Những Ngã Rẽ Hồi ký
Chương 10
Phần 2
Nguyễn Văn Thiệu trốn chạy Ngày 20-4-1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đọc bài diễn văn dài 45 phút kể tội Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà. Thiệu đã gần như muốn khóc trước màn ảnh truyền hình. Màn kịch chiến tranh chống cộng do Mỹ đạo diễn, từ sau biến cố 1954 kéo dài cho đến ngày hôm đó, kể như đã hạ màn. Một tay trung tướng nắm quyền tổng thống, người được chính phủ Mỹ dựng nên tại Sài Gòn, đã công khai tố giác Mỹ bỏ rơi. Sau ngày hôm đó, làn sóng di tản trở nên vô cùng ồ ạt người ta chen lấn, đạp nhau rớt cả xuống máy bay. Có người còn bám cả càng của máy bay trực thăng để cố níu cho được một chỗ chạy đi. Sài Gòn tan tác như đàn ong vỡ tổ từ sau bài diễn văn ô nhục đó. Từ các tỉnh miền Trung, người ta chạy tản loạn vào Sài Gòn bằng đủ mọi cách, đi bộ, đi xe gắn máy, đi xe tải, đi xe thồ. Người ta ùa xuống thuyền đánh cá, sử dụng cả ghe bầu, cả xuồng máy để đi. Trên những chiếc tàu lớn đủ thứ lính, đủ thứ hạng người, con nít, con gái, đàn bà cố gắng giành cho được một chỗ để di tản. Trong cuộc chạy tán loạn đó, nhiều đàn bà, nhiều cô gái vị thành niên bị đủ thứ lính tha hồ hãm hiếp. Trốn chạy cộng sản để tránh “hoả ngục”, hỏa ngục đâu chưa thấy chỉ thấy khốn khổ, hoảng loạn, cướp giật ngay trong cuộc hành trình của những người di tản. Trên đường bộ cũng thế, năm, sáu năm sau cuộc sụp đổ ở Daklak, Pleiku, người ta còn kể lại cảnh chết đói, chết khát trên dọc đường đi (đường 14, đướng 19 ) pha lẫn cảnh cướp bóc, hãm hiếp. Sĩ quan chạy trước, tướng tá lên máy bay dông trước, đến dân chúng hoảng loạn ùn ùn tháo chạy từ tỉnh này sang tỉnh khác, tất cả nhắm hướng Sài Gòn đổ về. Đến lượt Nguyễn Văn Thiệu cùng gia đình bên chồng, bên vợ, cùng đàn em tháo chạy ngày 25-4-1975, mang theo tài sản, của chìm, của nổi. Cùng đi với Nguyễn Văn Thiệu có cả đại sứ Nguyễn Văn Kiễu anh ruột của Thiệu người đã được bố trí sẵn làm đại sứ ở Đài Loan từ nhiều năm trước, dọn ổ sẵn chờ ngày cả gia đình Nguyễn Văn Thiệu qua đó tạm trú. Thiệu không chạy đi nước nào khác có thể an toàn bằng Đài Bắc, tiếng đồn chống cộng sản Trung Quốc chỉ cách Sài Gòn 2 giờ máy bay Boeing 707. Chiếc máy bay phản lực duy nhất của Air Việt Nam thời đó được Thiệu sử dụng để bay đi lánh nạn, sau này, chính phủ Đài Loan đã phải trả lại cho chính phủ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Thiệu trốn đi nhưng vẫn còn tiếc của, vớt vát cú chót, y ta đã ra lịnh lấy 7 tấn vàng ở Kho bạc nhà nước mang theo (trị giá khoảng 100 triệu đôla), may mà tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo lúc đó còn làm Phó Thủ tướng kinh tế tài chinh trong nội các Trần Thiện Khiêm, biết được tin tức, đã ngăn chận lại kịp. Một con người hèn nhát chỉ xúi người khác đánh nhau rước lấy cái chết, đến lúc cùng đường vẫn còn quá tham lam. Thế mà vẫn có hàng khối tướng tá bám đuôi theo hầu hơn 10 năm trời ròng rã. Thiệu ở Đài Loan một thời gian, thấy tình hình êm ả, đã ngầm vận động được chính phủ Anh đồng ý cho sang Luân Đôn tị nạn. Ở Luân Đôn Thiệu chẳng xuất hiện bất cứ nơi nào công khai, quanh năm ở trong biệt thự. Ba, bốn năm cuối đời, Thiệu mò sang được bên Mỹ sống ở Boston, New York và chết ở đó, vào năm 2001.
“Thiệu không có trứng dái” Xin nhắc lại lời của Phó Tổng thống Trần Văn Hương, một người có chí khí của dân miền Nam, thời Ngô Đình Diệm, lúc làm Đô Trưởng Sài Gòn chỉ sử dụng xe đạp để đi làm việc. Thầy Trần Văn Hương trong những lần tôi đến thăm thầy tại Dinh Thủ Tướng, hoặc tại Dinh Phó Tổng Thống đã nhiều lần nói với tôi: “Thiệu c’est un type qui n’a pas de couille” (Thiệu là một tên không có trứng dái). Dân biểu Nguyễn Hữu Chung có lần cùng đi thăm ông Trần Văn Hương với tôi, được ông “Già” Hương đãi ăn mì rất khoái khẩu, khi nghe câu nói đó cũng đã cười lớn khoái chí. Dân biểu Chung hỏi: “Bác nói như thế là nghĩa gì?”. Ông già cười khà khà “rồi sau này suy gẫm, hai em sẽ thấy thầy nói đúng” (thú ăn mì gõ của ông Trần Văn Hương cũng là một thú đặc biệt của dân Sài Gòn chinh cống. Mì gõ thời trước ăn ngon khó quên). Tại sao ông Trần Văn Hương nhiều lần nói Thiệu là một tên chết nhát với chúng tôi. Suy gẫm lại thấy ông “già gân” nói có phần chí lý. Thiệu hô hào binh lính đánh cộng sản, cộng sản chưa đến đuợc Sài Gòn Thiệu đã lên máy bay dông tuốt. Thiệu còn chết nhát ngay cả lúc nắm quyền Tổng thống. Chẳng bao giờ ông ta dám đụng thẳng mặt với Nguyễn Cao Kỳ, Thiệu rất ngại Kỳ xúi đám đàn em đang nắm Bộ Tư lệnh Không quân lấy máy bay làm hỗn. Nhiệm kỳ tổng thống 1967-1971, ban đầu cả gia đình tổng thống chiếm lĩnh toàn bộ cánh phải của Phủ Đầu Rồng. Phó Tổng thống Kỳ chiếm lĩnh cánh trái. Trong năm 1968, hai bên lục đục, Nguyễn Cao Kỳ tự động dọn về tư dinh trong sân bay Tân Sơn Nhất, đề phòng có gì đã có đám đàn em không quân bảo vệ. Nguyễn Cao Kỳ còn chiếm giữ một dinh thự lớn nằm ở góc đường Công Lý và Tú Xương để làm Phủ Phó Tổng thống (hiện nay là Nhà Văn Hoá Thiếu Nhi TPHCM ). Có lúc, để lấy lòng sinh viên, Phó Tổng thống Kỳ còn cho muợn cả trụ sở Phủ Phó Tổng thống để làm bản doanh của lực lượng sinh viên tranh đấu chống Mỹ, chống Thiệu. Trên bậc tam cấp tiền sảnh của Phủ Phó Tổng thống, Ngô Công Đức (một tay dân biểu rất thân với Nguyễn Cao Kỳ và với phụ tá của Kỳ là Nguyễn Thiện Nhơn) đã có lần đăng đàn diễn thuyết trước hàng ngàn sinh viên vào những ngày đầu năm 1971. Ngô Công Đức đã có nói một câu nói bất hủ: “Nguyễn Văn Thiệu, tên đệ nhất gia nô của Mỹ. Còn Nguyễn Văn Thiệu là còn chiến tranh”. Bài hát đó của Ngô Công Đức đã được nhiều sinh viên hoan hô vỗ tay nhiệt liệt. Một lần, nhóm sinh viên tranh đấu đóng bản doanh ở Phủ Phó Tổng thống bị lực lượng cảnh sát của Trang Sĩ Tấn bao vây. Ngô Công Đức đã liên lạc với Nguyễn Thiện Nhơn yêu cầu ông Tướng Râu Kẽm đích thân giải vây. Tướng Kỳ, cựu thủ tướng, cựu Phó tổng thống đã rất chịu chơi. Đích thân ông ta mặc quân phục không quân, vai mang lon thiếu tướng, ngồi xe jeep nhà binh mui trần dẫn thêm nhiều xe lính không quân chạy thẳng tới Phủ Phó tổng thống đang bị cảnh sát bao vây “dẹp tan”. Lính cảnh sát thấy đoàn quân tiền hô hậu ủng của Tướng Râu Kẽm tiến tới, tự động vòng vây tan ra, Tướng Kỳ vào dinh vui vẻ, bắt tay các sinh viên. Đó là những cảnh đầy kịch tính như trong một phim cao bồi miền Viễn Tây do Kỳ với Đức phối hợp cùng Nguyễn Thiện Nhơn dựng nên. Trước những màn trình diễn đầy kịch tính đó Thiệu kông hề dám ra lệnh cho Trang Sĩ Tấn tiến công. Đó là một sự “chết nhát” của Thiệu, trước mắt Trần Văn Hương. Tổng Thống Thiệu luôn cố thủ trong Dinh Độc Lập. Tại Sài Gòn, ông ta ít khi nào dám xuất hiện trong đám đông công chúng như Nguyễn Cao Kỳ. Trên nóc dinh tổng thống, lúc nào cũng có hai máy bay trực thăng bố trí đầy đủ đại liên, trung liên, sẵn sàng cất cánh. Hai máy bay đó trong một chuyến có thể bốc đi được 30 người. Thầy địa lý và chiêm tinh gia Đà Lạt (bây giờ vẫn còn sống) là cố vấn số một của Thiệu về phong thuỷ, về hên xui, may rủi. Xin kể thêm một chi tiết: Thiệu lúc nào xuất hiện trước đám đông, trước khoáng đại quốc hội, trước ống kính truyền hình cũng đều có đánh phấn hồng nhạt trên gương mặt, đánh son nhạt trên môi. Đứng gần ông ta trong những buổi tiếp tân tại Dinh Độc Lập, thấy ông ta rất bảnh trai, đôi khi có dáng vẻ của một kép hát (Thiệu làm như thế là do thầy tướng số gợi ý để giữ mãi vận đỏ trước mắt quần chúng). Thiệu rất mê tín luôn luôn nghe lời ông thầy Chiêm (gốc người Huế). Thầy nói rằng: “Đầu con rồng nằm ở Dinh Độc Lập, đuôi con rồng nằm ở Hồ Con Rùa. Muốn cho sự nghiệp vững bền, phải ếm cái đuôi con rồng lại,đừng để nó quậy bằng cách xây chỗ cho con rùa nằm trên đuôi rồng”. Thiệu lập tức cho xây theo lời chỉ dẫn của thầy Chiêm để trấn an long mạch. Bản lĩnh của thầy Chiêm đối với Thiệu, nói gì Thiệu cũng nghe theo. (Phải chi hồi năm 1972 thầy Chiêm Đà Lạt khuyên Thiệu từ chức luôn có lẽ đã đỡ cho dân Việt Nam phải tốn thêm bao nhiêu xương máu). Thiệu đã không dám đụng thẳng với Kỳ, cho nên lúc ông Trần Văn Hương làm thủ tướng yêu cầu Thiệu cách chức Tướng Nguyễn Ngọc Loan khỏi ghế Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia. Trần Văn Hương định sử dụng Trang Sĩ Tấn Giám đốc Cảnh sát Đô Thành thay Nguyễn Ngọc Loan. Thiệu không thực hiện. Để ngăn ngừa những đòn đánh bất ngờ của phía Tướng Kỳ và Tướng Loan, Thủ Tướng Trần Văn Hương chỉ trực tiếp sử dụng lính của cảnh sát đô thành. Ban đêm Hương không ở Phủ Thủ tướng mà về ngủ tại số 5 đường Bạch Đằng, nằm sát bên Bộ Tư lệnh Hải Quân. Lúc đó Thủ tướng Trần Văn Hương tin cậy lực lượng Hải quân vì dưới quyền Chung Tấn Cang có đại tá Diệp Quang Thuỷ, người gốc Bạc Liêu là tham mưu trưởng hải quân rất được ông Hương tín nhiệm. Đại tá Thuỷ có trách nhiệm bố trí quân canh phòng bảo vệ Thủ tướng Hương ban đêm. Ít lâu sau Đại tá Thuỷ được thăng chức Phó Đề Đốc Hải quân.
