Phong trào Phật giáo miền Trung – Huế
từ Chấn hưng đến Dấn thân


Chu Sơn

 


 

Phần Hai

Phong trào Phật giáo Miền Trung - Huế

thời kỳ dấn thân (1954-1966)

 

*****

Chương I - Chương II  - Chương III - Chương IV

Chương V - Chương VI

 

Chương VII

Cuộc dấn thân lần thứ tư:

Hợp tác với Chính phủ Phan Huy Quát

 

Trong xu thế đẩy mạnh cuộc chiến tranh chống Cộng trên cả hai miền Nam – Bắc, một mặt, Mỹ củng cố quyền lực cho các tướng trẻ qua Hội đồng Quân lực, một mặt cho không quân đánh phá miền Bắc và chuẩn bị đỗ quân để Mỹ hóa chiến tranh ở miền Nam. Chính phủ ủy nhiệm Nguyễn Xuân Oánh, rồi chính phủ Phan Huy Quát, cả hai đều  là giải pháp tình thế để triển hạn và ru ngủ Phật giáo trong khi chờ đợi tìm được con ngựa mới có khả năng giúp Mỹ đánh thắng Cộng Sản.

Phan Huy Quát thân Phật giáo, sự việc này ai cũng biết. CIA biết. Taylor và tòa đại sứ Mỹ biết. Hội đồng Quân lực biết. Khối Công giáo đấu tranh cũng biết. Mà Phật giáo lại là kẻ thù hay ít ra là chướng ngại vật đáng nguyền rủa của tất cả.Vậy thì tại sao Phan Huy Quát lại được chỉ định thành lập hính phủ? Các thế lực chống Cộng ấy có để yên cho Phan Huy Quát và Phật giáo tự hình thành chế độ dân chủ rồi đặt lại vấn đề quan hệ Việt – Mỹ và chủ động tiến hành chiến tranh hay thương lượng hòa bình với miền Bắc không?

Hai ngày sau khi Phan Huy Quát thành lập chính phủ, ngày 19.2.1964 tướng Lâm Văn Phát và đại tá Phạm Ngọc Thảo kéo quân vào Sài Gòn làm đảo chánh. Đây là cuộc biểu dương lực lượng của Khối Công giáo đấu tranh trên danh nghĩa Lực lượng Bảo vệ Dân tộc. Mục tiêu của lực lượng này là chống Khánh ( vì Khánh đã không kiên định lập trường quân phiệt), đồng thời chống chính phủ Phan Huy Quát thân Phật giáo.

Nguyễn Chánh Thi từ miền Trung vào đảm trách chức vụ tư lệnh giải phóng thủ đô, cùng Kỳ  – Thiệu và các tướng trẻ trong Hội đồng Quân lực chống đảo chánh.  Đảo chánh bất thành, Lâm Văn Phát và các đồng sự đầu hàng, được miễn tội và được trở lại quân ngũ. Phạm Ngọc Thảo (điệp viên Cộng Sản vừa được phát hiện) trốn chạy, bị quân của Nguyễn Văn Thiệu (Hội Đồng Quân Lực) truy bắt và bức tử .

Ngày 20. 2.1964 Hội đồng Quân lực (dĩ nhiên là Đại sứ Taylor đứng đằng sau) quyết định thay thế Nguyễn Khánh bằng tướng Trần Văn Minh trong chức vị tổng tư lệnh quân đội, vì cho rằng Nguyễn Khánh âm mưu tạo ra xáo trộn để củng cố quyền lực. (Đỗ Mậu sđd, tr 543).

Phải chăng quyết định loại bỏ Khánh phát xuất từ Hội đồng Quân lực và nguyên nhân chính là “do Khánh đã tạo tác ra các vụ xáo trộn để củng cố quyền lực”? Vấn đề chắc chắn không đơn giản như thế.

