CHUYỆN ĐỜI TỰ KỂ

Hồi ký

Nguyễn Minh Đào


 

     

     Chương I:   Tuổi thơ với quê hương.
         Chương II: Cương Quyết Ra Đi

     Chương III: Sứ Mạng Thầm Lặng

     Chương IV: Trong Lửa Đò

                                                  

            

Chương V

TRÊN CON ĐƯỜNG MỚI

 

     Sau giải phóng, tỉnh Long Châu Tiền lấy thị trấn Tân Châu làm tỉnh lỵ. Các cơ quan Tỉnh đội trú đóng khu vực chi khu quận Tân Châu của quân đội Sài Gòn. Đại hội Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Long Châu Tiền năm 1975 tổ chức tại rạp hát Tân Châu. Đây là lần đầu đồng bào vùng mới giải phóng chứng kiến ta tổ chức lể hội cấp tỉnh. Chúng tôi cố gắng chuẩn bị mọi mặt chu đáo tiến hành đại hội rất trọng thể, gây ảnh hưởng chánh trị tốt trong đồng bào!

     Sau Đại hội chiến sĩ thi đua, tôi mới có thời gian nghĩ phép mấy hôm về  thăm quê sau bao năm xa cách. Ngồi trên xe jeep đi từ Tân Châu sang phà Châu Giang qua Châu Đốc, vào Nhà Bàn theo con đường lộ đá quen thuộc xuống Cây Mít, lòng tôi lâng lâng một niềm vui khó tả…! Tôi ghé xóm chùa Bà Bảy quê ngoại viếng mồ mả ông bà, thăm bà con bên ngoại và ra xóm Cây Mít thăm bà con bên nội.

     Năm 1976 tỉnh An Giang được tái lập, tôi vẫn là phó chủ nhiệm Ban Chánh trị Tỉnh đội, sau năm 1975 là Phòng Chánh trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Nhiều năm gắn bó lực lượng vũ trang tỉnh nhà trong công tác chánh trị quen người, quen việc. Đùng một cái các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Tỉnh đội tham khảo tôi chuyển ngành sang Văn phòng Tỉnh ủy. Các đồng chí nói: Các ngành dân – chính – Đảng đang thiếu cán bộ, Văn phòng Tỉnh ủy cần một cán bộ có khả năng nghiên cứu phụ trách Khối quân sự - an ninh, nhất là theo dõi chiến tranh biên giới Tây Nam đang leo thang ngày càng khốc liệt, phục vụ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy. Đáng chú ý, có một lý do “bất khả kháng”: Ông Nguyễn Văn Hơn (Sáu Hơn) chánh trị viên Tỉnh đội chuyển ngành khi tỉnh An Giang vừa tái lập làm phó bí thư và bí thư Tỉnh ủy nói cho tôi biết: Tôi không thể tiếp tục công tác Tỉnh đội, vì khi Bộ tư lệnh Quân khu 8 thăng cấp đại úy cho tôi có nói với đồng chí phải cho tôi chuyển ngành, vì Bộ Quốc phòng không xét thăng cấp cho tôi từ thiếu tá trở lên, do tôi có mấy năm làm công tác nội tuyến trong quân đội Sài Gòn (?!). Nhân chuyện này, đồng chí Sáu Hơn kể lại chuyện hồi năm 1973, khi tôi đang học Trường Quân chính Quân khu 8, phát hiện lý lịch tôi có “vấn đề làm công tác nội tuyến”, yêu cầu Tỉnh đội rút tôi về không cho học. Đồng chí Sáu Hơn đấu tranh với Quân khu không đồng ý, vì tôi làm công tác nội tuyến Đảng phân công, đâu phải do tôi tự ý! Thấy lý lịch chính trị của mình có vấn đề “gút mắc” và tổ chức xử lý như vậy tôi rất buồn! Nhưng với niềm tin đối với Đảng và tính tổ chức kỷ luật thấm trong máu, tôi không hề có thái độ tiêu cực, vẫn yên tâm và tiếp tục phấn đấu lao vào nhiệm vụ mới. 

Chuyển ngành sang Văn phòng Tỉnh ủy tháng 5 năm 1977 tôi làm cán bộ nghiên cứu phụ trách theo dõi khối quân sự, an ninh. Đặc biệt, theo dõi chiến sự biên giới Tây Nam đang leo thang ngày càng ác liệt phục vụ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy. Cuộc “chiến tranh quái gở” này tính chất khác hẳn hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta trước đó. Tuy thời gian không dài, nhưng tổn thất về người và của quân dân ta vô cùng to lớn!