Nói tới Kỳ... nhớ tới Loan Kỳ sử dụng Nguyễn Ngọc Loan làm hung thần sát thủ vì Chuẩn Tướng Loan là đàn em của Nguyễn Cao Kỳ trong Bộ Tư lịnh Không quân. Loan vừa nổi tiếng ngang tàng vừa có một tác phong rất “bụi”. Đặc trưng về cách ăn mặc của ông ta luôn luôn là một bộ đồ kaki hơi bạc màu, áo ngắn tay, chân đi đôi dép cao su kiểu Thái Lan. Kể cả vào Dinh Độc Lập họp, có sự hiện diện của đầy đủ thành phần chính phủ, đông đảo nghị sĩ dân biểu, ông ta vẫn ngang nhiên chân đi dép cao su lẹp xẹp vào phòng “mục hạ vô nhân”. Tướng Loan nổi tiếng khắp thế giới về sự tàn ác, dã man do bức ảnh hi hữu được đăng trên tờ Tuần báo Newsweek của Mỹ. Bức ảnh cho thấy Tướng Loan kề súng lục vào ngay màng tang của một thanh niên tù nhân cộng sản, bóp cò. Loan tàn ác nhưng Trang Sĩ Tấn cũng nổi tiếng không kém. Trang Sĩ Tấn từng đích thân tra tấn tù sinh viên tranh đấu, đích thân cầm dây điện 300V tra vào qui đầu của nam sinh viên tranh đấu; tra tấn nữ tù nhân là thú vui của y. Đối với Kỳ, Thiệu không đụng chạm thẳng mặt, làm sao Thiệu dám đụng thẳng vào Mỹ. Chiến lược của Thiệu luôn luôn là giùn giùn thẳng thẳng. Thiệu sử dụng Trung Tướng Đặng Văn Quang làm cố vấn về an ninh quốc gia và phụ trách luôn ngành tình báo trung ương Việt Nam Cộng Hòa. Thật ra Đặng Văn Quang cũng chỉ là người được tình báo Mỹ lựa chọn. Thời kỳ John Paul Vann còn sống, đóng trụ sở cơ quan ở Cần Thơ, Tướng Quang làm Tư lịnh Vùng IV Chiến thuật, thường xuyên gặp John bàn quốc sự. John sử dụng một máy bay trực thăng 3 chỗ ngồi cơ động, có thể đáp ngay trên nóc trụ sở cơ quan USAID Cần Thơ bất cứ lúc nào. Tướng Quang thường xuyên đi kinh lý với John trên máy bay đó. Cuối năm 1970, máy bay của John bị lực luợng phòng không của quân giải phóng bắn hạ gần biên giới Campuchia. Sau này, sống tại Mỹ, Tướng Quang có một tài sản to lớn. Không biết ông ta còn làm việc gì, năm nay đả gần 80 tuổi, có lần ông ta đã nói với một tiến sĩ kinh tế của Việt Nam, từng làm việc cho Mỹ và thân Mỹ: “Ngô Công Đức thoát thân khỏi Việt Nam, tôi không phải không biết lúc nó rục rịch ra đi. Tôi được đèn xanh để cho nó đi”. Có thể là Đặng Văn Quang nói khoác lác để chứng tỏ ta đây là ông trùm tình báo, cũng có thể là ông ta nói thật. Vì chuyện Đức trốn đi khỏi Sài Gòn cuối năm 1971, không phải là một chuyện tuyệt mật.
Dương Văn Minh đầu hàng Ngày 1-11- 1963, Dương Văn Minh, Đại Tướng đứng đầu cuộc đảo chinh Ngô Đình Diệm, đó là năm Quý Mão, thuộc về hành kim – kim bạch kim. Dương Văn Minh sanh năm 1915 là năm Ất Mão thuộc về hành thuỷ - đại khê thuỷ. Theo thuyết âm dương ngũ hành, luôn luôn có biến dịch. Kim bạch kim biến dịch thành Đại khê thuỷ. Năm 1963, Dương Văn Minh 49 tuổi, năm đó ông được sinh nhập tức là có thu vào. Ông làm đảo chinh thành công là chuyện đương nhiên. Năm 1975, cũng là năm Ất Mão, năm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Năm đó Dương Văn Minh 61 tuổi, năm tuổi của ông ta, ông ta phải đầu hàng quân giải phóng. Việc đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh không bị lịch sử đánh giá là nhục nhã. Ngược lại, cho đến nay sau gần 30 năm, đa số người Việt Nam đã trưởng thành vào thời kỳ 1975 ở Sài Gòn đều phải nhìn nhận “Dương Văn Minh đầu hàng quân giải phóng là có đức và có công với dân Sài Gòn”. Lúc đó nếu không phải là Dương Văn Minh đứng đầu chính phủ Sài Gòn, một người khác ví dụ như Trần Văn Hương hoặc Nguyễn Cao Kỳ ương ngạnh cầm cự đánh trả cuộc tiến công của quân giải phóng, Sài Gòn chắc chắn phải đổ nát, một cuộc tắm máu khó tránh khỏi. Thường dân vô tội có thể thương vong nhiều. Nhà cửa, lầu đài, dinh thự phải sụp đổ. Các trận đánh trong đường phố ngày đó ở Sài Gòn chắc phải diễn ra ác liệt. Với nhiệm vụ Thứ Trưởng Bộ Thông tin trong chính phủ Dương Văn Minh, ngày 28-4-1975 tôi được lệnh Tướng Minh, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa chỉ đạo tôi phải viết một thông báo hỏa tốc công bố trên đài truyền thanh và đài truyền hình Sài Gòn, nội dung: chính phủ Việt Nam Cộng Hòa do Tổng thống Dương Văn Minh đứng đầu ra lệnh cho tất cả cơ quan viện trợ quân sự quốc phòng Mỹ “DAO” và toàn thể nhân viên người Mỹ phải lập tức rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ kể từ 28-4-1975. Thông báo lịch sử đó do tôi đóng dấu và ký tên được truyền đi ngay tức thì. Tài liệu chứng từ lịch sử đó sau ngày giải phóng lọt vào tay ông Trần Bạch Đằng, Phó Trưởng Ban Tuyên Huấn Trung Ương, khi cơ quan tuyên huấn của Trung Ương Cục miền Nam tiếp thu trụ sở Bộ Thông Tin Sài Gòn nằm ở đường Nguyễn Đình Chiểu. Chứng từ lịch sử đó cũng là một trong những lý do để người ta cho tôi được miễn học tập cải tạo, bắt đầu từ tháng 6-1975.
Sài Gòn vẫn còn đông đảo quân lính… vào ngày đó Ở đoạn trên tôi có nói nếu lúc đó tiếp tục đánh nhau, chắc chắn Thành phố Sài Gòn phải hứng chịu nhiều tan nát vì ngày đó tôi nắm rõ lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ Sài Gòn còn rất đông. Một sư đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến, một sư đoàn Dù trang bị đầy đủ, 4 Tiểu đoàn Biệt Động Quân, 1 sư đoàn Cảnh sát Dã Chiến, nhiều trung đoàn xe tăng thiết giáp, sư đoàn trực thăng chiến đấu, sư đoàn oanh tạc cơ F5 vẫn còn đầy đủ (sáng ngày 29-4-1975 Tướng Kỳ mới trốn chạy ra Hạm Đội 7 của Mỹ bằng trực thăng trong khi đó cả phi đoàn bay sang Thái Lan). Với từng ấy lực lượng lọt vào tay ông già gân Trần Văn Hương, đã từng đọc diễn văn truyền hình “chiến đấu giành tấc đất cuối cùng” hoặc lọt vào tay Tướng Kỳ đá gà, gà sống hay gà chết mặc kệ “đá thắng tao ở, đá thua tao bay”. Nên nhắc lại ngày 27-4-1975 Tướng Kỳ còn trả lời phỏng vấn của đài BBC: Tôi quyết ở lại chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Còn cái quần đùi tôi cũng đánh”. Các bạn thử đánh giá xem tình hình sẽ thê thảm thế nào. Dĩ nhiên là không thể nào giữ nổi Sài Gòn, nhưng với những kẻ vô trách nhiệm như Tướng Kỳ, hoặc với một ông già say máu điên như Thầy Trần Văn Hương, thường dân sẽ lãnh đủ hậu quả, đổ nát vật chất, tương lai đất nước phải gánh chịu. Chính vì lẽ đó, nhiều người có suy nghĩ đều phải nhìn nhận: Dương Văn Minh nhận chức Tổng thống để lấy trách nhiệm làm một cuộc đầu hàng lịch sử, vận may của đất nước, của thường dân vẫn còn. Phải chăng chính vì nhận thức được điều đó mà cơ quan Bộ Chính Trị ở Hà Nội lúc bấy giờ đứng đầu là Bí Thư thứ nhất Lê Duẩn đã quyết định thả về nhà tất cả những người trong Bộ Tham Mưu của Tướng Dương Văn Minh vào đêm 2 rạng ngày 3-5-1975 sau khi bắt giữ toàn bộ những người đó vào lúc 11 giờ sáng ngày 30-4-1975 trong Dinh Độc Lập. Nhân ngày 30-4-2004, đọc lại một số nhật báo Sài Gòn (Chú thích của người biên tập: Tác giả viết chương này vào năm 2004) Về tình hình miền NamViệt Nam vào đầu năm 1975 cho đến ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn: Chế độ Nguyễn Văn Thiệu thực chất đã sụp đổ ngay từ những ngày đầu của tháng 1-1975: A. VỀ CHIẾN SỰ: Ngày 8-1-1975 Việt Nam Cộng Hòa chính thức công bố đã thất thủ tỉnh Phước Long, cách Sài Gòn 130 km về phía đông bắc. Nguyễn Văn Thiệu lên đài truyền hình kêu gọi dân chúng Sài Gòn và các tỉnh phía Nam ngưng ăn chơi xa hoa phù phiếm trong 3 ngày kể từ 9-1-975. Đồng thời Thiệu chính thức yêu cầu chính phủ Mỹ lập tức tăng viện quân sự, bất chấp những điều khoản đã ghi trong điều khoản Paris. Về phía Mỹ phát ngôn viên Toà Bạch Ốc trả lời báo chí Mỹ: “Cho đến nay Tổng thống Gerald Ford chưa có yêu cầu Quốc