Ở miền Nam, từ sau 1954, việc lựa chọn và loại bỏ “người đứng đầu” không thuộc về nhân dân hay bất cứ một thế lực nội địa nào. Bởi vì “người đứng đầu” thường gắn liền với viện trợ Mỹ. Do vậy việc chọn lựa hay loại bỏ ông ta chắc chắn quyết định thuộc về phía Mỹ.  Ngô Đình Diệm là một thực tế điển hình. Trường hợp Nguyễn Khánh không ngoại lệ. Khi giúp Nguyễn Khánh làm chỉnh lý loại bỏ Dương Văn Minh, người Mỹ đã đặt vào ông ta rất nhiều hy vọng. Như năm 1954 với Ngô Đình Diệm, những tháng đầu của năm 1964, người Mỹ đã công kênh Khánh như một anh hùng trước quần chúng Việt Nam và dư luận quốc tế. Mc.Namara – bộ trưởng quốc phòng Mỹ – sứ giả của tổng thống Johnson, và đại tướng Maxwell Taylor – người sẽ thay Cabot Lodge làm đại sứ tại Sài Gòn, đã tháp tùng cùng Nguyễn Khánh đi khắp bốn vùng chiến thuật để khẳng định sự gắn kết của Mỹ với người lãnh đạo sáng giá của Việt Nam Cộng Hòa. Khi giúp Nguyễn Khánh xây dựng Hiến chương Vũng Tàu, người Mỹ muốn củng cố quyền lực tuyệt đối và toàn diện cho ông, nhưng rồi cuộc đấu tranh quyết liệt của Phật giáo, sinh viên và quần chúng khắp miền Nam đã phá vỡ tất cả. Nguyễn Khánh đã tỏ ra thiếu kiên định trước áp lực của quần chúng, đã hô “đả đảo độc tài” cùng với đám đông biểu tình ngày 28.8.1964  trước dinh thủ tướng.

Trục trặc thật sự nghiêm trọng giữa đại sứ Taylor và Nguyễn Khánh xẩy ra vào đêm 20.11.1964, khi trước đó Nguyễn Khánh và Hội đồng Quân lực do ông thành lập quyết định giải tán Thượng Hội đồng Quốc gia và bắt giam 21 nhân vật là nhân sĩ, trí thức, sinh viên – những người mà Nguyễn Khánh và các tướng trẻ cho là nguồn gốc của chia rẽ, gây xáo trộn nội bộ. Đại sứ Taylor đã tức giận trước sự kiện này. Ngay giữa đêm, Taylor điện thoại “mời” Nguyễn Khánh vào tòa đại sứ. Nguyễn Khánh không đi. Các tướng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi, Lê Nguyên Khang đã đi thay người cầm Hội đồng Quân lực và chính phủ, và đã bị Taylor trách mắng răn đe như một ông chủ đối với người làm thuê phạm lỗi. Nguyễn Khánh đã phản ứng quyết liệt trước sự kiện này. Ông ra nhật lệnh với nội dung: “Quân lực không thực hiện chính sách ngoại bang nào cả. Thà thanh bạch trong độc lập còn hơn là giàu sang mà tủi nhục trong nô lệ ngoại bang”.

Ngày 25.11.1964 Nguyễn Khánh tuyên bố với báo NewYork Herald Tribune: “ Đại sứ Taylor đã có hành động không thể tưởng tượng được, ông muốn dùng áp lực đối với giới hữu trách Việt Nam. Nếu ông không khéo xử thế thì Việt Nam sẽ mất…Ông Taylor không thể buộc dân Việt Nam phải chịu đựng những nhà lãnh đạo mà dân Việt Nam không muốn (Đỗ Mậu sđdtr 539, 540).

Trục trặc thứ ba còn nghiêm trọng hơn do Phạm Xuân Ẩn kể lại. Phạm Xuân Ẩn là điệp viên cao cấp của Cộng Sản, làm việc cho chi nhánh tại Sài Gòn của tạp chí Time, “bạn rất thân” của Lou Conein – người điều hành cơ quan CIA ở miền Nam. Phạm Xuân Ẩn kể: Một hôm Lou Conein đến chỗ ông với thái đọ giận dữ. Lou Conein vừa mới ngồi trực thăng đi đâu đó với Nguyễn Khánh. Thực tế đây là cuộc thăm dò. Taylor đưa vấn đề rồi dẫn dắt câu chuyện đến kết luận: “đã đến lúc cần thăm dò một khả năng thành lập chính phủ liên hợp rồi thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”.

