TRẦN QUỐC HƯƠNG
Nguyễn Thị Ngọc Hải
6. Đấu trí ở trại giam Tòa Khâm, Huế
Ngay sau khi bắt được ông Mười Hương tại điểm hẹn ở Gò Vấp, bọn lính kín
đưa ông về Vân Đồn, một kho của quân Bảy Viễn trước đây, giờ được Đoàn
mật vụ miền Trung lấy làm trụ sở. Vì là kho nên sân rộng, có một tòa nhà
có tầng gác. Chúng để ông ở tầng trệt, có một thằng coi, không nói năng
gì. Trưa có cơm. Tối phát mùng: “Ông cứ nghỉ đi. Đừng tìm cách trốn để
chúng tôi phải dùng biện pháp không muốn”. Suốt cả ngày không hỏi gì, có
lẽ đêm đến nó mới đánh? Cũng không. Sáng hôm sau, ngoài sân thấy lính ra
tập sớm. Đến khi nhìn qua khe cửa mới biết anh em cùng hoạt động cũng bị
bắt vào đây.
“Khi còn ở ngoài hoạt động, tôi luôn nghĩ: Hoạt động mà bị bắt thường
phải nghĩ tới hai trường hợp: nó không biết gì về mình, có thể nghĩ ra
cách cung khai một bản cung giả nhưng phải hợp lý. Khi nó đã biết về
mình rồi, chỉ còn cách đấu tranh trực diện. Vì vậy, việc quan trọng bây
giờ của tôi: phải tìm hiểu cho ra vì sao mình bị bắt, từ đó mới có thể
hiểu là kẻ địch đã biết gì về mình hay chưa.
Bọn chúng để yên cho tôi ba ngày, không hỏi han, không đánh đập. Tôi
chưa hiểu nó định làm gì. Lúc ấy đầu óc tôi khá căng thẳng. Tôi nằm một
lúc rồi ngồi dậy thiền. Tôi học thiền từ lâu rồi, theo cuốn sách về khí
công mà đồng chí Lý Ban (sau này là thứ trưởng Ngoại thương) cho tôi.
Suốt sáu năm tù tôi đều tập, nó làm cho tôi bình tĩnh lại và giữ được
sức khỏe. Bọn gác theo dõi cả đêm. Tôi tập đến lúc mệt mới thôi. Một
hôm, có thằng đến hỏi:
- Tên ông là gì?
- Các ông giữ căn cước của tôi còn hỏi. Tôi là Trí.
- Không phải, ông nói láo. Đó là giấy giả. Tên ông là H.G.
H.G. chính là tên tôi thường ký trong các báo cáo. Hay là bể đường dây,
giao thông bị bắt khai ra? Mấy ngày sau tôi có quan sát xung quanh. Ở
nhà ngang phía sau phòng tôi có phòng giam anh em, trong đó tôi có
thoáng thấy một số cán bộ cùng hoạt động với tôi. Buổi tối các anh ấy
thường chơi cờ. Một lần khi xin đi vệ sinh, tôi liều tạt thẳng vào. Có
một anh nói ngay, thằng Ba nó chỉ bắt anh, nó phản rồi đấy anh ạ. Rồi
giơ tay chỉ cho tôi một căn phòng. Đó chính là căn phòng hễ cứ tôi ra là
nó đóng cửa phòng ấy lại. Tôi vờ kêu lên mấy câu, chợt nghe tiếng anh
Ba, người đã cùng bị bắt với tôi khi gặp nhau ở Gò Vấp. Anh ta kêu lên:
“Các bố mở giùm cửa ra chứ nhốt mãi chịu sao được”. Bọn địch ở đây nói
tiếng miền Trung. Tôi chợt nghĩ: mình dính bọn thằng Cẩn rồi, không thể
bịa ra một bản cung đánh lừa chúng được, chỉ còn con đường đấu tranh
trực diện”.