hội Mỹ viện trợ khẩn cấp”. Vào ngày 10-1-1975 báo chí Sài Gòn loan tin các tỉnh Bình Dương, Biên Hoà báo động quân sự toàn diện. Tỉnh Tây Ninh bị bao vây nhiều phía, Sài Gòn mất liên lạc viễn thông với núi Bà Đen, Bộ Tổng tham Mưu Sài Gòn cho máy bay thả bom tiêu hủy trạm truyền tin trên núi Bà Đen. Ở miền trung, quận Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bị phía quân giải phóng tràn ngập theo chiến thuật biển người. Ngay tại phạm vi Sài Gòn đánh lớn mấy ngày liên tục tại huỵên Nhơn Trạch, chỉ cách Sài Gòn 15 km, vào ngày 14-1-1975. Hơn 70% dân chợ Tây Ninh, sợ đánh nhau lớn đã di tản tạm thời vào ngày 16-1-1975. Tỉnh Kiến Tường cách Sài Gòn 110 km về phía tây và 3 quận lỵ của tỉnh thường xuyên bị quân giải phóng bao vây đe doạ, đường bộ đầy mìn, đường hàng không đầy lưới đạn phòng không của quân giải phóng. Quốc lộ 4 về Miền Tây bị đắp mô nhiều chặng, xe đò xe tải kẹt đường nhiều đoạn dài thậm thượt mỗi ngày. Theo Thông Tấn Xã AP của Mỹ tháng Giêng 1975 tại Nam Việt Nam cứ 8 phút có một người Việt Nam chết vì chiến tranh, cứ 2 phút có người trở thành vô gia cư. Nguyễn Văn Thiệu, trước tình thế đó, đã có kế hoạch gọi toàn bộ giáo chức tái nhập ngũ. B. VỀ CHÍNH TRỊ: Nghị sĩ thân chính quyền là Cao Văn Tường chính thức lên tiếng công khai đả kích Quốc hội Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà. Phía đối lập với Thiệu dân biểu Lý Quí Chung tuyên bố với báo chí quốc tế: “Đã tới lúc Tổng thống Gerald Ford phải lựa chọn làm nạn của một số ít người Việt Nam hay làm bạn của đa số dân Việt Nam. Tại Toà thánh Tây Ninh, 3.000 chức sắc Cao Đài họp cầu nguyện cho hoà bình và nhịn ăn một ngày để góp 1 tấn gạo nhờ nhật báo Điện Tín phân phối cứu đói cho dân nghèo. Về phía Mỹ Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương xác định quân đội Mỹ không thể trở lại Việt Nam. Các quan chức lớn của Toà Bạch Ốc tuyên bố: “Tổng thống Mỹ không làm được gì nhiều để giúp Việt Nam Cộng Hoà”. Ngày 10-1-1975, cố vấn an ninh Henry Kissinger trong cuộc họp báo tại Hoa Thịnh Đốn không đá động gì đến tình hình Việt Nam Cộng Hòa chỉ nhấn mạnh chính sách của Mỹ lúc này là theo đuổi thực hiện hoà dịu với Nga và Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ cho báo chí biết không thuyết phục được Quốc hội Mỹ yểm trợ cho Việt Nam Cộng Hoà. Quốc hội Mỹ chuyển hướng tích cực vào việc giải quyết các vấn đề nội bộ của Mỹ. Ngày 23-1-1975, Tổng thống Gerald Ford xác nhận với báo chí Mỹ, không đưa quân trở lại Việt Nam, không tái dội bom. Trong khi đó Thiệu không biết nhục chính thức lên tiếng xin chính phủ Mỹ tiếp tục viện trợ. Trong một bài diễn văn, Thiệu công khai tuyên bố: “Việt Nam Cộng Hoà không thiếu xương máu. Mỹ đã hứa sau khi rút quân Mỹ khỏi Việt Nam sẽ tiếp tục viện trợ quân sự mạnh. Để Việt Nam hoá chiến tranh, Việt Nam Cộng Hòa cần thêm 300 triệu đôla Mỹ”. Tình hình bi thảm hơn cho Nguyễn Văn Thiệu vào tháng 3-1975. A. VỀ CHÍNH TRỊ: Báo Chính Luận ngày 1-3-1975 loan tin về thái độ chính thức của chính phủ Mỹ đối với số phận Việt Nam Cộng Hòa. Phó Tổng Thống Mỹ Rockefeller tuyên bố: “Trên thế gian này, không ai có thể đảm bảo gì hết cho một việc có thể xảy ra trong tương lai”. Báo chí Mỹ tổng kết trong thời gian Thiệu cầm quyền tại Sài Gòn, Mỹ đã đổ ra 22 tỷ đôla cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra suốt thời gian quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến ở Đông Dương, chính phủ Mỹ đã tiêu xài 130 tỷ đôla cho bom đạn và trả lương cho quân lính Mỹ. Các Nghị sĩ Mỹ nổi tiếng như Nghị sĩ Mansfield, McGovern, Jackson, Brooke lên tiếng mạnh mẽ Mỹ phải dứt khoát rút lui khỏi Việt Nam, không chần chờ nữa. Ngày 8-3-1975 Tổng thống Ford họp báo xác nhận quân đội Mỹ dứt khoát không trở lại Đông Dương. Ngày 9-3-1975 Nam Vang thất thủ, phi trường Pochentong hoàn toàn do Khờ Me Đỏ kiểm soát. Thế là Mỹ đã rõ rệt thua và dứt khoát rút toàn bộ người Mỹ ra khỏi Campuchia. B. VỀ QUÂN SỰ: Ngày 10-3-1975: Quân giải phóng đánh mạnh ở phía bắc tỉnh Thừa Thiên, Huế. 25.000 dân Quảng Trị đổ về Huế tị nạn chiến tranh. Cùng ngày, tỉnh lỵ Phú Bổn trên quốc lộ 20 lọt vào tay quân giải phóng. Ban Mê Thuột hoàn toàn thất thủ đúng vào ngày 10-3-1975, nhưng đến 13-3-1975 phát ngôn viên quân sự của Thiệu mới xác nhận chính thức. - Ngày 14-3-1975 Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, ba tay đầu sỏ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa bay ra Cam Ranh họp bàn với Tướng Phú, Tư lệnh Vùng II. Trong cuộc họp này, Phú đòi viện quân mạnh, phải có 2 sư đoàn nhảy dù và thủy quân lục chiến mới có thể bảo vệ được Pleiku. Thiệu, Cao Văn Viên, trước tình thế đó quyết định rút lui chiến thuật, cho phép Tướng Phú được âm thầm rút chạy khỏi Pleiku, co cụm về bảo vệ Cam Ranh – Nha Trang. Cuộc rút lui chạy khỏi Pleiku ngày 18-4 sau đó đã gây cảnh thất kinh hồn vía cho toàn bộ binh lính và sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa ở Tây Nguyên. Mặc Tướng tướng chạy, mặc quan quan chạy, mặc lính vừa chạy vừa cướp bóc tạo ra thảm cảnh di tản tàn ác chưa từng thấy trong lịch sử, dân chúng chết đói chết khát đầy đường 19 và đường 21. Quyết định của Nguyễn Văn Thiệu kéo theo sự sụp đổ hoàn toàn về tinh thần của binh lính Việt Nam Cộng Hòa tại Vùng II và Vùng III. Ngày 20-3-1975, quân Việt Nam Cộng Hòa chính thức bỏ toàn bộ Tây Nguyên, Tây Nguyên nằm trọn vẹn trong vòng kiểm soát của quân giải phóng. - Ngày 26-3-1975, Mỹ chính thức cùng với Việt Nam Cộng Hòa lập cầu không vận chuyển 1 triệu dân từ Huế – Đà Nẵng vào co cụm ở Cam Ranh, Mỹ có kế hoạch mỗi ngày chở 5.000 người di tản khỏi Đà Nẵng. Bình luận về sự kiện này, chuyên gia Anh Quốc về chống du kích của chính phủ Hoàng Gia Anh là Robert Thompson đánh giá Mỹ đã chính thức đầu hàng chiến lược. Chính phủ Mỹ có kế họach di tản 1 triệu 300 ngàn dân Quảng Nam – Đà Nẵng vào miền Nam. - Ngày 29-3-1975, Tướng Weyand, tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương cùng Đại Sứ Mỹ Graham Martin chính thức gặp Thiệu: Mỹ loan báo tăng cường cầu không vận ở Việt Nam để đưa dân di tản. Các chính phủ Đại Hàn, Phi Luật Tân, Trung Hoa Dân Quốc đưa tàu hải quân của họ đến Việt Nam tiếp sức Mỹ di tản. Tính đến ngày 29-3-1975 còn hơn 6.000 người Mỹ dân sự sống ở Việt Nam, trong đó có 1.300 người làm việc cho tuỳ viên quân sự Mỹ, 1.400 chuyên gia kỹ thuật làm cho các hãng thầu, 1.500 chuyên gia làm các việc khác và gần 2.000 vợ con người Mỹ ở Việt Nam. - 30-3-1975: Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng chính thức bỏ chạy, chuyên gia dân sự của Mỹ cũng chạy khỏi các tỉnh trên, Đà Nẵng hoàn toàn thuộc vào tay quân giải phóng. Như vậy, đến cuối tháng 3-1975, Thiệu đã mất gần trọn vẹn Vùng I và Vùng II chiến thuật. Cuộc rút quân chiến lược khỏi Pleiku đã đẩy ông ta đến chân tường. Chiến lược của Thiệu lúc bấy giờ là cố giữ cho được Vùng III và IV chiến thuật để làm điều kiện thương thuyết. Chính quyền Mỹ cũng ngầm ủng hộ kế hoạch này. Trong tháng 3-1975, một sự kiện rất có ý nghĩa: Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng của Thiệu xin từ chức ngay sau khi Pleiku thất thủ. Khiêm đã biết trước tình hình sẽ sụp đổ toàn diện nên ông ta đã khôn ngoan tháo lui trước, trong khi giữa ông ta và Thiệu mối quan hệ rất khắng khít. Trần Thiện Khiêm sau năm 1963 lúc nào cũng là người khôn ngoan hoạt động âm thầm cho chính phủ Mỹ, theo những chỉ đạo của Washington.
