Phong trào Phật giáo miền Trung – Huế
từ Chấn hưng đến Dấn thân

 

Chu Sơn

 


 

Phần Hai

Phong trào Phật giáo Miền Trung - Huế

thời kỳ dấn thân (1954-1966)

 

*****

Chương I - Chương II  - Chương III - Chương IV

 

 

 

Chương V

                                

 Cuộc dấn thân lần thứ hai

 Chống độc tài Nguyễn Khánh và Hiến chương Vũng Tàu

 Báo Lập Trường và Hội đồng Nhân dân Cứu quốc

 

Các cuộc ra – vào, vào – ra, Huế – Sài Gòn, Sài Gòn – Huế, hay cuộc trở lại Miền Trung của nhà sư Thích Trí Quang sau khi Giáo hội Phật giáo Thống nhất thành lập,  trên đại thể là tiếp nối một tiến trình và bắt đầu một thời kỳ mới.

Nếu mục tiêu của cuộc dấn thân lần thứ nhất (chống chính quyền Ngô Đình Diệm) là đấu tranh vì Tự do và Bình đẳng tôn giáo, thì mục tiêu cuộc vận động thứ hai này của Phật giáo miền Trung là Dân chủ – Tự do. Tự do và Dân chủ là hai mục tiêu trên một tiến trình. Dân chủ từ ngôn ngữ đến thực hành là sự nghiệp của trí thức và nhân dân. Trí thức Huế tập trung nhiều trong các trường thuộc Viện Đại học Huế. Lực lượng tiền phong của nhân dân là sinh viên học sinh, nói chung là tuổi trẻ. Tại chùa Từ Đàm, nhà sư Thích Trí Quang cùng các tăng ni, trí thức phật tử trưởng thành trong cuộc vận động thứ nhất hình thành nhóm Lập Trường. Từ chùa Từ Đàm, các sinh viên phật tử tỏa đi các trường đại học vận động tranh đoạt quyền lãnh đạo Hội đồng Sinh viên Liên khoa và Tổng hội Sinh viên Huế. (Tại Đại Học Huế lúc bấy giờ, ngoài Phật giáo còn có hai nhóm sinh viên âm thầm tham dự vào cuộc vận động tranh đoạt quyền lãnh đạo các tổ chức sinh viên là Đại Việt và Cộng Sản). Đoàn Sinh viên Phật tử, Giáo chức Phật tử, Học sinh Phật tử, Gia đình Phật tử, Tiểu thương Phật tử cùng Tăng Ni Phật tử của các chùa thuộc các Tỉnh giáo hội, đến các Niệm phật đường – Khuôn hội toàn miền Trung hưởng ứng cuộc vận động cách mạng thứ hai vì mục tiêu gần là Dân chủ, mục tiêu xa là Đạo pháp – Dân tộc và Nhân loại. (Độc giả đời sau cần chú ý ở điểm này: Các cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam vào giữa thế kỷ XX không dừng lại ở mục tiêu Đạo pháp và Dân tộc, mà Nhân loại bao giờ cũng là cái đích sau cùng).

 

1/ Báo Lập Trường

Tiếng nói chính thức của phong trào Phật giáo miền Trung trong cuộc vận động dân chủ là báo Lập Trường.

- Ngày 2.1.1964  Lập Trường nộp hồ lên bộ Thông Tin xin ra báo.

- Ngày 28.2.1964 Lập Trường, tuần báo Chính trị  – Văn hóa – Xã hội được cấp giấy phép xuất bản tạm thời. Chủ nhiêm (Tôn Thất Hanh), chủ bút (Lê Tuyên), tổng thư ký tòa soạn (Cao Huy Thuần) và các cây bút chủ chốt đều là giáo chức các trường Đại, Trung học ở  Huế và miền Trung.

Lập Trường nhanh chóng được độc giả trong ngoài Phật giáo khắp miền Nam và Việt kiều đón chào. Từ số 2, nhiều độc giả chờ mua Lập Trường để đọc trước hết “Thư Thầy” (thượng tọa Thích Trí Quang) và “Chén thuốc đắng” của Ba Cao (Cao Huy Thuần).

Lập Trường là sự kiện báo chí tại miền Nam trong hai phần ba thời gian Nguyễn Khánh cầm quyền. Có thể nói Lập Trường là tiếng nói phản biện đối với chính quyền quân quản, đồng thời là thông điệp gián tiếp đối với Mỹ.

Lập Trường muốn xây dựng tại miền Nam một thể chế dân chủ đại nghị theo tinh thần Phật giáo (Minh Tâm, Thể Chế Tương Lai, LT 24; Cao Huy Thuần, ChínhThể Dân Chủ Đại Nghị,  LT số 25, 26, 27, 28, 29) . Tuy nhiên, Chính thể dân chủ đại nghị là một công cuộc lâu dài. Nhiệm vụ trước mắt của Lập Trường là đấu tranh để tận diệt Cần Lao, kêu gọi các tướng nhanh chóng ổn định tình hình, thực hiện dân chủ, trở về với quân đội, trao chính quyền cho các chính khách dân sự; kêu gọi Mỹ ủng hộ các chính khách dân sự tổ chức bầu cử quốc hội lập hiến, hình thành chính quyền dân chủ vững mạnh để đánh thắng Cộng Sản lược xâm lược và xây dựng miền Nam.

Động thái của Lập Trường trong thời kỳ quân quản Nguyễn Khánh chuyển biến theo từng thời đoạn:

- Từ sau chỉnh lý 30.1.1964  đến trước Hiến chương Vũng Tàu (16.8 1964), Lập Trường chủ trương đấu tranh dân chủ nội bộ: Thảo luận, góp ý, phê bình, áp lực với hy vọng người Mỹ giúp Nguyễn Khánh thực hiện tinh thần cuộc cách mạng 1.11.1963 (LT. số 1 đến LT. số 21).

- Từ ngày 16.8, Nguyễn Khánh công bố Hiến chương Vũng Tàu, đến cuộc bạo loạn 13.9.1964, Lập Trường chủ trương đấu tranh để phủ định độc tài quân phiệt và Cần Lao tái sinh (LT. số 22  đến LT. số 26). Đồng thời, Lập Trường nhiệt liệt ủng hộ đường lối của Hội đồng Nhân dân Cứu quốc được thành lập tại Huế – Miền Trung vào hạ tuần tháng Tám 1964 nhằm chống độc tài quân phiệt, cấp cứu tình trạng Tổ Quốc lâm nguy.

- Từ sau cuộc bạo loạn 13. 9.1964  bị dẹp tan đến khi Ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc gia và Quân lực, và Thượng Hội đồng Quốc gia thành lập (7.9) do trung tướng Dương Văn Minh cầm đầu, Lập Trường bày tỏ sự phấn khích và hy vọng chế độ “Dân chủ Đại nghị của Việt Nam” có thể hình thành (LT. số 26 đến LT. số 29).

- Ngày 26.10, Dương Văn Minh bị ép buộc bàn giao chức vụ chủ tịch Ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc Gia, và Thượng Hội đồng Quốc gia  cho Phan Khắc Sửu (26.10),  Lập Trường hoàn toàn thất vọng, chuẩn bị đình bản.

- Ngày 12.11.1964, Lập Trường ra số cuối cùng – chào tạm biệt bạn đọc và hẹn gặp lại.

2/ Báo Lập Trường và những khúc mắc lớn đối với Phật giáo miền Trung trong thời kỳ Nguyễn Khánh cầm quyền

Khúc mắc từ phía Cần Lao – Thiên Chúa giáo:

Chế độ Ngô Đình Diệm không chỉ là gia đình trị mà còn là chế độ Cần Lao – Thiên Chúa giáo trị. Cuộc đảo chính 1.11.1963  mới lật đổ được gia đình trị, Cần Lao – Thiên Chúa giáo trị chỉ bị vô hiệu hóa ở bộ phận chóp bu với một số cá nhân bị tòa án cách mạng trừng trị vì đã trực tiếp gây tội ác  quá lớn và quá lộ liễu như Ngô Đình Cẩn, Phan Quang Đông, Đặng Sĩ, Ngô Trọng Hiếu, Dương Văn Hiếu… Các đảng viên Cần Lao là sĩ quan, công chức từ trung ương xuống địa phương, đặc biệt là các đảng viên là giám mục, linh mục trong các giáo phận, giáo xứ vẫn còn nguyên và tiếp tục hoạt động tôn giáo trong tình thế bất thường. Những Công giáo Cần Lao này nằm yên trong khi Dương Văn Minh và bộ  tham mưu của ông tiến hành cuộc cách mạng ôn hòa. Sau chỉnh lí 30.1.1964, Nguyễn Khánh cầm quyền cùng các tướng Cần Lao và đảng Đại Việt, các nhóm Cần Lao – Thiên Chúa giáo nhen nhúm tập họp lại nhằm mục đích trả thù cho “Cụ”và tái khẳng định sự tồn tại của mình như là lực lượng chống Cộng đáng tin cậy nhất đối với Mỹ. Nguyễn Văn Nhung (kẻ bị cáo buộc sát hại hai ông Diệm – Nhu) bị giết chết tại doanh trại sư đoàn Dù của đại tá Cao Văn Viên ngay buổi sáng đầu tiên của cuộc chỉnh lý, Dương Văn Minh bị vô hiệu hóa, 5 tướng Đôn, Kim, Xuân, Vỹ bị bắt nhốt, và Phật giáo là đối tượng bị đánh phá lâu dài.

 Trong thời đệ nhất Cộng Hòa, khó mà phân biệt ai là Cần Lao – Thiên Chúa giáo chính danh, ai là Thiên Chúa giáo thuần túy. Trong thời quân quản Nguyễn Khánh, cả hai thành phần Thiên Chúa giáo đó đã liên kết lại thành một khối thống nhất để đương đầu với phong trào chống Cần Lao được thể hiện qua báo chí, qua những cuộc truy quét của quần chúng tại nhiều địa phương, và qua những khiếu tố của giáo hội Phật giáo với chính quyền.

Cuộc trổi dậy của Cần Lao – Thiên Chúa giáo không nằm ngoài sách lược  Mỹ. Bởi vì tận diệt nó như chủ trương của Phật giáo và các thế lực chính trị đã từng chống và đang còn căm giận gia đình Diệm thì lấy ai làm công cụ và hậu thuẫn cho công cuộc chống Cộng? Đến thời điểm này cuộc chiến tranh Đông Dương còn được xem là cuộc chiến tranh để bảo vệ (hay tiếp tục bành trướng) nền văn minh Ky Tô giáo. Do vậy Phật giáo là cái đích phản kích của Cần Lao – Thiên Chúa giáo và truyền thông Mỹ.

Các phương tiện truyền thông Mỹ như báo Times, Newsweek, New York Times, đài VOA, hãng tin UPI thường thông tin và bình luận có tính cách cáo buộc Phật giáo chủ trương gậy chiến tranh tôn giáo, Trung lập và  Cộng Sản.