“Trước khi bị bắt, tôi đã nhận được hai bức điện của Xứ ủy dặn: Hãy cẩn
thận. Ngưng liên hệ với Trung ương và ngoài Trung vì có bể bạc lớn. Có
lệnh mới được liên lạc lại. Tôi được biết, ở khu Năm có cơ sở bị xóa
trắng toàn bộ. Có những nơi đồng chí ta bị bắt gần hết. Quân của Cẩn phá
căn cứ Ba Lòng tàn khốc lắm, thậm chí sau khi đã phá nát nó còn cho
người đi kiểm tra, gặp một bé trai sống sót nó cũng giết nốt. Lại còn vụ
ở Quảng Nam, đập Vĩnh Trinh... Tư tưởng sẵn sàng chết là có từ đấy, khi
tôi nghe giọng nói của bọn công tác đặc biệt miền Trung.”
Dương Văn Hiếu, tu xuất, sau làm giám đốc Cảnh sát đặc biệt, lúc đó đang
là Trưởng ty Công an Thừa Thiên. Hắn là một trong số trưởng ty công an
đầu tiên do Mỹ đào tạo trở thành Trưởng đoàn Công tác đặc biệt miền
Trung của Ngô Đình Cẩn. Một hôm, Hiếu cùng tên Khanh, một tên chuyên phụ
trách việc bắt bớ của Nha Cảnh sát đặc biệt ngụy quyền Sài Gòn (kẻ đã
bắt tôi), tới gặp tôi:
- Chúng tôi tới thăm sức khỏe ông.
Tôi im lặng. Nó nói tiếp:
- Ông đừng có hy vọng, không trốn được, cũng không tự tử được đâu. Ông
bị theo dõi 24/24. Làm gì chúng tôi biết ngay.
Tên Hiếu đi lại, thủng thẳng:
- Ông không biết tôi đâu. Nhưng tôi rất biết ông. Ông và ông Bùi Lâm là
người lãnh đạo Tòa án quân sự Quân khu Ba mà. Anh em bị bắt rất ca ngợi
ông. Họ phục ông lắm.
Bọn chúng rất cáo già, cấn thận trong từng câu nói, cả cách xưng hô.
Chúng không dùng đại từ gì khác ngoài từ “ông” và “anh” khi nói chuyện
với tôi. Kể cả lúc tức tối. Dương Văn Hiếu vốn là người Hà Nam, việc nó
biết tôi và anh Bùi Lâm chẳng có gì lạ.
Tôi cứ im lặng xem nó giở bài gì. Nó nói tiếp: - Cậu Hội cao phục ông lắm.
Hội là tên người liên lạc, rất giỏi và ngoan cường, đòn tra không ăn
thua. Thời kháng chiến chống Pháp, Hội nổi tiếng dũng cảm đánh bọn đặc
vụ Quốc dân Đảng.
Thấy tôi im lặng, chợt nó hỏi:
- Ông có phải tên Hương không? Tôi nghĩ đã đến lúc đấu tranh trực diện
nên trả lời:
- Đúng. Tôi là Hương. Các ông muốn gì? Dù ông muốn gì, tôi cũng nói
trước cho các ông biết: người cách mạng bị bắt có ba việc không làm:
không khai báo, không nói xấu cách mạng, không nói xấu Chính phủ Cụ Hồ.
Còn các ông muốn làm gì thì làm. Tôi biết, tôi bị bắt, các ông có quyền
hành hạ, không cho ăn, không cho, xin lỗi, ỉa, nhưng tôi nói trước là
tôi không khai.
Hai đứa nhìn nhau bất ngờ. Trao đổi vài câu, chúng bỏ về.
Ông Mười Hương ngầm liên hệ được với anh Hoàng - trưởng nhóm tình báo
Thừa Thiên khu Năm cũng bị bắt nhốt ở trại Vân Đồn. “Tôi bí mật viết thư
nói rõ thái độ của mình cho anh ấy: “Tôi bị bắt chắc chết thôi. Thế nào
chúng nó cũng biết. Nhờ anh nhắn cho vợ con tôi. Tôi chết thanh thản và
trong sáng”.. Anh ấy viết trả lời cho biết là anh không khai gì về tôi
cả, chỉ nói là có lần gặp ở bùng binh (đường Nguyễn Văn Cừ bây giờ thì
phải). Anh dặn tôi: “Cố gắng sống. Cách mạng cần anh nhiều. Cẩn sẽ đưa
anh ra Huế đấy, hắn rất muốn gặp anh”. Cẩn có nói với tay chân, thái độ
anh này mà giống Tư Lung thì toa giết ngay thôi, tao không chịu được.”
Tôi nghi ngờ, không biết sự thực sẽ như thế hay không, hay là địch tìm
cách bắn tiếng để “tâm lý chiến” tôi.
