Những Ngã Rẽ
 

Hồi ký


Dương Văn Ba

 

 


 

Chương 13

LÀM BÁO TRONG CHẾ ĐỘ MỚI,
LÀM CHÍNH TRỊ THEO SỰ HƯỚNG DẪN CỦA ĐẢNG…

 

Báo chí hiểu theo quan niệm của chủ nghĩa tư bản tại Pháp, tại Anh và Mỹ là quyền thứ tư của các công dân đứng sau nhưng ngang hàng với quyền lập pháp (Quốc hội), với quyền hành pháp (Chính phủ), với quyền tư pháp (Tòa án, Công tố viện). Báo chí là thể hiện quyền làm chủ của mọi công dân đối với các vấn đề của đất nước. Báo chí trong chế độ tư bản có quyền chỉ trích đường lối của chính phủ, có quyền đưa ra một chủ trương khác với chính phủ, báo chí có quyền đòi hỏi chính phủ phải trình bày những điều mà dân chúng thắc mắc. Hiểu theo nghĩa đó, báo chí là quyền thứ tư trong việc điều hành đất nước. Nước Mỹ ngay từ thời kỳ lập quốc cũng đã có những tờ báo lớn của từng bang, của các nhóm thế lực, chính trị và tài phiệt. Nói báo chí là quyền thứ tư ngang hàng với ba quyền và ba sức mạnh khác trong xã hội là để thể hiện tự do ăn nói, tự do ngôn luận, tự do phát biểu ý kiến của mọi người dân, từ chuyện nhỏ nhất là chuyện đổ rác, hốt rác trong phạm vi nơi mình ở, đến chuyện lớn nhất là chuyện lựa người đứng đầu đất nước, nắm quyền hành pháp và chuyện lựa chọn Quốc hội. Nói như thế chỉ nói về nguyên tắc, về cơ sở pháp lý xây dựng nên chế độ dân chủ tư bản. Trong chế độ dân chủ tư bản quy luật tự do cạnh tranh, cạnh tranh để sinh tồn và phát triển là quy luật được đương nhiên chấp nhận. Quy luật này dẫn đến sự hình thành và cấu kết của các thế lực mạnh, hình thành các xu hướng chính trị, hình thành các đảng phái và hình thành các cơ quan ngôn luận. Nói là tự do báo chí theo chủ nghĩa Tư bản phải hiểu đó là tự do phát biểu của các phe nhóm, các thế lực cạnh tranh. Quần chúng vẫn đóng vai trò kẻ đứng ngoài quan sát, phê phán, chấp nhận hay không chấp nhận, đi theo quan điểm này hay quan điểm kia. Tự do báo chí trong chế độ tư bản cũng tuân theo quy luật cạnh tranh để sinh tồn, ai cũng có quyền ăn nói, ai cũng có quyền nghe và không nghe. Người mạnh có sức mạnh nhiều hơn để lấn át kẻ yếu, tiếng nói của họ và đường lối của họ là thể hiện sức mạnh của những đám đông đi theo. Không ai quên việc ở London, Thủ đô của nước Anh có công viên High Park là nơi để bất cứ ai có ý kiến về mọi vấn đề xã hội, mọi xu hướng chính trị đến đó tự do đăng đàn diễn thuyết, có người nghe và có người không nghe. Người nói cứ nói cho đã miệng và có quyền tự do trình diễn các ý kiến của mình bằng những show cụp lạc, công chúng đứng nghe hoặc không nghe hoặc bỏ đi, bên ngoài công viên xe cộ vẫn ầm ầm qua lại. Công viên High Park là hình ảnh thu nhỏ của tự do ngôn luận trong chế độ tư bản. Cuộc cạnh tranh để sinh tồn và phát triển đã tạo nên những luồng thông tin lớn, những thế lực báo chí lớn, những ông vua trong diễn đàn ăn nói của xã hội tư bản. Các tờ báo lớn ở Mỹ như Newyork Times, Washington Post, Wall Street Journal… là những tiếng nói quyền lực nhất nước Mỹ thể hiện sức mạnh của dư luận, dư luận đó luôn luôn có ảnh hưởng tới các quyết định, các chính sách của một chính phủ. Tờ báo không chỉ là tiếng nói suông, tờ báo tượng trưng, hội tụ sức mạnh của các quyền lực chính trị và kinh tế trong nước Mỹ. Chính phủ Mỹ không thể cai trị đất nước nếu không cư xử theo những phản ánh của báo chí, cư xử đối đầu hoặc cư xử thuận chiều…

