ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ quân đội, Hà Nội, số 6-1988

 

ĐỔI MỚI TƯ DUY TRÊN
TINH THẦN KHOA HỌC VÀ CÁCH MẠNG

ANH ĐÀO

Tôi rất hoan nghênh tạp chí Văn nghệ quân đội đã gợi mở cuộc trao đổi về vấn đề "đổi mới tư duy sáng tạo văn học, đổi mới tư duy lý luận phê bình văn học". Đây là một vấn đề thời sự rất quan trọng, vì đối với nước ta hiện nay, đổi mới tư duy đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội VI đã phân tích những nét lớn của vấn đề đổi mới tư duy. Cơ sở đổi mới tư duy là phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, tiếp thu những thành tựu lý luận của các đảng anh em và những kiến thức khoa học mới của thời đại. Phương hướng đổi mới tư duy là bổ sung và phát triển những thành tựu lý luận đã đạt được, tổng kết có hệ thống những quy luật phổ biến của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có những quy luật xây dựng nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong mấy chục năm qua. Đồng thời chúng ta phải kiểm tra lại nhận thức cũ của mình, sớm lĩnh hội được những quan niệm mới, kiên quyết gạt bỏ những quan niệm cũ kỹ, sai lầm và trở thành lạc hậu đối với thời đại.

Về phương pháp, chúng ta phải bảo đảm quyền tự do sáng tạo cho trí thức và văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo việc trao đổi dân chủ và công khai theo tinh thần tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý, tiến hành phê bình và tự phê bình thường xuyên và nghiêm túc.

Tư duy mới của thời đại chúng ta là tư duy biện chứng duy vật, đặc điểm của nó là tính khoa học tính cách mạng.

Bản chất khoa học của tư duy biện chứng duy vật đòi hỏi chúng ta phải có quan điểm lịch sử khi đánh giá nền văn học nghệ thuật mấy chục năm qua, đòi hỏi các nhà lý luận phải nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng những quy luật và đặc trưng của sự hình thành và phát triển nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đòi hỏi phải có tranh luận dân chủ và công khai để tìm ra chân lý. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội VI đã khẳng định: đổi mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận các thành tựu đã đạt được, trái lại, chính là bổ sung và phát triển những thành tựu đó. Trong cuộc gặp các đồng chí lãnh đạo những phương tiện thông tin đại chúng và các hội sáng tạo nghệ thuật ở Liên Xô tháng 7-1987, đồng chí M. S. Gorbachev cũng nói: "Cải tổ không phải là sự phủ nhận hoặc nếu như thế thì đó là sự phủ nhận mang tính chất biện chứng. Xây dựng đường lối tiến nhanh, đường lối cải tổ, không phải chúng ta đứng trên những mô đất trơn nhẫy của đầm lầy mà chúng ta đứng trên cái nền vững chắc, hình thành nên nhờ công sức của nhiều thế hệ người dân Xô viết và là kết quả cuộc đấu tranh của những người đi tiên phong trên con đường của chúng ta"[1].

