ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Văn nghệ quân đội, Hà Nội, số 10 (tháng 10-1990)

 

ĐÔI NÉT DIỆN MẠO THƠ BÂY GIỜ

VŨ QUẦN PHƯƠNG

 

Trong mấy năm vừa qua, thơ có nhiều chuyển biến.

Về tác phẩm, những quan niệm rộng rãi, đúng mực tạo thuận lợi cho thơ mở rộng đề tài và chủ đề. Khu vực trữ tình cá thể vốn ít được khai thác trước kia, nay được nói tới nhiều, quá nhiều.

Thơ tình yêu tràn ngập trên sách báo, trong các buổi đọc thơ câu lạc bộ, ban đầu rất được tiếp nhận. Nay bạn đọc không còn háo hức như trước. Tòa soạn báo Văn nghệ cho biết trong cuộc thi thơ hiện nay, thơ tình yêu có mặt ở tất cả phong bì gửi tới. Nhiều quá hóa lẩn thẩn và tủn mủn. Có những bài độc giả đọc cũng thấy ngượng. Tình trạng này giống như nửa thế kỷ trước, báo chí khi đó đã từng kêu vì lụt lội thơ tình. Sau đận này chắc thơ tình yêu sẽ tìm về một tỷ lệ vừa phải, và người ta sẽ bình tĩnh đánh giá cái hay cái dở, sự khó dễ của địa hạt sáng tạo này. Dù sao, trong sự nở rộ về lượng đã có những bài thơ hay.

Nhiều bài thơ ca ngợi cái tôi, đi tìm cái tôi. Sự tìm về cái tôi cô đơn, tuy vậy không đến nỗi lạm phát. Người viết không đầu tư nhiều vào vạt thơ này và cũng sớm nhận ra chỗ bế tắc của nó. (Một bài thơ gần đây, Độc thoại trắng của Phạm Thị Ngọc Liên, sau một hồi trò chuyện ve vuốt với cái tôi- trong gương - tác giả có nhu cầu trở về đời). Sự tìm về cái tôi bây giờ có chủ đề khác với thời Thơ Mới. Cái tôi hôm nay đòi tồn tại để chống cái ta trừu tượng, phi nhân, chống sự tha hóa bản ngã. Tuy nhiên, nói về cái tôi bao giờ cũng là việc khó, rất cần tinh tế và sâu sắc việc đời. Chỗ này thơ ta lại chưa mạnh.

Nỗi buồn từng bị coi là nhược điểm có tính thẩm mỹ, một thiếu sót về đạo đức cách mạng, giờ đây có phần được thơ nâng niu, cả cái buồn riêng tư lẫn cái buồn thời cuộc. Nhiều nỗi buồn sinh ra từ sự không vừa lòng với hiện thực đời sống, đây đó có thể gặp một thoáng chì chiết, mỉa mai, bất đắc chí. Cũng có nỗi buồn như để làm dáng, nó không thật thành ra lập dị, dở người (như một nhân vật trong thơ một cây bút mới, vào nhà gương dị dạng, thấy mọi người cười thì lại khóc, khóc cho cuộc đời!)

Nhiều nỗi éo le thế sự được thơ biết tới. Dung lượng sự đời của thơ nhờ vậy lớn hơn, thấm thía, từng trải hơn, gửi gắm nhiều kinh nghiệm sống. Đây là lợi thế của các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, giờ đây đang vào tuổi "tri thiên mệnh".

Thơ trữ tình cá nhân phát triển nhưng không vì thế mà thơ trữ tình xã hội bị thu hẹp. Nhưng thơ xã hội có khác trước về khuynh hướng cảm xúc; trước là ca ngợi, nay là bình giá, bàn luận, nêu câu hỏi. Có một dạo thiên về chống tiêu cực, thơ cũng nêu sự việc cụ thể, định tranh chức năng của báo. Nay đã bình tĩnh hợn, sức khái quát cao dần. Hy vọng thời gian tới vạt đất này sẽ nhiều hoa trái quý.