Ở các do tuyệt đối cũng chỉ là một chuyện không tưởng. Báo là sức mạnh là quyền lực, các nhóm chính nước nhỏ đang phát triển, báo chí không có sức mạnh và có quyền lực ghê gớm như ở Mỹ, ở Anh và Pháp. Báo chí ở Nhật Bản cũng thể hiện quan điểm của các phe phái, các thế lực chính trị và tài phiệt. Các ông trùm báo chí ở Nhật cũng là những ông trùm tài phiệt và đảng phái. Họ không xuất hiện công khai trên chính trường, nhưng các thế lực chính trị trong nước luôn luôn phải lắng nghe và có phần phải cấu kết với họ. Nói tóm lại, báo chí là sức mạnh của các tập đoàn quyền lực chính trị hay kinh tế. Báo chí trong chế độ tư bản cũng chỉ là cơ quan ngôn luận trực thuộc các thế lực. Quan niệm tự do báo chí chung chung chỉ là một quan niệm có trên sách vở, không có trên thực tế. Ngày nay dù là ở một nước tự do theo kiểu Thái Lan hay theo kiểu Singapore, quyền lực báo chí cũng chỉ nằm trong tay các nhóm thế lực chính trị và tư bản. Báo chí ở Thái Lan chỉ tự do trong việc tôn trọng vương quyền của vua Thái, trong việc tôn trọng đạo giáo của quốc gia Thái là đạo Phật, trong việc thể hiện quyền lực và ý muốn của các đảng cầm quyền hay đối lập tại Thái. Trong bất cứ nước nào dù là đã phát triển hay đang phát triển quan niệm tự trị, các nhóm tư bản luôn luôn sử dụng sức mạnh đó. Ở Singapore tự do báo chí còn được quy định khắt khe hơn, quyền đăng đàn diễn thuyết để tự do nói những ý kiến cá nhân theo kiểu ở High Park London, chỉ mới được chấp thuận dưới trào của tân thủ tướng Lý Hiền Long. Quá trình phát triển tự do báo chí ở một nước tiên tiến như Singapore trong suốt thời gian dài từ ngày lập quốc đến nay cũng phải tháo cởi lần lần bớt những hạn chế.

