ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Văn nghệ, Hà Nội, số 23 (4-6-1988)

KHẨN TRƯƠNG NHƯNG ĐỪNG NÓNG VỘI

VÕ VĂN TRỰC

Trong một số cuộc trao đổi thơ, nhiều ý kiến cho rằng thơ không theo kịp cuộc sống hiện tại. Nhiều nhà phê bình cũng nhận định như vậy. Nhưng cũng nhiều ý kiến ngược lại, cho rằng thơ trong những năm gần đây có khởi sắc, nhất là ở lớp nhà thơ chống Mỹ.

Hai chiều hướng đánh giá thơ trên đây hầu như kéo dài đến năm, bảy năm nay rồi. Xem chừng sự nhận định trái ngược này còn kéo dài ít ra cũng đến năm, bảy năm nữa và có thể còn lâu hơn.

Điều có thể dễ nhận thấy là công chúng không say mê đọc thơ như hồi kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Rõ ràng trong những ngày cả dân tộc đối mặt với kẻ thù, thơ có tác dụng như một sức mạnh vật chất cùng với hàng triệu người ra trận. Ấy thế mà sau khi tiếng súng tắt thì tiếng thơ dường như chưa đủ sức vang động tâm hồn quần chúng trong việc xây dựng nhân phẩm và xây dựng xã hội. Nguyên nhân vì sao, ta hẵng bàn sau. Nhưng tình trạng đó không phải chỉ có ở Việt Nam; ở nhiều nước khác trên thế giới sau chiến tranh vệ quốc chống phát xít, một bộ phận không nhỏ công chúng cũng từng hờ hững với thơ. Ở châu Âu và ở phương Tây nói chung, thơ được in với số lượng rất ít so với các thể loại văn học khác, có khi chỉ năm trăm bản hoặc vài ba trăm bản. Các ông chủ nhà xuất bản than phiền về việc in thơ bị lỗ hoặc có lãi thì cũng lãi rất ít. Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây ở Pháp, số trẻ em thích đọc thơ chiếm 1,7%. John Clot Ibe, một học giả Pháp nghi ngờ rằng thơ là "một nghệ thuật có thể bị coi như lỗi thời, ở thời buổi cơ khí điện tử và hỏa tiễn không gian". Ông còn phát biểu một cách cụ thể hơn: Trong những năm chiến tranh, khá đông công chúng đã theo dõi và hồi hộp đọc các tác phẩm của Luis Aragon, Paul Eluia, Pierre Emmanuen, Ronesa; song phải nhận rằng từ khi cuộc sống bình thường trở lại, thơ chỉ còn một số ít độc giả ham thích".

Chưa hẳn chất lượng nghệ thuật thơ đã bị sa sút so với những năm tháng trước đây. Điều đặn hàng năm, vẫn có tên các nhà thơ trong danh sách được giải thưởng Nobel. Vậy thì việc công chúng nhiệt tình tán thưởng thơ hoặc tán thưởng một loại hình nghệ thuật nào đó trong từng thời gian nhất định còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp khác, chứ không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng nghệ thuật. Lời của truyện thơ Lục Vân Tiên và nhiều truyện Nôm khuyết danh còn thô, sao đông đảo quần chúng lại thuộc và truyền tụng rộng rãi? Hàng trăm hàng ngàn bài vè lục cà lục cục ra đời cách đây gần thế kỷ, sao vẫn còn lưu lại trong trí nhớ các cụ già?...

Theo tôi, nên bình tĩnh để nhìn nhận phong trào thơ một cách khoa học hơn. Trong 10 năm qua, chúng ta đã đạt được ít nhiều thành tựu và có một bước tiến nhất định so với mấy chục năm trước: đa dạng hơn về hình thức, phong phú hơn về nội dung, sâu sắc hơn về mặt cá thể hóa bản sắc của nhà thơ. Những tập thơ và trường ca được tặng thưởng hàng năm của Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam là bằng chứng cho nhận định đó.