Nguyễn Khánh cắn câu, thổ lộ hết những suy nghĩ của mình với Lou Conein. ( Larry Berman – Perfect spy, Điệp Viên Hoàn Hảo – Nguyễn Đại Phương dịch, các trang 256, 257, 258).

Vào thời điểm đó tổng thống Johnson đang ráo riết chuẩn bị Mỹ hóa chiến tranh. Thế mà, Nguyễn Khánh đã tỏ ra thiếu kiên định lập trường quân phiệt, đã “phản ứng dân tộc mạnh mẽ” trước thái độ chủ nhân ông của đại sứ Mỹ, lại còn muốn thương lượng với Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Người Mỹ không tìm kiếm một trợ thủ với những khuyết tật trầm trọng như thế.

Ngày 22. 2.1964 Nguyễn Khánh chính thức rời bỏ chính trường, bị buộc phải ra nước ngoài với chức vụ đại sứ lưu động. Không biết ai đã ký quyết định bổ nhiệm đại sứ lưu động cho Nguyễn Khánh? Quốc trưởng Phan Khắc Sửu chăng? Chẳng thấy thủ tướng Phan Huy Quát dính dự gì trong việc này. Chắc đây là quyết định của đại sứ Taylor thông qua Hội đồng Quân lực. Chỉ thấy Nguyễn Cao Kỳ tiễn Nguyễn Khánh lên máy bay với lễ  nghi dành cho nguyên thủ Quốc gia. Người Mỹ đã không đối xử với Khánh cạn tàu ráo máng như đã đối xử với anh em Diệm, Nhu. Nguyễn Khánh ra đi mang theo  nắm đất quê hương. Nắm đất quê hương không đủ để vùi kín một hạt bụi  lưu vong giữa cõi vô thường.

Phan Huy Quát là một lãnh tụ Đại Việt gốc miền Bắc, được CIA chú ý từ khi còn là bộ trưởng quốc phòng trong chính phủ Quốc gia thời kỳ người Pháp sử dụng giải pháp Bảo Đại để chống lại Việt Minh. Sau 1954, Mỹ chọn Ngô Đình Diệm làm tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Cũng như Trần Văn Đỗ, Phan Quang Đán, Phan Huy Quát là một trong vài ba nhân vật dự bị của Mỹ (nhằm thay thế trong trường hợp Diệm bị loại). Sau 1954, Đại Việt miền Trung bị Ngô Đình Cẩn đánh dẹp. Đại Việt miền Bắc di cư bị Ngô Đình Nhu kèm kẹp ở Sài Gòn. Các lãnh tụ hoặc chạy ra nước ngoài (như Nguyễn Tôn Hoàn), hoặc nằm yên (như Phan Huy Quát, Hà Thúc Ký…). Giữa năm 1963, Phan Huy Quát liên kết với Phật giáo miền Trung trong công cuộc vận động đòi tự do và bình đẳng tôn giáo. Diệm đổ, Dương Văn Minh cầm quyền cử Nguyễn Ngọc Thơ thành lập chính phủ. Đảng Đại Việt hậu thuẫn cho Nguyễn Khánh làm cuộc chỉnh lý 30.1. 1964. Chỉnh lý thành công, Nguyễn Khánh vừa làm chủ tịch Hội đồng Quân đội Cách mạng, vừa giành chức thủ tướng mà Đại Việt nhắm. Bất đắc dĩ, Nguyễn Tôn Hoàn nhận chức phó thủ tướng, Hà Thúc Ký làm tổng trưởng nội vụ, Phan Huy Quát làm tổng trưởng ngoại giao. Đảng Đại Việt tranh chấp quyền lực với Nguyễn Khánh và tự phân liệt, các lãnh tụ tìm hướng đi riêng. Nguyễn Tôn Hoàn liên kết với cánh Công giáo miền Nam. Hà Thúc Ký liên kết với cánh Cần Lao Công giáo miền Trung. Phan Huy Quát, Bùi Tường Huân, liên kết với Phật giáo.