Về tác giả, năm 1989 có đến một trăm tập thơ của các tác giả mới xuất hiện. Trên báo Văn nghệ hầu như số nào cũng có tên tuổi mới. Những người làm thơ cũng không đủ thời gian để đọc hết thơ của nhau.

Lớp tác giả xuất hiện sau năm 1975 hiện rất đông và chiếm già nửa diện tích các trang thơ trên báo[i]. Một số cây bút đã được dư luận chú ý: Y Phương, Đinh Thị Thu Vân, Ngô Minh, Phạm Thị Ngọc Liên và nhiều bạn khác.

Lớp xuất hiện từ hồi đánh Mỹ đang sức viết. Giọng thơ thâm trầm, lão thực hơn. Một số cây bút quen thuộc viết ít đi thì bận các công việc quản lý. Một số khác có thay đổi nội dung và bút pháp, làm mới lại diện mạo. Một số ít chuyển sang văn xuôi và có thành công. Trong việc phát triển hội viên, cần nhớ tới nhiều cây bút của lớp này ở các địa phương còn chưa được kết nạp, dù đã có thâm niên thơ 20, 30 năm.

Lớp cao niên, sáu - bảy - tám mươi tuổi, ngày càng thưa vắng, sự hao hụt những tài năng lớn có ảnh hưởng đến cả nền thơ. Các anh chị không còn là chủ lực, nhưng vẫn có bài hay và mới nữa. Những nhà thơ được tuyển tập đều thuộc lớp này. Thật cảm động trong vận hội mới này các anh chị vẫn kịp chuyển mình đi cùng với cả nền thơ.

Về vài quan điểm có tính học thuật

Sự đổi mới tư duy xã hội làm thơ bật dậy, nở rộ nhiều màu sắc. Đó là việc đáng mừng, hứa hẹn nhiều tốt đẹp. Cũng có đôi điều cần bàn cho rõ.

Về kỹ thuật làm thơ, có đổi mới rõ rệt theo khuynh hướng tự do hơn. Thơ ít vần và thơ không vần phát triển. Ngôn ngữ của đời sống hàng ngày được tận dụng. Tuy nhiên, vẫn có sự cẩu thả ở nhiều cây bút mới. Một bài tiểu luận thơ viết: "Nhiều tác giả trẻ quá ham chuộng sự ồ ạt, như là nhân danh thời hiện đại, thơ hiện đại. Mất thời gian, Nỗi buồn đứng, Vú đêm, Óc não thế kỷ nghe ồ ạt mà lười biếng, dễ dãi (...) Cũng có thể người viết ồ ạt vì người đọc ồ ạt. Hay tại người đọc thây kệ không chấp"[ii].

Giải thích hiện tượng này thì khó, nhưng để thấy nó, chỉ cần đọc bất kỳ trang thơ nào trên báo chí bây giờ. Từ ngày Xuân Diệu mất thấy thiếu đi một người thổi còi việt vị cho những "kỹ thuật" quá trớn và ăn gian này.

Về những thể nghiệm

Sáng tác đòi hỏi được thể nghiệm.

Nhưng dù ở lĩnh vực nào (làm thơ, chế thuốc hay xây nhà) đưa thể nghiệm vào sử dụng đại trà đều cần kiểm nghiệm xác nhận an toàn cho người tiêu dùng. Độc giả không phải là con chuột lang. Thể nghiệm trong ống nghiệm khác thể nghiệm trong đời. Một số bài thơ thể nghiệm trong 36 bài tính, trong Ngựa biển, trong Thơ tình Bùi Chí Vinh, không được đông đảo chấp nhận có lẽ vì người viết chưa quan tâm đầy đủ đến các khía cạnh tác động của thơ mình, dù các tác giả đó đều đã từng có nhiều bài hay, câu hay. Việc xuất bản thơ bây giờ nhiều lúc chỉ phụ thuộc vào tài chính nên sự cân nhắc, nghiêm khắc với mình rất cần được đặt ra với mỗi người viết.