Nếu chỉ nhìn vào mặt quần chúng ít tán thưởng và ít thuộc thơ hơn trước mà đánh giá rằng chất lượng nghệ thuật thơ sút kém so với trước, tôi e rằng hơi vội vàng. Có người gay gắt lên án thơ hiện nay là "giả tạo, sơ lược, công thức". Có người quyết đoán rằng hầu hết thơ in trong mấy năm vừa qua là "vô ích, vô bổ". Không ít bạn làm thơ mới hôm nào nói rằng chúng ta đã tiến bộ rất nhiều trong việc đưa đời thường vào thơ và chúng ta đã dũng cảm tự thể hiện mình với những buồn vui riêng tư: bỗng nhiên hôm nay họ phủ nhận hoàn toàn ý kiến đó và cho rằng "trong khi cuộc sống đang khốn đốn thế này mà lại cứ ngồi đào sâu tâm trạng với những chuyện bình thường hàng ngày".

Những suy nghĩ có phần cực đoan trên đây nói chung đều xuất phát từ động cơ tốt: phải kịp thời cứu xã hội đang tràn đầy những chuyện tiêu cực, cứu nhân dân đang đói khổ. Từ đó, họ kêu gọi thơ phải "xông vào cuộc", phải "đứng ở hàng đầu", phải "trở thành mũi nhọn của cuộc đấu tranh"... Lời kêu gọi đó hoàn toàn là nhu cầu khẩn thiết đối với mỗi nhà thơ chân chính. Nhưng nên bình tĩnh đặt câu hỏi: cách "xông vào cuộc" của thơ như thế nào? Cách "đứng ở hàng đầu" của thơ ra sao? Thơ "trở thành mũi nhọn" bằng cách nào? Mỗi loại hình nghệ thuật có một cách biểu hiện hiện thực riêng, một thứ ngôn ngữ riêng: không nên bắt buộc thơ cũng phải nhanh nhảu và trần trụi như báo chí. Trong một cuộc tọa đàm văn học, có nhà phê bình phát biểu "hiện nay văn học lạc hậu hơn báo". Với kiểu so sánh này đã dẫn đến logic đơn giản và thô thiển: thơ lạc hậu hơn tiểu thuyết, tiểu thuyết lạc hậu hơn bút ký và phóng sự, bút ký và phóng sự lạc hậu hơn báo chí, báo chí lạc hậu hơn bản tin thông tấn xã (!).

Lời phát biểu của nhà phê bình trên đây ít ra cũng hé mở cho ta biết vì sao có tâm lý sốt ruột của một số bạn thơ. Hàng tuần, hàng ngày báo chí đăng những bài phóng sự điều tra về các vụ tiêu cực, được quần chúng tìm mua với giá cao và nồng nhiệt đón đọc. Còn thơ thì sao? Họ hờ hững với thơ trong khi nội dung bài phóng sự điều tra đang cuốn hút tâm trí họ.

Quần chúng lạnh nhạt với nhiều bài thơ tròn trịa, trơn tru, ẽo ợt, nông cạn, ca ngợi một chiều đã đành. Nhưng có bài thơ khá, thậm chí là bài hay, in cùng số báo với bài phóng sự, người ta cũng không đọc. Điều này cắt nghĩa sao đây? Các nhà thơ đâm ra lúng túng và vội vã tự phủ nhận mình.

Chẳng lẽ lại chịu xuống cấp dễ dãi viết những bài quá non kém về nghệ thuật như bài Mùa xuân nhớ Bác của Phạm Thị Xuân Khải in báo Tiền phong năm kia để được quần chúng vỗ tay trong chốc lát? Một số vở kịch viết về chống tiêu cực được công diễn trong mấy năm vừa qua, vé bán đắt như tôm tươi. Nhưng người xem đã ớn đi một cách nhanh chóng, khi trên các loa phóng thanh, mặt tivi, mặt báo công bố bao nhiêu vụ tiêu cực nặng nề - bản thân diễn viên cũng ớn chứ không riêng gì người xem.