Tại Sài Gòn, Huế và các tỉnh miền Trung những thông tin có tính cáo buộc như thế thường xuất phát từ các báo Saigon Post, Thẳng Tiến, Xây Dựng, Hòa Bình, Chính Luận, Tự Do. Rất nhiều truyền đơn, tin đồn chống phá và bôi nhọ các lãnh tụ Phật giáo phát tán từ các trung tâm đấu tranh của Công giáo di cư (tại Sài Gòn, Đồng Nai…) và Công giáo Ngô triều (các địa phận thuộc quyền cai quản của tổng giám mục Ngô Đình Thục, Phạm Ngọc Chi tại miền Trung và tại Huế. Thanh Bồ Đức Lợi (Đà Nẵng) là giáo xứ toàn tòng, gốc khu Tư, nhập cư sau Genève, chịu ảnh hưởng chính trị của khối Công giáo Đấu tranh).

Các phương tiện truyền thông của Phật giáo, và Báo Lập Trường (các số càng về sau), đã bày tỏ sự bức xúc trước những thông tin và bình luận ấy. Lập Trường khẳng định rằng đó là những chụp mũ (LT. số 9) và vu cáo (LT. số 18) nhằm mục đích chia để trị (LT. số 12), trả thù từ phía Mỹ và tàn dư của chế độ cũ (Cần Lao).

Thực tế như thế nào về cái mà báo chí, truyền thông Mỹ và Khối Công giáo Đấu tranh miền Nam thời Nguyễn Khánh gọi là “chiến tranh tôn giáo” do Phật giáo chủ trương?

Một khi Phật giáo chủ trương tận diệt Cần Lao có nghĩa là phải loại khỏi các cơ quan công quyền thuộc chế độ mới từ Dương Văn Minh đến Nguyễn Khánh những tàn dư của chế độ cũ (chế độ Ngô Đình Diệm). Chủ trương này chính Dương Văn Minh (người mà Phật giáo ủng hộ) đã không thực hiện, bởi vì ông muốn tiến hành “cuộc cách mạng ôn hòa”. Cuộc cách mạng ôn hòa này phát xuất từ bản chất ôn hòa của ông, và cũng căn cứ vào một thực tế là nếu loại khỏi các cơ quan công quyền tất cả những quân nhân, công chức là đảng viên Cần Lao thì guồng máy cai trị sẽ chông chênh. Đây là hậu quả 9 năm gia đình Ngô Đình Diệm áp dụng chính sách Cần Lao – Thiên Chúa giáo toàn trị.

Đến thời Nguyễn Khánh, một mặt, ông hô hào tiếp tục tinh thần cuộc cách mạng 1.11.1963: tổ chức triền lãm tội ác Ngô triều, thành lập tòa án cách mạng để xét xử những cá nhân gây tội ác (Phan Quang Đông, Ngô Đình Cẩn, Đặng Sĩ…); một mặt, ông củng cố và tập trung quyền lực cho mình bằng những người thuộc chế độ cũ, đa phần trong họ là những đảng viên Cần Lao (Cao Văn Viên, Huỳnh Văn Cao, Đặng Văn Quang, Dương Ngọc Lắm, Ngô Du…). Những đảng viên Cần Lao này liên kết với những đảng viên Cần Lao trong Giáo hội Công giáo để “trả thù cho Cụ”. Rất nhiều vụ “trả thù cho Cụ” đã diễn ra thời Nguyễn Khánh cầm quyền. Liên tiếp trên ba số báo Hải Triều Âm (1, 2, 3 – tháng Tư và tháng Năm 1974, nhà sư Thích Trí Quang đặt vấn đề với chính quyền Nguyễn Khánh: Tại sao Phật giáo đồ vẫn bị khủng bố? Ông nêu các trường hợp cụ thể đã xẩy ra ở các khu dinh điền trên cao nguyên, ở Bình Định và Phú Yên. Báo Hải Triều Âm số 3 ra ngày 7.5.1964 chạy dài một tít lớn mang dòng chữ: “Số truy niệm 5 Phật tử mới bị sát hại ở Miền Trung”.

Trong Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, Đỗ Mậu (lúc bấy giờ là phó thủ tướng đặt trách khối Thông Tin, Văn Hóa,  Giáo Dục, Lao Động và Xã Hội) có nói qua về vấn đề này:

“Đối với Phật giáo, Khánh hứa sẽ thẳng tay trừng trị những kẻ còn chủ trương kỳ thị Phật giáo khi phái đoàn thượng tọa Thiện Minh đến gặp Khánh để trình bày hồ sơ về những vụ đàn áp Phật giáo ở các địa phương (bắt bớ ở Đồng Xuyên, đốt nhà ở Tây Nguyên, sát hại Phật tử ở An Thạnh) do nhiều nhóm Cần Lao ở miền Trung chủ động và được chuẩn tướng Ngô Du (một Công Giáo Cần Lao) chỉ huy vùng Nam Ngãi yểm trợ”.

Một mặt Nguyễn Khánh hứa sẽ trừng trị “những kẻ chủ trương kỳ thị Phật giáo”, mặt khác ông vẫn trọng dụng những đảng viên Cần Lao trong các cơ quan công quyền từ trung ương xuống địa phương. Như thế là công cuộc “phục hồi tinh thần Ngô Đình Diệm” và “trả thù cho Cụ” vẫn tiếp diễn. Và như thế là Phật giáo vẫn tiếp tục đấu tranh với Nguyễn Khánh về những khủng bố và tệ nạn do Cần Lao gây ra. Không phải tất cả, nhưng đa số Cần Lao lại là tín đồ Công giáo. Do vậy “chống Cần Lao” cũng có nghĩa là “chống Công giáo”. Báo chí phương Tây cứ theo luận điểm này để cáo buộc “Phật giáo chủ trương chiến tranh tôn giáo”. Cái vòng lẩn quẩn này có căn cớ lịch sử của nó. Khi bị nghĩa quân truy lùng, lính Tây và Việt gian thường chạy trốn vào nhà thờ. Nghĩa quân vào nhà thờ tìm bắt chúng. Như thế là nghĩa quân “tấn công nhà thờ và bắt đạo”. Trong hồi ký của Đỗ Mậu (sách đã dẫn), chúng ta đọc được những dòng sau đây ở trang 527, 528:

 “ Về phía Công giáo tuy đã thỏa mãn với cuộc chỉnh  lý nhưng vẫn căm thù Phật giáo mà họ cho là nguyên nhân của cuộc lật đổ chế độ Diệm. Đã thế những vụ án tử hình Ngô Đính Cẩn, Phan Quang Đông, những bản án khổ sai dành cho một số cán bộ Cần Lao, cuộc triển lãm tội ác nhà Ngô, những lời đả kích nặng nề chế độ Diệm đăng đầy trên các báo cũng như những khẩu hiệu “Bài trừ Cần Lao” của sinh viên cũng làm cho khối Công giáo đang mang đầy mặc cảm phạm tội trở nên xúc động, căm tức hơn . Một số họ đạo ở Huế tổ chức nhiều cuộc biểu tình “đả đảo cách mạng” đến nỗi tòa Tổng giám mục ở Sài Gòn đã phải ra thông cáo minh định lập trường chung của giáo hội Công giáo”.

Ngày 25. 5. 1964, tại tòa Tổng giám mục, Giám mục Nguyễn Văn Bình ra thông cáo :“Không ra lệnh biểu tình, cũng không chấp nhận bất cứ cuộc biểu tình nào. Giáo dân cần tránh biểu tình trong ngày Phật Đản”.

 “Nhưng rồi có lẽ vì bị áp lực của khối Công giáo di cư nên ngày hôm sau giám mục Nguyễn Văn Bình lại phải ra thông cáo lần thứ hai: “Chỉ khuyên tránh biểu tình trong ngày Phật Đản mà thôi, còn thì giáo dân tự do phát biểu quan điểm chính trị của mình theo thể thức nào hợp lý nhất”. Đối với những phần tử Công giáo quá khích, thông cáo thứ hai của Tòa Tổng giám mục không những đã được diễn dịch như một sự khuyến khích mà còn là một hiệu lệnh.

“Ngày 7. 6 1964, 29 họ đạo Hố Nai và vùng phụ cận Sài Gòn cùng hàng vạn giáo dân Đô thành đã biểu tình tại công trường Lam Sơn với biểu ngữ “Lột mặt nạ bọn lợi dụng Cách mạng để đàn áp Công giáo”, “Mị dân là phản bội dân chủ”, “Ủng hộ cuộc đấu tranh của Công giáo miền Trung”.

“Ngày 15. 6. 1964, tại Huế hàng ngàn giáo dân xuống đường biểu tình cùng một lập luận như cuộc biểu tình của giáo dân tại Sài Gòn”.

“Hai cuộc biểu tình đầu tiên do Công giáo tổ chức đó đã tạo tiền lệ cho những cuộc biểu tình, xuống đường sau này của sinh viên và Phật giáo”.

Như thế là đã có kế hoạch biểu tình chống phá Phật giáo của “Khối Công giáo” nhân ngày Phật Đản. Kế hoạch đó đã đình hoãn vì có sự khuyên ngăn của giám mục Nguyễn Văn Bình. Sau lần khuyên ngăn (không dứt khoát) đó của vị đứng đầu giáo hội, Khối Công giáo đã tổ chức biểu tình tràn lan.

Để giải tỏa những áp lực từ phía truyền thông –  báo chí Mỹ, và những hoạt động đấu tranh nhiều mặt (khủng bố, tuyên truyền báo chí, tung tin đồn, đe dọa, biểu tình…) của “Khối Công giáo” nhắm vào Phật giáo – đối tượng bị xem là “một thế lực mới chủ trương chiến tranh tôn giáo”, báo Lâp Trương đã tuần tự tiến hành các phản biện:

 Trên trang 2 của báo Lập Trường số 11 có bài: “Chụp mũ”. Trong “Chụp mũ,” Lập Trường tố cáo “tình trạng đất nước đảo điên do một bọn người đóng vai nạn nhân của một tình trạng áp bức bịa đặt. Mới đêm qua chúng là Cần Lao chuyên đàn áp và kỳ thị, thì sáng nay chúng vẫn chệm chệ trong các cơ quan công quyền, vừa thỏa thuê trên những chỗ ngồi béo bở, vừa vỗ ngực cho mình là cách mạng, vừa vu oan giá họa cho người này người kia là Cộng Sản, là Trung lập. Chúng đang gây ra tình trạng tối tăm rối bời cho đất nước, người ngoài thì tin những điều chúng nói là thật, dân chúng chẳng biết đâu mà lần. Lập Trường hỏi trung tướng Nguyễn Khánh có đủ sáng suốt và can đảm thanh lọc chính quyền, tận diệt Cần Lao không”?

Cũng ở trang 2 số 12, Lập Trường tố cáo tình trạng chia để trị: “Ngày xưa thực dân cũ đã dùng thủ đoạn chia để trị để cướp nước và nô lệ dân tộc. Những Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Hoàng Trọng Phu đã là công cụ  thực hiện những thủ đoạn đó của thực dân. Ngày nay bọn đế quốc thế kỷ 20 đã lợi dụng chiêu bài chống cộng để khống chế sức mạnh tinh thần của khối đoàn kết toàn dân. Thủ đoạn chia rẽ Phật giáo nằm trong chính sách chia để trị của chúng. Lập Trường cảnh báo những ai vì lợi ích cá nhân và phe nhóm tiếp tay cho ngoại nhân, bán đứng tổ quốc đồng bào.”