Ở Việt Nam từ sau ngày 30- 4- 1975, quan niệm về sự tự do của báo chí cũng khác hẳn quan niệm tự do báo chí thời chế độ cũ. Tự do báo chí thời chế độ cũ là một thứ tự do lừa phỉnh, không nên hình nên dáng, cóp nhặt và sao chép không đúng chính hiệu của các nước phương Tây. Thực tế mà nói hoàn toàn không có tự do báo chí thời kỳ Ngô Đình Diệm và thời kỳ Nguyễn Văn Thiệu. Ở hai thời kỳ đó nhật báo đã phát triển từ số lượng 4, 5 tờ (thời Diệm) lên tới số lượng vài ba chục tờ (thời Thiệu). Tư nhân quả thật trong chế độ cũ có quyền làm chủ báo. Nhưng những ông chủ báo thời đó cũng chỉ là nhà tư bản, nhà chính trị hay tay sai của các nhà chính trị, nhà tư bản núp ở bên trong. Thời Diệm Đảng Cần Lao Nhân Vị cũng xuất bản nhật báo. Thời Thiệu có rất nhiều tờ báo của chính quyền trá hình. Nhật báo của trung ương tình báo, nhật báo của Đảng Dân chủ hay nhật báo của các đảng phái chính trị theo đuôi Thiệu và theo đuôi Mỹ. Những tờ nhật báo này hoàn toàn bị chi phối bởi chính quyền Diệm, Thiệu, bởi CIA Mỹ hoặc bởi Trung ương Tình báo Việt Nam. Các tờ báo gọi là báo của tôn giáo như báo Chánh Đạo, báo Tự Do cũng chỉ là cơ quan ngôn luận của các đảng phái tôn giáo thân Mỹ hoặc chống Mỹ. Đứng từ trên vị trí chính trị của họ, đứng từ trên gốc gác tài chinh yểm trợ họ, hoặc từ trên gốc gác quyền lực họ hậu thuẫn, báo chí chế độ cũ cũng chỉ có một thứ tự do trong vòng rào của kẽm gai quyền lực, trong vòng rào của đô la xanh, đô la đỏ. Tìm hiểu nội dung và cách thức thể hiện của báo chí trong chế độ cũ có thể tìm thấy nội dung qua bản chất của cái gọi là chế độ dân chủ. Chỉ có một thứ dân chủ hình thức bề ngoài, bên trong luôn luôn tàng ẩn, chứa đựng ý hướng quyền lực trá hình của phe này hay phe nọ. Cuộc giải phóng và chiến thắng hoàn toàn ở miền Nam của lực lương cách mạng, của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng, của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lật qua những trang hoàn toàn mới cho nên báo chí tại miền Nam Việt Nam và nền báo chí đó sau thời kỳ non trẻ, đã lần hồi chuyển tải được những nội dung chân thật, những kêu đòi mới của dân chúng sau cách mạng, nền báo chí của miền Nam Việt Nam cũng có tác động thay đổi cung cách báo chí cứng ngắt, khuôn sáo, giáo điều của nền báo chí miền Bắc trong suốt thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc. Hiện nay giữa báo chí Sài Gòn và báo chí Hà Nội đã có nhiều thay đổi so với gần 30 năm về trước. Sự lớn mạnh của dòng báo chí Sài Gòn, của những tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên…. đã thể hiện sự trưởng thành không thể phủ nhận được của những người làm báo Sài Gòn mà cách đây 30 năm họ mới chỉ là những thanh niên tập tễnh bước vào nghề cầm bút. Báo chí Sài Gòn hiện nay có một đội quân những người viết báo, săn tin, viết phóng sự, ký sự, viết xã luận, viết nghiên cứu những vấn đề thời sự kinh tế xã hội. Đội quân này đã lớn lên từ những ngày đầu non trẻ sau thời kỳ cách mạng chiến thắng. Trong thực tại của tình hình miền Nam sau ngày giải phóng, việc tiếp tục cho ra đời nhật báo Tin Sáng đóng góp một bước nối tiếp, một thời kỳ chuyển đổi quá độ từ cung cách làm báo theo những thói quen dưới chế độ cũ qua cung cách mới mẻ, làm báo chân chinh, hậu thuẫn cho sự phát triển của chế độ, hậu thuẫn cho sự lớn mạnh cho cách mạng, làm báo không còn là chống phá chính quyền mà làm báo chính là hỗ trợ để chính quyền có thể vững mạnh, tốt hơn, có kinh nghiệm nhiều hơn, biết nghe ngóng nguyện vọng nhân dân hơn trong vấn đề phát triển đất nước, trong việc sửa sai những lỗi lầm quản lý, những sai  sót do ấu trĩ trong các chủ trương chính sách. Báo chí trong chế độ Sài Gòn cũ đã tiếp tay với cách mạng giựt sập toàn diện bộ máy chiến tranh kềm kẹp do chính quyền Mỹ dựng nên. Báo chí trong chính quyền mới từ sau tháng 4 – 1975 , đặc biệt với sự hiện diện của tờ Tin Sáng (hồi II) đã góp phần làm công cụ đấu tranh và xây dựng đất nước theo đường lối của Đảng cộng Sản Việt Nam. Báo chí được sự chỉ đạo, hướng dẫn, quan sát, kiểm tra của Đảng để ngày ngày báo chí càng mạnh hơn, càng có sức nặng trước dư luận quần chúng, báo chí góp phần tạo nên tiến trình phát triển của đất nước trong hướng có văn hoá, văn minh, trong hướng càng ngày càng phát triển các quyền tự do dân chủ cơ bản của nhân dân: đó là quyền tự do làm ăn kinh tế, đó là quyền được hưởng một nền giáo dục hiện đại, tiến bộ kịp trào lưu thế giới, đó là quyền được nói thẳng thắn về những điều còn khiếm khuyết, còn lạc hậu của những người cầm quyền, đó là quyền được tự do tìm hiểu các thông tin tiến bộ của thế giới, đó là quyền được sống ngang tầm hoà bình, giao lưu hữu nghị với mọi dân tộc tiến bộ. Quan điểm cơ bản về thế nào là tự do báo chí sau gần 30 năm giải phóng, đã có những thay đổi rõ nét. Tự do báo chí là tự do phát biểu ý kiến trong việc xây dựng một chính quyền càng ngày càng tốt hơn. Tự do báo chí chỉ có được trong hướng phục vụ tối đa quyền lợi đất nước. Báo chí bây giờ đã có thể nói là trưởng thành, trong quá trình trưởng thành đó, 6 năm liên tục làm và viết báo của những nhà báo trong nhóm Tin Sáng đã có những đóng góp nhất định cho sự tiến bộ chung. Nhiều người đọc và nhìn ngẫm tờ Tuổi Trẻ hoặc tờ Thanh Niên những ngày hôm nay, không khỏi nhớ lại những ngày đã qua mà nhật báo Tin Sáng trong đó có tâm huyết đóng góp liên tục, nhẫn nại, trong sáng của hàng trăm trí thức Sài Gòn cũ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, với sự khuyến khích và dìu dắt của những con người như Trần bạch Đằng, Kỳ Phương, những nhà quản lý báo chí như Trần Tâm Trí, Bảy Thủ, những đàn anh trong làng báo miền Bắc như Thép Mới, Hoàng Tùng, Lưu Quý Kỳ, những nhà văn nhà thơ lừng lẫy như Cù Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…. Tất cả những người đó đã có góp phần không ít trong việc tạo dựng nên một phong cách làm báo khá đặc biệt của nhật báo Tin Sáng: Phong cách vừa cũ của những người đã từng làm báo trong chế độ tư sản, bộc phá, hăng hái đôi khi quá khích phóng túng cộng với sự mềm mỏng, chững chạc, trưởng thành phá bỏ những khuôn sáo rào cản của thời kỳ làm báo theo giáo điều. Theo tôi nhật báo Tin Sáng hồi II có một vị trí đặc biệt trong lịch sử báo chí miền Nam sau giải phóng, có một đóng góp cụ thể nhất định cho sự trưởng thành của những tờ báo sau này.