Sau khi loại bỏ Nguyễn Khánh, tòa Đại sứ Mỹ củng cố quyền lực cho nhóm tướng trẻ ( Young Turks) với hy vọng người hùng sẽ xuất hiện hầu đáp ứng nhu cầu chiến tranh mà họ hăm hở tiến hành. Chính phủ Phan Huy Quát chỉ là giải pháp tạm thời nhằm vỗ yên Phật giáo.

Ngày 17.2.1965 Hội đồng Quân lực quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia lập pháp với 20 đại biểu đại diện tôn giáo và quân đội. Tướng Phạm Xuân Chiểu được cử làm Chủ tịch Hội đồng.

Ngày 3.3.1965, Hội đồng Quân lực công bố tên tuổi và các chức danh lãnh đaọ:

               Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu: tổng thư ký.

               Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ: ủy viên ngoại giao.

               Thiếu tướng Linh Quang Viên: ủy viên chính trị.

               Thiếu tướng Phạm Văn Đổng: ủy viên an ninh.

               Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao: phụ tá tổng thư ký.

Ngày 8.3.1965, 3 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đỗ bộ Đà Nẵng.

Ngày 23.3.1965, Hội đồng Quốc gia Lập pháp tuyên bố tán thành việc Mỹ đỗ quân. Chính phủ Phan Huy Quát, một mặt hoan hỉ chào mừng quân Mỹ và quyết định đẩy mạnh chiến tranh của tổng thống Johnson; một mặt cùng với Phật giáo ráo riết xây dựng chế độ dân chủ với lộ trình: tổ chức bầu cử các Hội đồng tỉnh và thành phố làm bước khởi đầu cho cuộc bầu cử quốc hội dự định tổ chức vào cuối năm.

Phật giáo miền Trung, một mặt dị ứng trước sự đỗ quân ngang ngược của Mỹ, một mặt kỳ vọng vào sự liên kết với Phan Huy Quát xây dựng chế độ dân chủ đại nghị nhằm phục hồi quyền tự quyết dân tộc, tạo điều kiện cho Mỹ giải kết trong danh dự…

Hoàng Văn Giàu (Hoàng Nguyên Nhuận), nguyên là một lãnh tụ Sinh viên phật tử, giáo chức tại đại học Huế, đệ tử và cũng là tham mưu của nhà sư Thích Thiện Minh, sẽ làm sáng tỏ thêm mối quan hệ giữa Phật giáo và chính phủ Phan Huy Quát, cùng mục tiêu và phương lược đấu tranh của phong trào Phật giáo miền Trung trong thời đoạn Phan Huy Quát làm thủ tướng(16.2 à 12.6.1964):

“Lần này chúng tôi không phó mặc cho các bậc cao niên nữa. Chúng tôi trực tiếp đón Thủ Tướng Phan Huy Quát về Huế bằng cuộc biểu tình vĩ đại và yêu cầu ông mấy điều. Thứ nhất, làm bất cứ điều gì có thể làm để chấm dứt chiến tranh; thứ hai tái lập Hiến Pháp và Quốc Hội để ngăn chận cái tệ nạn làm chính trị bằng súng đạn như hai năm qua. Chúng tôi hứa là sẽ ủng hộ ông trong chức vụ Thủ Tướng cũng như nếu ông có quyết định ra ứng cử Tổng Thống sau nầy”.