Với tiêu đề “Biểu tình cho ai?”, và “ Lại nói về biểu tinh”, Lập Trường số 13 và 14 đặt vấn đề với Khối Công giáo Việt Nam –  những người tổ chức và tham dự cuộc biểu tình ngày 7.6.1964  tại công trường Lam Sơn. Theo Đỗ Mậu (sách đã dẫn): “Hàng chục ngàn giáo dân thuộc 29 họ đạo vùng Hố Nai và các giáo xứ nội ngoại thành Sài Gòn đã mít tin biểu tình với những biểu ngữ: “ Lột mặt nạ bọn đàn áp Công giáo”, “ Mị dân là phản dân chủ”,” Ủng hộ cuộc đấu tranh của Công giáo miền Trung”.

Theo Lập Trường, ngày 7.6  tại Sài Gòn, Khối Công giáo Việt Nam đã tổ chức biểu tình. Mở đầu cuộc biểu tình, Khối Công giáo đã phổ biến các tài liệu và biểu ngữ sau:

- 1 Thư ngỏ gửi Bộ Thông Tin và Báo Chí để tố cáo 6 tờ báo  (trong đó có Lập Trường, đã đàn áp và vu khống Công giáo.).

 - 1  Thư của Khối Công giáo gửi các Tín hữu Hoa Kỳ.

- 2  Biểu ngữ mang khẩu hiệu : “ Kick Out Cabot Lodge “, “ Go Home Cabot Lodge”.

Giữa cuộc biểu tình, Ban tổ chức ra thông cáo cho rằng cả hai thư ngõ là giả, và hai khẩu hiệu không phải của họ. Ký giả Lỗ Vinh đã bị đánh chảy máu đầu, phải vào bệnh viện để cấp cứu vì đã chụp ảnh hai biểu ngữ  “Kick Out Cabot Lodge”, “Go Home Cabot Lodge”. Mấy ngày sau tòa Tổng giám mục ra thông cáo: “Không can dự vào cuộc biểu tình.”

Cả hai bài “ Biểu tình cho ai?”, và “Lại nói về biểu tình” đều rất dài, tôi chỉ tóm lược những ý chính các câu hỏi do Lập Trường nêu ra:

- Biểu tình vì lý do tín ngưỡng ư? Nếu vì mục tiêu này sao 9 năm trong chế độ Ngô Đình Diệm đồng bào Thiên Chúa giáo không lên tiếng để phản đối chính sách độc tài và kỳ thị tôn giáo? Nay tự do chung cho các tôn giáo đã có rồi sao đồng bào Thiên Chúa giáo không sử dụng cái tự do đó để cùng với cộng đồng dân tộc đấu tranh nhằm kiến lập những giá trị chung phổ quát hơn? Hay những cuộc biểu tình vừa qua, đặc biệt cuộc biểu tình ngày 7. 6,  đồng bào Thiên Chúa giáo chỉ muốn có một ý nghĩa riêng? Nếu là như thế thì cộng đồng dân tộc không thể hiểu được.

- Biểu tình vì tự do cho những người Thiên Chúa giáo đã gây tội ác trong chế độ cũ (như Ngô Đình Cẩn, như Đặng Sĩ…) đang bị giam giữ và sẽ bị đưa ra tòa? Nếu thế thì cộng đồng dân tộc cũng không thể hiểu được. Họ là tội phạm quốc gia với những bằng chứng đàn áp, cướp của, giết người, chà đạp tự do của người khác. Trong số những người thuộc chế độ cũ đang bị giam cũng có một số ít người là tín đồ Phật giáo. Giáo hội Phật giáo và báo Lập Trường không vì tự do của bọn tội phạm đó mà cùng với đồng bào Thiên Chúa giáo tổ chức đấu tranh. Vậy thì trong vấn đề này, tôn giáo hãy để cho các cơ quan công quyền thi hành luật pháp.

- Biểu tình vì một chế độ dân chủ ư? Đây là một việc làm đúng đắn và khẩn thiết mà nhân dân trong đó có Lập Trường đã làm từ lâu. Nay đồng bào Thiên Chúa giáo muốn làm là một cơ hội tốt để mọi bộ phận dân tộc sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh lâu dài nhằm hình thành một nhà nước dân chủ của toàn dân. Không nên trông chờ một phép màu từ chính phủ hiện tại. Cũng không nên trông chờ một chính sách nào đó của người ngoài. Người ngoài – quốc tế và sự viện trợ của Hoa Kỳ chỉ là yếu tố thứ yếu. Công cuộc chống Cộng và xây dựng đất nước chính là sứ mệnh của Chúng Ta – Người Dân Nước Việt Nam. Chúng Ta không thể tự hào là Người Việt Nam khi Chúng Ta quá lệ thuộc vào ngoại viện.

Do vậy đấu tranh cho một chế độ dân chủ  là cuộc đấu tranh lâu dài vì quyền tự quyết của cả dân tộc. Một chính phủ do người Thiên Chúa giáo Ngô Đình Diệm điều hành trong 9 năm qua là một kinh nghiệm xấu cho tất cả mọi người chúng ta hôm nay. Độc tài (Ngô Đình Diệm) không thể thắng độc tài (Cộng Sản). Chỉ có tự do mới chiến thắng độc tài. Đấu tranh vì Tự Do – Dân Chủ  trong chiều hướng và tinh thần đó không phải là mị dân.

- Biểu tình để thóa mạ và vu cáo ư? Tại sao phải “Go home Cabot Lodge” và “Kich out Cabot Lodge”?

Thái độ như thế đối với đại sứ Mỹ có xúc phạm đến danh dự của chính phủ Hoa Kỳ và nhân dân Mỹ không? Có mâu thuẫn với Thư của Khối Công giáo Việt Nam gởi các anh em tín hữu Mỹ không? Hay là cả hai : Thư và Khẩu hiệu là một thể thống nhất nhằm ủng hộ một phe trong cuộc bầu cử sắp tới bên Mỹ?

Ban tổ chức biểu tình của Khối Công giáo Việt Nam đã cải chính rằng họ không chủ trương “Go home Cabot Lodge” và “Kick out Cabot Lodge”. Vậy thì do đâu những khẩu hiệu đó lại xuất hiện trong đoàn biểu tình? Do bởi những khẩu hiệu đó  không phải của ban tổ chức, mà ký giả Lỗ Vịnh lại chụp ảnh nên ông bị đánh chăng? Như thế thì cái tự do, cái bác ái của nền văn minh Ky Tô giáo để đâu mất rồi? Hay từ trong sâu thẳm, “Khối Công giáo Việt Nam” vẫn hận Cabot Lodge cũng như đã hận Dương Văn Minh và Phật giáo trong vụ lật đổ và giết chết anh em nhà Ngô?

Cuộc biểu tình 7.6, Khối Công giáo Việt Nam phản đối “Bọn lợi dụng cách mạng để đàn áp Công giáo, lại đàn áp dã man ở miền Trung”. Các cuộc biểu tình của Công giáo miền Trung (Quảng Nam – Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị) cũng tự coi mình là nạn nhân của đàn áp và vu khống. Nhưng tất cả các cuộc biểu tình ấy đều không đưa ra những bằng chứng cụ thể về “sự đàn áp tàn bạo”và “vu khống trắng trợn” mà họ cáo buột.

Cuộc biểu tình 7.6  còn tố cáo những người nòng cốt của báo Lập Trường đã cộng tác với chế độ Ngô Đình Diệm. Báo Lập Trường cho rằng “Khối Công giáo Việt Nam” đã không phân biệt chế độ Ngô Đình Diệm và các cơ chế hoạt động xã hội. Trong tình hình miền Nam sau 1954, đi dạy học không phải là cộng tác với chế độ. Rất nhiều giáo viên, giáo sư trung đại học và cả không ít công chức đã chống chế độ trong cương vị của mình. Những thành viên của Lập Trường đã từng bước hình thành trong đại học Huế một đường hướng giáo dục độc lập với đường hướng giáo dục của chế độ Diệm, và đã tích cực tham dự vào các hoạt động chống Diệm từ vụ đàn áp đẫm máu tại đài phát thanh Huế trong đêm 8.5.1963, đã bị bắt bớ, tù đày, đã nằm trong danh sách sẽ bị thủ tiêu nếu cuộc đảo chánh 1.11.1963 không thành. Từ sau chỉnh lý 30.1.1964, nhóm Lập Trường đã hình thành, đã tiến hành đấu tranh vì mục tiêu Tự Do, Dân Chủ, Độc Lập và Công Bằng. Chẳng lẽ Khối Công giáo Việt Nam cho rằng chúng tôi không có quyền và trách nhiệm đó sao?”

Vậy thì biểu tình với nội dung và cách thế như Khối Công giáo đã thể hiện trong ngày 7. 6  tại Sài Gòn, tại miền Trung trước đó và trong những ngày tiếp theo, không có lợi cho ai cả. Không cho quí vị. Không cho chúng tôi. Và cũng không có lợi cho đất nước dân tộc.

Bốn ngày sau cuộc biểu dương lực lượng của Khối Công giáo Việt Nam, nhật báo New York Times (số ra ngày 11. 6. 1964) đã đăng một bài nhận xét về nhóm Lập Trường, về nhà sư Trí Quang, và về Phật giáo của Peter Grove. Lập Trường đã dịch và đăng trọn bài trên số 14 với bài phản biện của Cao Huy Thuần.

Tôi xin tóm lược bài báo của Peter Grove từng điểm một cùng với những phản biện của Cao Huy Thuần, và bình luận của tôi.

 - Điểm 1. Peter Grove cho rằng Lập Trường là tờ báo của Phật giáo, và “những bài báo trong Lập Trường lấy cảm hứng từ ngôi chùa Từ Đàm của nhà sư Thích Trí Quang .

Cao Huy Thuần cho rằng Peter Grove đã tưởng tượng. Hải Triều Âm mới là báo của Phật giáo, còn Lập Trường là tờ báo độc lập của những nhà giáo ở Huế.

Theo tôi, Peter Grove đã gần đúng trong chuyện này. Nếu Peter Grove viết: “Lập Trường là tờ báo của Phật giáo miền Trung, được lãnh đạo bởi nhà sư Trí Quang ở chùa Từ Đàm”, thì ông đã hoàn toàn chính xác. Bằng chứng là những số đầu, Lập Trường đã đăng “Thư của thượng tọa Trí Quang” như là những lời hiệu triệu của “Người” (chữ của Cao Huy Thuần), và quần chúng Phật tử đã chờ mua Lập Trường để đọc thư “Thầy” hàng tuần. Bằng chứng thư hai: Trên toàn trang 2 và một nửa trang 3, số 28, trong một cái khung trang trọng, Lập Trường công bố quan điểm của Phật giáo trong một bài có tựa đề: “Phật giáo Với Cộng Sản”. Bài này không ký tên tác giả. Thực tế này chứng tỏ Lập Trường là người phát ngôn của Phật giáo miền Trung vào thời điểm đó. Bằng chứng thứ ba là trên số 30 (Từ giả và hẹn gặp lại bạn đọc), Lập Trường đăng nguyên văn Thông điệp của hòa thượng Thích Tịnh Khiết, tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và Thông cáo của thượng tọa Thích Trí Quang, chánh thư ký Viện Tăng Thống: “Kính gởi Phật giáo đồ Việt Nam”.Thông điệp và Thông cáo ra lệnh Phật giáo đồ Việt Nam đình chỉ cuộc vận động lần thứ hai (cuộc vận động lần thứ nhất vì tự do bình đẳng tôn giáo thời Ngô Đình Diệm. Cuộc vận động lần thứ hai chống độc tài Nguyễn Khánh bắt đầu từ Hiến chương Vũng Tàu – 16.8) để tập trung sức mạnh Vô Úy – Bất Bạo Động vào cuộc vận động sắp tới “không những vô cùng khẩn thiết cho Tổ Quốc mà còn cho chính Phật giáo Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại” (nguyên văn – Thông điệp).