Tháng 4-1975, sự sụp đổ toàn diện của Thiệu phải đến, đã đến Trong khi Việt Nam Cộng Hòa thất thủ Ban Mê Thuột vào ngày 10-3-75, còn 9 người Mỹ bị sót lại trong vùng kiểm soát của quân giải phóng. Chính phủ đã tìm cách liên hệ ngoại giao với Hà Nội và quân giải phóng để bảo vệ sinh mạng cho 9 nguời này. Ngày 1-4-1975, trong khi Qui Nhơn, Tuy Hoà, Nha Trang, Đà Lạt hoàn toàn mất liên lạc viễn thông với Sài Gòn, Cao ủy Tị nạn của Liên Hiệp Quốc chinh thức cho biết sẽ gửi đồ cứu trợ thông qua ngõ Hà Nội. Chinh phủ Tây Đức cho báo chí biết Tây Đức sẵn sàng đón tiếp dân tị nạn. Ngày 5-4-1975 Tổng thống Ford tạm thời xin Quốc Hội Mỹ cấp 100 triệu đôla giúp giải quyết vấn đề người Việt Nam tị nạn. Ford đã ưu tiên chỉ đại Hải quân Mỹ chở 2.000 trẻ con mồ côi Việt Nam sang Mỹ. Tại Sài Gòn, người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chính thức yêu cầu thay đổi lãnh đạo của Việt Nam Cộng Hòa trong vòng trật tự và thật nhanh chóng. Ngày 6-4-1975 trong khi Nguyễn Bá Cẩn Chủ Tịch Hạ Viện Sài Gòn nhận chức Thủ tướng thay thế Khiêm, tàu Hải quân của Mỹ chính thức mở đầu chiến dịch chở dân di tản ra khỏi Việt Nam. Thịêu công khai chửi Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa không giữ các lời cam kết khi ký Hiệp Định Paris. Ngày 7-4-1975 chính phủ Pháp loan báo khởi xướng kế hoạch hoà bình, dàn xếp giải pháp chính trị cho miền Nam Việt Nam, chính phủ Pháp cũng công khai gửi hàng cứu trợ cho những vùng quân giải phóng đã kiểm soát. Tại Hoa Thịnh Đốn trả lời báo chí về việc Thiệu chửi Mỹ bỏ rơi, Tiến sĩ Kissinger nói: “Thiệu tuyên bố lung tung, đó là lời nói nhảm nhí của kẻ đang buồn phiền”. Ngày 8-4-1975 Tổng thống Ford nói với báo chí Mỹ: Chỉ cam kết với Việt Nam Cộng Hòa về tinh thần, không cam kết về pháp lý. Đặc biệt ngày đó Mỹ đã cho chuyển chính thức các nhiên liệu nguyên tử ở Viện Nguyên tử Đà Lạt đến đảo Johnson ngoài khơi Thái Bình Dương. Ngày 9-4-1975 phi cơ F5 ném bom Dinh Độc Lập. Thiệu lên truyền hình đọc diễn văn xác nhận vẫn bình an và tiếp tục làm tổng thống. Trong ngày đó, Liên Hiệp Quốc công bố đã mở tài khoản đặc biệt để các cơ quan nhân đạo quốc tế ở các nước đóng góp vàp quỹ cứu trợ chiến tranh Đông Dương. Ngày 12-4-1975 Mỹ rút lui hoàn toàn ra khỏi Campuchia, phải sử dụng 36 trực thăng Chinook mới di tản hết Mỹ kiều ra khỏi Nam Vang trong một ngày. Ngày 18-4-1975 tỉnh Phan Rang lọt vào tay quân giải phóng. Ngày 21-4-1975, quân giải phóng hoàn toàn kiểm soát tỉnh Phan Thiết. Bình Tuy, Hàm Tân, Long Khánh bị uy hiếp dữ dội. Ngày 22-4-1975 Thiệu tố cáo Mỹ phản bội và đối xử vô nhân đạo với Việt Nam Cộng Hòa, Trần Văn Hương chính thức nhận chức Tổng thống. Tại Sài Gòn Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo tuyên bố sẵn sàng chấp nhận cho bọn nhà giàu hèn nhát ra đi với điều kiện phải bỏ lại tài sản. Ngày 26-4-1975 Quốc hội Mỹ chấp thuận chi 327 triệu đôla để giúp 1 triệu 300 ngàn dân di tản. Tại Sài gòn, Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố còn cái quần đùi cũng đánh, Trần Văn Hương xác nhận không thương thuyết đầu hàng. Tại Paris Tổng thống Pháp cho biết đã tích cực thúc đẩy Toà Đại sứ Pháp nổ lực tối đa dàn xếp chính trị giữa các bên. Ngày 28-4-1975 Đại Tướng Dương Văn Minh nhận chức Tổng thống do Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa chuyển quyền (cũng ngày này, tại Lào quân Pathet Lào chính thức vào Vientiane nắm quyền). Đặc biệt chính phủ Mỹ nhờ Liên Hiệp Quốc liên lạc với chính phủ Việt Nam ở Hà Nội, xin chấp thuận giải pháp ngưng bắn tại chỗ, đổi lại Mỹ sẽ viện trợ nhanh chóng tái thiết Bắc Việt. Những người cầm quyền ở Hà Nội dứt khoát bác bỏ ý kiến này. Ngày 29-4-1975 Tổng thống Dương Văn Minh cử đoàn thương thuyết gồm có luật sư Trần Ngọc Liễng, giáp sư Châu Tâm Luân, luật sư Chân Tín vào sân bay Tân Sơn Nhất gặp đại diện của Mặt Trận Giải Phóng là Thiếu Tướng Hoàng Anh Tuấn (Ban Liên hợp Quân Sự 4 Bên) xin ngừng bắn, Thiếu Tướng Tuấn đã giữ đoàn thương thuyết này ở lại trại Davis đến ngày 1-5-1975 mới cho về. Ngày 30-4-1975: 8 giờ 30, đại tướng Pháp hồi hưu tên là Vanuxem gặp tổng thống Dương Văn Minh ở số 7 đường Độc Lập, Tướng Vanuxem cho biết nếu tổng thống Minh có yêu cầu trên truyền hình, truyền thanh công khai, chính phủ Trung Quốc sẽ đổ quân can thiệp. tổng thống Dương Văn Minh đã lập tức bác bỏ ý kiến này, ông nói với Vanuxem: “đã tới lúc người Việt Nam tự sắp xếp với nhau để có hoà bình, yêu cầu người nước ngoài đừng can thiệp vào”. Lúc 9 giờ: tổng thống Dương Văn Minh lên đài truyền thanh, truyềh hình cùng Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đọc bản văn tuyên bố thành phố Sài Gòn mở cửa chính thức mời Mặt Trận Giải Phóng vào Dinh Độc Lập nhận bàn giao chính quyền. Lúc 10 giờ 30 xe tăng của quân giải phóng ủi sập cửa rào Dinh Độc Lập. Đại diện quân Giải phóng yêu cầu Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu lên truyền thanh và tuyền hình đọc lời xin đầu hàng. Lúc 11 giờ Dương Văn Minh chính thức đọc bản văn đầu hàng trên truyền thanh truyền hình. Cờ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng miền Nam trên nóc Dinh Độc Lập bay lồng lộng trong gió trước mắt hàng trăm ngàn người Sài Gòn, trước ống kính truyền hình của hàng mấy trăm phóng viên ký giả quốc tế. Chế độ sài Gòn hoàn toàn sụp đổ sau giờ phút đó. Với tư cách một người có mặt trực tiếp bên cạnh Tổng thống Dương Văn Minh từ ngày 27-4-1975 cho đến giờ phút cuối cùng của chế độ cũ, tôi xin xác nhận đậm nét một số sự kiện vào những giây phút cuối cùng liên quan đến con người của Dương Văn Minh: Trong đêm 28-4-1975, tổng thống Dương Văn Minh sau khi nghe thuyết trình về tình hình quân sự lúc đó, do Tướng Vĩnh Lộc và Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, đã quyết định phải lập tức đầu hàng quân giải phóng để tránh cho thành phố Sài Gòn khỏi đổ nát và nhân dân Sài Gòn vô tội khỏi phải chết thảm khốc vì đánh nhau giữa hai bên. Cũng trong đêm đó trên nóc Dinh Độc Lập vẫn còn 2 trực thăng do 2 đại tá phi công trẻ tuổi phụ trách. Hai ông đại tá này đề nghị tổng thống Minh và toàn bộ người thân trong chính phủ DươngVăn Minh di tản ra Đệ Thất Hạm Đội. Hai viên phi công cho biết chỉ mất 4 tiếng đồng hồ để thực hiện 2 lượt bay, hai viên phi công đảm bảo đưa Tướng Minh an toàn ra tàu Mỹ. Tướng Dương Văn Minh đã nói với hai viên đại tá: “Qua là quân nhân, không thể đào ngũ trước giờ phút lịch sử. Hai em và những người ở đây ai muốn đi, Qua cho phép hai em chở họ đi”. Hai viên Phi công quá cảm động đã nói: “Đại tướng ở lại, các em cũng quyết ở lại”. (Hai viên đại tá phi công này sau ngày giải phóng phải đi học tập cải tạo hơn 10 năm). Sáng ngày 30-4-1975, trong Dinh Độc Lập còn 1 tiểu đoàn nhảy dù bảo vệ và trong thành phố Sài Gòn còn 1 sư đoàn cảnh sát dã chiến, 1 sư đoàn dù, 1 sư đoàn thuỷ quân lục chiến. Khả năng chống cự lại quân đội giải phóng vẫn còn có thể tiếp tục được nhiều ngày. Tiều đoàn Trưởng tiểu đoàn bảo vệ Dinh Độc Lập xin Tướng Minh cho lệnh chiến đấu. Chính tôi đã tận mắt thấy và nghe Tướng Minh nói chuyện với anh tiểu đoàn trưởng: “Đã tới lúc đất nước chúng ta có hoà bình, các em hãy nghe lời tôi bỏ súng xuống, cởi bỏ quân phục và các em có thể tự động ra về với gia đình”. Tiểu đoàn trưởng và cả tiểu đoàn của anh ta đã khóc, nghe lời Tướng Minh, bỏ vũ khí, cởi bỏ quân phục, tự động tản hàng. Trước đó Tướng Minh đã nhanh chóng bác bỏ lời đề nghị của người bạn cũ là Đại Tướng Pháp Vanuxem. Tướng Minh đã nhanh chóng và tự quyết định những hành động này một cách dũng cảm, trong khi ông ta chưa biết trước khi quân giải phóng tràn vào dinh Độc lập, số phận của ông ta và bà vợ, cùng tất cả những người cộng sự sẽ ra sao. Đó quả thật là một hành động dũng cảm, thật sự muốn có hoà bình giữa những người Việt Nam với nhau.
Quay lại khúc phim 10 ngày cuối cùng của chính phủ Sài Gòn Ngày 20-4-1975, TT Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn báo cáo với quốc dân “sắp mất nước” vì bị phía Mỹ bỏ rơi. Ngày 21-4-1975, Chủ Tịch Hạ Nghị viện Nguyễn Bá Cẩn nhậm chức Thủ tướng nhưng không hề có một lễ nhậm chức rình rang. Ngày 22-4-1975, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương nắm quyền Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Đọc diễn văn truyền hình tyên bố cùng chiến đấu với các binh sĩ đến tấc đất cuối cùng. Ý hướng của Trần Văn Hương là không bàn giao chính quyền cho ai hết. Báo chí Sài Gòn loan tin quân Việt Cộng đã kiểm soát quốc lộ 1 đến Trảng Bom, quốc lộ 15 Cầu Cỏ May gần Vũng Tàu bị giật sập. Trận đánh ở Long Khánh vẫn còn ác liệt. Ngày 23-4-1975, đường từ Long An đến Mỹ Tho bị chận đứng nhiều khúc. Xe đò từ Sài Gòn về miền Tây phải chạy qua nhiều đoạn nguy hiểm. Ngày 24-4-1975, nhiều cựu tướng lãnh ra vào Dinh Hoa Lan tấp nập. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hạnh, mặc quân phục, xuất hiện đột nhiên tại nhà Tướng Dương Văn Minh. Ngày 25-4-1975, Thịêu âm thầm nhưng chinh thức ra đi tại sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 10 giờ sáng bằng chiếc Boeing 707. Đoàn đi gần 70 người trong đó có cả gia đình Hoàng Đức Nhã, dân biểu Ngô Văn Luông, và bà con bên vợ Nguyễn Văn Thiệu. Riêng ông Ngô Khắc Tỉnh, Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục vì còn kẹt vợ bé “đào nhí” nên ở lại sau đó phải đi học tập cải tạo (Ngô Khắc Tỉnh bà con dòng họ ngoại của Nguyễn Văn Thiệu). Đêm 25-4-1975, theo một người bà con của Trần Văn Hương (xin giấu tên) kể lại, một toán biệt kích ăn mặc rằn ri, vẻ hung bạo xông vào Phủ Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Họ đòi “làm thịt” ông già. Cận vệ của Phó Tổng thống Hương là một Thiếu tá Nhảy Dù chận họ ở chân cầu thang không cho lên lầu, hai tay cầm một quả lựu đạn rút chốt sẵn, la lớn: “Tụi bây đụng tới ông già, tao cùng cưa đôi quả lựu đạn này với tụi bây”. Theo diễn giải của người bà con với ông Trần Văn Hương: Phe của Tướng Dương Văn Minh muốn sớm nắm quyền Tổng thống, biết tánh ông già Hương là lì lợm nên đã tổ chức biệt kích đòi “lấy máu ông già” để cướp tinh thần trước. Theo tôi biết rõ, Tướng Dương Văn Minh không hề làm việc này. Bản thân ông Minh cũng không thích thú lắm về sự việc sắp được nhượng quyền quá trễ. Có lẽ tổ chức hù doạ ông già gân, do một phía khác thực hiện. Phía nào đây? Chúng ta có thể đoán ra được tên phía đạo diễn. Ngày 26-4-1975, Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa họp phiên khoáng đại Lưỡng Viện (Thượng và Hạ nghị viện). Lưỡng Viện gồm 185 người đã bỏ dông mất gần phân nửa, nhưng cuộc họp cũng khá sôi nổi. Tướng Trần Văn Đôn với tư cách Nghị sĩ quốc hội, cựu tướng lãnh, đứng lên trình bày cặn kẽ tình hình chiến sự. Đôn cho rằng không còn giải pháp nào