 

Ngô Công Đức không có tiền để xuất bản tờ báo Tin Sáng sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng

Tôi còn nhớ rõ, khi về Sài Gòn những ngày đầu tài sản của Ngô Công Đức không còn có bao nhiêu. Những năm tháng anh ta sống ở nước ngoài, vợ và con ở nhà cố giữ nếp sống phong lưu nhàn tản và một phần cũng dựa vào hoạt động của dân biểu Nguyễn Văn Binh và bà chị ruột của anh Đức là bà Ngô Thị Mão. Anh Binh (gốc là trung tá quân đội cũ, có lúc làm quận trưởng Gò Vấp), chị Mão, chị ruột của Ngô Công Đức là người kinh doanh về ngành thẩm mỹ viện. Hai anh chi Binh và Mão đã góp phần giữ vững mối quan hệ của Ngô Công Đức với bên nhà và đặc biệt là với Giáo Hội Công Giáo Sài Gòn. Có thể nói trở về Sài Gòn sau 3-4 năm làm chính trị ở nước ngoài, Ngô Công Đức với hai bàn tay không bề ngoài, đã sử dụng cơ hội làm chủ nhiệm nhật báo Tin Sáng để vừa kinh doanh, vừa làm chính trị phục vụ chế độ mới. Khi được giao tờ Tin Sáng, Ngô Công Đức cũng phải chạy lăng xăng tìm vốn đầu tư. Dân biểu Lý Quý Chung thời đó có một người bà con khá giàu, còn để kẹt trong ngân hàng Việt Nam Thương Tín của Sài Gòn cũ gần cả tỉ bạc. Người bà con đó của ông Lý Quý Chung đề nghị với Ngô Công Đức và ông Chung sẵn sàng hiến 2-3 tài sản còn kẹt ở ngân hàng cho báo Tin Sáng. Ông Ngô Công Đức đã tìm cách vận dụng để rút số tiền to lớn đó ra khỏi ngân hàng, sử dụng vào việc đầu tư xuất bản nhật báo Tin Sáng. Người mà ông Ngô Công Đức nhờ cậy để làm động tác giải ngân đó là ông Trần Bạch Đằng (ông Tư Ánh). Anh Tư Ánh rất tốt bụng và rất khẳng khái, nghĩ rằng việc tạo cho Ngô Công Đức có tiền xuất bản nhật báo Tin Sáng theo chủ trương của Đảng thời bấy giờ, là một việc làm phải đạo. Anh Tư đã chấp nhận lời đề nghị của Ngô Công Đức, anh viết một lá thư riêng cho ông Trần Dương (tức là ông Ba Dương) quyền Thống đốc ngân hàng miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, đề nghị ông Ba Dương giải toả số tiền đó cho báo Tin Sáng. Thư của ông Trần Bạch Đằng gửi ông Ba Dương, Ngô Công Đức có rủ tôi cùng đi tìm ông Ba Dương để xin giải quyết vấn đề. Ông Ba Dương vui vẻ tiếp đón, hứa nghiên cứu và bàn bạc với chính phủ. Nhưng kết quả việc vận động đó không thành. Ông Ngô Công Đức vẫn kiên trì tìm những đầu mối có tiền khác để yểm trợ cho việc ra báo Tin Sáng, một sự kiện thật mới mẻ trong chế độ Cộng sản, thời kỳ mới giải phóng. Ông Ngô Công Đức đã tìm được một người bà con khác ở Trà Vinh, là chủ sở hữu một dãy nhà khá lớn có 4 tầng lầu ở Trần Hưng Đạo, Quận I. Thời chế độ cũ dãy nhà này là chỗ cho nhân viên người Mỹ thuê mướn để ở. Ngô Công Đức có dẫn tôi đến đó để xem xét và bàn bạc với chủ nhà về việc thuê mướn dãy nhà đồ sộ đó làm văn phòng tòa soạn báo Tin Sáng. Giữa ông và chủ nhà có bà con, việc thương lượng với chủ nhà có nhiều thuận lợi. Trong quan niệm của ông Đức, nếu có điều kiện, tòa soạn báo Tin Sáng thời kỳ mới phải thật to, thật đồ sộ để gây ấn tượng ở trong nước cũng như đối với nước ngoài. Cuộc thương lượng thứ hai cũng dây dưa 5-7 ngày, chưa thành công, ông Ngô Công Đức có sự gợi ý của một vài linh mục thân quen mới tìm đến thương lượng với nhà in Nguyễn Bá Tòng của Cha Sở Họ Đạo Huyện Sĩ. Lúc đó, phía Công giáo cũng đang bỏ không nhà in Nguyễn Bá Tòng, chưa biết sử dụng vào việc gì, chưa biết số phận của nó ra sao. Ngô Công Đức gõ cửa nhà in Nguyễn Bá Tòng là gõ cửa đúng lúc và đúng chỗ. Phía nhà thờ Công giáo đồng ý giao cho Ngô Công Đức toàn bộ nhà in Nguyễn Bá Tòng ở góc đường Bùi Thị Xuân và đường Bùi Chu (nay là đường Tôn Thất Tùng) không biết rõ mỗi tháng Ngô Công Đức thuê nhà in, thuê cả căn nhà 3 tầng lầu rộng mênh mông bao nhiêu tiền, chỉ biết báo Tin Sáng đã đặt trụ sở tại đó khá thuận lợi, căn nhà đồ sộ, rộng rãi, thừa khoảng không gian để sắp xếp các phòng làm việc. Phòng phát hành và phòng quảng cáo nằm dưới tầng trệt. Phòng chủ nhiệm