Độc giả không khó để nhận ra rằng có sự quan hệ chặt chẽ giữa Thông điệp – Thông cáo của Viện Tăng Thống và Thư giả từ – hẹn gặp lại bạn đọc của Lập Trường số 30. Cụ thể và rõ ràng hơn : Lập Trường đã nhận mệnh lệnh từ Quý Thầy trên chùa Từ Đàm, đặc biệt từ “Người” – tên gọi vô cùng tôn kính của Cao Huy Thuần, nhóm Lập Trường và của Phật tử miền Trung dành riêng cho nhà sư Thích Trí Quang. Do vậy, tôi rất gần với Peter Grove  trong điểm 1 này.

- Điểm 2. Peter Grove viết rằng:

 “Lập Trường và Phật giáo Miền Trung chủ trương Trung Lập” và “hướng đến sự thành lập một chính phủ sẵn sàng cho sự xâm lược của Cộng sản.”(nguyên văn, LT số14, trang 4)

Nhận định này trùng khớp với những cáo buộc của Khối Công giáo đấu tranh. Cao Huy Thuần, Lập Trường, nhà sư Trí Quang và Phật giáo miền Trung rất không bằng lòng trước những “vu khống, chụp mũ” đó, và cho đó là âm mưu, là thủ đoạn chia để trị (từ phía Mỹ) và chống phá Phật giáo (theo truyền thống từ phía Công Giáo đấu tranh). Cao Huy Thuần viết:

“Chung tôi đã biết chủ nghĩa mác – xít qua sách vở. Chúng tôi – hơn các bạn Hoa – Kỳ – đã từng sống với những người Cộng – sản và đã từng thấy rõ rằng không thể nào sống chung với họ. Chống Cộng là nhiệm vụ mà chúng tôi đã cố thực hiện trên cương vị một nhà giáo dục từ mấy năm nay. Đó là một nhiệm vụ mà chúng tôi xem như đương nhiên, một nhiệm vụ hằng ngày, không có gì để mà vênh vang tự đắc, phô trương ầm ỉ”.

“Đối vơi đường lối Trung lập, làm sao chúng tôi quên rằng đường lối đó đã do Tướng De Gaulle đưa ra và Trung Cộng ủng hộ? Làm sao chúng tôi quên được rằng lịch sử của dân tộc chúng tôi là lịch sử trường kỳ chống lại nước Trung Hoa xâm lược? Làm sao chúng tôi quên được nỗi tủi nhục của 80 năm dưới ách đô hộ của người Pháp? Hai dân tộc đã từng cai trị chúng tôi nay họp nhau lại tạo một giải pháp cho nước chúng tôi, có ai ngây ngô đến nỗi không biêt rằng họ làm như thế là vì lợi ích của họ?”(C.H.Th. LT số 14 trg 13)

Tôi không mặn mà lắm với công cuộc chống Cộng và chống Trung lập của báo Lập Trường qua đoạn văn trên của tác giả Cao Huy Thuần và qua rất nhiều những ngôn từ chống Cộng phi Phật giáo trong nhiều bài nhiều số Lập Trường. Phải chăng đây là thủ pháp để mời gọi Hoa Kỳ nghiêng về phía Phật giáo? Và phải chăng vì những ngôn từ ấy mà Peter Grose viết thêm mây câu như thế này:

“Trong những buổi nói chuyện công cộng, cũng như những lần phỏng vấn riêng, những nhà lãnh đạo (Phật Giáo. Chu Sơn) này vẫn có thái độ không rõ ràng và khó hiểu.”

“ Cho đến nay, Lập Trường chưa làm được gì nhiều ngoài công kích. Những bài báo này hô hào đoàn kết toàn dân để đánh bại Cộng sản, nhưng cũng bài bác chính sách của Mỹ và tố cáo sự ủng hộ vô giới hạn của Hoa Thịnh Đốn cho Thủ Tướng – Trung Tướng Nguyễn Khánh”.    

Qua hai câu trích dẫn trên, tôi đồng ý với ông Cao Huy Thuần là nhận định của Peter Grove xuất phát từ “những mẫu chuyện thêu hoa dệt bướm của những người giàu óc tưởng tượng ở Huế” (Lập Trường 14 trang 13), ở Sài Gòn và ở các trung tâm Công Giáo di cư khác tại miền Nam. Tôi nghĩ rằng, nếu Peter Grove nghiên cứu đầy đủ sự phát triển về nhận thức của Phật Giáo từ thời kỳ chiến tranh Việt – Pháp (1945 – 1954), qua thời kỳ Ngô Đình Diệm (với sự hộ trì của Mỹ) áp đặt chủ nghĩa Duy Linh – Cần Lao Nhân Vị lên đầu nhân dân miền Nam, thì ông sẽ không viết như thế. Theo tôi, Phật Giáo miền Trung đã chuyển hướng tư tưởng sau những kinh nghiệm sống chung với người Cộng Sản trong kháng chiến chống Pháp. Sau Genève, Phật Giáo miền Trung cũng đã có kinh nghiệm trong chế độ độc tài và độc tôn Thiên Chúa Giáo Ngô Đình Diệm, nên đã nỗ lực hết sức để tìm hướng đi riêng trong tình thế trên đe dưới búa. Cái hướng đi riêng đó xuất phát từ giáo lý Duy Thức, từ con đường Trung Đạo của Phật giáo, và từ kinh nghiệm đau thương giữa hai lằn đạn.

Theo Thích Nhất Hạnh: Về mặt nhận thức, Phật giáo đối lập với ý thức hệ Duy vật vô thần (Cộng Sản) và Duy linh độc thần(Thiên Chúa Giáo). Về mặt thực hành, Phật Giáo chủ trương từ bi hỹ xã, công nhận sự khác biệt, đấu tranh hòa bình, bất bạo động trên nền tảng ba nguyên lý Từ Bi – Trí Tuệ – Dũng Cảm.(Nguyễn Lang. VNPGSL). Phật Giáo đã áp dụng giáo lý hành động này một cách quá nghiêm túc trong công cuộc chống độc tài và kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm với mít tin, biểu tình, tuyệt thực và tự thiêu. Trong cuộc vần động lần thứ hai: đấu tranh vì nền Dân Chủ (chống độc tài quân phiệt Nguyễn Khánh), Phật giáo miền Trung cũng đã áp dụng đường lối và phương pháp đó. Trong khi đó Cộng Sản chủ trương dùng bạo động để giải quyết mọi vấn đề. Theo Phật giáo miền Trung, Thiên Chúa giáo từ giáo lý Duy linh độc thần, cũng như Cộng Sản từ chủ nghĩa Duy vật Vô thần, đều không công nhận sự tồn tại của những nhận thức và niềm tin khác. Tuy chủ trương bác ái, nhưng Thiên Chúa giáo đã không từ chối bất cứ một hành động bạo động nào đối với những người mà họ cho là “dị giáo”, là “Bụt thần ma quỉ”, là Trung Lập và Cộng Sản. Đối với Phật giáo, Thiên Chúa giáo (Công Giáo) còn có một lịch sử gắn liền với chủ nghĩa thực dân và chế độ toàn trị Ngô Đình Diệm. Từ những khác biệt về mặt nhận thức và niềm tin tôn giáo, đến những kinh nghiệm đau thương do các sách lược và biện pháp bạo động từ cả hai phía, Phật giáo muốn tìm một hướng đi riêng: Không Cộng Sản, cũng không Mỹ, mà Trung Đạo. Hay là: – Chống Cộng nhưng không chống theo kiểu Mỹ cùng các thế lực Quốc gia khác (Như Thiên chúa giáo và các đảng phái chính trị). – Chống Mỹ nhưng không chống theo kiểu Cộng Sản. Phật giáo chủ tương chống độc tài Cộng Sản và chống Mỹ bằng một chế độ dân chủ và tinh thần bất bạo động, chứ không bằng một chế độ độc tài. Theo Phật giáo miền Trung, qua báo Lập Trường: Mỹ và miền Nam Quốc Gia đã thua Cộng Sản với chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Mỹ và miền Nam Quốc Gia cũng sẽ thua Cộng Sản với chế độ độc tài quân phiệt Nguyễn Khánh, hay bất cứ chế độ độc tài nào về sau. Từ sau chỉnh lý 30.1.1964 đến Hiến chương Vũng Tàu (16.8.1964), trong vai trò chủ thể đối trọng của Mỹ và chính quyền quân quản, Phật giáo miền Trung chủ trương đấu tranh nội bộ: đóng góp ý kiến, thảo luận, tranh luận, áp lực, kêu gọi Mỹ và Nguyễn Khánh nhanh chóng xây dựng chế độ dân chủ. Đến khi Nguyễn Khánh công bố Hiến chương Vũng Tàu, chế độ quân phiệt do Mỹ sắp đặt hình thành, cho rằng tổ quốc đứng trước tình trạng lâm nguy, Phật giáo miền Trung phát động cuộc vận động lần thứ hai: Cùng với toàn dân đấu tranh để xóa bỏ độc tài quân phiệt. Phật giáo miền Trung cũng sẽ chống Mỹ nếu Mỹ bất chấp quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân miền Nam nói riêng, và nhân dân Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, Phật giáo không chống Mỹ như Việt Cộng chống Mỹ, mà cũng chỉ chống Mỹ bằng những phương pháp bất bạo động và đức vô úy.

Chống Cộng, nhưng không chống theo kiểu Mỹ.

Chống Mỹ, nhưng không chống theo kiểu Cộng Sản.

Đó là đường lối riêng của Phật giáo miền Trung. Đường lối này có gốc gác từ triết lý Trung Đạo và tư tưởng Từ Bi Hỉ Xả trong Đạo Phật.

Người Mỹ chủ chiến, ông Peter Grove và Khối Công giáo Việt Nam không hiểu thế nào là “chống Cộng không theo kiểu Mỹ”.

Người Cộng Sản chủ trương đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào cũng không hiểu thế nào là “chống Mỹ không theo kiểu Cộng Sản”.

Cả hai phía đều kiên trì con đường cực đoan sắt máu đến cùng. Phật giáo miền Trung đưa triết lý Trung Đạo vào cuộc vận động của mình: Hóa giải các cực đoan, giải trừ cái ác, đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đất nước, thực hiện hòa giải dân tộc và nhân loại.