khác hơn là phải giao quyền Tổng thống cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Nghị sĩ Trần Văn Đôn thuyết phục quốc hội nên ý thức trách nhiệm và sớm biểu quyết. Cuộc họp Quốc hội kéo dài từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, cuối cùng đại đa số dân biểu nghị sĩ có mặt biểu quyết chấp thuận yêu cầu Tướng Dương Văn Minh nhận lãnh trách nhiệm Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa để thương thuyết cứu nước. Khoảng 6 giờ chiều ngày 26-4-75: Ngô Công Đức (lúc đó đã từ Thụy Điển về đến Bangkok), từ Bangkok, gọi điện thoại thẳng về số riêng đặt tại phòng Tướng Minh. Tướng Minh nói chuyện với Đức được vài phút, sau đó giao điện thoại cho Hồ Ngọc Nhuận bàn tình hình chi tiết với Ngô Công Đức, và Đức cho Nhuận biết trong vài ngày tới chắc chắn Sài Gòn sẽ sụp đổ. Ông ta từ Bangkok sẽ tìm máy bay đi về Hà Nội. Ở Hà Nội vài ngày rồi ông ta sẽ về Sài Gòn. Đức khuyên Nhuận đừng nhận chức vụ gì trong chính phủ Dương Văn Minh. Ngày 27 và ngày 28-4-1975, Tướng Dương Văn Minh nhận chức Tổng thống bổ nhiệm Trung tướng Vĩnh Lộc làm Tổng Tham Mưu Trưởng, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hạnh làm Phó Tổng tham mưu Trưởng. Cử nghị sĩ Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng chính phủ, nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền làm Phó Tổng thống, bác sĩ Hồ Văn Minh Phó Thủ Tướng, dân biểu Nguyễn Hữu Chung Bộ Trưởng tại Phủ Tổng Thống, dân biểu Lý Quý Chung Bộ Trưởng Bộ Thông Tin, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận Đô trưởng Sài Gòn Gia Định, biện lý Triệu Quốc Mạnh Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, giao nhiệm vụ cho Hồ Ngọc Nhuận và Triệu Quốc Mạnh lập tức thả các tù chính trị và sinh viên tranh đấu. Sáng sớm ngày 28-4-1975, sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm được Tổng Nha Cảnh sát do Triệu Quốc Mạnh đứng đầu thả ra ngay sau khi ông Mạnh, tân Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới dò tìm được chỗ nhốt Huỳnh Tấn Mẫm. Lúc đó anh Mẫm đã bị chuyển từ nơi này sang nơi khác nhiều lần. Sau khi được thả Huỳnh Tấn Mẫm yêu cầu ông Mạnh cho về nhà, nhưng ông Mạnh đề xuất Huỳnh Tấn Mẫm nên gặp Dương Văn Minh trước để cám ơn. Vì thế Huỳnh Tấn Mẫm có vào Dinh Độc Lập gặp Dương Văn Minh và theo lời đề nghị của Bộ Trưởng Thông Tin Lý Quý Chung, sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm có xuất hiện trước truyền thanh và truyền hình để thông báo tin mình được thả và có lời cám ơn ông Dương Văn Minh. Dụng ý của sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm khi lên truyền hình là muốn báo cho mọi nguời biết chổ mình ở, mình được thả về an toàn, chớ không phải là hình thức công khai đồng ý chấp nhận chính phủ Dương Văn Minh. Nhưng cũng chính vì sự xuất hiện đó mà sau này, Huỳnh Tấn Mẫm nhiều phen bị kiểm điểm, cũng khá “nhức đầu, nhức óc”. Cùng được thả với Huỳnh Tấn Mẫm. Hàng mấy trăm người tù khác ở Chí Hoà và Tổng Nha Cảnh sát dính líu tới chính trị và sinh viên tranh đấu cũng được thả theo. Tổng Thống Dương Văn Minh cử ngay một đoàn thương thuyết đi vào căn cứ Tân Sơn Nhất để gặp Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, trưởng đoàn đại diện Ban Liên hợp Bốn bên của Mặt Trận Giải Phóng. Đoàn thương thuyết gồm có luật sư Trần Ngọc Liễng, Quốc Vụ Khanh (Phó Thủ tướng) phụ trách hoà giải hoà hợp dân tộc, cùng với giáo sư Châu Tâm Luân đại diện chính phủ Dương Văn Minh. Đoàn này có nhiệm vụ gặp Tướng Hoàng Anh Tuấn đề nghị phía Mặt Trận ngừng bắn tại chỗ, thương thuyết thành lập chính phủ liên hiệp. Sáng 29-4-1975, đoàn đi ô tô vào sân bay Tân Sơn Nhất, bị Thiếu Tướng Hoàng Anh Tuấn cho mời ở lại ăn cơm, ngủ lại trong đó hai đêm đến ngày 1-5-1975 mới cho về. Ngày 28-4-1975, khoảng 16 giờ trưa, hai chiến đấu cơ F5 của quân giải phóng (lấy được tại sân bay Phan Rang bay vào Sài Gòn thị uy, sau khi ném hai quả bom tại Tân Sơn Nhất, quần trên bầu trời Dinh Độc Lập 2 vòng, không bỏ bom rồi bay đi mất. Sau này được biết một trong hai phi công tạo ra sự bất ngờ ngày đó là nguyên đại úy phi công Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Thành Trung lái máy bay vào Sài Gòn thị uy (Nguyễn ThànhTrung sau năm 1975 là Đại tá Không quân CHXH Chủ Nghĩa Việt Nam, hiện là một trong hai phi công trưởng huấn luyện lái máy bay Boeing 727 cùng với Đại tá Huỳnh Minh Bon – nguyên gốc là đại tá phi công của VNCH, là em ruột của bà Hoàng Thị Mai Khanh, vợ của cố Thủ tướng Phạm Hùng). Ngày 29-4-1975, cả một phi đoàn F5 do Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy bỏ Sài Gòn sang Bangkok lưu vong. Riêng Nguyễn Cao Kỳ dùng trực thăng bay ra Hạm Đội 7. Tổng Thống Dương Văn Minh ký lịnh cho tàu Việt Nam Thương Tín nhổ neo, theo yêu cầu của dân biểu Nguyễn Hữu Chung.
Diễn tiến đêm 28-4-1975 tại dinh Độc Lập Đêm 28-4-1975 toàn bộ những người sống trong Dinh Hoa Lan tạm thời dọn vào ở trong Dinh Độc Lập để tránh những đòn đánh bất ngờ của phe Nguyễn Cao Kỳ bằng máy bay, để tránh bạo loạn có thể xảy ra do những nhóm quân nhân “nổi khùng”. Cả gia đình vợ con tôi, gia đình vợ con Thiếu tá Hoa Hải Đường, vợ con Thiếu tá Trịnh Bá Lộc, gia đình tài xế lâu năm của Tướng Dương Văn Minh là Thượng sĩ Thạch Panh, tất cả có hơn 70 người khăn gói, lũ lượt, tay xách nách mang, từ 7 giờ tối xếp hàng đi bộ từ góc đường Trần Quý Cáp – Công Lý, tiến thẳng về cửa chánh Dinh Độc Lập. Đàn bà con nít được bố trí ngủ ở dưới tầng hầm của Dinh Tổng thống. Việc sắp xếp chỗ ngủ cho mọi người do Đại tá Trương Minh Đẫu thực hiện. Trong đời mấy đứa con nhỏ của tôi cũng có một lần được ngủ trong dinh thự của “nhà vua”. Cũng tối hôm đó rất đông người gồm có nghị sĩ dân biểu, một số tướng tá trong phe Dương Văn Minh đến dự cuộc họp bất thường tại Dinh Độc Lập do Tổng Thống Dương Văn Minh triệu tập. Trong số những người đó có luật sư Vũ Văn Mẫu. luật sư Nguyễn Văn Huyền, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hạnh, dân biểu Ngyễn Hữu Chung, dân biểu Lý Quý Chung, nghị sĩ Hồng Sơn Đông và một số nhân vật khác tôi không nhớ hết. Điểm đặc biệt không thấy bóng dáng của Hồ Ngọc Nhuận viện cớ Nhuận phải ngủ ở dãy nhà ngoài bên trong Dinh Hoa Lan (trong khoảng tháng 4-1975, anh Hồ Ngọc Nhuận, chị Kiều Mộng Thu thường xuyên đến tá túc trong căn nhà của Thiếu tá Hoa Hải Đường để né tránh việc bắt bớ bất ngờ của nhóm cảnh sát do Trang Sĩ Tấn chỉ huy). Tiện đây cũng xin nhắc lại kẻo quên, trong thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn vào những đêm 23, 24, 25, 26, 27 tháng 4-1975, đêm nào cũng có những trận đánh cướp vào những tiệm vàng lớn. Cướp có vũ trang, mặc quân phục cảnh sát, mặc đồ rằn ri, đầu đội nón sắt. Dư luận cho rằng đó là những trận đánh cướp có nghiên cứu, có tổ chức, được trang bị mạnh và được Trang Sĩ Tấn, Giám Đốc Cảnh sát Đô thành “feu vert”. Chúng nó, nhân lúc Sài Gòn di tản, lộn xộn, bất an, cướp của nhà giàu chia nhau để chuẩn bị chuồn khi biết chắc rằng trận lụt Đại Hồng Thuỷ đã sắp sửa tràn đến Sài Gòn. Tất cả những người chỉ huy cảnh sát đô thành đã dông mất trong đêm 28-4-1975, một ngày sau khi Dương Văn Minh nhậm chức. Tổng Nha Cảnh sát chỉ còn lại một cái đầu đó là Thẩm Phán Phạm Kim Qui vừa mới nhậm chức Phó Tổng Gíam Đốc Cảnh sát Quốc gia trong chính phủ Nguyễn Bá Cẩn. Đêm 28-4-1975, theo lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh, tôi có nói chuyện bằng điện thoại với Phạm Kim Qui yêu cầu ông ta bằng tất cả khả năng còn lại của Tổng Nha Cảnh sát cố gắng giữ trật tự trị an, đừng để xảy ra các cuộc cướp bóc nữa, nhất là vào ban đêm. Phạm Kim Qui cho biết ông ta còn có thể điều động được 1 sư đoàn cảnh sát Dã Chiến, ông ta sẽ cố gắng thực hiện chỉ thị của Tổng Thống Dương Văn Minh (Phạm Kim Qui là một trí thức đậu cử nhân luật từng nhiều năm hành nghề Biện Lý. Vì có máu trí thức, không bỏ chạy, ở Sài Gòn đến ngày cuối cùng cho nên ông ta bị bắt đi học tập cải tạo trên 12 năm) Cuộc họp đêm 28-4-1975 tại Dinh Độc Lập cũng không có sự tham dự của giáo sư Lý Chánh Trung, ông ta kẹt đêm đó ở Thủ Đức. Thực ra, sau này đối chiếu lại thực tế tôi được biết cả anh Hồ Ngọc Nhuận, cả thầy Lý Chánh Trung từ đêm 28-4 đã nhận được chỉ đạo không tham gia chính thức chính phủ Dương Văn Minh vì đã kề ngày giải phóng. Giáo sư Lý Chánh Trung một người trí thức tên tuổi đáng kính, công giáo, từng tốt nghiệp Đại học Louvain ở Bỉ qua trung gian của gia đình bên vợ (bà Bùi Thị Mè là chị ruột vợ của Thầy Trung) đã được cộng sản móc nối từ lâu. Năm 1965, ông và em vợ ông giáo sư Bùi Thế Xương đã từng lên mật khu Hố Bò họp mặt với Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát. Còn anh Hồ Ngọc Nhuận đã hoạt động mạnh mẽ cho công cuộc giải phóng miền Nam từ năm 1968, sau khi anh Nhuận đi Pháp với tư cách dân biểu Việt Nam Cộng Hòa lại được Đại sứ của Mặt Trận Giải Phóng, ông Phạm Văn Ba; Đại sứ Nguyễn Văn Tiến của Hà Nội móc nối giao nhiệm vụ. Ngay trong những người thân cận của Tổng Thống Dương Văn Minh cũng đã có nhiều người làm việc theo lệnh của phía bên trong mà Tổng Thống Dương Văn Minh không biết. Cuộc họp mật của chính phủ Dương Văn Minh, hai thuyết trình viên báo cáo về tình hình quân sự là Trung tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham Mưu Trưởng, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Tổng Tham Mưu Trưởng. Hai ông này cho biết về quân sự Sài Gòn đã hết thuốc chữa. Tướng Hạnh chỉ trên bản đồ Thành phố Sài Gòn – Gia Định các mũi tiến công của quân giải phóng đã áp sát Sài Gòn. Một cánh từ phía Long An băng ruộng tiến lên bao vây ngõ Tây Sài Gòn, một cánh từ Thủ Đức đổ xuống có cả xe thiết giáp chỉ còn cách Sài Gòn hơn 20 cây số, mạn Gò Vấp – An Phú Đông cũng đầy nghẹt quân chính qui và du kích. Nếu đánh nhau Sài Gòn không cầm cự được quá vài ngày. (Tướng Nguyễn Hữu Hạnh trước đây là sĩ quan thân cận của Tướng Dương Văn Minh. Trong thời kỳ ông ta làm Tư Lịnh Phó Vùng IV Chiến Thuật đã có móc nối với bên trong. Phía Mặt Trận đã từng đồng ý cho ông ta dùng máy bay trực thăng đáp xuống một khu do Việt Cộng kiểm soát để an táng ông thân của ông ta. Do ơn nghĩa đó, Nguyễn Hữu Hạnh động lòng, âm thầm theo phía bên trong). Trước tình hình bi thảm đó về quân sự, sau khi tham khảo riêng ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Huyền, luật sư Vũ Văn Mẫu, bác sĩ Hồ Văn Minh, Tổng Thống Dương Văn Minh đã quyết định: Ngưng không đánh nhau nữa, sắp xếp việc bàn giao chính quyền cho phía Mặt Trận Giải Phóng. Do đó mới có việc gửi luật sư Trần Ngọc Liễng, giáo sư Châu Tâm Luân đại diện cho chính phủ Dương Văn Minh vào Trại David ở Tân Sơn Nhất vào sáng sớm 29-4-1975 để báo cho Thiếu Tướng Hoàng Anh Tuấn rõ ý đồ của Dương Văn Minh.
