối quan hệ thụ động, một chiều. Mỗi thể loại đều có sở trường và sở đoản riêng của nó. Và như vậy, những phẩm chất nào đó của một thể loại sẽ được phát huy cao độ ở một thời điểm lịch sử nào đó, do chỗ thể loại đó đáp ứng được những nhu cầu đời sống hiện tại ở mức độ cao hơn so với thể loại khác. Sự nở rộ của ký thường gắn với những thời kỳ bước ngoặt trong đời sống xã hội, khi cuộc đấu tranh xã hội đang bước vào giai đoạn cao trào và các giai cấp có ý thức sử dụng văn học như một vũ khí. Tình hình đó cũng đúng với đời sống xã hội ta trong hai năm qua, từ sau Đại hội Đảng VI đến nay. Với ưu thế của một thể loại cơ động, linh hoạt, nhạy bén trong việc phản ánh hiện thực ở cái thể trực tiếp nhất, ở những nét sinh động và tươi mới nhất, ký rất cần cho công cuộc đổi mới hiện nay và được coi là một nguồn thông tin đáng tin cậy của bạn đọc. Với tính cách là những ghi chép tư liệu, những bức phác thảo giữ nguyên vẻ tươi mới, đa dạng của sự kiện, tái hiện đời sống theo "dòng" chứ không phải theo những "lát cắt" cốt truyện dứt khoát như ở truyện ngắn, ký góp phần giải phóng văn học ra khỏi khung cốt truyện, khung tính cách vốn đã được định hình chặt chẽ và trở nên cứng nhắc trong loại văn học nêu gương, văn học minh họa. Nói cách khác, ký đang tạo ra trong văn học một mô hình mới gây ảo giác không mô hình. Điều đó tất sẽ đưa văn học xích gần lại với đời sống, trở thành một hình thức phản ánh gần gũi với đời sống. Tác giả, từ chỗ là một người quan sát toàn năng, biết rõ hết mọi ngóc ngách của câu chuyện, giữ quyền độc thoại đối với bạn đọc, trở thành một chứng nhân bình đẳng với nhân vật và bạn đọc, có ý thức đối thoại với bạn đọc - đó là nền tảng của quá trình dân chủ hóa trong văn học. Tiện đây, cũng xin nói thêm rằng: trước nay, quá trình dân chủ hóa văn học chỉ được nhìn nhận ở những dấu hiệu hình thức, như cốt truyện giản dị, ngôn ngữ đại chúng, các biện pháp nghệ thuật gần gũi với truyền thống văn học dân gian... Nếu chỉ vận dụng những tiêu chí đó, khó có thể chỉ ra một cách thuyết phục tính dân chủ trong văn của L. Tolstoi, nhạc của Beethoven, tranh của Picasso...

Để khép lại bài viết, xin nêu ra một nhận định khái quát. Đất nước ta đang đứng trước nhu cầu đổi mới toàn diện, trong đó có nhu cầu đổi mới nghệ thuật. Nhìn lại sự phát triển của văn học nước ta trong nhiều năm qua, có thể thấy, muốn đổi mới nghệ thuật phải giải quyết các vấn đề sau: Thứ nhất, tăng cường tính tích cực xã hội của chủ thể sáng tạo. Thứ hai, dân chủ hóa nội dung sáng tác. Cuối cùng, phải khắc phục những hạn chế của thi pháp mang nặng tính chất truyền thống đang cản trở không cho văn học mở rộng cửa đón nhận toàn bộ sự phong phú và đa dạng của hiện thực. Nhìn nhu cầu đổi mới nghệ thuật từ góc độ ấy, sự nảy nở của các tác phẩm ký gần đây quả là những tín hiệu báo hiệu một chân trời mới của văn học.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 19 (7-5-1988)

Mục lục

 

1-2-2019