Người Mỹ chủ chiến, ông Peter Grove, khối Công Giáo Việt Nam không chia sẻ lập trường và cuộc vận động này nên đã cáo buộc báo Lập Trường, nhà sư Trí Quang và Phật giáo miền Trung là Trung lập và Cộng Sản. Bởi họ lẫn lộn giữa Trung Đạo (một triết lý được vận dụng như một giáo lý có giá trị lâu dài trong cuộc hành trình thực hiện Đạo Phật), và Trung lập (một giải pháp chính trị nhất thời do Pháp và Trung Quốc đưa ra nhằm can dự vào tình hình Đông Dương).

Sự lẫn lộn đó không chỉ nằm trên giấy và các phương tiện truyền thông hiện đại và lạc hậu bên Mỹ cũng như bên này: Việt Nam Cộng Hòa. Nó đã góp phần tạo tác nên, làm tăng thêm cường độ chiến tranh và những tiếng thét gào, những hành động bạo lực đẫm máu trên đường phố, trong các khu dân cư, và cả trong những nơi thờ tự.

 “Ngày 9 – 9 linh mục Hoàng Quỳnh, chủ tịch Ủy Ban Tranh Đấu của Khối Công Giáo gởi thư ngỏ cho Thủ tướng Nguyễn Khánh trách chính phủ không quan tâm đến các vụ đàn áp Công Giáo trong những ngày vừa qua và yêu cầu điều tra vô tư, giải quyết các vụ ở Đà Nẵng, Qui Nhơn, và vãn hồi an ninh, nếu không Công Giáo sẽ tự vệ và không chịu trách nhiệm về các hậu quả có thể xảy ra.”(Đỗ Mậu, sdd trang 534)

Theo linh mục Hoàng Quỳnh, linh hồn của Khối Công giáo Việt Nam, bằng cớ rõ ràng nhất của cuộc chiến tranh tôn giáo do Phật giáo chủ trương là “hai vụ đàn áp Công giáo đẫm máu đã diễn ra tại Đà Nẵng và tại Qui Nhơn”. Báo chí Mỹ, đặc biệt là đài VOA đã báo động dư luận thế giới về cuộc chiến tranh tôn giáo đang diễn ra tại Nam Việt Nam.

Thực hư thế nào về “cuộc chiến tranh tôn giáo,” đặc biệt về các vụ đàn áp Công giáo ở Đà Nẵng. Qui Nhơn?

Chúng ta trở lại với tình hình chính trị ở miền Nam bắt đầu từ sự kiện Nguyễn Khánh và Hội đồng Quân đội Cách mạng hợp pháp hóa chế độ độc tài quân phiệt qua việc công bố Hiến Chương Vũng Tàu ngày 16–9–1964. Theo Hiến Chương Vũng Tàu: Nguyễn Khánh đứng đầu Hội đồng Quân đội Cách mạng với chức danh chủ tịch. Nguyễn Khánh và Hội đồng Quân đội Cách mạng đẻ ra ba cơ quan công quyền: Lập Pháp (với quốc hội lâm thời do Hội đồng Quân đội Cách mạng chỉ định), Hành pháp (với chính phủ do Nguyễn Khánh làm chủ Tịch), và Tư pháp (với Thượng Hội đồng Tư pháp do Hội đồng Quân đội Cách mạng đề cử). Tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp) là mô hình lý tưởng của chế độ dân chủ. Nhưng chế độ dân chủ này lại được lãnh đạo bởi Hội đồng Quân đội Cách mạng. Và Hội đồng Quân đội Cách mạng lại được chỉ huy bởi trung tướng Nguyễn Khánh với kỷ luật quân đội mà ông là tổng tư lệnh. Chính danh và thực chất đây là chế độ độc tài quân phiệt. Chế độ độc tài quân phiệt Nguyễn Khánh hoàn toàn giống chế độ độc tài đảng trị của Cộng Sản miền Bắc. Cao Huy Thuần trong Lập Trường số 22 (bài Hiến Chương Cấp Xanh Rắc) đã bình luận như thế. Nó giống miền Bắc ở danh xưng chủ Tịch. Nó còn hơn miền Bắc ở chỗ cùng lúc Nguyễn Khánh trực tiếp chỉ huy cả ba cơ quan đầu não là Hội đồng Quân đội Cách mạng, Chính phủ VNCH và Thượng Hội đồng Tư pháp. Người Mỹ không gọi Nguyễn Khánh là chủ Tịch, mà gọi ông là tổng thống để thiên hạ khỏi lầm lẫn là nó được chế tác từ một cái lò nào khác.

Sự kiện Hiến chương Vũng Tàu với chế độ “tam quyền phân lập” giả hiệu dưới bàn tay phù phép của Mỹ và chú hề Nguyễn Khánh đã xô đẩy tình hình chính trị ở các đô thị miền Nam vào cảnh hỗn loạn chưa từng thấy kể từ sau cuộc đảo chánh 1.11.1963. Cuộc đấu tranh thù địch giữa hai phe Quốc Gia diễn ra rầm rộ và ác liệt từng ngày trên các đường phố.

- Phe chống Hiến chương Vũng Tàu bao gồm các lực lượng Sinh viên, Phật giáo, Quốc Dân Đảng và một bộ phận của đảng Đại Việt. Hậu thuẫn cho thế lực này là đại đa số quần chúng nhân dân.

- Phe ủng hộ Nguyễn Khánh, bảo vệ Hiến chương Vũng Tàu gồm Khối Công giáo Việt Nam và một bộ phận của đảng Đại Việt (Đại Việt Công giáo). Nếu không có yếu tố Đại Việt thì phe này có thể gọi là phe quân phiệt Cần Lao. Quần chúng ủng hộ không đông, nhưng phe này rất mạnh vì có tiền, có súng  và có cả mưu lược từ phía Hoa Kỳ.

Bên cạnh hai phe Quốc Gia kình chống, đánh đá nhau quyết liệt, âm thầm phát triển một thế lực đáng gờm là Phong trào Đô thị của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Do không có chỗ dựa pháp lý (Cộng sản bị đặt ngoài vòng pháp luật từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Khánh) nên thế lực vô hình này đã âm thầm tiến hành các cuộc đấu tranh và phát triển lực lượng của mình với khẩu hiệu “Ngọn cờ Phật giáo – Ngòi pháo Sinh viên”. Việt Cộng đã có mặt với mật độ ngày càng dày, trở thành “những nhân tố nóng và linh hoạt” trong tất cả các hoạt động chống Khánh của phong trào Sinh viên và Phật giáo ở hạ tầng cơ sở, đặc biệt ở các tỉnh nam trung bộ (Bình Định, Phan Thiết...)

Hai mươi mốt phát đại bác gây kinh hoàng cho đồng bào Vũng Tàu. Bản Hiến chương làm cơ sở pháp lý cho chế độ độc tài quân phiệt do Nguyễn Khánh và Hội đồng Quân đội Cách mạng tung ra sáng ngày 16.7.1964 cũng có tác động như những quả bom nặng ký đối với Sinh viên, Phật giáo đồ và đồng bào các đô thị miền Nam. Đó là những quả bom tiêu hủy những dấu vết cuối cùng  của cuộc cách mạng 1.11.63  mà họ xem là thành quả do những hy sinh to lớn của quân đội, tăng ni phật tử, đảng phái, sinh viên, học sinh và các tầng lớp dân chúng.

Lập Trường số 22 (xuất bản ngày 22. 8.1964) loan báo Tình Trạng Khẩn Trương, Cách Mạng Đã (bị giết) Chết, và Tổ Quốc Lâm Nguy với những bài lý luận súc tích vừa có hàm lượng chuyên môn (luật và chính trị học) cao, vừa có tính chất thời sự nóng hổi.

Ngày 17.8.1964, Tổng hội Sinh viên Đại học Huế ra tuyên ngôn: “long trọng cam kết với  toàn dân và Hội đồng Quân đội Cách mạng rằng chúng tôi sẽ cương quyết tranh đấu cho sự tồn vong của đất nước cũng như cho nguyện vọng chính đáng của mọi người” (trích nguyên văn, Lập Trường số 22 trang 16)

Ngày 20. 8. 1964, Hội đồng Tư vấn tỉnh Thừa Thiên  ra Quyết Nghị gởi Hội đồng Quân đội Cách mạng tại Sài Gòn, yêu cầu:

         1/ Thành lập cơ quan công quyền dân chủ (Quốc hội, Chính phủ).

         2/ Tận diệt tàn dư chế độ cũ, thành lập chính quyền dân sự các cấp. (LT. số 22, trg16).

Ngày 19 và 20. 8.1964, sinh viên Sài Gòn tổ chức hội thảo liên miên tại trụ sở số 4 Duy Tân để bày tỏ lập trường và thái độ đối với Hiến Chương Vũng Tàu (Theo Đỗ Mậu, sđd, tr. 531).

Ngày 21.8.1964, sinh viên, học sinh Huế bãi khóa để phản đối Hiến chương Vũng Tàu.(LT số 23, trg.7).

Ngày 22. 8.1964.

- Tại Huế, buổi sáng, một cuộc mít tin, biểu tình rầm rộ của sinh viên, học sinh, giáo chức và nhân dân Thừa Thiên Huế được tổ chức tại khuôn viên Đại học Văn khoa để chống Hiến chương Vũng Tàu, chống độc tài quân phiệt, kêu đòi tận diệt Cần Lao. Buổi chiều, tổng hội sinh viên đại học Huế,  đại diện học sinh các trường trung học tổ chức hội thảo, thành lập Lực lượng  Sinh viên, Học sinh Tranh đấu (Lập Trường số 23, trang 7).

- Tại Sài Gòn, hàng vạn sinh viên, học sinh xuống đường mít tin, biểu tình, kéo tới dinh thủ Tướng đưa tuyên ngôn phản đối Hiến chương Vũng Tàu, đòi thành lập chính phủ dân sự, đề nghị các tướng lãnh trở về với quân sự. đòi tận diệt Cần lao và Thực cộng ẩn nấp trong chính quyền (Đỗ Mậu, sđd, trg. 531).

Ngày 23. 8.1964

- Tại Huế:

         – Giáo chức đại học ra tuyên ngôn chống độc tài quân phiệt, yêu cầu giải tán Hội đồng Quân đội Cách mạng, thiết lập chính phủ dân sự.

                I– Lực lượng Sinh viên Học sinh Đấu tranh tổ chức phát thanh, mít tin tại Đại học Sư phạm và trưng dụng một số giờ tại đài phát thanh Huế để phát đi chương trình của lực lượng đấu tranh, hàng chục ngàn quần chúng tham gia, kịch liệt chống độc tài quân phiệt, đả kích đích danh các tướng tá ác ôn (Lập Trường số 23 trang 7).

- Tại Sài Gòn:

              – Sinh Viên Học Sinh biểu tình qua trường J J Rousseau (sau này là trường Lê Quí Đôn) kêu gọi học sinh trường này tham gia đấu tranh. Sinh viên, học sinh kéo tới bộ thông tin biểu tình chống quân phiêt, đòi hủy bỏ Hiến chương Vũng Tàu, đập phá một số dụng cụ văn phòng. (Đỗ Mậu sđd tr 531).