Gần đây, khi đánh giá lại nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta mấy chục năm qua, một số bài viết đã không quán triệt được phương pháp phủ định biện chứng, tinh thần phủ định có kế thừa và phát triển như đã nói ở trên. Trong bài Phê bình văn học trong tình hình mới (Văn nghệ, số ra ngày 29-8-1987) anh Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng "khuynh hướng phê bình trung thực" "chưa bao giờ chiếm được ưu thế trong đời sống văn học"... "Khuynh hướng bao trùm hơn cả là do đồng nhất chính trị với văn học, với nghệ thuật, đồng nhất phê bình văn học với công tác tuyên huấn". Trong cuộc thảo luận "bàn tròn" tại tuần báo Văn nghệ, ngày 28-1-2988 anh lại nói rõ hơn: "Thời gian qua xu hướng đồng nhất lại là xu hướng chủ đạo. Chính trị cần tuyên truyền thì đẻ ra văn nghệ minh họa. Vì đồng nhất nên vô hình trung nhà chính trị trở thành nhà phê bình thẩm quyền cao nhất" (Văn nghệ, số ra ngày 27-2-1988). Cùng một quan điểm trên với anh Nguyễn Đăng Mạnh, trong bài Mấy ý kiến về phê bình văn học (Quân đội nhân dân, số 9383 ra ngày 11-7-1987), anh Lại Nguyên Ân cho rằng nét nổi bật trong sự hình thành ngành phê bình của nền văn học mới "đó là sự thống trị quá ư tuyệt đối của giọng phê bình quyền uy, của tư duy quyền uy trong phê bình". Bên cạnh phê bình quyền uy là phê bình xu phụ, "phê bình xu phụ vừa là đầy tớ, vừa là bạn đường của phê bình quyền uy". Trong cuộc hội thảo "bàn tròn" tại tuần báo Văn nghệ, ngày 28-1-1988, anh phê phán cái thứ "nghệ thuật quan phương như kiểu "tao đàn" của Lê Thánh Tông", một thứ nghệ thuật gắn với "cảm hứng nhà nước", "nhằm bảo vệ lợi ích nhà nước". Và anh cho rằng: ở ta" hậu quả bao cấp trong văn nghệ biểu hiện rõ nhất ở chỗ đã biến văn nghệ sĩ thành cán bộ nhà nước", sẽ đẻ ra "một tình trạng na ná "tao đàn" của văn nghệ quan phương"! Anh lại cho rằng trong lòng chủ nghĩa xã hội, vẫn còn "vấn đề bất đồng nảy sinh trong quan hệ giữa đảng cầm quyền với văn nghệ sĩ trí thức". Và anh lấy dẫn chứng các vụ việc ở Hungari, Tiệp Khắc, Ba Lan v.v... Những nhận định trên đây của anh Nguyễn Đăng Mạnh và anh Lại Nguyên Ân là nói về những hiện tượng non yếu của nền văn nghệ ta hay là nói về bản chất? Anh Lại Nguyên Ân luôn luôn thanh minh là mình không phủ nhận thành tựu mà chỉ muốn nói về những nhược điểm, những hạn chế của nền văn nghệ mấy chục năm qua. Trong cuộc hội thảo bàn tròn tại tuần báo Văn nghệ, ngày 28-1-1988, anh Nguyễn Đăng Mạnh cũng cho là mình bị quy kết, bị "dọa dẫm" v.v... Thực chất vấn đề là như thế nào? Chúng ta không phủ nhận có hiện tượng phê bình quyền uy, có tâm lý xã hội của một tầng lớp công chúng nào đấy muốn đồng nhất văn nghệ với chính trị, có những mâu thuẫn, bất đồng nào đấy giữa một số cán bộ quản lý với anh em văn nghệ sĩ trong những thời điểm nhất định... Nhưng khi nói phê bình quyền uy đã "thống trị quá ư tuyệt đối" nền lý luận phê bình mấy chục năm qua (như anh Lại Nguyên Ân), khi nói xu hướng văn nghệ bị đồng nhất với chính trị là "xu hướng chủ đạo" (như anh Nguyễn Đăng Mạnh), khi nói văn nghệ ta na ná kiểu "văn nghệ quan phương" của các thời phong kiến trước, khi nhận định giai đoạn văn nghệ vừa qua là giai đoạn văn nghệ minh họa cần phải đọc "lời ai điếu (!)... thì đấy là nhận định về bản chất của nền văn nghệ, của nền lý luận phê bình chứ đâu phải chỉ là những hiện tượng non yếu, những hạn chế? Và nếu bản chất nền văn nghệ như vậy thì về đường lối văn nghệ cũng cần phải được xem lại. Có thể khẳng định rằng bản chất nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta, đường lối văn nghệ của Đảng ta mấy chục năm qua không phải là như vậy. Trong các văn kiện của Đảng cũng như trong các công trình phê bình, lý luận có giá trị, chúng ta chưa bao giờ chủ trương đồng nhất văn nghệ với chính trị. Từ tháng 2 năm 1957, trong bài nói chuyện tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II, đồng chí Trường Chinh đã nhắc nhở các bộ chính trị phải chú ý đến đặc lệnh hành chính, gò ép tình cảm và sự suy nghĩ, tìm tòi của văn nghệ sĩ. Cũng không phải bằng cách rập khuôn, san bằng sự sáng tác, mà phải thông qua sự sáng tạo chủ quan của văn nghệ sĩ, tôn trọng tính chủ động và óc sáng tạo của họ; càng không ép văn nghệ sĩ nhai lại những khẩu hiệu chính trị một cách khô khan, gượng gạo, vụng về"[2]. Đồng chí Lê Duẩn thì nhấn mạnh: "Nói nghệ thuật tức là nói quy luật riêng của tình cảm, nghệ thuật vận dụng quy luật riêng của tình cảm"[3]. Đồng chí Phạm Văn Đồng thì nói đến khả năng hiểu biết, khám phá sáng tạo của nhà văn, tài năng đặc biệt của nghệ sĩ và yêu cầu các nhà văn phải trau dồi vốn chính trị, vốn sống, vốn văn hóa để xây dựng những tác phẩm có nội dung tư tưởng tốt và chất lượng nghệ thuật cao. Chúng ta có đủ căn cứ khoa học để tự hào về đường lối văn nghệ đúng đắn của Đảng, về những thành tựu văn học nghệ thuật đã đạt được trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, về một đội ngũ văn nghệ sĩ giàu lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng, xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