Do tâm lý nôn nóng mà bắt đầu xuất hiện một số bài thơ xoàng về nghệ thuật thuộc ba loại: triết lý buồn phiền về thế sự, biện luận khô khan, ăn sống nuốt tươi hiện thực. Nếu chỉ ngồi triết lý thế sự thì cũng khó sâu sắc bằng các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến... Nếu chỉ biện luận khô khan thì ngòi bút của các nhà thơ cũng không trở nhanh bằng cái uốn lưỡi của các nhà tuyên huấn cơ hội. Nếu muốn ăn sống nuốt tươi hiện thực thì đuổi sao kịp các bản tin đăng đầy rẫy chuyện chống tiêu cực.

Cho nên, xin trở lại một nguyên lý cơ bản: nhà thơ phải sống hết mình, rồi hãy viết. Và xin nhớ rằng, trong bất kỳ thời điểm nào, nhu cầu tình cảm của quần chúng cũng có nhiều mặt: căm giận kẻ xấu xa, quan hệ tình cảm bạn bè, quan hệ tình yêu nam nữ... Ở quê tôi có một bác nông dân phải nộp sản lượng khoán quá cao, chịu nợ lưu cữu hợp tác xã vụ này qua vụ khác từ 5 tạ lên 10 tạ, rồi lên 15 tạ, rồi 18 tạ. Với số nợ ấy, bác ngồi lo méo mặt. Nhưng ngày giỗ, bác cũng cố gắng dọn mâm cơm chén rượu để mời bà con họ hàng. Rồi bác cũng phải xoay trần ra tổ chức lễ cưới cho hai cậu con trai và một cô con gái. Rồi phải che chắn dựng nhà dựng cửa cho con. Khi có đứa cháu đầu lòng bác nấu ấm nước chè xanh thật ngon mời láng giềng tới chia vui và trò chuyện đến quá nửa đêm.

Vậy mà có bạn thơ phát biểu một cách chủ quan rằng: Bao nhiêu cặp trai gái phải hoãn lễ cưới vì chưa tìm được nhà ở mà nỡ bình tâm ngồi viết thơ tình yêu! Nông dân đang kéo cày thay trâu mà lại ngồi làm thơ về cô gái đan len! Bao nhiêu bà mẹ của năm, sáu đứa con liệt sĩ đang chạy ăn từng bữa mà nỡ ngồi làm thơ khóc mẹ mình chết!...

Với cái lý luận này, có lẽ 10 năm sau ta lại ngồi kiểm điểm phê phán nhau như 10 năm, 20 năm trước: thơ nệ đề tài, thơ có bề rộng mà thiếu bề sâu, thơ có sự kiện mà không có tâm trạng, thơ thiếu cái đời thường v.v...

Hiện nay, quần chúng vẫn nhiệt tình đón đọc các tuyển tập của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Huy Cận. Xa hơn nữa, người ta vẫn say mê đọc Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Hàng loạt tập thơ tình in với số lượng cao ở thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu - Côn Đảo, Quảng Nam - Đà Nẵng, Huế, Hà Bắc, vẫn bán chạy.

Nếu đòi hỏi 160 hội viên thơ đều phải hối hả làm thơ chống tiêu cực thì thử tưởng tượng nền thơ ta sẽ như thế nào? Giả dụ mỗi nhà thơ mỗi năm viết ba bài thì trong một năm có 480 bài thơ chống tiêu cực. Nếu 480 bài ấy đều là thơ hay thì quý biết bao, nhưng e rằng khó lắm. Ai sẽ tiêu thụ hết số thơ ấy? Và như vậy, vô hình trung ta lại quay trở về quan niệm ấu trĩ trong văn học.