              Vài trăm người (người ta nghi là công giáo quá khích) do tướng Dương Ngọc Lắm, đại tá Trần Thanh Bền (Cần Lao Công giáo) chỉ huy với dao búa, gậy gộc đi xe buýt tới trụ sở sinh viên số 4 đường Duy Tân đập phá, đốt cháy nhiều đồ đạt. (Đỗ Mậu sđd tr 531, 532).

- Ngày 24. 8. 1964

- Tại Huế :

              – Buổi sáng, Sinh viên, Học sinh các trường công lập, tư thục (ngoại trừ các trường Công giáo), các trường tiểu học trong thành phố và huyện Phú Vang bãi khóa. Giáo chức các trường đại, trung, tiểu học bãi công. Giáo chức, sinh viên, học sinh tuần hành bằng xe đạp qua các đường phố bày tỏ ý chí đấu tranh (Lập Trường số 23 trang 7).

              – Buồi chiều khoảng 1000 giáo chức đại, trung, tiểu học và công chức biểu tình trầm lặng qua các đường phố với những biểu ngữ chống độc tài quân phiệt, đả đảo Hiến chương Vũng Tàu, kêu đòi tự do dân chủ. Một chương trình phát thanh do sinh viên và giáo chức tổ chức tại đài phát thanh Huế nhằm phổ biến các nội dung  và nêu cao ý chí đấu tranh. Đồng bào đứng nghe quanh đài và chân cầu Tràng Tiền làm nghẽn giao thông. (Lập Trường số 23 trang 7).

* Ngày 25. 8.1964

- Tại Huế. Phong trào đấu tranh lan về các quận, huyện, làng, xã.

            – Buổi sáng: Một cuộc mít tin của công tư chức tại nhà Hát Lớn với sự tham dự của hàng ngàn công tư chức và đại diện quần chúng các giới.

            – Buổi chiều: Tại đài phát thanh Huế, một chương trình phát thanh của sinh viên và giáo chức đã tập trung hàng ngàn người nghe làm nghẽn giao thông tại chân cầu Tràng Tiền. (Lập Trường số 23 trang 7).

- Tại Sài Gòn.  Sinh viên, học sinh và hàng chục ngàn đồng bào tập hợp trước chợ Bến Thành để tưởng niệm nữ sinh Quách Thị Trang, rồi kéo tới phủ chủ tịch ở đường Thống Nhất đả đảo độc tài quân phiệt, kêu đòi xóa bỏ Hiến chương Vũng Tàu. Trước khí thế của quần chúng, Nguyễn Khánh phải ra gặp đoàn biểu tình, cũng đã hô to “đả đảo độc tài,” và hứa sẽ nhanh chóng xét lại vấn đề. Gần trưa, Hội đồng Quân đội Cách mạng nhóm họp tại bộ Tổng tham mưu dưới sự chủ trì của Nguyễn Khánh để khẩn cấp tìm giải pháp đối phó với phong trào quần chúng. (Đỗ Mậu tr 532).

Ngày 26. 8. 1964:

 - Tại Huế:

                 – Buổi sáng: Hàng ngàn công chức biểu tình qua các phố hô to khẩu hiệu chống Hiến chương Vũng Tàu, chống độc tài quân phiệt, hoan hô tinh thần đấu tranh của sinh viên học sinh.

                  Buổi chiều: Một cuộc biểu tình tuần hành của công nhân xe xích lô, xe Lambretta, xe kéo đi qua các phố Gia Hội, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo, đến bên kia cầu Tràng Tiền phối hợp cùng đoàn biểu tình của giáo chức đại học Huế phát xuất từ trường đại học Sư phạm, cùng kéo tới tòa lãnh sự Hoa Kỳ để đưa tuyên ngôn gởi chánh phủ và quốc hội Mỹ phản đối việc chính phủ nước này ủng hộ Nguyễn Khánh độc tài, đồng thời phản đối đài VOA xuyên tạc ý nghĩa đấu tranh của nhân dân Việt Nam. (Đài VOA cho rằng đây là cuộc chiến tranh tôn giáo – CS).(LT.số 23, trg7).

- Tại Sài Gòn:

                 + Tin tức phá chùa, phá nhà thờ được đồn đãi khắp Sài Gòn. Phật tử đổ xô tới bảo vệ chùa Xá Lợi và tượng Quách Thị Trang. Các khu Công giáo sôi động chuẩn bị dao búa, gậy gộc. (Đỗ Mậu tr 532).

                 +Hội đồng Quân đội Cách mạng tiếp tục cuộc họp bắt đầu hôm qua (25.8), ra tuyên cáo “Thu hồi Hiến chương Vũng Tàu”,  hứa sẽ bầu cử nguyên thủ quốc gia, và ủy nguyên thủ thực hiện các cơ cấu dân chủ; quân đội sẽ trở về cương vị quân sự; ủy chính phủ hiện thời tạm điều khiển quốc gia. (Đỗ Mậu trang 532).

- Tại Đà Nẵng: Một đoàn biểu tình của Phật giáo khi kéo qua một trại quân Mỹ và khi nghe tiếng súng lính Mỹ bắn chỉ thiên, đã hoảng hốt chạy vào xóm Thanh Bồ gần đó, lực lượng tự vệ của Công giáo tưởng bị tấn công nên đối phó lại và sinh ra ẩu đả. Hai bên chết 11 người, bị thương 44 người (Đỗ Mậu tr 532).

Ngày 27. 8. 1964

- Tại Huế: Lực lượng tranh đấu chuẩn bị một cuộc biểu tình vĩ đại, nhưng được tin “một bọn xấu trang bị vũ khí sẵn sàng chống phá biểu tình,” nên ban tổ chức quyết định đình chỉ.

-Tại Sài Gòn:

         Buổi sáng:

                + Hội đồng Quân đội Cách mạng bầu ra một ban lãnh đạo quốc gia gọi là Tam Đầu Chế gồm Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm và giao cho Nguyễn Khánh tiếp tục nhiệm vụ điều hành chính phủ với công tác khẩn cấp là triệu tập một Quốc dân Đại hội trong vòng 2 tháng.

                + Trong lúc các tướng lãnh hội họp, thì chừng 2000 giáo dân kéo tới trước  bộ Tổng tham mưu với dao búa gậy gộc đòi găp HĐQĐCM. Họ trưng biểu ngữ “Ủng hộ Hội đồng Quân đội Cách mạng, chống Cộng Sản, chống Trung lập, chống vụ phá hoại đài phát thanh và bộ Thông tin, chống âm mưu chia rẽ, chống Dương Văn Minh”.

Đoàn biểu tình tràn vào cổng, vượt hàng rào kẽm gai, quân cảnh nổ súng, làm 4 người chết, 11 người bị thương. Phía quân cảnh một bị chém chết, một bị thương.

Cho đến khi tướng Khánh sai tướng Huỳnh Văn Cao (người Công giáo) ra phủ dụ, đoàn biểu tình mới giải tán.

          Buổi chiều: Một đoàn biểu tình Công giáo khác kéo tới đài phát thanh đòi truyền đi một tuyên ngôn, rồi kéo qua đường Phan Đình Phùng khiêu khích học sinh trường Nguyễn Trường Tộ (thân Phật giáo). Cuộc ẩu đả xẩy ra làm 13 người bị thương, hai học sinh bị chém chết.

Linh mục Hồ Văn Vui và thượng tọa Thích Tuệ Đăng đến hòa giải, mãi tới 7 giờ tối mọi người mới giả tán.

           Buổi tối: Tình hình đô thành tiếp tục căng thẳng. Các khu Công giáo đặt trong tình trạng báo động. Chùa Xá Lợi và chợ Bến Thành nhiều Phật tử đứng canh.(Đỗ Mậu sđd, trg 533).

*Tòa Giám Mục và Viện Hóa Đạo ra Thông Cáo Chung khuyến cáo các tín đồ hai bên phải bình tỉnh và tránh mọi xách động. Báo giới và Tòa Đô Chính cũng kêu gọi dân chúng giữ hòa khí và trật tự (Theo Đỗ Mậu sđd. tr 533).

 

3/ Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc

Trước tình hình ngày một xấu thêm (Tổ Quốc lâm nguy), các tổ chức đấu tranh tại Huế thấy cần phải tập họp lại để thống nhất hành động và tăng thêm sức mạnh. Với nòng cốt là Lực lượng Sinh viên Học sinh Tranh đấu và Giáo chức đại, trung, tiểu học, ngày 28.8.1964, Hội đồng Nhân dân Cứu quốc được thành lập với sự ủng hộ của nhóm Lập Trường và sự hưởng ứng nồng nhiêt của quần chúng nhân dân Thừa Thiên – Huế. Mục tiêu đấu tranh của hội đồng là chống độc tài quân phiệt, chống cộng, hình thành thể chế dân chủ. Lập Trường số 23, xuất bản ngày 29. 8.1964, công bố danh sách ban chấp hành Hội đồng Nhân dân Cứu quốc như sau:

Chủ tịch: bác sĩ Lê Khắc Quyến, khoa trưởng Đại học Y khoa

Đệ I phó chủ tịch: Ông Tôn Thất Hanh, khoa trưởng Đại học Khoa học

Đệ II phó chủ tịch: Ông Vĩnh Kha, chủ tịch lực lượng Học sinh, Sinh viên tranh đấu.

Các ủy viên ban chấp hành Hội đồng Nhân dân Cứu quốc đều là khoa trưởng các trường Đại học và trí thức trẻ trưởng thành từ phong trào đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm như: Nguyễn Hữu Trí, Mai Văn Lễ, Dương Đình Khôi, Bửu Tôn, Tôn Thất Kỳ, Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Hội đồng Nhân dân Cứu quốc sẽ tổ chức các ủy ban ở nông thôn từ quận xuống xã.

Hội đồng Nhân dân  Cứu quốc cũng sẽ hình thành tại các tỉnh miền Trung.

Hội đồng Nhân dân Cứu quốc sẽ có chương trình phát thanh hằng ngày trên Đài phát thanh Huế. 10 giờ sáng ngày 28. 8.1964, đài phát thanh Huế đã phát đi bản Thông cáo đầu tiên gởi đến Toàn thể Đồng bào. Thông cáo xác định mục tiêu, ý chí, phương lược đấu tranh của Hội đồng. Thông cáo số 4 của Giáo chức Đại học Huế cũng được phát đi trong dịp này. Thông cáo bày tỏ ý kiến không thừa nhận Tam Đầu Chế Minh – Khánh – Khiêm mới hình thành tại Sài Gòn, cho đó là một giải pháp giả tạo. Mục tiêu trước mắt của Hội đồng Nhân dân Cứu quốc còn yêu cầu gạt Khánh, Khiêm ra ngoài cơ cấu lãnh đạo quốc gia.(LT. số 23, trg 5).