Về quan niệm: "cần chấm dứt lối thơ dễ hiểu"

Đây là tinh thần một bài viết ngắn với nhiều chữ nghĩa lạ, đại ý tác giả yêu cầu không nên chuộng loại thơ ai đọc cũng hiểu lấy lý rằng: thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương cũng không phải là thơ dễ hiểu. Bài viết này không phải là không có lý khi tác giả đòi quyền tìm tòi, mà những cái mới xưa nay thường là khó với cách hiểu quen thuộc. Nhưng đẩy đến mức cực đoan dễ dẫn thơ vào cõi bí hiểm tắc tị, khinh mạn độc giả, dễ gần với bịp bợm - nó vốn là một khuynh hướng đã từng phê phán và phá sản trong thơ văn trước cách mạng ở ta và trong cả nền thơ thế giới. Có điều lạ là nhân danh đổi mới, dân chủ "bất khả tri" bay cao trên trí tuệ toàn dân là một mâu thuẫn ngay từ trong bản chất. Và nếu ai đọc những câu thơ mà quan điểm này biện hộ sẽ thấy sự ngụy biện và lộn sòng rất hại cho sáng tạo đích thực. Cũng cần nói thêm, người bình dân ít chữ cũng hiểu và thuộc, có hiểu mới thuộc, mới lấy ra và vận vào việc đời được, những câu thơ của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Cố nhiên để hiểu hết các vị ấy lại là việc khác. Cứ lấy tiêu chuẩn thơ càng ít ai hiểu càng giá trị thì rồi chúng ta sẽ đi tới đâu.

Quan niệm này không mấy ai hưởng ứng, nhưng cần phải nói vì nó được đăng trên báo Văn nghệ, tiếng nói của Hội Nhà văn.

Bây giờ cũng như mọi thời, làm cho cái hay của thơ đến được mọi người là nhờ các nhà phê bình thơ. Nhưng làm cho người đọc "kính nhi viễn chi" lảng xa thơ cũng có "công đầu" của các nhà phê bình.

Gần đây, sự khen chê, chủ yếu là khen, có chiều dễ dãi. Một tập thơ xoàng nhưng tác giả chịu vận động nhờ vả, có thể có 15, 20 bài biểu dương. Với lý do "giúp cho nó bán sách, thu lại vốn". Nhiều bài viết sa xuống thành quảng cáo. Người sành không ai tin, nhưng những thi phẩm của một vài cây bút lâu nay im vắng, dù với lý do bù trừ của tình người, cũng không phải là việc tốt cho quá trình xây dựng thị hiếu đúng. Tập thơ Men đá vàng của anh Hoàng Cầm là một tìm tòi mà theo ý riêng tôi là chưa thành công, và rất khó đọc đối với trình độ chung. Một bài viết trên báo Văn nghệ lại làm khó hiểu thêm. Bài viết về thơ ấy có đặc điểm là không nói gì đến thơ, nó ca ngợi tác giả bằng cách ca ngợi xứ sở Kinh Bắc "dải đất trung du hùng khí mà huê tình với những tiếng cười ngọc vỡ, những xiêm y ngũ sắc" rồi lại ca ngợi nghề làm gốm. Đoạn văn này đặt trong một bút ký thủ công nghiệp đáng được khen, nhưng ở một bài bình luận thơ quả thật là nó vô bổ, không giúp ta thấy được cái hay đích thực của thơ, mà lại có cái hại là làm người ta sợ, rồi vì sợ mà lảng xa thơ, để thơ cho các "nhà" đọc với nhau. Tác giả bài báo này tự nhận là một bạn đọc, bạn đọc vốn rộng quyền ta không nên trách. Giá báo Văn nghệ có bài phê bình rõ ràng hơn về tập thơ này rồi đăng bài của bạn đọc kia làm phụ họa thì không sao. Chứ ý kiến duy nhất trên báo Hội Nhà văn mà như thế thì ai còn biết hay dở thế nào. Tôi nói cụ thể vào bài viết này cũng chỉ định lấy một ví dụ cho một lối phê bình đã thấy xuất hiện nhiều, lối phê bình không phê bình vào tác phẩm mà chỉ biểu diễn tài văn chương mây gió của nhà bình luận. Trong việc đưa thơ đến người đọc không nên dựng thêm những chướng ngại vật như thế.