Nếu văn nghệ sĩ bị đồng nhất vào chính trị, tác phẩm văn nghệ chỉ nhằm minh họa những khẩu hiệu chính trị thì văn nghệ còn gì là đặc trưng của nó, tác phẩm văn nghệ sẽ rơi vào tình trạng sơ lược, đơn giản chứ không phải là bức tranh sinh động của cuộc sống đa dạng, phát hiện, nhân vật trong tác phẩm bị biến thành những con rối, những máy ghi âm trung thành của một giọng nói đơn điệu đầy tính chất giáo huấn của tác giả. Sự thực là nền văn học mới của chúng ta từ sau Cách mạng Tháng Tám đã phản ánh một cách chân thật, sinh động những mặt cơ bản của cái hiện thực hào hùng của hai cuộc kháng chiến thần thánh, đã xây dựng được một số chân dung đẹp của con người Việt Nam trong thế kỷ này, đã đẩy các thể loại văn học (cả sáng tác lẫn lý luận phê bình) tiến mạnh về phía trước. Khẳng định những thành tựu lớn lao ở trên không có nghĩa là chúng tôi không thấy sự non kém của những tác phẩm sơ lược, minh họa. Những tác phẩm đó cũng dần dần bị công chúng quên đi theo quy luật đào thải của thời gian. Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có tiếng vang rộng rãi trên thế giới. Theo đồng chí Phan Hồng Giang, trong bài Tìm hiểu sự giao lưu văn hóa Việt Xô thì Liên Xô đã cho xuất bản Tủ sách văn học Việt Nam gồm 15 tập, được lần lượt in ra từ 1979 đến 1984... Tủ sách đã lần lượt giới thiệu những thành tựu chung của văn học Việt Nam hiện đại từ đầu những năm 30 đến cuối những năm 70... Nhiều công trình có giá trị của các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hà Xuân Trường, Hoàng Trinh, Phan Cự Đệ, Nguyễn Đức Đàn... đã được dịch đăng trên sách báo, tạp chí của Liên Xô, góp phần không nhỏ giúp bạn đọc Xô viết tìm hiểu nhiều vấn đề hệ trọng của nền văn học nước ta". (Tạp chí Cộng sản, số 7-1987).