     Với trách nhiệm của mình, tôi theo dõi chiến sự qua báo cáo của Tỉnh đội và các huyện – thị biên giới, thỉnh thoảng tháp tùng các vị trong Ban Thường vụ tỉnh ủy, hoặc Tỉnh đội thị sát chiến trường tiếp xúc cán bộ, chiến sĩ nghe anh em báo cáo: Khmer Đỏ là kẻ cuồng tín, vốn là “bạn” và là “học trò” của ta, nên quá hiểu biết thủ đoạn chiến thuật của nhau, quân ta lại bố trí đồn - chốt cố định bộc lộ lực lượng phòng ngự thụ động, Khmer Đỏ cơ động khi ẩn khi hiện, so đánh nhau với quân Sài Gòn khó khăn, ác liệt hơn nhiều…! Cán bộ, chiến sĩ ta ở các đồn biên phòng, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân tự vệ phải dàn quân chốt chặn ngày đêm trên tuyến biên giới, đối mặt với địch đánh trả hết đợt tấn công nầy đến đợt tấn công khác. Có những đồn, chốt bị địch đánh chiếm, ta đánh phản kích chiếm lại năm lần, bảy lượt, giành nhau từng bờ tre, ụ đất… Căng thẳng nhất là mùa nước năm 1978, toàn tuyến biên giới nước ngập mênh mông, quân ta phải đấp công sự nổi, ngày đêm sống và chiến đấu dưới tầm hỏa lực địch! Khó khăn, gian khổ cùng cực, thương vong quân ta tăng lên từng ngày! Những cán bộ, chiến sĩ “gạo cội” bộ đội tỉnh còn sống sau cuộc chiến tranh với Mỹ hy sinh rất nhiều, trong đó có những đồng đội thân thiết với tôi như Bé Tám, Tư Mưa, Sơn Bịch…! Dù hy sinh, gian khổ đến mấy, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang An Giang động viên nhau quyết tâm bám trụ chiến đấu đến cùng, nhất định không rời bỏ trận địa vì trước mặt là kẻ thù, phía sau là đồng bào, là quê hương, đất nước ta không có chổ lùi…!

     Công tác Văn phòng Tỉnh ủy được tiếp cận nghiên cứu, xử lý các nguồn thông tin; được gần gũi, tiếp xúc học tập những điều hay – dở cán bộ lãnh đạo các cấp. Cùng với việc học tập tiếp thu lý luận cách mạng trong thời kỳ mới, giúp tôi mở mang kiến thức, bồi bổ vốn sống, rèn luỵen kỷ năng hoạt động thực tiễn…Tháng 11 năm 1982 tôi được cử đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc Hà Nội theo chương trình lý luận nang cao.

     Tháng 8 năm 1983 tôi được quyết định làm bí thư Thị ủy Châu Đốc, vào thời điểm toàn miền Nam tập trung thực hiện chánh sách cải tạo công - thương nghiệp và nông nghiệp quyết liệt, sản xuất trì trệ, lưu thông hàng hóa ách tắc, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn… Làm trầm trọng thêm hậu quả chiến tranh để lại, niềm tin của quần chúng đối với chế độ mới giãm sút! Là người đứng đầu Đảng bộ thị xã, tôi có trách nhiệm tiếp thu chủ trương, nghị quyết của Đảng cùng tập thể lãnh đạo Thị ủy phổ biến quán triệt nội bộ và tổ chức thực hiện trong quần chúng, mong chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống, làm biến đổi thực trạng kinh tế - xã hội. Nhưng, càng dốc sức làm, tình hình càng tồi tệ, dân tình ngày càng bất bình, ca thán! Trước năm 1975, Châu Đốc là một thị xã sầm uất, người dân có mức sống khá sung túc, nay phố xá vắng lặng, tiêu điều, hàng hóa khan hiếm! Tôi thường xuyên tiếp xúc dân trong các cuộc hội họp, hoặc lẻ tẻ nghe phản ánh tâm trạng bức xúc và những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, đời sống… Tôi rất đau buồn cãm thấy có lỗi với dân!