***
Đoàn công tác đặc biệt miền Trung của Ngô Đình Cẩn tự coi là “đoàn thể
cách mạng Quốc gia”, không chịu sự chi phối, điều hành của nhà nước và
luật pháp. Là một thứ công cụ chuyên chế bất hợp pháp nhưng quyền hành
của nó bao trùm lên chính thể, bao trùm lên luật pháp nhờ uy thế của gia
đình họ Ngô, để bảo vệ chính quyền Diệm - Nhu. Toàn bộ nhân viên của
Đoàn công tác đều đồng thời là gia nhân của Cẩn, hành động theo chỉ thị
- phần lớn là khẩu lệnh - của Cẩn. Sào huyệt gốc của Đoàn công tác đặc
biệt miền Trung là cơ quan đặc biệt đóng tại Tòa Khâm. Tòa Khâm sứ Huế
cũ lúc này biến thành một nhà tù lớn làm nhiệm vụ cải tạo, chuyển hướng
cán bộ Cộng sản bị bắt. Ngoài ra còn có các cơ sở lao động khổ sai như
vườn cam, nhà mát ở Cửa Thuận và đặc biệt là Trại giam ở Chín Hầm (gần
lăng Gia Long), nơi cầm cố để thủ tiêu những người Cộng sản kiên cường
không chịu khuất phục.
Đưa ông Mười Hương ra Huế, bọn chúng nhốt ông ở trại Tòa Khâm nhưng
chúng để ông ở chung phòng với một người tên Th., trước là cán bộ kinh
tài của ta ở Khu Năm, nay chuyển hướng, hợp tác với địch. Nhiệm vụ của
người này là phân tích, lung lạc ông Mười. Luận điệu như sau:
“Các anh theo kháng chiến giành độc lập, có công lớn với đất nước. Đường
lối cách mạng miền Nam bây giờ bế tắc, Đảng không cho đấu tranh vũ
trang. Cứ đấu tranh hòa bình với hai bàn tay trắng, địch đàn áp, ruồng
bố, rồi ai cũng bị bắt thôi. Không có đường thoát. Tụi em với Đạt, Phó
Bí thư Thừa Thiên, bị bắt, ông Cẩn cũng thừa nhận mình là người kháng
chiến có công. Bây giờ đối đầu với họ không được. Phải làm lại cuộc cách
mạng tư sản dân quyền ở miền Nam. Ta cứ về với chính quyền hợp thức để
khỏi bị tiêu diệt, rồi lượng đổi chất sẽ đổi”...
Ông Mười Hương: “Các anh khi ở ngoài đời đi hoạt động không đóng góp
được ý kiến, nay vào tù, hai chân vô còng mới xem xét đường lối là nghĩa
lý gì? Lúc anh đi kháng chiến, theo Đảng là tự giác ngộ, tự anh làm chứ
có ai gí súng vào lưng bắt anh làm không? Đảng không ép gì ta. Đừng
trách Đảng. Con đường tranh đấu chông gai, hãy tự mình xử sự cho đúng.”
Đây mới chỉ là bước thăm dò, “lấy chim cu bẫy chim cu”, bọn địch dùng
tụi đầu hàng lải nhải làm căng thẳng.
“Tôi ở một phòng tối. Nhờ vào hai lần bữa ăn để biết đã qua ngày. Nó đưa
tôi cùng ngủ với anh Th. Nhiệm vụ của anh này canh
xem diễn biến tư tưởng tôi ra sao, có ăn, ngủ được không. Có lần tôi lén
xem được sổ gác nhận xét: Ăn ngủ bình thường. Tập bình thường - tắm -
ngủ. Gần một tháng như thế, chưa thấy nó đánh. Có báo đọc. Những cán bộ
chuyển hướng kia cứ đến nói thế. Tôi cứ ôn tồn như thế.
Anh Th., sau này cũng bị đưa về Bình Định và đã nhận thấy sai lầm khi
chuyển hướng nhưng đã muộn, sau anh bị địch tra tấn suốt một năm cho đến
chết. Trong thời gian ở trại Tòa Khâm, ông Mười Hương chỉ nghĩ: “Khổ
nhất là phải tìm chuyện gì để suy nghĩ để sống còn, có ý nghĩa, ích lợi.