Nếu như khuynh hướng phê bình trung thực "chưa bao giờ chiếm được ưu thế trong đời sống văn học", nếu như "phê bình quyền uy" thống trị quá ư tuyệt đối" nền phê bình thì làm sao cắt nghĩa được những thành tựu của nền lý luận phê bình mác-xít của chúng ta trong 30 năm qua trong đó có công sức lao động của các nhà phê bình chuyên nghiệp và sự đóng góp quan trọng của các nhà sáng tác như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên... Nếu như phê bình quyền uy "thống trị quá ư tuyệt đối" thì làm sao cắt nghĩa được những cuộc tranh luận xung quanh vấn đề nghệ thuật và tuyên truyền, hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc (1949), những cuộc tranh luận và trao đổi để chuẩn bị cho Đại hội Văn nghệ lần thứ II (1957) và lần thứ III (1962), những cuộc tranh luận xung quanh các tác phẩm như Việt BắcTừ ấy của Tố Hữu, Tiêu sơn tráng sĩ của Khái Hưng, Cái sân gạch của Đào Vũ, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi... Tất nhiên, với bấy nhiêu cuộc tranh luận chưa đủ để bảo đảm đối thoại công khai, dân chủ thường xuyên như yêu cầu đổi mới tư duy hiện nay, nhưng nó cũng chứng minh tính chất lành mạnh, trong sáng của nền phê bình mới. Về bản chất, nó không phải là một nền phê bình "xu phụ", "nịnh bợ", độc đoán, tính toán lợi ích cá nhân... như có người đã nói. Chúng tôi luôn luôn tin vào bản lĩnh, phẩm chất trong sáng của đại đa số anh em văn nghệ sĩ, trong đó có các nhà lý luận phê bình mác-xít.

Từ 1979 đến nay, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, trong hàng ngũ chúng ta, chưa có ai công khai nói hai chữ "phủ nhận" khi đánh giá nền văn học mới. Nhưng nội dung phát biểu, giọng điệu phát biểu đã tạo nên những tác hại khách quan, khiến bạn đọc nghĩ rằng nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta không có giá trị gì đáng kể. Và quả thật cái âm điệu "phủ nhận" trong một số bài viết gần đây đã tăng lên một cách rõ rệt so với hồi 1979-1980. Nếu như trước đây có người nói chúng ta "tuyệt đối hóa chính trị", "tuyệt đối hóa hiện thực" thì bây giờ một số người lại nói chúng ta đã đồng nhất văn nghệ với chính trị, đồng nhất phê bình văn học với phê bình tuyên huấn và xem đây là xu hướng chủ đạo của nền văn nghệ mấy chục năm qua! Thậm chí có người cho rằng trước Đại hội VI "giữa văn nghệ và chính trị có mâu thuẫn" và vẫn còn "vấn đề bất đồng nảy sinh trong quan hệ giữa đảng cầm quyền với văn nghệ sĩ trí thức". Nếu như trước đây có người nói "chủ nghĩa hiện thực phải đạo" thì bây giờ đây lại có người gọi giai đoạn văn nghệ vừa qua là giai đoạn văn nghệ minh họa chính trị cần phải đọc lời ai điếu, một thứ văn nghệ na ná kiểu "văn nghệ quan phương" thời phong kiến! Trong cái văn nghệ minh họa đó "những nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng", "sự độc đoán và chế áp của lãnh đạo văn nghệ trong nhiều năm qua đã khiến cho những nghệ sĩ chân chính luôn luôn gắn bó với cách mạng, với Đảng, suốt đời cảm thấy phạm tội! Và người nêu lên khái niệm "chủ nghĩa hiện thực phải đạo" thì giờ đây nói thẳng ra rằng phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa là một "khái niệm giả đã gây đau khổ kéo dài cho cả nghệ sĩ, cả nhà nghiên cứu lẫn lãnh đạo".