     Trước thực trạng kinh tế - xã hội thị xã quẫn bách không lối thoát, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi không biết làm thế nào đưa thị xã vượt qua mà không bị Đảng bắt tội “xé rào”. Hồi ấy, ở Châu Đốc có họp tác xã nông nghiệp Châu Long 1, được tỉnh công nhận là “tiên tiến”, nhờ “trùm mền” thực hiện “khoán hộ”, sản xuất phát triển khá, đời sống xã viên được cải thiện. Trong lần đồng chí Đào Duy Tùng, ủy viên Bộ Chính trị về thăm thị xã, tôi hứng thú đưa đến họp tác xã để “khoe”. Sau khi nghe chủ nhiệm họp tác xã báo cáo quá trình xây dựng và phương thức quản lý kiểu “khoán hộ”, đồng chí quay lại hỏi tôi: “Làm như thế nầy thì tánh chất chủ nghĩa xã hội trong họp tác xã ở đâu…?”. Lời đồng chí Đào Duy Tùng làm tôi cụt hứng, càng thêm e dè! Nhưng vì trách nhiệm với đồng bào thị xã, tôi không thể khoanh tay ngồi chờ phép mầu từ trên trời rơi xuống, thấy mình cần phải làm gì đó…! Một hôm, về Văn phòng Tỉnh ủy họp, tôi xin gặp riêng đồng chí Lê Văn Nhung (Tư Việt Thắng), bí thư Tỉnh ủy trong buổi chiều sau giờ làm việc. Tôi nói với đồng chí: “Chú Tư ơi! Mình xây dựng chủ nghĩa xã hội là đem lại ấm no, hạnh phúc cho dân, nhưng làm kiểu nầy biết bao giờ đạt được điều đó chú Tư? Tôi thấy mình có lỗi với dân, dân tin mình, không khéo mình đánh mất niềm tin của dân…”. Đồng chí Tư Việt Thắng nhìn tôi nét mặt đượm buồn, chậm rãi nói: “Tôi cũng thấy như vậy, nhưng tỉnh là cấp trực thuộc Trung ương không thể làm trái nghị quyết, chỉ thị Trung ương, Tư Đào ở cấp huyện, thực tế thấy cần phải làm gì cứ làm, nhưng phải khéo và từ từ thôi…!”.

     Được bí thư Tỉnh ủy bật đèn xanh, tôi như mở cờ trong bụng, báo lại Ban thường vụ Thị ủy và đề xuất những việc cần làm trước mắt, nhằm làm dịu sự căng thẳng trong dân do chánh sách cải tạo gây ra, như cho tiểu thương đăng ký mua bán, các hộ tiểu – thủ công nghiệp được đăng ký sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thông thường và không buộc phải vào tổ hợp hay hợp doanh với nhà nước. Trong nông nghiệp, các họp tác xã được tiếp tục “khoán hộ”. Ngoài ra, cho làm “thí điểm” đăng ký hành nghề thợ bạc (thợ kim hoàn), mua bán vàng và bán thuốc tây dưới hình thức “tổ họp”, nhưng thực chất là tư nhân…

     Sau khi triễn khai thực hiện những biện pháp “cởi trói” trên, không lâu chợ Châu Đốc người mua kẻ bán tấp nập, hàng hóa phong phú, đa dạng thị xã khoát trên mình bộ mặt mới. Khi tiếp xúc với dân ai cũng bộc lộ niềm vui, tôi cãm thấy vui lây với họ. Các đoàn khách trung ương và các tỉnh bạn đến thăm An Giang, gần như đoàn nào cũng lên Châu Đốc tham quan, mua sắm. Có người nói mĩa mai với tôi: “Chợ Châu Đốc của anh sao giống Hồng Kông quá!”. Có người lại hỏi: “Anh làm sao chợ búa mua bán sôi động như vậy?”. Tôi trả lời: “Tôi chẳng làm sao cả, trước đây ta cải tạo công -  thương nghiệp cấm đoán gây ách tắc mọi thứ, nay chúng tôi để người dân được tự do làm ăn buôn bán bình thường. Chỉ có thế!…”.                                                                                 

     Tháng 10 năm 1986, tôi được bầu vào Ban thường vụ Tỉnh ủy, về tỉnh làm trưởng Ban Tuyên huấn, nay là Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy. Tháng 8 năm 1989, tôi được bầu làm phó bí thư Tỉnh ủy và được cử làm trưởng Ban Dân vận kiêm chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Tháng 10 năm 1991 Đại hội lần thứ V Đảng bộ tỉnh tôi thất cử. Đây là điều tôi cũng như nhiều người không ngờ lại có thể xãy ra…!? Sau đó, qua Ban Dân vận Trung ương tôi xin chuyển công tác về Văn phòng 2 Trung ương Hội Chử thập đỏ Việt Nam làm chuyên viên phụ trách công tác tổ chức. Tháng 3 năm 1994 tôi đề nghị lãnh đạo Trung ương Hội Chử Thập đỏ Việt Nam và Ban thường vụ Tỉnh ủy An Giang nghỉ hưu trước tuổi và được chấp nhận. Sự nghiệp chính trị của tôi kết thúc từ dó!

*

     Tôi đã sống một cuộc đời như thế! Sướng khổ, vui buồn, vinh quang và cay đắng đều nếm trãi! Điều mong ước đời tôi là đất nước luôn bình yên và phát triển bền vững, để nhân dân ta được sống trong hòa bình và thịnh vượng!

 

                                       Thành phố Long Xuyên, ngày 27 tháng 2 năm 2021

                                                                        N.M.Đ

 

 

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 27-2-21