Dĩ nhiên trong mỗi thời kỳ nhất định, quần chúng có những nhu cầu bức thiết khác nhau. Thơ trước hết phải đáp ứng những nhu cầu bức thiết ấy. Trong kháng chiến chống Pháp, nhu cầu bức thiết là phải đánh thắng giặc Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhu cầu bức thiết là phải đánh thắng giặc Mỹ và thống nhất nước nhà. Còn bây giờ, nhu cầu bức thiết của quần chúng là phải thực sự dân chủ, giải phóng tiềm lực lao động.

Nền thơ ta đã có nhiều bài hay về đánh Pháp đánh Mỹ, chẳng lẽ lại không sản sinh ra những bài thơ hay trong giai đoạn cách mạng mới hay sao? Trên báo chí ở trung ương và ở các tỉnh, nhiều nhà thơ đã bày tỏ những lời rất mạnh bạo, rất đau xót về tình trạng xã hội hiện thời, và lên tiếng đòi hỏi nhà thơ phải khẩn trương "đứng ở hàng đầu", "phải lao đầu vào trận", phải dùng thơ "làm vũ khí sắc bén nhất đánh vào bọn cường hào, quan liêu mới"...

Xã hội đang chuyển động mạnh mẽ. Thơ cũng đang chuyển động cùng với xã hội. Nhưng chắc chắn thơ sẽ không chuyển động bồng bềnh theo những đợt sóng ồn ào để rồi nhanh chóng vỡ tan như bọt nước, mà phải là những viên ngọc trai nằm ở đáy bể được kết sáng giữa trùng trùng đại dương của cuộc đời. John Baptixto Vico, một triết gia Italia cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII yêu cầu các nhà thơ khi ngồi trước trang giấy nên "rời bỏ những gì biến chuyển trong tạo vật để chú trọng vào những gì có tính chất bất dịch và tất yếu". Đứng ở góc độ nghiêm túc của thi ca, Vico rất có lý. Sống giữa bốn bề chao động của xã hội, nhà thơ phải biết tìm ra những gì cốt lõi nhất để tạo nên cái tinh túy cho thơ.

Trong lĩnh vực thi ca nói riêng và trong nghệ thuật nói chung, tính chiến đấu hoàn toàn không đồng nhất với sự ồn ào xốc nổi, tính tư tưởng hoàn toàn không đồng nhất với sự lộ liễu thô thiển. Có người nói: thơ phải đánh thẳng vào mọi cái tiêu cực của xã hội vừa trực diện vừa không trực diện. Câu nói này dễ gây ra sự hiểu nhầm về hai dạng thơ: một loại thơ nói toạc móng heo ra mọi điều muốn nói, một dạng thơ có ẩn ý. Thật ra, một tác phẩm thơ chân chính bao giờ cũng phải là một viên ngọc tự nó tỏa ánh sáng về nhiều phía. Tùy ở góc độ của từng người mà nhận thấy ánh sáng đó màu xanh hoặc màu hồng hoặc màu tím hoặc màu lam. Có một thời người ta lên án những bài thơ "biểu tượng hai mặt", có nghĩa là đòi hỏi thơ phải nói thẳng tuột ra, một là một, hai là hai; thơ không có quyền tạo cho người đọc những suy tưởng xa xôi ngoài những điều đã thể hiện trùi trũi trên trang giấy (!). Bây giờ các nhà thơ không ngại những sự suy diễn thô bạo và độc ác như trước nữa. Chắc hẳn mọi người đều nhận thức rằng thơ không những chỉ biểu tượng hai mặt, mà là ba mặt, bốn mặt, năm mặt... gợi ra tầng tầng lớp lớp liên tưởng cho độc giả.

Lâu nay không ít anh em trong làng thơ vẫn ca thán rằng "các báo chỉ dám in những bài nhàng nhàng ca ngợi một chiều, cho nên chỉ gửi những bài thuộc loại nhàng nhàng ấy. Những bài tâm huyết nhất, hay nhất vẫn nằm trong sổ tay". Nếu đúng vậy, xin mời bạn, đã đến lúc ra quân rồi đấy.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 23 (4-6-1988)

Mục lục