Những ý kiến trên đây theo chúng tôi là cực đoan, thái quá, thiếu cơ sở khoa học, dễ gây ấn tượng khách quan là phủ nhận. Trong cuộc Hội nghị toàn thể Hội đồng phê bình và nghiên cứu văn học của Hội Nhà văn Liên Xô (tháng 6-1987), chính đồng chí V. Carpov, thư ký thứ nhất Ban Chấp hành đã nói: "Cần phải bàn bạc nghiêm túc về phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Khi những người chống đối chúng ta về mặt tư tưởng hằn học tức giận nói về phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa thì điều đó là dễ hiểu, còn khi chúng ta im lặng không nói về nó thì điều đó là không thể hiểu nổi, không thể biện bạch được. Chúng ta không nghĩ đến chuyện từ bỏ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng chắc chắn là phải hoàn thiện lý luận của nó" (Báo Văn học (Liên Xô), số 26 ra ngày 24-6-1987). Trong cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ tháng 10-1987, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng khuyên các nhà văn "phải đứng vững trong trường phái tả chân xã hội chủ nghĩa". Và chúng tôi rất vui mừng khi thấy ngay phần đầu của Nghị quyết Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ (tháng 12-1987) đã đánh giá cao "văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và khẳng định lại những nhận định của Đại hội Đảng lần thứ VI: "Văn học nghệ thuật nước ta "xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay". Những nhận định trong Nghị quyết của Bộ chính trị phải là cơ sở cho chúng ta khi đánh giá lại nền văn nghệ trong 30 năm kháng chiến, cả những thành tựu và những hạn chế, nhược điểm, trên cái nền vững chắc đó mà đổi mới tư duy, mà đi tới về phía trước. Thái độ phủ nhận một cách cực đoan sẽ không tranh thủ được sự đồng tình của anh em văn nghệ sĩ, những người đã lao động một cách nghiêm túc, đã đổ mồ hôi, thậm chí cả xương máu để xây dựng nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa trong suốt hai cuộc kháng chiến. Trên báo Nhân dân, số ra ngày 16-1-1988, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã phải lên tiếng: "Phủ nhận quá khứ một cách cực đoan" là "không tốt, nếu để những kẻ cơ hội mới biến thành bùa phép để mà múa may, bất chấp những sự thực lịch sử rất gần và cũng rất dễ kiểm soát" (Việc ở trong thơ, việc ở ngoài thơ).