Nó sẽ làm cho tư duy mình lớn lên. Tôi tìm mọi cách để có tin tức, kể cả
từ những mẩu giấy báo trong nhà cầu, khi đi đổ bô lén lấy về coi.”
Sáu năm ở trong nhà tù mật vụ miền Trung, cái khó của ông Mười Hương
không phải là những đòn tra khảo mà là đối phó với “chính sách” của
địch. Hiểu được nó thì mới hiểu vì sao sau này khi đã trở thành Ủy viên
Trung ương Đảng, ông Mười Hương vẫn còn khổ vì đơn tố cáo: Tại sao giặc
biết ông là cán bộ tình báo cao cấp mà không giết, tại sao ông lại được
thả?
Ngày ông Mười Hương bị đưa ra nhà tù Tòa Khâm Huế bằng máy bay Dakota
nhà binh, ông chưa biết được những gì đang chờ đón mình. Mà biết làm sao
được! Mãi tới năm 1989, hơn 30 năm sau, nhóm cựu tù nhân chính trị họp
mặt để phân tích về giai đoạn ấy họ vẫn cho là chưa ai phục chế “một
mảng trống lịch sử bị bỏ rơi, quên lặng. Họ cho rằng chế độ mật vụ Ngô
Đình Cẩn - Dương Văn Hiếu là một ngành an ninh đích thực nhưng là một
siêu tổ chức với nhiều đặc thù không có bộ máy nào của Ngụy so sánh
được”. Trong nhà tù không song sắt này, công an mật vụ của tụi nó cùng
với người tù sinh hoạt chung. “Chuyện khó tin mà có thật và chỉ có được
trong thời điểm lịch sử nhất định”. Những người tù ấy có một đặc điểm là
họ trưởng thành trong chín năm kháng chiến chống Pháp, là những người đã
kết liễu chế độ thực dân cũ, bước vào giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến
đấu chống chế độ thực dân kiểu mới là đế quốc Mỹ.
Trong cuốn ký sự không xuất bản của người tù Dư Văn Chất, viết ra với
mong muốn xây dựng Đảng, có đề: “Bằng tác phẩm này, tôi muốn nói với
Đảng, với người thân và bè bạn, với người yêu và kẻ ghét, nói thay cho
người đã chết và cho cả người còn sống.” Nay thì tác giả của tập sách ố
vàng, in roneo này cũng không còn nữa. Cuốn sách có tên “Bội phản hay
chân chính?” chứa đầy chất liệu sống ấy, đã có vài nét phác thảo về chế
độ tù mật vụ miền Trung ấy, đã dựng lại bối cảnh mà chính ông Mười Hương
đã trải qua cùng với các bạn tù. Họ đều bị bắt cóc, không có xử án,
không có thời hạn.
Hãy nghe Thái, tên phụ tá của Đoàn công tác đặc biệt miền Trung, nói với
người tù Dư Văn Chất: “... Chúng tôi không như bên công an đâu... Chúng
tôi không cần bằng chứng để buộc tội, để làm cung, để tư tòa, kêu án.
Một là chấp nhận chính sách, về hợp tác với chúng tôi. Hai là không có
ngày về với gia đình. Anh muốn chọn đường nào?”
“Chính sách” mà hắn nói đây là gì? Nếu hiểu được điều này, có thể thấy
được sự cam go hơn cả đòn tra và hiểu được những người như anh Th. Người
bị bọn chúng đưa đến mong lung lạc ông Mười song anh không chịu chuyển
hướng. Vừa bước vào phòng giam ông Mười Hương, anh ta tự giới thiệu
trước làm tòa sứ Buôn Mê Thuột. Anh nói: “Tôi có quen các anh, trong đó
được anh Nguyễn Chí Diểu giáo dục nhiều. Chúng giao tôi đến đây định làm
con chim mồi nhử anh nhưng anh yên tâm, tôi không làm vậy đâu”.
Khi thảo luận với nhau, ông Mười Hương khẳng định không thể lợi dụng
“chính sách” của Diệm - Nhu được.