nằm ngay góc chính của tầng 1 rộng thênh thang có thể nhìn xuống đường Bùi Chu và cả đường Bùi Thị Xuân. Kế bên phòng chủ nhiệm là phòng kế toán, phòng công tác bạn đọc, phòng tổng biên tập nằm một bên cũng trên tầng 1, chiếm một vị trí cũng khá khang trang. Lầu 2 là phòng biên tập, ba ông phó tổng biên tập mỗi ông chiếm một góc nhà, vây chung quanh mỗi phó tổng biên tập là bàn của các phóng viên được chia ngồi theo khối. Lúc mới khởi đầu, phóng viên Tin Sáng chỉ trên dưới 20 người. Đa số là những phóng viên từ thời chế độ cũ còn đọng lại. Ngô Công Đức giao cho tôi nhiệm vụ lựa chọn và dìu dắt một số phóng viên mới, hướng dẫn họ cách làm việc, cách săn tin và viết tin. Nhớ lại thời kỳ đó công việc khá mới mẻ và khá bộn bề. Những phóng viên xin vào làm việc tại báo Tin Sáng thời kỳ này, hầu hết là những người mới, chưa có chuyên môn làm báo nhưng lại là những người tốt nghiệp cử nhân luật, cử nhân kinh tế, cử nhân quản trị kinh doanh và một số phóng viên trẻ của Việt Tấn Xã. Tuy chưa có tay nghề vững vàng, ngoại trừ các phóng viên của Việt Tấn Xã, những người trẻ trí thức vào làm báo Tin Sáng đều là những người có năng lực, có người thông thạo hai ngoại ngữ. Những chị như Đặng Thị Ánh Nguyệt (luật sư tập sự thời chế độ cũ), Huỳnh Thị Mỵ Cơ từng là vợ phó đốc sự hành chinh, Lã Thị Kim Thoa (cử nhân luật), Phan Thị Kim Hoanh, Phạm Thị Minh Tánh, Hoàng Hữu Ly (cử nhân xã hội học), Phạm Thanh Vân (cử nhân luật), Huỳnh Thị Thanh Vân (cử nhân luật), sau này là vợ của linh mục Nguyễn Ngọc Lan… Những người trí thức trẻ đó xuất phát từ những gia đình có học vấn bề thế, sau giải phóng, không có việc gì làm thích hợp, hội tụ về nhật báo Tin Sáng giống như những bông hoa rơi rụng xuống dòng sông, tắp vào bến bờ có người đang cần những tài năng, những hương sắc mới, cầm vợt vớt lên đem vào nhà trưng bày sử dụng. Ngô Công Đức và Hồ Ngọc Nhuận đã có sáng kiến mở lớp huấn luyện nghề làm phóng viên cho lực lượng trẻ mới đó. Tất cả có trên 30 người vừa được thu dụng làm phóng viên tập sự cho báo Tin Sáng, vừa được tham dự lớp tập huấn nghề làm báo. Ban giảng dạy lớp học đó do Hồ Ngọc Nhuận đứng đầu, tôi phụ trách giảng dạy về cách săn tin, viết tin, về quan điểm phân loại tin tức, Nguyễn Hữu An giảng dạy về những vấn đề tin tức quốc tế, Lý Quý Chung giảng dạy về cách tường thuật thể thao, cách viết những chuyên đề về thể thao các loại. Trương Lộc, Minh Đỗ, Trần Trọng Thức cũng có tham gia trong khoá huấn luyện hướng dẫn kỹ thuật làm báo viết báo. Anh Hồ Ngọc Nhuận có mời các diễn giả như Trần Bạch Đằng, Lưu Quý Kỳ kể cả mời anh Thép Mới – Phó tổng biên tập báo Nhân Dân lúc đó từ Hà Nội vào Sài Gòn phát biểu quan điểm về báo chí. Khoá huấn luyện phóng viên của nhật báo Tin Sáng đã mang lại hiệu quả tích cực. Những cây viết trẻ của nhật báo Tin Sáng thời kỳ đó như Huỳnh Cẩm Nhung, Phạm Thanh Vân, Hoàng Hữu Ly đã có những bài viết và những bản tin khá tốt. Các phóng viên mới vào nghề như Triệu Bình, Trần Hồng Sư, Lã Thị Kim Thoa đều hoàn thành tốt vai trò của mình mỗi lần được tòa soạn cử đi công tác. Loạt bài phóng sự của phóng viên Huỳnh Thị Cẩm Nhung nói lên tâm tình của những cán bộ tập kết ra Bắc 21 năm sau trở về miền Nam, với những ký ức, những kỷ niệm thời kỳ ở đất Bắc gian khổ nhưng vẫn chịu đựng chấp nhận dấn thân cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, loạt phóng sự của Huỳnh Cẩm Nhung đã gây xôn xao dư luận. Có người đánh giá đó là một loạt bài tiêu cực, nhưng cũng có rất nhiều người cho đó là loạt ký sự có giá trị lịch sử trong bước đầu hoà hợp dân tộc. Sau này, cô Huỳnh Cẩm Nhung, vì hoàn cảnh riêng đã vượt biên sang Mỹ. Nghe nói trong thời gian ở trại tị nạn Mã Lai, Huỳnh Cẩm Nhung từng bị ăn đòn bởi những tay lưu vong quá khích về loạt bài phóng sự cô viết trên nhật báo Tin Sáng phản ánh tâm tình của những nguời cán bộ tập kết.