Việc đánh giá quá khứ, như trên đã nói, đòi hỏi một thái độ khoa học, một quan điểm lịch sử. Tách rời khỏi hoàn cảnh lịch sử, khỏi yêu cầu của công tác tư tưởng và chính trị của giai đoạn cách mạng thì việc đánh giá một sự kiện văn học trong quá khứ sẽ khó lòng chính xác. Có những điều trước đây, do những hạn chế của điều kiện lịch sử, chúng ta nói ra sẽ có hại cho sự nghiệp chung, giờ đây trong hoàn cảnh mới, có thể phát biểu công khai trên báo chí. Nhưng như thế không có nghĩa là tất cả những gì trước đây bị phê phán thì bây giờ đều đúng. Gần đây có một số bài viết đặt vấn đề xét lại những hiện tượng hồi 1979-1980, cho rằng bản "đề dẫn" của anh Nguyên Ngọc và bài viết về "chủ nghĩa hiện thực phải đạo" của anh Hoàng Ngọc Hiến thực chất là tư duy mới, nhưng đáng tiếc hồi đó nhiều đồng chí lãnh đạo văn nghệ và nhiều anh em lý luận phê bình và các nhà sáng tác đã phê phán, cho là những biểu hiện của khuynh hướng phủ nhận những thành tựu của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đúng là dưới ánh sáng của Đại hội VI, nhiều vấn đề trong quá khứ cần phải được xem xét trở lại một cách khoa học, nghiêm túc. Bản "đề dẫn" của nhà văn Nguyên Ngọc chưa đăng công khai, tôi chưa được đọc nên xin phép không phát biểu ý kiến. Bài viết của anh Hoàng Ngọc Hiến đã đăng trên báo Văn nghệ, số ra ngày 9-6-1979, dưới nhan đề Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua. Xin tóm tắt dưới đây một số luận điểm chính của anh Hoàng Ngọc Hiến. "Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở ta trong giai đoạn vừa qua mang khá đậm dấu ấn của cái cao cả". Cái cao cả (le sublime) này, chính là "sự lấn át của bình diện cái phải tồn tại đối với bình diện cái đang tồn tại trong sự phản ánh nghệ thuật". Nghĩa là nghệ sĩ cố gắng miêu tả cuộc sống "cho phải đạo" chứ chưa phải "mối quan tâm hàng đầu là miêu tả sao cho chân thật". "Chủ nghĩa hiện thực phải đạo" này sở dĩ hình thành nên là vì "trong đời sống thực tại do quy luật của sự thích nghi sinh tồn dần dần được hình thành những kiểu người "phải đạo" với những cung cách suy nghĩ, nói năng, ứng xử được xem là "phải đạo". Xu hướng cao cả, xu hướng "phải đạo" đó, theo anh Hoàng Ngọc Hiến "là một đặc tính phổ quát của nền văn học nghệ thuật của ta hiện nay". "Nói như Hegel, cái cao cả chính là "trạng thái nhân thế" của xã hội ta trong giai đoạn vừa qua. Nói tóm lại, chúng ta viết văn như vậy, làm nghệ thuật như vậy và "thế thái" cũng phảng phất như vậy". Quả là trong nền văn học của chúng ta (tôi chỉ nói văn học chứ không nói nghệ thuật) có một số tác phẩm minh họa một cách giản đơn, sơ lược, tô hồng hiện thực (những tác phẩm đó đang bị quên lãng dần đi theo quy luật đào thải của thời gian). Ở những tác phẩm đó, đúng như anh Hoàng Ngọc Hiến nói, tác giả đã để cho cái "phải tồn tại" lấn át cái "đang tồn tại". Nhưng xem đây là "đặc tính phổ quát của nền văn học nghệ thuật của ta" thì lại không đúng. Vì như vậy anh Hoàng Ngọc Hiến sẽ phải trả lời hàng loạt vấn đề. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của chúng ta "quy luật của sự thích nghi sinh tồn" với "những kiểu người phải đạo" là chính hay quy luật của chủ nghĩa yêu nước anh hùng với những người quyết hy sinh tất cả cho Độc lập, Tự do là chính? Và tại sao cái cao cả, cái anh hùng lại không được xem là cái đang tồn tại trong hiện thực chống Mỹ? Mặt khác, nếu các nhà văn chỉ cố gắng viết cho "phải đạo" chứ không cần "chân thật" thì chúng ta hiểu như thế nào về bản lĩnh, phẩm chất trong sáng, trung thực của các nhà sáng tác mà chúng ta đã gọi một cách trân trọng là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa? Và cuối cùng, nếu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta chỉ là "chủ nghĩa hiện thực phải đạo", nền văn nghệ của ta chủ yếu là văn nghệ "phải đạo" thì nó có xứng đáng được đánh giá là "đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay" như Đại hội Đảng lần thứ IV và Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12-1987 đã đánh giá hay không? Và phải chăng vì quan niệm chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta chủ yếu là "chủ nghĩa hiện thực phải đạo", nên gần đây anh Hoàng Ngọc Hiến tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như một phương pháp sáng tác?

Luận điểm "chủ nghĩa hiện thực phải đạo" của anh Hoàng Ngọc Hiến trước đây không đúng, bây giờ bình tĩnh nhìn lại cũng vẫn thấy không đúng. Cho nên không nhất thiết cứ phải công nhận cái khái niệm "chủ nghĩa hiện thực phải đạo" của anh Hoàng Ngọc Hiến và bản "đề dẫn" của anh Nguyên ngọc thì mới được coi là đổi mới tư duy.