Trích lời tác giả Dư Văn Chất nói về mật vụ miền Trung:
“Thay vì chúng nói thẳng: khai, phản, làm cho
người tù còn chút lương tâm dễ bị sốc, còn biết tự trọng dễ mắc cỡ,
chúng dùng toàn mỹ từ: chuyển hướng, thay cho đầu hàng; trình bày thay
cho khai báo; hợp tác thay cho phản bội... những từ dịu hiền, đẹp đẽ đó
vuốt ve lòng người đang bị rúng ép khiếp sợ.”
Chính sách của chúng lúc đó là lợi dụng phong trào cách mạng đang khó
khăn, chúng kết hợp thủ đoạn cứng rắn với lừa gạt, dụ dỗ, tấn công tư
tưởng người bị bắt làm họ luôn phải căng thẳng, đưa dần họ vào con đường
phản bội từng bước và không thể quay lại với cách mạng. Chúng gọi là
chính sách “qua cầu rút ván”. Tổ chức thực hiện chính sách này là Đoàn
công tác đặc biệt miền Trung.
Trong cuốn sách của tác giả Dư Văn Chất: “Đoàn công tác đặc biệt miền
Trung gồm hai thành phần: cán bộ quốc gia và cán bộ kháng chiến chịu
chuyển hướng. Đoàn được cố vấn Ngô Đình Cẩn tổ chức như một đoàn thể
cách mạng quốc gia do chính cố vấn chỉ đạo trực tiếp. Nó không chịu sự
chi phối, điều hành của bất kỳ một cơ quan nhà nước hay đoàn thể chính
trị nào hết. Đó là một tổ chức siêu chính phủ, siêu đảng phái - không có
hệ thống ngành dọc, ngành ngang, cấp trên và chân rết địa phương...
nhưng bất cứ ở ngành nào cần, hoặc địa bàn nào cần có sự hiện diện của
nó là nó có mặt. Nó không có quy định giới hạn hoạt động, vì thế phạm vi
và quyền hạn hết sức rộng rãi, hoạt động hết sức linh hoạt. Nó không
phải cơ quan nhà nước nên không bị pháp luật chi phối. Nhưng nó lại được
sử dụng mọi hình thức hợp pháp với quyền lực cao nhất... Đoàn vào Sài
Gòn hoạt động với nhiệm vụ chuyên sâu: “Mời” cấp ủy liên khu Năm và tình
báo chiến lược về với Quốc gia.”
Chính vì có mưu đồ sử dụng những người kháng chiến nên chúng dùng thủ
đoạn đặc biệt: đầu hàng, chuyển hướng thì tin dùng; còn nếu kiên trung
lý tưởng Cộng sản thì chúng tha hồ thủ tiêu, không cần án xử. Chính ông
Mười Hương sau này mới biết mình có tên trong 200 người bị đi thủ tiêu
nhưng địch không kịp thi hành.
***
Vì sao Diệm - Nhu biết ông là cán bộ cấp cao như vậy lại không giết
ngay?
“Phải hiểu triết lý của anh em họ Ngô. Họ chống Cộng quyết liệt nhưng
lại khâm phục cái phần kháng chiến của người Cộng sản, cho đó là phần
quốc gia, chống ngoại xâm, yêu nước. Họ muốn dùng người sạch sẽ để cùng
Quốc gia, theo đường lối Quốc gia. Vì vậy họ cố gắng cả năm trời làm
việc lay chuyển và tấn công tư tưởng.” Ông đã có lần nói với Ngô Đình
Nhu và đám tay chân, phân tích cho họ thấy chế độ Diệm - Nhu “không thể
thoát khỏi cái thòng lọng viện trợ Mỹ”.
Cứ thử so sánh với việc Mỹ dùng Lý Thừa Văn (tổng thống Hàn Quốc cùng
thời với Ngô Đình Diệm). Mỹ tin Lý Thừa Văn hơn tin ông Diệm. Lý Thừa
Văn được đào tạo ở Mỹ, lấy vợ Mỹ. Chứ còn ông Diệm thế nào, Mỹ biết
chứ.” Những lời phân tích, đấu lý này với các cấp tay chân của Diệm -
Nhu đều được báo cáo lên hết. Thời kỳ ấy, Diệm - Nhu tổ chức cả những
cuộc đấu lý công khai. Người ta còn nhớ cuộc đấu trí ở Mỹ Tho do tỉnh
trưởng tỉnh Nha Trang Nguyễn Văn Trân tổ chức đấu lý với đồng chí Nguyễn
Văn Hiếu (lúc đó đang phụ trách công tác trí vận Thành ủy). Khi không
lung lạc được ông Mười Hương, có ý kiến định đưa Nguyễn Văn Trân đấu lý
với ông Mười Hương. Nhưng chính Ngô Đình Cẩn gạt đi, vì “Không được đâu.