Đầu hàng là anh hùng Có một sự kiện rất ý nghĩa về thái độ anh hùng của người tướng lãnh Dương Văn Minh. Đêm 28-4-1975 Dương Văn Minh đã biết chắc phải đầu hàng, nhưng ông vẫn tỉnh táo. Lúc đó trên nóc Dinh Độc Lập vẫn còn 2 máy bay trực thăng trang bị đầy đủ, do 2 đại tá phi công trẻ tuổi, đẹp trai, vóc dáng cao to hùng dũng chịu trách nhiệm. Hai chàng phi công này, trước tình hình bi thảm đó có đề xuất ý kiến với Tổng Thống Dương Văn Minh, nội dung: “Hai anh em chúng tôi là những sĩ quan không quân ở lại sau cùng để phục vụ Tổng thống. Từ nóc Dinh Độc Lập, bay ra Đệ Thất Hạm Đội, cả đi lẫn về chỉ mất 2 giớ đồng hồ. Chúng tôi đề nghị bốc tất cả những người trong gia đình và trong Bộ Tham Mưu Tổng Thống bay ra Đệ Thất Hạm Đội để đảm bảo an toàn. Chúng tôi chỉ thực hiện 2 phi vụ là xong”. Trước đề xuất đột ngột của hai viên phi công có sự hiện diện của nhiều nguời trong bộ tham mưu của Tướng Minh, bà Dương Văn Minh hăng hái tán đồng thúc đẩy chồng vội vã ra đi. Đại Tướng Dương Văn Minh đã ôn tồn trả lời hai viên phi công: “Tôi vô cùng xúc động và cám ơn thành ý của hai em. Nhưng là một quân nhân, đang nhận trách nhiệm nặng nề trước lịch sử, tôi nhất quyết không đào ngũ bỏ chạy. Hai em có thể yên lòng lái máy bay ra Đệ Thất Hạm đội, bất cứ ai có mặt ở đây muốn đi theo có thể ra đi với hai anh em phi công. Phần tôi không thể nào bỏ dân chúng Sài Gòn, không thể nào bỏ miền Nam như con rắn mất đầu”. Mọi người có mặt rất xúc động trước những ý kiến hùng hồn và chắc nịch của Tướng Minh. Vẻ mặt của vợ ông trở nên sa sầm. Hai viên phi công trẻ tuổi phản ứng đồng loạt: “Đại Tướng quyết ở lại, chúng tôi cũng không thể hèn nhát ra đi. Chúng tôi ở lại tới cùng với Đại Tướng”. Một số người có mặt ở đó cảm động quá, đã ràn rụa nước mắt. Đại Tướng Dương Văn Minh đã ghi dấu ấn mãi mãi trong con tim và trí óc của những người có mặt hôm đó. Ông đã không sợ chết, không sợ tù đày, không biết ngày mai sẽ ra sao khi quân Cộng sản tràn vào Dinh Độc Lập. Nhưng ông vẫn sừng sững hiên ngang đứng đó, chờ đợi. Đối với tôi và nhiều người nữa, kể cả hai viên đại tá phi công: Người anh hùng của cuộc cách mạng 1963 vẫn mãi mãi là anh hùng dù là kẻ cầm cờ trắng. Dương Văn Minh đã đầu hàng dân tộc của ông, không phải đầu hàng quân thù. Ông đầu hàng những người anh em để dân tộc ngưng đổ máu, để có hoà bình.
Những người ra đi vào giờ chót Sáng 29-4-1975, dân biểu Nguyễn Hữu Chung đã âm thầm ra đi với chiếc tàu Việt Nam Thương Tín cùng mấy trăm người có máu mặt trong giới làm ăn kinh tế, tài chinh, ngân hàng. Trên tàu có cả Nguyễn Chánh Lý. Tàu Việt Nam Thương Tín nhổ neo với công lệnh hỏa tốc trên nền cờ vàng 3 sọc đỏ do Tổng Thống Dương Văn Minh ký theo yêu cầu của dân biểu Nguyễn Hữu Chung. Tướng Vĩnh Lộc cũng ra đi trên những chiếc tàu cuối cùng của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Ông phải lạy lục van xin đám sĩ quan chỉ huy tàu họ mới cho ông và bà vợ trẻ một chỗ đứng trên chiếc Tuần Dương Hạm. Cảnh một ông tướng phải quì lạy các sĩ quan trẻ tuổi chỉ huy tàu là một cảnh “đổi đời”, “quả báo”.
Ngày 30-4-1975 tại dinh Độc Lập 8 giờ sáng: Chính phủ do Tổng Thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cầm đầu họp phiên bất thường tại số 7 đường Độc Lập, Trụ sở Phủ Thủ tướng chế độ cũ (hiện nay là đường Lê Duẩn). 8 giờ 30: Tôi được lệnh Tổng Thống Dương Văn Minh gọi Tổng Giám đốc Đài truyền hình Sài Gòn là Trung tá Lê Vĩnh Hoà cùng với Tổng Giám đốc Đài phát thanh Sài Gòn lên gấp Phủ Thủ tướng để chuẩn bị thu bằng ghi hình cho một bài diễn văn quan trọng. 8 giờ 40 phút: Mmột ông già người Pháp, tướng hơi thấp, to béo, mặc “complet” thắt cà vạt đến tiền sảnh Phủ thủ tướng. Tôi đích thân ra tiếp. Ông ta tự giới thiệu là Đại Tướng Vanuxem trong quân đội Pháp, từng là bạn thân của Đại Tướng Dương Văn Minh, ông ta muốn gặp Tướng Minh có việc gấp. Tôi vào phòng Thủ Tướng báo cáo sự việc. Tướng Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đồng ý tiếp. Tướng Vanuxem được tiếp kiến khoãng 15 phút . Ông ta nói với Tổng Thống Dương Văn Minh “Bắc Kinh sẵn sàng có hành động quân sự cứu lấy Việt Nam Cộng Hòa khỏi rơi vào tay quân đội Bắc Việt. Ông là sứ giả mật của Bắc Kinh. Nếu Tổng Thống Minh đồng ý cứ lên truyền hình kêu gọi quốc tế can thiệp vì quân đội Bắc Việt đã xé hiệp định Paris. Tướng Vanuxem đảm bảo lập tức Bắc Kinh sẽ đổ bộ vào Việt Nam”. Tổng Thống Dương Văn Minh đã phản ứng: “Cám ơn, cám ơn bạn. Đây là chuyện riêng của người Việt Nam, tôi không muốn có bất cứ người nước ngoài nào can thiệp vào”. Tôi vội vả đưa Vanuxem ra ngoài. 9 giờ 10 phút: Bài diễn văn ngắn gọn của Tổng Thống Dương Văn Minh được truyền đi trên truyền thanh truyền hình. Tổng Thống Minh tuyên bố: “Thành phố Sài Gòn mở cửa, xin mời Mặt Trận Giải Phóng vào Dinh Độc Lập bàn giao chính quyền”. 9 giờ 20 phút: Toàn bộ Chính phủ Dương Văn Minh di chuyển lên Dinh Độc Lập. Tại Dinh Độc Lập đã có sẵn rất đông đảo người ngồi sẵn trong phòng khánh tiết. Đa số là những người lớn tuổi từng là quan chức lớn của chế độ cũ, đã về hưu từ thời Ngô Đình Diệm. Trong số đó tôi nhớ có Đại tá Trần Bá Thành, nguyên là Giám đốc Cảnh sát Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm, có những tay “cộm cán” từng làm lớn trong ngành cảnh sát của chế độ cũ. Họ tự động di tản vào Dinh Độc Lập với hy vọng núp dưới bóng của Tướng Minh, phó mặc hên xui may rủi, vì đã quá trễ họ không có đường nào khác để chạy. Điều đặc biệt, có cả tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Phó Thủ Tướng, (Chính phủ Trần Thiện Khiêm). Tiến sĩ Hảo trong bộ complet ba túi màu nâu đậm nói với Tổng Thống Dương Văn Minh: “Cách đây mấy ngày, em vừa chận kịp không cho Nguyễn Văn Thiệu tẩu tán 7 tấn vàng theo ông ta ra nước ngoài”. Nguyễn Văn Hảo có vẻ bị kích động, vẫn ăn nói ồn ào, vào ngồi ngay cả ghế tổng thống trước đây mà Nguyễn Văn Thiệu từng ngồi. Ông ta xây ghế vòng vòng, cười ha hả nói với tôi và Lý Quý Chung (chúng tôi quen nhau khá thân từ lâu qua môi giới của Võ Long Triều): “Đâu ngờ có ngày, moi lại ngồi lắc lư trên ngai vàng của Thiệu”. Tổng thống Dương Văn Minh vẫn tự nhiên để cho Hảo nhập chung với số người trong bộ tham mưu của ông. 9 giờ 30 phút: Tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù và nhiều binh sĩ xin gặp Đại tướng Dương Văn Minh tỏ ý muốn chiến đấu đến cùng. Đó là Tiểu đoàn bảo vệ Dinh Độc Lập, trang bị mạnh. Hai máy bay trên nóc Dinh vẫn đậu nguyên tại chỗ. Tướng Minh xúc động nói với binh lính: “Đây là giờ phút lịch sử, đất nước chúng ta sắp có hoà bình sau mấy chục năm chém giết lẫn nhau. Các em hãy nghe tôi bỏ khí giới, bỏ cả quân phục, chúng ta chờ đón hoà bình”. Viên tiểu đoàn trưởng và hàng trăm binh sĩ đã khóc nức nở, thi hành lệnh Tướng Minh. Họ cởi áo, xếp súng đạn vào một góc, mạnh ai nấy bỏ về. Nhiều người có mặt ở đó cũng không cầm được nước mắt. Không biết vui hay buồn lẫn lộn. 10 giờ: Tất cả mọi người còn lại trong nhóm Dương Văn Minh tập họp ngồi trong phòng khánh tiết của Dinh Độc Lập. Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Tổng tham Mưu Trưởng mặc quân phục và tôi đứng trên tiền đình Dinh Độc Lập đón chờ. Chung quanh Dinh Độc Lập xa xa vang nhiều tiếng súng đại liên bắn thị uy. 10 giờ 30 phút: 4 xe tăng của quân giải phóng tràn tới trước cửa chinh của Dinh Độc Lập. Nhiều loạt đạn bắn bổng nổ ầm ầm. Khói đạn khét lẹt bay mù mịt. Xe thứ nhứt hùng hổ ủi sập cửa chính của Phủ Tổng thống. Người lái xe đã làm một động tác rất đẹp: Anh ta cho chiếc xe chạy thẳng vào bãi cỏ trước sân, bánh xích ken két quần một vòng quanh bãi cỏ như động tác dẫm nát tất cả quá khứ ở đây. Ba chiếc sau chia nhau chạy bọc vào phía cánh tả và cánh hữu. Trên xe nhiều người nhảy xuống, tay cầm những lá cờ đỏ thật to quơ qua quơ lại tiến sát vào tiền đình. Rất ấn tượng. Theo sau hàng trăm lính bộ binh ùa tới. Và tiếp theo nữa, hàng trăm nam nữ phóng viên ký giả nước ngoài trang bị máy quay phim, máy hình chụp lia lịa. Người chỉ huy tóan quân la lên: “Nguyễn Văn Thiệu đâu, Nguyễn Văn Thiệu đâu”. Nhiều người lính khác vừa chạy vừa chĩa súng vào phía trong Dinh Độc Lập cũng la to: “Nguyễn Văn Thiệu đâu, Nguyễn Văn Thiệu đâu”. (Tới giờ phút đó những người lính của Quân Giải phóng cũng chưa biết Thiệu đã chuồn mất – có lẽ vì họ hành quân liên tục). Thiếu tướng Hạnh cản viên đại uý ngay tại tiền sảnh nói: “Tôi xin đón tiếp các anh, tôi xin đón tiếp các anh”. Viên chỉ huy nói: “Chỉ đường cho binh sĩ chúng tôi hạ cờ ba que”. Tôi ra dấu chỉ cầu thang lên nóc dinh cho họ. Mấy người lính tràn lên lầu, hạ cờ cũ, lập tức treo cờ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng trên nóc dinh. Từ 1945 cho đến 1975, ngày mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh mong muốn đã đến. Lá cờ đỏ đã sừng sững lộng gió bay trên nóc dinh thự lớn nhất Sài Gòn. Phía dưới, kỹ sư Tô Văn Cang, tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, kiến trúc Sư Nguyễn Hữu Thái (tay mang brassard đỏ) cũng đã vào đến phòng khách Dinh Độc Lập. Kỹ sư Tô Văn Cang nói với Đại Tướng Minh: “Các anh an tâm, có phía dân sự của chúng tôi dàn xếp”. Viên đại uý chỉ huy toán quân nói to: “Tất cả các anh vào ngồi thứ tự trong phòng chờ. Riêng anh Minh, anh Mẫu đi theo tôi. Các anh lên đài phát thanh đọc bài xin đầu hàng”. Họ chĩa súng vào Tướng Minh và ông Mẫu. Đến đài phát thanh ông Vũ Văn Mẫu phải viết mấy chữ xin đầu hàng. Tổng Thống Dương Văn Minh đã đọc những lời đó vào đúng 11giờ 5 phút trên đài phát thanh Sài Gòn (có sách nói rằng quân Giải Phóng đã buộc Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu vừa đi vừa giơ hai tay lên để đầu hàng. Đó là sự tưởng tượng của người viết. Tôi trực tiếp ở trong cảnh đó. Người chỉ huy của quân Giải Phóng đã đối xử tương đối rất tế nhị với ông Minh và ông Mẫu, không có chuyện bắt hai cụ giơ tay lên trời). 