Báo Tin Sáng xuất bản với tư cách báo tư nhân, với những cây viết tên tuổi quen thuộc trong làng báo Sài Gòn cũ như Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung, Dương Văn Ba, linh mục Chân Tín, linh mục Nguyễn Ngọc Lan, giáo sư Châu Tâm Luân, giáo sư Phạm Hoàng Hộ, tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn, thể hiện sự liên tục của hai thời kỳ báo chí. Độc giả không phải ngỡ ngàng, không phải hụt hẫng và thái độ tham gia mua báo, đọc báo của họ khá tích cực. Ngày nào nhật báo Tin Sáng cũng phải đón tiếp hàng chục độc giả đến trao đổi, hỏi thăm, bàn bạc. Anh Hồ Ngọc Nhuận đã có sáng kiến thành lập phòng công tác bạn đọc để tiếp xúc thu thập những thắc mắc của dân chúng, trả lời những vấn đề đó trong phạm vi có thể và chuyển những nguyện vọng của họ đến chính quyền là một cách biến báo chí thành nhịp cầu giữa dân và nhà cầm quyền. Nhịp cầu đó rất có lợi cho việc trị an, thoả mãn được một phần thắc mắc của nhân dân, từ đó việc liên lạc giữa nhà báo với bạn đọc càng ngày càng phát triển mạnh. Mối quan hệ bạn đọc và nhà báo được coi quan trọng ngang tầm với mối quan hệ nhà báo và chính quyền. Từ việc coi trọng mối quan hệ đó, báo Tin Sáng đã nắm bắt thêm nhiều đề tài thực tế sát cạnh đời sống quần chúng. Tính quần chúng của báo Tin Sáng phần lớn xuất phát từ chủ trương khai thác các vấn đề do độc giả nêu ra. Báo Tin Sáng có diện mạo hoàn toàn khác hẳn với các tờ báo của Đảng như tờ Nhân Dân, tờ Sài Gòn Giải Phóng. Hai tờ báo này của Đảng đứng trên góc độ phổ biến chủ trương của nhà nước, quảng bá ý đồ của nhà nước. Trong khi đó báo Tin Sáng nêu lên những vấn đề của dân, phản ánh cuộc sống của dân. Hai vị trí khác nhau, cho nên hai cung cách làm báo cũng khác nhau.