Trên đây chúng tôi mới nói về tính khoa học, về quan điểm lịch sử, giờ xin nói tiếp về tính cách mạng của phép biện chứng duy vật. Đánh giá quá khứ không phải là để tuyên dương công trạng người này, người khác, mà chính là để rút ra những bài học lịch sử nhằm phục vụ công cuộc đổi mới tư duy hiện nay. Mục đích của sự đánh giá, nhìn lại đó chính là để hướng về phía trước, hướng về tương lai. Do đó phép biện chứng duy vật đồi hỏi một tinh thần phê phán cách mạng, không lùi bước trước những tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, dám nhìn thẳng vào sự thật, dù đó là một sự thật đau đớn.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ (tháng 12-1987) nêu lên những mặt đẹp của truyền thống mà chúng ta cần phát huy như tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhưng đồng thời Nghị quyết cũng nhấn mạnh những mặt yếu của truyền thống, cần phải bồi đắp thêm trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay như ý thức dân chủ, tinh thần quốc tế và tinh thần khoa học. Đấy là những điểm chúng tôi rất tâm đắc, nhưng vì bài viết đã quá dài, chúng tôi sẽ xin phát triển trong một bài khác. Trong phương pháp tư duy cũ của chúng ta, ở mặt này mặt khác, trong từng thời gian nhất định, vẫn còn những rơi rớt của lối suy nghĩ của người sản xuất nhỏ, của lối tư duy phong kiến, của hệ tư tưởng và những phương pháp luận mang màu sắc tư sản. Nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta hình thành trong khói lửa của chiến tranh, nó có những mặt rất mạnh nhưng cũng bộc lộ một số mặt bị hạn chế. Chúng ta đã xây dựng được một nền lý luận, phê bình, nghiên cứu theo quan điểm mác-xít. Nhưng trong từng thời điểm nhất định, chúng ta không tránh khỏi những quan niệm ấu trĩ, đơn giản, những ảnh hưởng của chủ nghĩa công thức, giáo điều, của những quan điểm xã hội học dung tục hoặc xét lại hiện đại. Chúng ta cũng chưa tạo được không khí tranh luận thật sự dân chủ, thường xuyên và công khai, chưa tổ chức tốt việc thông tin khoa học nhiều chiều. Đặc biệt chúng ta chưa thật mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo khi tiếp thu đường lối văn nghệ của Đảng, khi cố gắng khám phá những quy luật, những đặc trưng của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong một số sách lý luận, cũng không tránh khỏi tình trạng sao chép, minh họa lý luận của nước ngoài! Những tác phẩm viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã phản ánh trung thực những mặt cơ bản, nhưng cũng chưa miêu tả được đầy đủ cái hiện thực toàn diện của chiến tranh. Nhìn chung các tác phẩm đã tập trung vào mâu thuẫn địch ta nhưng chưa có điều kiện đi sâu, thậm chí còn có tình trạng tránh né, khi đề cập đến những mâu thuẫn nội bộ nhân dân. Cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc hiện lên rất rõ trong tác phẩm nhưng nhà văn chưa có điều kiện viết nhiều về cuộc sống bình thường hàng ngày, về vấn đề hạnh phúc riêng tư và số phận cá nhân của con người. Những hạn chế đó của nền văn học trong chiến tranh đang được khắc phục dần từ đầu những năm 80 trở lại đây.

Tinh thần phê phán cách mạng đòi hỏi chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật (sự thật quá khứ và sự thật hiện nay) không xuê xoa, không lẩn tránh, nhưng với thái độ của người trong cuộc, cùng chịu trách nhiệm với dân với Đảng. Chúng ta không đồng tình với thái độ bàng quan, phê phán theo kiểu khách quan tư sản. Trong cuộc hội thảo về tình hình văn xuôi hiện nay ở lớp bồi dưỡng lực lượng lý luận phê bình, nhà văn Kim Lân có nhận xét Nguyễn Du phê phán rất quyết liệt, mạnh mẽ cái xã hội phong kiến thời Lê Mạt - Nguyễn Sơ nhưng ngòi bút của ông vẫn có cái "tâm", cái "nỗi đau nhân tình" của người chịu trách nhiệm với thời cuộc. Một số truyện ngắn của ta gần đây, phê phán có mặt sắc sảo, nhưng thiếu cái "tâm", của người trong cuộc. Chúng tôi đồng tình với nhận xét của nhà văn Kim Lân.