11giờ 30 phút: Đông đảo thanh niên hiếu kỳ tràn vào Dinh Độc Lập. Tôi và dân biểu Lý Quý Chung thừa lúc lộn xộn, những người lính canh mới không để ý lẻn ra ngoài phòng lớn, hoà mình trong đám đông dân chúng, tràn trở ra ngoài đường Công Lý. 12 giờ: Tôi đang đứng trước nhà thờ Đức Bà, tìm xe Honda ôm đi về nhà, họa sĩ Ớt tức Huỳnh Bá Thành đột nhiên xuất hiện. Ớt nói với tôi: “Anh và anh Lý Quý Chung yên tâm. Tôi nói thật, tôi là đại úy công an của Việt Cộng, tôi sẽ làm chứng để bảo vệ thái độ tốt đẹp của các anh”. Tôi bắt tay Ớt, cám ơn, đón được một chiếc Honda chạy về nhà ở sau Dinh Hoa Lan. Tôi thấy nhiều binh sĩ đang lục soát nhà Dương Văn Minh. Lúc đó có một cô nữ cán binh mặc bộ đồ bà ba đen, đầu quấn khăn rằn, tay cầm súng AK bá xếp, từ trong cửa nhà Dương Văn Minh đi ra ngoài. Tôi đứng ngơ ngác trông theo. Bóng dang cô nữ cán binh rất đẹp, ấn tượng. Tôi không biết cô vào nhà Tướng Dương Văn Minh để làm gì. Vài phút sau, tôi lại thấy luật sư Đỗ Hữu Cảnh (tức Ba Sơn), từ phía trong cổng số 3 Trần Quí Cáp đi ra ngoài. Thấy tôi đứng trước nhà, Ba Sơn gật đầu chào. Khói súng khét lẹt bay vần vũ ở chung quanh. Tôi đột nhiên quyết định dẫn vợ con và hai đứa em gái tản cư vào nhà của Lý Quý Chung, lúc đó còn ở trong một đầu hẻm lớn đường Nguyễn Tri Phương. Gia đình tôi được chị Nga – vợ Lý Quý Chung- đón tiếp niềm nở. Đêm đó cả hai gia đình tôi và anh Chung được chị Nga đãi ăn món chè thật ngon, chè sầu riêng nấu với nước cốt dừa. Từ sau đêm đó, cuộc đời của hai gia đình chúng tôi rẽ vào một khúc quanh mới..
Những dòng ghi thêm về ông Dương Văn Minh Nhớ lại chuyện gần 30 năm về trước, giống như một giấc chiêm bao… Giấc Nam Kha khéo bất bình Bừng con mắt dậy thấy mình tay không… Ông Duơng Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu và đoàn tuỳ tùng của ông tất cả trên dưới bảy, tám mươi người bị giữ lại tại Dinh Độc Lập sau khi ông lên đài phát thanh và đài truyền hình Sài Gòn công khai đọc lời đầu hàng quân Giải Phóng. Trong số những người bị (hay được) giữ lại trong Dinh Độc Lập không phải chỉ có những người trong nhóm ông Dương Văn Minh, chen lẫn trong đó còn có những ngừơi ở phe phái khác thuộc diện chống cộng, nhưng vì do dự chần chờ đã không tự động di tản trước, có thể gọi đó là những bị “kẹt” lại vào giờ phút chót, không biết đường trốn đi đâu, họ tự động tấp vào Dinh Độc Lập sáng ngày 30-4-1975, sau khi ông Dương Văn Minh đọc lời mời đại diện Mặt Trận Giải Phóng vào Dinh Độc Lập để bàn giao chính quyền. Những ngừơi bị kẹt lại đa số những ngừơi đã lớn tuổi, từng phục vụ cho Pháp, cho Ngô Đình Diệm và chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Họ có mặt tại Dinh Độc Lập vào những giờ phút cuối cùng của sự tan rã chế độ cũ. Có lẽ họ nghĩ rằng núp dưới bóng cây cổ thụ Dương Văn Minh, họ còn một chút hy vọng được sống sót, được bình an… nếu có xảy ra chuyện gì xấu đi nữa, họ cũng có thể được hưởng chung biện pháp đối xử như quân Giải Phóng đối xử với ông Minh và nhóm của ông. Tôi không nhớ hết và biết hết tên của những người đó vào giờ phút tàn cuộc, chỉ khẳng định một điều đa số những ngừơi đó không thuộc về nhóm Dương Văn Minh, mà họ thuộc về tàn tích của những thời kỳ cũ, của thời Tây và Mỹ còn ở Sài Gòn. Dĩ nhiên quân Giải Phóng đã không đối xử với họ giống như đối xử với nhóm của ông Dương Văn Minh. Chỉ duy nhất có Nguyễn Văn Hảo, dù không có ở trong nhóm của ông Dương Văn Minh, vào giờ chót, giờ thứ 25, có mặt trong tiền đình Dinh Độc Lập khoảng 10 giờ ngày 30-4-1975 vẫn hoà mình được với nhóm Dương Văn Minh vì bản thân ông Hảo từng là bạn bè thân thuộc với những cộng sự viên của ông Minh. Ông Dương Văn Minh và ông Nguyễn Văn Hảo chưa từng gặp nhau trước ngày 30-4-1975, nhưng lúc đó họ vẫn đối xử với nhau với tình thân thiện. Bản thân ông Dương Văn Minh cũng có cảm tình với Nguyễn Văn Hảo vì biết đó là một trí thức lỗi lạc, ông Hảo cũng có cảm tình với Dương Văn Minh vì biết ông Dương Văn Minh là người chân chinh yêu nước. Việc giữ lại kho bạc Sài Gòn 7 tấn vàng, không để cho nhóm Nguyễn Văn Thiệu mang đi, t sĩ Nguyễn Văn Hảo có thuật lại cho đông đảo những người có mặt trong Dinh Độc Lập sáng hôm đó được nghe. Ông Nguyễn Văn Hảo ngồi trên ghế của Nguyễn Văn Thiệu, nói oang oang và cười hà hà, chờ quân Giải Phóng đến. Về tài năng kinh tế của ông Nguyễn Văn Hảo, giới trí thức Sài Gòn cũ đa số đều mến mộ ông. Ông xuất thân từ một gia đình nghèo, gốc ở Long Xuyên, do là một học sinh thật xuất sắc, ông được học bổng đi học đại học ở Thụy Sĩ và tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại đó vào khoảng năm 1964. Trong chế độ cũ, có lúc Nguyễn Văn Hảo giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Nông thôn, chức vụ sau cùng trong chính quyền cũ của ông là Phó Thủ Tướng phụ trách kinh tế. Ông Hảo có rất nhiều quan điểm sáng giá về thời cuộc làm ăn, được nhiều người khâm phục. Từ đầu năm 1974, ông Nguyễn Văn Hảo đã đưa ra ý tưởng phải thúc đẩy doanh nhân đóng góp tích cực vào việc làm giàu cho đất nước. Trong lúc nhiều người giàu có, bỏ chạy, ông vẫn quyết định ở lại và chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi hco nọn người có tiền của ra đi với điều kiện họ tự nguyện để lại tài sản cho đất nước. Tư tuởng này của ông Nguyễn Văn Hảo đã được báo Chính Luận đăng tải vào giữa năm 1974 tại Sài Gòn. Đêm 30-4-75 ông Hảo cùng với ông Minh và mấy chục người nữa được cho ở dưới tầng hầm của Dinh Độc Lập. Họ được cho ăn uống đầy đủ. Chỉ riêng một mình ông Dương Văn Minh được một nhân vật cỡ bự của quân Giải Phóng mời nói chuyện riêng. Người đó là ông Cao Đăng Chiếm. Đêm hôm sau, ông Dương Văn Minh được mời nói chuyện với ông Trần Văn Trà, ngày 2-5-75 ông Dương Văn Minh được nói chuyện với ông Võ Văn Kiệt. Đêm 2-5-1975 rạng 3-5-1975, vào lúc 3 giờ sáng ông Dương Văn Minh, vợ ông và nhiều người thân cận được thả về ra khỏi Dinh Độc Lập. Một số người khác, có lẽ là tàn tích của chế độ thực dân Pháp, chế độ Mỹ – Thiệu không được cho về và đưa đi nơi khác ngay sau đó. Quân Giải Phóng cho 3 cái ô tô chở Dương Văn Minh và những người của ông về tận nhà ở số 3 đường Trần Quý Cáp vào lúc gần sáng. Kể từ giờ phút đó, ông Dương Văn Minh tiếp tục sống một cuộc đời an bình tại Dinh Hoa Lan cho đến khi ông được phép của chính phủ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cho đi Pháp cư trú với các con và cháu của ông. Tưởng cũng nên nhắc lại suốt từ ngày 3-5-1975 cho đến khi được cấp hộ chiếu đi Pháp ông Dương Văn Minh sống đời bình thản, không tiếp xúc chính trị với ai, không tiếp báo chí nước ngoài, ông chỉ tiếp bạn bè thân hữu, bà con, em cháu. Buổi sáng thức dậy ông chăm sóc hàng ngàn chậu hoa lan mà ông đã dầy công nuôi trồng từ nhiều năm trước. Hoa lan của ông Dương Văn Minh được chính bàn tay ông cắt tỉa, tưới tắm, chăm bón. Suốt ngày ông quanh quẩn ở nhà, không đi đâu ra khỏi bốn bức tường của Dinh Hoa Lan. Vườn phong lan của ông Dương Văn Minh lúc nào cũng có hoa nở, hoa đủ màu, đủ loại hình, đủ mọi giống, có những giống, có những cây ông mang từ những ngày lưu vong ở Bangkok về nước. Ông Dương Văn Minh chơi lan theo kiểu của một nhà hiền triết, rỗi rảnh nhìn vạn sắc màu, vạn hình thể, vạn phong thái của hoa lan để suy gẫm nét đẹp của thiên nhiên. Ông Dương Văn Minh là loại người trầm lắng, suy tư dù gốc của ông là một quân nhân, một tướng lãnh. Triết lý của ông là triết lý trầm lắng của Phật giáo, ông không đua chen, không tham lam sân si; ông thuộc vào loại biết đủ, thấy đủ; biết nhàn thấy nhàn. Đó là một loại triết lý pha lẫn giữa Phật giáo và Lão giáo. Ông sống khá bình dị, hoà mình với mọi người đa số bạn bè bà con đều thương ông. Có những người mang gạo đến cho gia đình ông ăn, mang cá mắm, khô từ miền quê đem đến cho ông vào những ngày cuối