Về việc in thơ và bán thơ

In thơ bằng tiền của người viết, có cái hay là mọi nhà thơ đều bình đẳng trước nhà xuất bản. Không còn cảnh xếp hàng, hoặc bị "cây đa cây đề" lấn chỗ. Nhưng cũng có cái bất tiện là nhà thơ lại phải biết kiếm ra tiền và người kiếm ra tiền nhiều khi thơ lại xoàng. Cho nên sản phẩm thơ lưu hành trên thị trường hiện nay không có gì đảm bảo chất lượng cả. Độc giả kính mến nếu có mua lầm thơ dở vì mấy bìa đẹp lại có nhiều bài khen hùng hồn, thì ráng chịu, coi tiền mua thơ như "học phí" học khôn. Chắc chắn rồi bạn đọc sẽ có kinh nghiệm rằng nên tin tác giả nào, nhà bình luận nào, nhà xuất bản nào. Nhà thơ, nhà khen chê, nhà xuất bản cũng vì thế mà phải thận trọng hơn. Còn giờ đây, thưa bạn đọc kính yêu, đứng trước quầy sách, bạn chỉ nên tin vào sự lựa chọn của chính bạn, vì mọi sự đều có thể xảy ra ở cả nhà thơ, nhà bình luận lẫn nhà xuất bản, nhà bán sách. Điều đó chưa vui đâu. Nhưng biết làm thế nào.

Trước sự phát triển ào ạt và hỗn loạn của thơ, nhiều người lo ngại thậm chí có người dự định quay lưng lại cái thị trường thơ ồn ào ấy, làm thơ chỉ để mình đọc, thơ để "nhà dùng" không bán, không rao.

Tôi tin người cầm bút chúng ta ai cũng khát khao đến được với độc giả. Chúng ta có đủ bình tĩnh để nhận ra đằng sau sự hỗn độn ấy là một sức sống đang trỗi dậy của thơ, thể hiện ở nhiều mặt:

1. Không có vùng cấm đối với thơ. Thơ sẽ hồn nhiên hơn, thành thật hơn, xúc động hơn.

2. Sự đổi mới tư duy toàn xã hội làm hình thành một nền tảng tâm lý mới, do đó một đòi hỏi mới đối với thơ. Đây là tiền đề để tạo một nền thơ hoàn toàn mới mẻ (như đã xảy ra vào các năm từ 1932 - 1942).

3. Số lượng người làm thơ đông đảo và có văn hóa hiện nay đủ là một cội nguồn làm nảy sinh một lớp tài năng mới đáp ứng được nhu cầu mới trên nền tảng tâm lý mới của xã hội.

Đã cất lên đây đó một giọng thơ khác với giọng thơ thời chống Mỹ, thời chống Pháp, và cả thời Thơ Mới, chưa thành dàn nhưng người ta đã bắt đầu nhận ra âm sắc của nó. Trong âm sắc ấy có khuôn mặt thơ ca của nhiều lứa tuổi và đáng kể hơn có lẽ là khuôn mặt của người sẽ đến.

 



[i] Trần Ninh Hồ thống kê trên 52 số báo Văn nghệ năm 1989, lớp này chiếm 50% số tác giả đăng thơ. Lớp chống Mỹ 35%. Lớp cao niên là phần còn lại.

[ii] Phạm Tiến Duật, báo Văn nghệ, số 30, 29-7-1990.

 

 

Nguồn: Văn nghệ quân đội, Hà Nội, số 10 (tháng 10-1990)

Mục lục 

14-7-19