Không đủ lý lẽ để đấu với ông Hai này. Đã đấu lý lẽ cả năm không được.
Để nói ông cố vấn Nhu gặp mới được”. Chính Ngô Đình Cẩn cũng nhận xét về
ông Mười Hương “Cộng sản ngoan cố thì rõ rồi. Nhưng lời ông ta nói, có
cái chúng ta phải suy nghĩ”.
Sau này, qua lời những tên đã từng canh giữ, tra hỏi ông Mười Hương, sau
giải phóng chúng đã khai trong trại cải tạo, ông Mười Hương biết rằng
Diệm - Nhu không giết ông còn có một lý do nữa. Lê Văn Dư, phụ trách
trại giam Tòa Khâm - Huế, khai rằng do thái độ ngoan cố của ông Mười
Hương nên hắn nhiều lần đề nghị Ngô Đình Cẩn phải dùng biện pháp mạnh
như tra tấn, thủ tiêu nhưng Cẩn không chấp nhận. Cẩn nói: “Phải kiên trì
thuyết phục làm sao chuyển hướng được tư tưởng chứ khai hay không không
thành vấn đề. Hương không khai thì người khác cũng đã khai hết, mất thời
gian tính rồi. Cứ đối xử tử tế. Người giá trị thế này mới có giá để trao
đổi tù binh khi cần thiết”.
Ông Mười Hương ngắt ngang mạch chuyện, quay sang tâm sự thời cuộc như
mong muốn người bạn ngồi nghe phải chung một nhận định nào đó. Hình như
chỉ có như thế mới có thể cùng nhau ôn tiếp các sự kiện. “Chính vì sợ sự
chủ quan nên tôi sợ viết hồi ký. Kể cho bạn thân nghe thì được. Thí dụ,
có anh X. viết về đời một nhân vật nổi tiếng cũng ở tù. Vì là bạn thân
đưa cho nhau đọc nên tha hồ nhận xét thẳng thừng. Tôi nói ngay: Viết thế
này thì chắc chỉ có mình anh ở tù. Anh là vua tù, chẳng ai theo được
anh. Anh có công nhận là nếu tất cả các cai tù đều răm rắp làm đúng các
quy định khắc nghiệt thì tụi mình chết hết rồi không? Nó chủ ý giết mình
thì mình chết. Ngô Đình Cẩn đã từng nói: chết thành đống càng gọn, đào
lỗ vất tất cả xuống đấy.”
Trong suốt sáu năm ở tù này (1958-1963), có tất cả 49 đứa canh gác tôi.
Tất cả đều là dân Công giáo Phủ Cam (Huế), địa phương của gia đình Ngô
Đình Diệm. Chỉ có hai người theo Phật giáo, một lính khố xanh của chính
quyền Nam triều, một commăngđô mũ đỏ. Tôi đã nói chuyện nhiều với họ.
Chuyện gì? Chuyện đối nhân xử thế ở đời, không dùng chữ chủ nghĩa xã hội
hay Cộng sản, chỉ nói về một tương lai không còn bóc lột... Người lính
theo Công giáo nói: Đấy cũng chính là địa đàng Chúa định cho con người
nhưng con người kiêu quá nên Chúa phạt đó thôi. Họ cũng mong muốn một xã
hội công bằng, bác ái nhưng động đến chữ Cộng sản là giãy nảy lên. Tất
nhiên, có những anh mê muội, hung ác. Khi nhìn đánh giá kẻ thù cũng phải
hiểu sâu nhiều mặt mới không dao động vì biết được bản chất của nó rồi.
Chính ý này khiến tôi thích tác phẩm Viết dưới giá treo cổ của
Phu-xích. Ông đā nhận xét bọn cai ngục quân SS phát xít Đức: có đứa là
súc vật không còn nhân tính nhưng có kẻ nửa người nửa vật. Chính thế mới
có kẻ cai ngục giữ lại cuốn sách của ông để người đời sau đọc. Kiểu
tuyên truyền sơ lược không cẩn thận gây tác dụng ngược.