- Tại Sài Gòn: Xung đột giữa giáo dân và phật tử vẫn tiếp diễn. Nhiều nhóm du đảng lợi dụng tình thế gây thêm rối ren. Đến tối sự hỗn loạn phát triển, lính Dù nổ súng làm 2 người chết, 48 người bị thương. Nguyễn Khánh họp báo tố cáo Nguyễn Tôn Hoàn, Hà Thúc Ký âm mưu đảo chánh. phó thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh được Nguyễn Khánh ủy nhiệm chức vụ thủ tướng điều hành chính phủ. Chính phủ ban hành tình trang giới nghiêm. Ngày 30.8, bộ Tổng Tư Lệnh ra thông cáo “Quân đội quyết chống các vụ biểu tinh và phá hoại, và sẽ cương quyết nổ súng nếu cần”.(Đỗ Mậu sđd. Tr. 534).

Ngày 7 tháng 9, trung tướng Dương Văn Minh được bầu làm chủ tịch ban Lãnh đao Lâm thời Quốc gia và Quân lực.

Ngày 8 tháng 9, một Thượng hội đồng Quốc gia được thành lập gồm 16 nhân sĩ tên tuổi là các ông Phan Khắc Sữu, Lê Văn Thu, Nguyễn Văn Huyền, Trần Đình Nam, Trần Văn Văn, Trần Văn Quế, Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Xuân Chữ, Hồ Văn Nhựt, Mai Thọ Truyền,  Ngô Gia Hy, Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lương Trọng Tường, Nguyễn Đình Luyện, Hồ Đắc Thắng.(Đỗ Mậu, sđd. tr. 534)

Ngày 9 tháng 9, linh mục Hoàng Quỳnh, chủ tịch Ủy ban Tranh đấu của “Khối Công Giáo”, gởi thư thư cho thủ tướng Khánh trách chính phủ không quan tâm đến các vụ đàn áp Công giáo ở Đà Nẵng và ở Qui Nhơn, yêu cầu điều tra vô tư, nếu không Công giáo sẽ tự vệ và không chịu trách nhiệm về các hậu quả có thể xẩy ra. (Đỗ Mậu sđd tr534).

Ngày 13.9.1964, trung tướng Dương Văn Đức và thiếu tướng Lâm Văn Phát (Công giáo) kéo quân về Sài Gòn Gia Định chiếm đóng một số địa điểm, tuyên bố chống Nguyễn Khánh và nhân danh Hội đồng Quân dân Cứu quốc tái lập trật tự và uy quyền quốc gia. Có tin đồn đây là cuộc đảo chánh của một nhóm Đại Việt và Cần Lao. (Đỗ Mậu sđd tr 535).

Ngày 14. 9. 1964, phóng viên Lập Trường (Cao Huy Thuần) đi máy bay   cùng tướng Nguyễn Chánh Thi vào Sài Gòn theo dõi cuộc hợp lực Thi – Kỳ chống phá cuộc nổi loạn Đức – Phát. Lập Trường số 25 khẳng định “Vai trò Cứu Quốc của Hội đồng Nhân dân”. Hội đồng Nhân dân Cứu quốc hoạt động ráo riết chống Cần Lao khắp miền Trung. Ở Sài Gòn nhiều nhóm sinh viên và chính khách tuyên bố chống đối sự “làm loạn” của Hội đồng Nhân dân Cứu quốc.

Ngày 27. 9. 1964, ông Phan Khắc Sửu được bầu làm chủ tịch Thượng Hội Đồng Quốc Gia.

Ngày 22.10.1964,  thủ tướng Nguyễn Khánh tuyên bố tại Pleiku: “Quân đội là cha Quốc gia.”

Ngày 24.10.1964, Thượng Hội đồng Quốc gia tuyển nhiệm chủ tịch Phan Khắc Sửu làm quốc trưởng.

Ngày 26.10, Ban Lãnh đạo Quốc gia và Quân lực (do tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch) chính thức chuyển giao quyền hành cho tân quốc trưởng Phan Khắc Sửu.

30.10.1964 giáo sư Trần Văn Hương được quốc trưởng Phan Khắc Sửu bổ nhiệm làm thủ tướng. (Đỗ Mậu sđd tr 236 – 237).

Ngày 1.11 tại Sài Gòn, đức tăng thống  Giáo hội Phật giáo Việt Nam gởi Thông điệp căn dặn Phật giáo đồ Việt Nam. Nguyên văn bức Thông điệp  như sau:

 

                                          Thông Điệp

                   Của Đức Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

 

Kính gởi Phật – giáo – đồ Việt Nam,

             Hiện thời quả thực Phật - giáo Việt - Nam đang bị “sức mạnh bạo động” đe dọa. Quan trọng hơn nữa, chúng ta cũng đã thấy sức mạnh ấy bị dân chúng trả lời  như thế nào.

      Tuy nhiên, Phật - giáo - đồ chúng ta biết rằng sức mạnh bạo động nếu được đối phó bằng sức mạnh bạo động thì đó không phải là “đức tính vô úy” của Phật - giáo.

       Đức tính vô úy dạy chúng ta biết thản nhiên trước những kế hoạch tấn công và hảm hại Phật - tử, biết khoan hồng đối với những kẻ đã đàn áp Phật - giáo, biết bình tĩnh xây dựng Phật - pháp để phục vụ dân tộc và nhân loại. Đức tính vô úy dạy ta tìm danh dự trong sự nhượng nhịn và đoàn kết, can đảm đặt tin cậy vào chính những kẻ mà trên bình diện thường tình ta không thể tin họ được. Nói tóm, chính đức tính vô úy dạy chúng ta biết đem cái chết của mình để thánh hóa cái sống của Phật pháp.

      Đức tính vô úy, như vậy, chính là “sức mạnh bất bạo động”. Chỉ có sức mạnh bất bạo động mới đối phó với sức mạnh bạo động một cách hiệu quả và sâu rộng. Lịch sử vận động của Phật - giáo Việt - Nam đã chứng minh như vậy, trước thế giới và trước dân tộc.

       Do đó, tôi thành kính gợi lại và đề cao sức mạnh bất bạo động – “sức mạnh Quảng Đức” – cầu nguyện cho mọi tầng lớp Phật tử cố thủ truyền thống của sức mạnh đó làm cho ánh sáng từ bi chói tỏa trong lòng mọi người, bạn cũng như thù, thân cũng như sơ.

       Tôi ước mong Phật - giáo - đồ Việt - Nam lưu tâm những lời chân thành của tôi. Sự lưu tâm đó phải đi đến một sự nỗ lực thực hiện như một cuộc vận động mới, sau hai cuộc vận động vừa qua – một cuộc vận động nhằm mục đích đặt danh dự của Phật - giáo Việt - Nam vào sự khoan hồng, nhường nhịn và đoàn kết.

       Cuộc vận động mới này sẽ không những vô cùng cần thiết cho Tổ -quốc mà còn cho chính Phật - giáo Việt - Nam, trong hoàn cảnh hiện tại.

                                                                          Phật lịch 2.508.

                                                   Sài Gòn, ngày mồng 1 tháng 11, năm1964.

                                               HÒA THƯỢNG THÍCH TỊNH-KHIẾT.

 

Có thể chẳng sợ sai lầm khi khẳng định Thông điệp của ngài tăng thống ngày 1.11.1964 là một mệnh lệnh không chỉ đối với Phật giáo đồ mà còn đối với Lập Trường và Hội đồng Nhân dân Cứu quốc. Báo Lập Trường đình bản. Hội đồng Nhân dân Cứu quốc giải tán. Đây là điều đáng tiếc đối với một số người, nhưng lại là mệnh lệnh kịp thời, bởi “Đường Đi (sẽ) Không Tới” (Lập Trường số 30 – Giả từ bạn đọc) và công cuộc Cứu Quốc như Hội Đồng đã thể hiện không phù hợp với đức vô úy và tinh thần bất bạo động của đạo Phật.

Trước khí thế đấu tranh của phật tử và sinh viên, Hiến chương Vũng Tàu đã bị xé bỏ, nhưng người Mỹ và các tướng lãnh là đối tượng chọn lựa người hùng của họ, không từ bỏ giải pháp độc quyền chiến tranh mà chính quyền Jonhson đã vạch chọn từ trước khi đạo diễn sự cố Vịnh Bắc Việt. Tam Đầu Chế, Ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc gia và Quân lực do Dương Văn Minh đứng tên đầu, chính phủ ủy nhiệm 7 ngày Nguyễn Xuân Oánh, Thượng Hội đồng Quốc gia với Phan Khắc Sửu, hai chính phủ dân sự Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, tất cả đều là những thủ pháp lừa mị, triển hạn, những chiếc bóng thăm dò. Phía sau và trên đầu các tổ chức biến tướng đó là người Mỹ, Nguyễn Khánh và các tướng trẻ lần hồi được đại sứ Mỹ qui tụ lại. Giả định rằng người Mỹ muốn có một chính quyền dân chủ kiểu Mỹ làm công cụ ở miền nam thì họ cũng không phiêu lưu với phật tử, bởi vì người của Thích Trí Quang và Phật giáo sẽ là đa số trong các Hội đồng Tỉnh và Quốc hội Lập hiến nếu được tổ chức bầu cử dân chủ và tự do. Năm 1954, tổng thống Mỹ Eisenhower và Ngô Đình Diệm cương quyết không hiệp thương – tổng tuyển cử với miền Bắc theo tinh thần Hiệp định Geneve, vì như thế, “80% cử tri miền Nam sẽ bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh” (Nhận định của tổng thống Mỹ Eisenhower –  tài liệu mật của Lầu Năm Góc). Năm 1964 tổng thống Jonhson và Nguyễn Khánh không đi con đường dân chủ theo yêu cầu của Thích Trí Quang và nhóm Lập Trường, bởi vì vào thời điểm đó người Mỹ chưa muốn “rút lui trong danh dự”.

Mặc dầu rất cần sự trợ giúp của Mỹ trong công cuộc chống Cộng “kiểu Phật giáo”, nhưng khi tiến hành công cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân chủ, nhà sư Thích Trí Quang và phật tử miền Trung đã trở thành chướng ngại vật trên con đường đánh thắng Cộng Sản của Mỹ.

Khi kêu gọi các tướng trở về với quân sự, mặc nhiên nhà sư Thích Trí Quang và phật tử miền Trung trở thành những địch thủ tranh bá đồ vương với những tướng tá tự xem mình là “cha của quốc gia”.

Kêu gọi thanh lọc chính quyền, tận diệt Cần Lao, mặc nhiên nhà sư Thích Trí Quang và phật tử miền Trung trở thành “những kẻ chủ trương chiến tranh tôn giáo”, bởi vì Cần Lao và Công Giáo là không phân biệt đến thời điểm này.

                                                  

4/ Sự thật về “Chiến tranh tôn giáo và các vụ Đà Nẵng, Qui Nhơn”

Nội dung chính trong cuộc biểu dương lực lượng hung hăng ngày 6. 8 tại Sài Gòn và các cuộc biểu tình tiếp theo đó tại Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng của Khối Công giáo đấu tranh là để tố cáo “bọn lợi dụng cách mạng đàn áp Công giáo”. Nhưng Khối Công giáo Đấu tranh không đưa ra một bằng chứng cụ thể nào để chứng minh cho những lời cáo buộc chết người đó. Nay thì linh mục Hoàng Quỳnh và Khối Công giáo Đấu tranh đã có bằng cớ. Đó là hai vụ xung đột ở Đà Nẵng và Qui Nhơn.