 

Cách thức chăm sóc báo Tin Sáng của chính quyền mới

Trước ngày giải phóng, không bao giờ chính quyền chăm sóc, hướng dẫn báo chí một cách bài bản và có hệ thống chặt chẽ như sau ngày 30- 4-1975. Biện pháp quản lý các báo của Bộ Thông Tin chế độ cũ là kiểm duyệt công khai, nếu cần thiết thì tịch thu hoặc đóng cửa, không cho tiếp tục xuất bản. Sau ngày giải phóng, báo chí được quan niệm là cơ quan tuyên truyền của Đảng, cho nên Ban Tuyên huấn Trung ương hoặc Ban Tuyên huấn Thành Ủy TP.HCM chăm sóc báo chí rất kỹ.

Đầu tiên là việc thường xuyên hội họp của Ban Tuyên huấn với các nhà báo. Lúc tôi làm phó tổng biên tập báo Tin Sáng phụ trách phần tin tức thời sự hàng ngày, tôi được Ngô Công Đức cử đi dự các cuộc họp của Ban Tuyên huấn Thành ủy để nghe các chỉ đạo về cách thức tuyên truyền hàng ngày và để nghe phổ biến chủ trương đường lối của Đảng về các vấn đề thời sự. Ông Nguyễn Sơn – Phó ban Tuyên huấn Thành ủy - là người tập cuộc họp của các báo và thay mặt cho ông Trần Trọng Tân – Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy - để nêu bật ý nghĩa của các vấn đề thời sự, nói rõ quan điểm của Đảng về các vấn đề quan trọng hàng ngày. Dĩ nhiên đó là một cách thông tin có lựa chọn và cũng là một cách chỉ đạo tế nhị vấn đề nào nên hay không nên nói đến. Trong các cuộc họp đó, ông Nguyễn Sơn luôn luôn nêu bật các điểm trọng tâm, các ưu tiên thời sự trong tuần và đề nghị các báo nên hướng dẫn dư luận thế nào về các vấn đề đó. Ông Trần Trọng Tân rất ít khi xuất hiện trong những cuộc họp chỉ đạo báo chí. “Anh Hai Tân” một nhân vật đứng đầu của Tuyên huấn Thành ủy, chỉ xuất hiện công khai mỗi khi có vấn đề thời sự trọng đại. Ông Tân nói chuyện khá hấp dẫn, khá logic và cũng khá đanh thép. Các báo rất nể ông Hai Tân và thích nghe những lời trực tiếp chỉ đạo của ông. Về phần Vụ Báo chí Trung ương, ở phía Nam có ông Trần Tâm Trí là vụ phó và anh Bảy Thủ là thường trực của Vụ Báo chí tại Sài Gòn, hai anh này làm việc khá thân với Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận và tôi. Những cuộc tiếp xúc riêng của ông Ba Trí với Ngô Công Đức, ông Đức thường kéo tôi đi theo để nghe và ghi chép. Ông Đức nói với Vụ Báo chí của Đảng: Dương Văn Ba là người trực tiếp được báo Tin Sáng giao cho nhiệm vụ thực hiện đúng đắn những chỉ đạo của Vụ Báo chí đối với các vấn đề thời sự. Do đó, sự thân quen của ông Ba Trí với ông Đức, với tôi càng ngày càng rõ rệt và chúng tôi luôn cố gắng thể hiện hướng chỉ đạo của Đảng đối với các vấn đề thời sự. Cách thức làm việc, chỉ đạo của Tuyên huấn Trung ương đối với báo chí, thông qua ông Ba Trí khá nhẹ nhàng và thành công.