Thí dụ như anh bạn cùng hoạt động bị bắt, bị buộc khai báo để kẻ địch
dẫn đi bố trí bắt tôi trong cuộc hẹn ở Gò Vấp. Ngoài Trung ương đưa vào.
Anh cũng là một cán bộ tốt, đã từng bị bắt ở Sài Gòn vẫn giữ được khí
tiết. Trung ương chọn anh vào giúp chúng tôi lúc đó chuyên mảng nghiên
cứu quân sự. Là một trong những người được tin cậy. Ra tập kết, anh được
đề bạt làm phó chính ủy một sư đoàn. Ở trong này làm chính trị viên tỉnh
đội. Một người như vậy nhưng về tư tưởng lại không được chuẩn bị tốt. Cứ
nghe kiểu tuyên truyền đơn giản về miền Nam. Anh vào, thấy không đúng
hoặc chưa hiểu thế nào là “phồn vinh giả tạo” nên phát sinh hoài nghi
những cái đã được học. Phải nói sao cho thuyết phục và có tính chân
thật, đừng sợ bị chụp mũ là ca ngợi kẻ địch. Vào chiến trường sinh tử
phải nhìn chính xác mọi mặt thì mới đối phó được.
Cao Dao là một nhà báo có tiếng, cũng là người của ta (chính là anh
Huyến người cùng cung cấp cho ông Mười Hương tin báo Nhật sẽ đảo chính
Pháp) thời gian Diệm mới được đưa về thay Bửu Lộc làm Thủ tướng, Cao Dao
có nói với ông Mười Hương: “Anh ạ, Diệm trước khi về nước băn khoăn lắm,
nó nói rằng chúng ta phải đấu tranh với Cộng sản. Cộng sản có ba mặt.
Thứ nhất, nói gì thì nói, Cộng sản là người nắm thế chính nghĩa, không
thể phủ nhận sự lãnh đạo khởi xướng cuộc chống Pháp, từ đó mới có nước
Việt Nam độc lập. Thứ hai, Cộng sản có một đội ngũ rất trung thành.
Giống như một đội thánh tông đồ. Đội này có hàng ngàn, vạn, chứ không
chỉ mười hai vị như của Chúa. Tụi này rất trung thành, quyết liệt. Thứ
ba, nó có tổ chức gắn với dân. Cho nên chúng ta chống Cộng sản phải làm
sao phá nổi ba thế này thì mới thắng được, không vượt được ba cái này
thì khó lắm”. Những điều này đeo đuổi ông Mười suốt về sau, giúp ông
đánh giá được kẻ địch để có những đối phó chính xác.
“Với cách nhìn như thế, tôi phân tích các khía cạnh của lối cai trị của
anh em Ngô Đình Diệm. Sự tàn ác với nhân dân, làm tay sai thì đã rõ.
Nhưng Diệm có những đặc thù. “Phải tìm hiểu thằng địch” - ông Mười nhận
định - “Anh em Diệm - Nhu làm chính trị thật, muốn dân tộc theo kiểu của
họ. Ngay khi tìm hiểu, phân tích, báo cáo ra bên ngoài lãnh đạo, tôi
cũng lưu ý thấy Diệm có mâu thuẫn với Mỹ. Thí dụ, CIA cần tin tức, Diệm
yêu cầu cứ chi tiền ra, Diệm cung cấp tin tức chứ không cung cấp cơ sở”.