Tinh thần khoa học và tinh thần phê phán cách mạng cũng đòi hỏi chúng ta đối thoại công khai, dân chủ, cùng nhau tìm ra chân lý. Đổi mới tư duy là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người chứ không phải là độc quyền của một số người. Do đó chúng ta tránh lối nói một chiều, không cho phép ai được nói khác hoặc trái với ý kiến của mình. Và nên đối thoại trên tinh thần khoa học, trên luận cứ khoa học, nói có sách mách có chứng, không nên có thái độ quy chụp, đao to búa lớn. Bài viết của anh Tôn Gia Các "Xin hỏi: có thật lòng muốn đổi mới hay không?" trên tuần báo Văn nghệ, số ra ngày 19-3-1988 không mang tính chất của một bài đối thoại khoa học. Anh tự nhận mình là người "ngoại đạo", xưa nay "chưa bao giờ làm cái việc theo dõi để nhận xét, đánh giá một nhà văn hay một nhà phê bình nào", thế mà bây giờ anh lại có ý kiến đánh giá những sự kiện cách đây đã gần 10 năm, trong đó bài báo của anh Hoàng Ngọc Hiến thì có đăng trên tuần báo Văn nghệ, còn bản "đề dẫn" của anh Nguyên Ngọc đưa ra cuối năm 1978, chỉ là một tài liệu nội bộ, đến nay rất nhiều hội viên Hội Nhà văn cũng không biết! Chúng tôi cũng không rõ anh đã đọc lại các bài viết của một số đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương Đảng, của nhiều nhà văn, nhà lý luận phê bình lên tiếng phê phán cái "khuynh hướng phủ nhận" hồi 1978-1979 hay chưa? Anh tự nhận mình là người "ngoại đạo" nhưng anh vẫn cứ đánh giá theo kiểu phủ nhận "công phu 30 năm trời nghiên cứu trước tác" của một nhà phê bình, thái độ đánh giá như vậy liệu đã thận trọng, khách quan và khoa học hay chưa? Chúng tôi nghĩ nên tiến hành tranh luận dân chủ, công khai, với tinh thần khoa học, nghiêm túc, như vậy cuối cùng chân lý sẽ thắng, sự nghiệp đổi mới tư duy sẽ thắng và mỗi một người chúng ta sẽ rút ra nhiều bài học bổ ích.

Đổi mới tư duy là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có ý nghĩa sống còn của cách mạng. Công việc này đòi hỏi chúng ta phải tiến hành với tinh thần khoa học và cách mạng, với thái độ phê bình và tự phê bình một cách nghiêm túc và thực sự cầu thị. Công việc lâu dài này đòi hỏi sự góp sức của nhiều người, sự tập hợp trí tuệ của tập thể, sự tranh luận dân chủ công khai để đi đến đoàn kết. Báo chí, theo chúng tôi nghĩ, là một công cụ đắc lực của sự nghiệp đổi mới tư duy, nó phải thể hiện được những ý kiến khác nhau của nhiều người trên con đường đi tìm chân lý, nó không thể là "quán hàng tư nhân" như đồng chí M. S. Gorbachev đã phê phán. Để kết thúc bài này, chúng tôi xin phép nhắc thêm một ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư M. S. Gorbachev khi có sự đụng độ khá quyết liệt tại phiên họp của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Nga: "Chúng tôi sẽ rất lo lắng nếu như bỗng chốc, thay vào sự củng cố đoàn kết của giới trí thức văn nghệ chúng ta, lại để diễn ra, có thể nói là một cuộc chửi bới lẫn nhau, và những người tham gia đã mưu toan dựa vào hoàn cảnh công khai, dân chủ để trả thù bất cứ sự phê bình nào, các đồng chí ạ, điều đó không thể dung thứ được, đó là kẻ gian lận đối với nhân dân, đất nước, đối với chủ nghĩa xã hội. Trong bất kỳ trường hợp nào chúng ta cũng sẽ không để xảy ra điều đó" (.).

w Nguồn: Văn nghệ quân đội, Hà Nội, số 6-1988


 

[1] Báo Văn hóa Xô viết (Liên Xô) ngày 16-7-1987.

[2] Trường Chinh. Về văn hóa và nghệ thuật, Nxb Văn học, Hà Nội, 1985, tập I, tr. 216.

[3] Lê Duẩn. Về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1963, tr. 370.

 Mục lục

7-4-10