Ông Ba Trí là người thích uống rượu mạnh, mỗi lần kéo tôi đến nhà riêng ông Ba Trí ở đường Trần Nhật Duật – Tân Định, Ngô Công Đức thường mang theo một chai whisky (hoặc Hennessy), kèm theo một hoặc hai chai rượu chát đỏ. Thời đó, rựơu vang đỏ của Pháp và Mỹ chưa tràn lan như bây giờ, nên Ngô Công Đức rượu đỏ Cabernet. Lần nào ở nhà anh Ba Trí cũng mất đôi ba tiếng đồng hồ, ba người vừa uống vừa lai rai nói chuyện. Dĩ nhiên, tôi chỉ là người hụ hợ. Đối ẩm chinh của Ngô Công Đức vẫn là anh Ba Trí. Ông Trần Tâm Trí tinh tình hiền hòa, cởi mở cho nên việc tâm tình thân quen trong tiệc nhậu quả là càng ngày càng khắn khít. Người “commissaire” của báo Tin Sáng rất nhẹ nhàng, những chỉ đạo của ông thường mang tính cách tâm tình, do đó rất sâu lắng và hiệu quả. Vị thế của Ngô Công Đức đối với ngành báo chí của Đảng được vun vén bằng cảm tình và sự ủng hộ trong sáng của anh Ba Trí. Đối với tôi, anh Ba Trí là một công chức cao cấp có tầm cỡ và dễ mến. Nhiệm vụ tuyên truyền của báo Tin Sáng được Tuyên Huấn TW Đảng giao phó, suốt thời kỳ 1975-1981 đã được khéo léo vuông tròn, phần nào cũng do công dìu dắt, tích cực nâng đỡ của ông Trần Tâm Trí. Nhưng thực ra ông Ba Trí chỉ đóng vai “nổi” công khai, người đóng vai trò hậu thuẫn tích cực và có hiệu quả dẫn dắt Tin Sáng đi qua con đường gần 6 năm tròn làm báo theo sự chỉ đạo của Đảng Cộng Sản, chính là ông Phó Ban Tuyên Huấn TW Trần Bạch Đằng. Ông Trần Bạch Đằng khá sâu và khá bén nhạy trong vấn đề dìu dắt và hướng dẫn báo Tin Sáng đi theo đường lối cách mạng. Những ý kiến có tính cách chỉ đạo của ông thường được đưa ra rất nhẹ nhàng như những gợi ý, soi đường. Ban Lãnh đạo báo Tin Sáng đã noi theo những gợi ý đó và hành xử việc làm báo hàng ngày với những sáng kiến, những vận dụng sáng tạo chủ trường của Đảng vào các vấn đề thực tế của đời sống. Đọc báo Tin Sáng người ta vẫn thấy hơi hướm của một sự thoải mái, không gò bó trong ngôn từ, không qua công thức cứng ngắt trong cách viết tin, viết bài, trong cách nêu các vấn đề quan trọng và trong cung cách đặt “tít” (tựa đề) cho các tin và các bài. Những dòng tít ngắn gọn, phá bỏ khuôn sáo, phá bỏ giáo điều được nêu lên hàng ngày trên nhật báo Tin Sáng, có tính cách mở đường, khai phá, xé bớt rào cản khô cứng, khuôn thước không cần thiết, xa rời đọc giả của dòng báo chí cách mạng cũ. Đặc tính nổi bật của các dòng tít, của cách thức viết tin hàng ngày trên báo Tin Sáng, thể hiện sự phá bỏ khuôn sáo, phá bỏ khẩu hiệu mà người đọc đã khá nhàm chán. Không có sự ủng hộ, sự hướng dẫn, sự đồng thuận của những người có vai vế trong ngành tuyên huấn của Đảng như ông Trần Bạch Đằng, ông Lưu Quý Kỳ…, báo Tin Sáng sẽ không thể hiện được phần nào tính cách phóng khoáng trong nền báo chí mới, từ cung cách phóng khoáng đó, đã tạo nên một trào lưu mới trong việc đọc báo, trong việc viết báo, trong cung cách thông tin, xử lý các vấn đề hàng ngày của báo chí Sài Gòn từ sau năm 1980 cho đến nay. Một mặt những người điều hành tờ báo Tin Sáng đã có những đóng góp cụ thể trong việc thay đổi cung cách thông tin tuyên truyền, một mặt chính sự  thoải mái chấp nhận và hướng dẫn của “những cây cổ thụ” trong ngành thông tin báo chí thời cách mạng, mặt khác cùng với sự kêu đòi một nhu cầu thông tin mới của quần chúng đọc giả, tất cả những yếu tố đó đã góp phần chủ yếu gầy dựng nên phong cách và nền nếp làm báo của thời kỳ sau 1990 cho đến nay. Đối với tôi, nhật báo Tin Sáng thời kỳ II đã góp phần khá quan trọng trong sự chuyển đổi phong cách làm báo cũ, sang phong cách làm báo thời hiện đại

18-3-15