“ Thủ Tướng Quát định triệu tập quốc hội lập hiến dưới danh nghĩa Quốc dân đại hội đặt nền tảng cho một chính quyền dân sự dân chủ. Nhưng ông đã gặp ba trở lực chí tử. Thứ nhất, đa số chính quyền Hoa Kỳ ở Washington cũng như Sài Gòn đều tin vào chiến thắng quân sự nên họ không hài lòng vì thấy ông không hăng hái leo thang chiến tranh. Thứ hai, đa số tướng lãnh người Việt chỉ thích quyền lực dù phải bán linh hồn cho Mỹ và sợ rằng Thủ Tướng Quát muốn loại ảnh hưởng chính trị của họ. Thứ ba, thành phần chủ lực của chế độ cũ cho là ông quá thân Phật giáo và sau hai năm yên bụng vì thấy thiên hạ đã phần nào bỏ qua chuyện “chế độ cũ”, nhưng thành phần nầy đã bám vào thế lực chủ chiến trong chính quyền Mỹ và các tướng lãnh Việt Nam để ngoi lên lại. Trước những áp lực và phá hoại ngầm đó, Thủ Tướng Quát đã lùi một bước hoãn bầu cử quốc hội lập hiến và chỉ bầu Hội Đồng Tỉnh Thị toàn quốc. Chúng tôi đồng ý với Thủ tướng Quát là thực hiện việc bầu cử Hội Đồng Tỉnh Thị toàn quốc làm bước đầu tiến lên Quốc Hội Lập Hiến. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau khi Ngô Đình Diệm đổ và là cuộc bầu cử tự do duy nhất ở miền Nam cho đến ngày Việt Nam Cộng Hòa tiêu vong. Những liên danh Hoa Sen và những thành phần Phật giáo đã thắng khắp nơi.” ( Hoàng Nguyên Nhuận ( Hoàng Văn Giàu), trích bài trả lời phỏng vấn do Quán Như thực hiện trên giaodiemonline.com/2013/6)

Trong lúc chính phủ Phan Huy Quát tìm được tiếng nói chung với Phật giáo miền Trung, thì đồng thời bị quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Khối Công giáo đấu tranh của các linh mục Hoàng Quỳnh –  Hồ Văn Vui chống đối quyết liệt. Các tướng trẻ trong Hội đồng Quân lực chờ cho tình hình rối loạn đến đỉnh điểm để đứng ra.

Ngày 26.5.1965, quốc trưởng Phan Khắc Sửu và thủ tướng Phan Huy Quát bày tỏ công khai sự bất đồng quan điểm và quyền hạn (theo Đỗ Mậu sđd).

Ngày 26. 5.1965, một phái đoàn của Lực lượng Đại đoàn kết do linh mục Hoàng Quỳnh cầm đầu đến yết kiến quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Hội đồng Quốc gia Lập pháp đưa kiến nghị giải tán chính phủ Phan Huy Quát vì lý do chính phủ này gây chia rẽ, chống Cộng không hiệu lực và thân Pháp (theo Đỗ Mậu sđd tr 546).

 Ngày 1.6.1965, linh mục Hồ Văn Vui cầm đầu một phái đoàn gồm 60 đại biểu của Mặt trận Quốc gia Việt Nam đến yết kiến quốc trưởng và Hội đồng Quốc gia Lập pháp đưa kiến nghị giải tán chính phủ Phan Huy Quát vì những lí do như linh mục Hoàng Quỳnh đã đưa ra (theo Đỗ Mậu sđd tr 546).

Liên tiếp các ngày 4, 5, 7, 8 các lực lượng Công giáo đấu tranh tổ chức rải truyền đơn, biểu tình bạo động, cử phái đoàn đến dinh Gia Long đưa kiến nghị giải tán chính phủ Phan Huy Quát. Tình hình ở Sài Gòn trở nên rối bời, phức tạp.

Ngày 11.6.1965, thủ tướng Phan Huy Quát gởi thư cho Hội đồng Quân lực đề nghị quân đội đứng ra giải quyết cuộc khủng hoảng. Hội đồng Quân lưc quyết định chấm dứt vai trò nhiệm vụ của quốc trưởng, của Hội đồng Quốc gia Lập pháp, và của chính phủ Phan Huy Quát.

Bác sĩ Phan Huy Quát là một chính khách dân sự, lãnh tụ Đại Việt, trí thức được đào tạo và trưởng thành trong nền giáo dục văn hóa Pháp, tuổi đã cao, lại say mê chế độ dân chủ, vướng víu tình tự dân tộc và thân Phật giáo. Người Mỹ không cần một người như thế trong cuộc chiến mà họ đang ráo riết dấn thân. Phan Huy Quát đã hoàn thành nhiệm vụ vỗ yên Phật giáo trong chiến thuật của Mỹ. Bởi vì đại sứ Taylor đã tìm được người mà chính phủ Mỹ cần cho giai đoạn sắp tới.