đời ông ở Sài Gòn. Trong tuần lễ đầu tiên sau khi ông được thả từ Dinh Độc Lập ra, Thượng toạ Thích Trí Quang bất ngờ có đến số 3 đường Trần Quý Cáp để thăm. Ông Dương Văn Minh đã thân tình tiếp ông Trí Quang khoảng 30 phút. Hai người chỉ thăm hỏi nhau về sức khoẻ, không bàn tán bất cứ điều gì về chính trị. Ông Dương Văn Minh thuộc vào loại người không có tham vọng cá nhân và hình như ông đã biết thời của ông đã hoàn toàn đi qua sau ngày 30-4-1975. Ngày đó, ông tự hãnh diện và tự mãn nguyện đã dũng cảm cầm lá cờ trắng để chấm dứt chiến tranh. Sau này chính quyền TPHCM có lần mời ông tham gia Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam với tư cách thành viên, ông cũng khéo léo và nhẹ nhàng từ chối. Có lúc, để cổ vũ cho việc nhân dân tham gia ủng hộ và phát triển học đường, người ta đã mời ông hai ba lần làm Chủ Tịch phong trào nhân dân bảo trợ học đường, ông có hơi do dự từ chối hay chấp nhận, sau cùng ông cũng đã từ chối vì ông dứt khoát muốn ở ẩn không tham gia vào việc công nữa dù đó là việc xã hội. Ở miền NamViệt Nam, trước đây người ta cứ lầm tưởng hễ làm lớn trong giới cầm quyền là giàu có, là no đủ. Chính tôi là người đã sống gần gia đình ông Dương Văn Minh gần 3 năm trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam và sau ngày giải phóng, tôi vẫn tiếp tục ở bên cạnh gia đình ông mãi cho tới năm 1983. Gia đình ông Dương Văn Minh thuộc vào loại thanh bạch, không có dư dả nhiều. Tài sản ông để lại trước khi ông đi Pháp là hàng ngàn chậu hoa lan, 3-4 con chó bẹc giê, 5-7 cái máy chụp hình loại chuyên nghiệp và lũ khũ những đồ đạc, vật dụng linh tinh không giá trị nhiều lắm của một vị tướng lãnh. Điều tôi còn nhớ rất rõ có khả năng chứng minh sự thanh bạch, liêm khiết không ham giàu có của ông Dương Văn Minh là sự việc sau đây: - Trước ngày giải phóng 30-4-75 chừng hai tháng, lúc đó nhiều dư luận chính trị của các giới có thế lực ở Sài Gòn đều nghĩ rằng Mỹ sẽ sử dụng giải pháp Dương Văn Minh thay thế cho Nguyễn Văn Thiệu và dùng giải pháp đó để thực hiện kế hoạch đàm phán đình chiến theo kiểu da beo. Đa số người có hiểu biết đều tin tưởng ông Dương Văn Minh có đủ uy tín và tư thế dể đạt một thoả hiệp hoà bình với phía Mặt Trận Giải Phóng miền Nam, với chính phủ Hà Nội. Đa số những nhà tài phiệt lớn ở Sài Gòn đều mong muốn giải pháp đó và đều ủng hộ ông Dương Văn Minh như ngọn cờ có thể phần nào cứu rỗi được họ. Tôi nhớ có một lần ngồi trong vườn phong lan nói chuyện với ông Dương Văn Minh, ông đã kể cho tôi nghe việc Tiến sĩ Trương Thái Tôn - Chủ tịch Việt Nam Ngân hàng, Tổng Giám đốc nhiều công ty lớn đánh bắt thủy sản, có nhiều tàu lớn đi biển đánh cá đại dương - qua trung gian của nhiều người bạn ông Minh, tới thăm và bày tỏ sự ủng hộ nồng nhiệt giải pháp Dương Văn Minh. Vì là chủ tịch Việt Nam Ngân hàng, là một người từng làm Bộ Trưởng Bộ Kinh tế dưới chính phủ Thiệu, ông Trương Thái Tôn rất cụ thể trong việc ủng hộ Tướng Minh. Ông trao tặng Tướng Dương Văn Minh một tập ngân phiếu trắng đã có đầy đủ con dấu và thủ tục để sử dụng rút tiền, yêu cầu ông Dương Văn Minh và vợ con ông Minh, bất cứ khi nào cần sử dụng tiền, với bất cứ số lượng nào, cứ viết ngân phiếu ra ngân hàng Việt Nam mà lãnh. Tập chi phiếu đó có thể rút ra được nhiều tỷ bạc Việt Nam vào thời kỳ trước giải phóng với lý do để cho Tướng Minh xài trong việc nước. Nhưng Tướng Dương Văn Minh đã không sử dụng và vợ ông ta cũng không sử dụng (dù là một đồng bạc). Lúc đó ông Dương Văn Minh nói với tôi: “Moi không thể xài tiền của họ cho dù với các mục tiêu chính đáng”. Việc đó không ai biết nếu tự động ông Dương Văn Minh không nói ra cho tôi nghe. Đó là một kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi về ông Dương Văn Minh, trong những ngày tôi nghèo đói sau này. - Bà Bùi Thị Mè, bà mẹ Việt Nam anh hùng, có bốn người con là tử sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, là một người từng đóng vai trò tích cực vận động để chính phủ CHXHCNVN chấp nhận cho ông Dương Văn Minh được xuất ngoại. Mỗi lần gặp tôi có dịp nhắc về Tướng Dương Văn Minh bà luôn nói đến với tình cảm trân trọng và với sự cảm động. Bà Mè nói với tôi: “Cô đã muốn rớt nước mắt khi một lần đến thăm ông Dương Văn Minh ở nhà con trai của ông tại Paris. Cô thấy anh Minh đang ngồi đơm lại cái áo sứt nút (lúc đó ông Minh đã trên 70 tuổi). Con dâu của anh Minh được giáo dục tại Pháp, nó đâu có quen phục vụ cho người già cả. Anh Minh phải tự vá quần áo và đơm nút áo”. Bà Bùi Thị Mè vừa nói với tôi vừa nhắc đến ông Minh và rơm rớm nước mắt. Bà còn nhắc lại với tôi nhiều lần về việc ông Dương Văn Minh, dù không có đủ tiền để trị bệnh tiểu đường cũng đã mạnh dạn từ chối không nhận trợ cấp của chính phủ CHXHCNVN trong thời gian ông sống ở Pháp, lúc về già ông nói: “Ở trong nước còn nhiều người khổ hơn tôi, tôi không thể nào nhận lãnh trợ cấp đó”. Được biết chính quyền TPHCM thông qua bà Bùi Thị Mè đã có nhiều lần ngõ ý trợ giúp ông Minh vì biết cảnh sống không được đầy đủ lắm của ông những ngày cuối đời ở Pháp. Viết đến đây tôi xin kể ra thêm một chi tiết về bản tánh khí khái của người tướng lãnh Dương Văn Minh. Trong thời gian còn ở Việt Nam, làm thủ tục để đi Pháp, ông Dương Văn Minh có được Tổng Lãnh Sự Pháp tại Sài Gòn đến nhà ông thăm viếng và bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Vị Tổng Lãnh Sự Pháp lúc đó có nói với ông Dương Văn Minh: Chính phủ Pháp có chỉ thị cho Tổng Lãnh Sự quán Pháp tại Sài Gòn sắp xếp chu đáo cho việc ông Minh sang Pháp (sau khi được chính phủ Việt Nam ở Hà Nội chấp thuận). Ông Tổng Lãnh Sự Pháp có hỏi Dương Văn Minh: “Đại Tướng có cần bất cứ việc gì, chính phủ Pháp sẽ sẳn lòng giúp đỡ”. Ông Dương Văn Minh đã trả lời: “Tôi rất cám ơn ông Tổng Lãnh Sự và xin ông Tổng Lãnh Sự vui lòng chuyển lời cám ơn của tôi đến chính phủ Pháp. Tôi đã được chính phủ Việt Nam dành mọi dễ dàng và giúp đỡ để cùng gia đình đoàn tụ tại Paris. Do đó tôi không có yêu cầu gì thêm nữa”. Vị Tổng Lãnh Sự Pháp đã rất bất ngờ khi nghe ông Dương Văn Minh nói như thế. Trước khi lên đường sang Pháp, ông Dương Văn Minh có nói với bà Bùi Thị Mè nhờ bà chuyển lới của ông đến chính phủ Việt Nam, sang Pháp ông không làm chính trị, không tiếp xúc báo chí và không trả lời phỏng vấn báo chí. Lời hứa đó suốt nhiều năm ở Paris và ở Mỹ, ông Dương Văn Minh giữ trọn mặc dù báo chí Mỹ và báo chí Pháp rất nhiều lần săn đón. Ông Minh sống đời bình thường với các con và các cháu nội, cháu ngọai của ông. Những ngày cuối đời ông Dương Văn Minh rất muốn được về Sài Gòn sống, chính phủ Việt Nam cũng đã nhiều lần tỏ ý thuận tình. Nhưng chẳng may vào năm 2002, trước khi được trở về Sài Gòn, tại đất Mỹ ông đã bỏ đi xa vĩnh viễn. Ông không trở lại Việt Nam nữa. Vào ngày lễ thứ 100 kỷ niệm ông mất, tại nhà ông ở đường Võ Văn Tần có một buổi lễ truy điệu trong nội bộ, bà con thân hữu của ông và đặc biệt của một số bạn bè chí cốt. Khi ông Dương Văn Minh chết tại Mỹ, cựu dân biểu Nguyễn Hữu Chung lúc đó đang ở Canada, có bay sang California để đọc một bài điếu văn rất cảm động về cuộc đời của Tướng Dương Văn Minh. Dân biểu Nguyễn Hữu Chung hiện nay cũng đã đi xa vĩnh viễn. Con trai của Tướng Dương Văn Minh đã đem hài cốt của ông từ Mỹ về vào ngày giỗ năm thứ hai, và đặt bàn thờ ông tại nhà số 3 đường Võ Văn Tần, quận 3 TPHCM. Căn nhà đó là một biệt thự xinh đẹp, lúc xưa được mang tên Dinh Hoa Lan, mấy năm gần đây đã xuống cấp, vẫn là nơi đầy kỷ niệm, ghi dấu những ngày nhiều người Sài Gòn tụ tập chung quanh ông Dương Văn Minh để đấu tranh cho nền hoà bình dân tộc. Hiện nay sau 30 năm, đa số những người đó đã vĩnh viễn ra đi. Chỉ còn lại tại căn nhà số 3 Võ Văn Tần một dấu tích: Ông tài xế của Tướng Minh, người gốc Khờ Me tên là Thạch Panh, năm nay (2004) đã 70 tuổi. Ông Panh mấy chục năm lái xe cho Tướng Dương Văn Minh, được ông và các con của ông Minh cho ở lại trong Dinh Hoa Lan. Mỗi lần những người quen thân với ông Dương Văn Minh gặp lại chú Panh, thấy chú Panh ai cũng nhớ đến người thầy cũ của ông. Cả gia đình chú Panh bây giờ đã có cháu chắt hàng mười mấy người đều tụ họp sống ở nơi trước kia gia đình ông Dương Văn Minh sinh sống. Một tình cảm thầy trò chung thuỷ, không phân biệt giai cấp, không phân biệt sang hèn đã thể hiện trong cuộc sống bình dị đầy tình cảm đạo đức và rất trong sạch của người tướng lãnh Dương Văn Minh, người con thân yêu của đất Láng Cò, Tân An; một con người đã sống và chết cho nền hoà bình của Việt Nam, cho sự độc lập của dân tộc. Theo nhiều người và rất nhiều người nữa, trong đó có tôi, ông Dương Văn Minh xứng đáng được tôn vinh là một người anh hùng, có đóng góp công sức vào nền hoà bình của Việt Nam. Lịch sử sau này có lẽ sẽ ghi đậm nét hình ảnh của một Dương Văn Minh trong sạch, yêu nước, yêu hoà bình và anh hùng.
15-3-15
|