Vụ Đà Nẵng, tức là vụ Thanh Bồ – Đức Lợi xảy ra ngày 24.8.1964. Theo Đỗ Mậu (như đã trích dẫn trên) thì đó là sự hiểu lầm “khi một đoàn biểu tình của Phật giáo kéo qua một trại lính Mỹ và khi nghe tiếng súng của lính Mỹ bắn chỉ thiên đã hoảng hốt chạy tràn vào xóm Thanh Bồ gần đó, lực lượng tự vệ Công giáo tưởng bị tấn công nên đối phó lại sinh ra ẩu đả. Hai bên chết 11 người, bị thương 42 người.”

Lời tường thuật theo ký ức của Đỗ Mậu chính xác về bản chất vụ việc, nhưng chưa được chính xác về thành phần tham gia biểu tình, về số lượng người chết và bị thương, về cảnh đổ nát điêu tàn tại khu Thanh Bồ – Đức Lợi sau khi vụ việc kết thúc.

Thực tế là ngoài các phật tử, đoàn biểu tình còn có sự tham gia của một số thanh niên, sinh viên, học sinh Quốc Dân Đảng, Đại Việt, rất đông người của Mặt Trận Giải Phóng và quần chúng nhân dân có kinh nghiệm đắng cay với chế độ Cần Lao – Công giáo Ngô Đình Diệm. Đại Việt và Quốc Dân Đảng không đủ người để tổ chức những cuộc biểu tình riêng lẻ, nên sáp nhập vào Phật giáo trong các cuộc xuống đường chống Hiến chương Vũng Tàu và tận diệt Cần Lao. Người của Mặt Trận rất đông nhưng không có điiều kiện pháp lý nên đã lợi dụng chiêu bài “Ngọn cờ Phật giáo” và “Ngòi pháo sinh viên” để tiến hành cuộc đấu tranh của Phong trào Đô thị.

 Sự kiện Thanh Bồ Đức Lợi, báo Hải Triều Âm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tường thuật trên hai số liên tiếp 20, 21. Theo Hải Triều Âm, mục đích của cuộc biểu tình ngày 24. 8 của lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh Đà Nẵng là chống Hiến chương Vũng Tàu và tận diệt dư đảng Cần Lao, hoàn toàn không có chuyện “xung đột tôn giáo như đài VOA và báo News Week đưa tin. Khi đoàn biểu tình đi ngang qua khu vực Thanh Bồ Đức Lợi, lính Mỹ từ khách sạn Đà Nẵng (đối diện khu Thanh Bồ Đức Lợi) nổ súng để thị uy, đoàn biểu tình hoảng hốt chạy giạt về phiá đường xe lửa và khu vực dân cư, giáo dân tưởng bị tấn công nên phản ứng quyết liệt bằng dao búa, gậy gộc, cả lựu đạn và súng cá nhân. Cuộc xung đột đẫm máu diễn ra từ trưa ngày 24 đến hết ngày 25 và lác đác qua các ngày 26, 27, 28. Chính quyền và quân đội can thiệp bằng các biện pháp an ninh và kêu gọi hai phía xung đột đình chỉ các hành động bạo động.

Ban cứu trợ do Hội Hồng Thập Tự chủ trì cùng đại diện các tôn giáo và đồng bào các giới tổ chức họp báo, ra thông cáo chung kêu gọi chấm dứt biểu tình, bạo động để chặn đứng sự lợi dụng của các phần tử bất hảo len lỏi phá hoại. Tình hình dần dần yên tỉnh trở lại.

Ngày 29. 8, lực lượng đấu tranh tổ chức họp báo tại trụ sở (hội trường Trưng Vương) trước đại diện báo chí, tôn giáo, đồng bào các giới, nêu rõ mục đích đấu tranh, sự hiểu lầm đáng tiếc và diễn tiến tấm thảm kịch Thanh Bồ Đức Lợi, kêu gọi sự ủng hộ từ phía đồng bào và dư luận, phản đối sự đưa tin thất thiệt với ý đồ xấu của một số cơ quan truyền thông quốc tế và trong nước.

11 người chết, 105 người bị thương, hai người mất tích, một số nhà bị đốt phá, số máu được hiến tặng, số tiền được quyên góp và tình trạng 105 người bị thương đang được điều trị tại bệnh viện Đà Nẳng là những thông tin cuối ngày 29 của tổ chức Hồng Thập Tự và Ban Cứu trợ.

Sự kiện Thanh Bồ Đức Lợi là như thế, nhưng đến ngày 7.9. 1964, tạp chí Mỹ Newsweek đăng một bức ảnh chụp cảnh đốt phá ở Thanh Bồ Đức Lợi với một câu chú thích ở dưới: “ Phật tử đã tẩu thoát sau khi đã tàn phá khu Công giáo ở Đà Nẵng”. Và ngày 9. 9, linh mục Hoàng Quỳnh, linh hồn của Khối Công giáo đấu tranh, gửi thư cho thủ tướng Nguyễn Khánh “đề nghị giải quyết vô tư các vụ Đà Nẵng, Qui Nhơn, nếu không thì không chịu trách nhiệm về những hậu quả có thể xẩy ra.”

Vụ Qui Nhơn, không thấy Đỗ Mậu đề cập một cách cụ thể. Ông chỉ cho biết Hội đồng Nhân dân Cứu quốc đã xách động quần chúng chiếm Đài Phát thanh Huế, Đài Phát thanh Qui Nhơn, tổ chức biểu tình lùng diệt Cần Lao ở Huế, ở Qui Nhơn, ở Phan Thiết gây ra nhiều vụ xô xát. Ông Lê Phước Á  (hiện đang ở Huế), một giáo sư dạy ở trường Bồ Đề Qui Nhơn, là người của Mặt Trận, đã tham gia phong trào đấu tranh dưới “ngọn cờ Phật giáo” tại Qui Nhơn, đã trả lời tôi (Chu Sơn) về “vụ Qui Nhơn” như thế này: “Mỗi khi sinh viên, học sinh và phật tử phát động đấu tranh, đồng bào các làng chài bên kia đầm Thị Nại (nạn nhân của các chính sách tố Cộng, diệt Cộng và kỳ thị tôn giáo thời Ngô Đình Diệm) chèo ghe, bơi thúng tràn vào thị xã với giầm, chèo, dây nhợ,  đã trở thành những nhân tố “nóng” dẫn đến các vụ bạo hành. Các thầy ở Huế và ở chùa Tỉnh giáo hội thấy diễn biến của cuộc đấu tranh không phù hợp với chủ trương bất bạo động của Phật giáo nên quyết định đình chỉ cuộc vận động dân chủ vào cuối năm 1964”. Đọc hồi ký Lạc Đường của Đào Hiếu, chúng ta thấy rất rõ vai trò của các thầy giáo Trần Quang Long, Lê Phước Cương,…, và những học sinh, sinh viên là thành viên của hội Liên hiệp Sinh viên, Học sinh Giải phóng miền Trung trong các cuộc đấu tranh “dưới ngọn cờ Phật giáo” – “ ngòi pháo sinh viên” như thế nào tại Qui Nhơn. Đọc Năm Tháng Dâng Người của Lê Công Cơ (nguyên là Chủ tịch Hội Liên Hiệp Sinh viên Học sinh Giải Phóng miền Trung), chúng ta cũng nhận biết “vụ Thanh Bồ - Đức Lợi” chính xác hơn:

“Cuộc đấu tranh đã thực sự nổ ra ở Huế.

Tiếp sức với Huế, lực lượng của ta tại Đà Nẵng đã chủ động tổ chức bãi khóa và xuống đường. Hàng vạn học sinh Đà Nẵng giương cao biểu ngữ:

       - Đả đảo Hiến chương Vũng Tàu!

       - Đả đảo Nguyễn Khánh!

     Và lần đầu tiên tại Đà Nẵng xuất hiện các khẩu hiệu:

       - Taylor go home!

       - Taylor get out!

        Taylor là đại sứ của Mỹ tại Sài Gòn.

Dòng biểu tình cứ nối nhau kéo qua khắp các phố chính tại Đà Nẵng không dứt, càng về trưa dòng người càng đông nghịt, ngăn tất cả các lối đi trong thành phố. Sơn Hải và Cẩm Nhung cùng một số cốt cán của ta dẫn đoàn biểu tình đến thẳng khách sạn Đà Nẵng, nơi mà các gia đình cố vấn Mỹ ở.

Đoàn biểu tình vừa đến thì một số lính Mỹ đứng trên tầng cao khách sạn ném chai lọ xuống và to mồm chửi tục. Lập tức dòng người biểu tình ào vào và xông lên khách sạn. Lính Mỹ nổ súng, cuộc ẩu đả xảy ra một lúc một ác liệt. Đoàn biểu tình lui về phía Thanh Bồ Đức Lợi để tránh đạn, thì từ phía sau, nhiều toán thanh niên được trang bị gậy gộc, xông vào đánh túi bụi đám đông đang cố thủ dọc đường rầy xe lửa. Thế là một cuộc đánh nhau diễn ra giữa đoàn biểu tình với khu Thanh Bồ – Đức Lợi, cho mãi đến xế chiều đoàn người được tăng viện mỗi lúc một đông hơn và cơn giận đã biến thành ngọn lửa đốt rụi nhiều nhà tại đây.

Tôi đến tận nơi lúc trời gần tối, gặp Sơn Hải và anh Đồng đang gào thét: “đả đảo Mỹ” với hàng ngàn người biểu tình. Tôi kéo anh Đồng lại và nói ngay:

- Hãy hướng đoàn biểu tình về ngay tòa thị chính Đà Nẵng bên bờ sông Hàn.

Hàng vạn người tràn qua đường Bạch Đằng nối theo không dứt và tràn vào chiếm tòa Thị chính. Ngụy quyền ở đây bỏ chạy và thế là người Đà Nẵng đã chiếm trụ sở tòa Thị trưởng Đà Nẵng. Nhiều người lên ban công phất cao những biểu ngữ chống Khánh, chống hiến chương Vũng Tàu, đả đảo Taylor và đả đảo lính Mỹ đàn áp biểu tình… Toàn bộ khu tòa thị chính được đồng bào Đà Nẵng chiếm giữ. Cơ sở ta đã tổ chức ngay những toán tự vệ trang bị gậy gộc canh giữ.

Giữa lúc đó, một số thân Quốc Dân Đảng cũng tràn vào tòa Thị chính, nhưng bị toán tự vệ xô ra và chúng kéo về chiếm nhà hát Trưng Vương, ngay góc ngã tư Hùng Vương và Phan Chu Trinh.

Tôi hội ý ngay với các anh Nguyễn Đồng, Sơn Hải, Hoàng Tùng và Cẩm Nhung, nhanh chóng triển khai các toán tự vệ của Phật tử tràn vào chiếm giữ rạp Trưng Vương, nơi mà một số thân Quốc Dân đảng đang chiếm.

“Đà Nẵng nằm trong tay đồng bào Đà Nẵng nổi dậy.”

(Lê Công Cơ. Năm Tháng Dâng Người. Hồi ký.Nxb Phụ Nữ 2006 trang 175, 176, 177, 208, 209, 200).