Vì sao tôi phải nhận xét đặc thù đó? Vì nó là những sắc thái để chúng ta
có thể hiểu chính sách thâm độc của nhà họ Ngô. Anh em họ Ngô không bơ
sữa, ăn chơi như đám Tâm, Hữu - những tên thủ tướng được dựng lên. Nhà
Ngô đó tự hào mình là dân tộc Việt Nam, yêu nước - những biểu hiện sinh
hoạt của họ không phải không có nhiều người ngưỡng mộ. Họ không ăn chơi
đàng điếm mà thích ăn vặt kiểu Huế. Thích nhất món cá trầu kho dưa. Sinh
hoạt kiểu Á Đông... quần áo lót tự giặt lấy, cho đó là đồ riêng, không
để người khác giặt. Viên đại úy hầu cận kể lại vậy. Diệm dùng người rất
chú ý kiểu Việt Nam: sử dụng những người thân tín. Viên đại úy hầu cận
này tên là Bằng, con một người chạy giấy làm cho Ngô Đình Luyện em của
Diệm, giám đốc Sở Đạc điền ở Đà Nẵng. Bố là người thân tín nên Diệm
tuyển con vào tiếp tục hầu cận. Bằng kể buổi sáng sớm vào pha trà cho
Diệm, bao giờ cũng được Diệm kêu đến cho một chén. Vì thế, Diệm cũng có
nhiều người thân tín, dám xả thân. Diệm rất tự hào về gia đình, dòng dõi
mình. Không tán thành Pháp, Diệm treo ấn từ quan lúc làm thượng thư Bộ
Lại. Bố của Diệm là Ngô Đình Khả cũng Bộ Lại. Đến người sui gia Nguyễn
Hữu Bài cũng thượng thư Bộ Lại. Diệm nói Diệm yêu nước và tự hào: “Đày
vua không Khả, Đào mả không Bài” (Ngô Đình Khả - thân sinh ông Diệm
không tán thành đày vua Duy Tân, Pháp chủ trương đào các mả vua chúa lên
để lấy vàng. Ông Nguyễn Hữu Bài, cha vợ Ngô Đình Khôi anh ông Diệm, phản
đối trong khi các quan khác lại ngậm miệng). Ông Thục nói là cả nhà phải
nghe. Khi Mỹ ép gia đình họ Ngô đi di tản để đưa Phan Quang Đán về, ông
Thục không cho: “Tổng thống cứ làm tổng thống, Nhu làm phụ tá cứ làm. Mỹ
nói kệ nó. Nước của mình là việc của mình.”
Tại sao tôi nói nhiều khía cạnh về anh em họ Ngô? Để trả lời phần nào
cho những diễn biến cuộc đấu trí trong tù. Có lần nhà văn Nguyễn Quang
Sáng cũng trò chuyện với tôi, muốn nghe về giai đoạn này. Tôi bảo: Muốn
hiểu câu chuyện phải hiểu rõ kẻ địch. Tôi đã hai lần bị bắt: lần trước
là thời kỳ thanh niên, tham gia hoạt động Việt Minh năm 1940-1941. Thời
đó tôi khỏe, bị đánh ngủ dậy là khỏe. Khi bị bắt, ráng chịu mấy tháng.
Đánh xong là ký cung, nhốt vào tù. Pháp cho rằng thế là yên. Bị nhốt,
không liên lạc được với bên ngoài, không hoạt động được nữa là thôi. Từ
thời Diệm rất khác. Nó giam để khai thác vô thời hạn. Cứ giam đấy, vớ
được tài liệu gì dính anh, nó lại kêu lên hỏi. Người tù luôn ở tâm trạng
cái chết treo trước mặt. Nó có yêu cầu chính trị của nó chứ không chỉ
đánh phá về tổ chức không thôi. Nó mở cuộc đấu tranh tư tưởng thật sự
với người tù trong thế nó mạnh, nhốt anh, có thể không cho ăn, thậm chí
không cho vệ sinh thân thể. Nó hành hạ trên sinh hoạt, đánh không nhiều.
Diệm - Nhu có nêu ý kiến trong một cuộc họp ngành an ninh: Vì sao người
Pháp cả 100 năm không tiêu diệt được Cộng sản dù họ lập ra biết bao nhà
tù, bao nhiêu cách khảo tra? Nhiều người lúc bị bắt không phải Cộng sản,
là một nông dân, thật thà đến khờ khạo, vậy mà khi ra tù trở nên tinh
khôn, thật kỳ lạ, thành một người Cộng sản có lý luận. Nếu sử dụng nhà
tù, rồi bắn giết mà hiệu quả thì Pháp đã thành công từ lâu rồi. Diệt
Cộng sản kiểu Pháp không ăn thua. Chính vì vậy, Diệm - Cẩn đưa ra chính
sách: Với Cộng sản phải dùng cách “qua cầu rút ván”. Lợi dụng phong trào
ta đang lúc khó khăn, chúng kết hợp thủ đoạn cứng rắn với lừa gạt dụ dỗ
tấn công tư tưởng khiến người bị bắt luôn phải căng thẳng, đưa dân họ
vào con đường phản bội từng bước. Khi có sai lầm với tổ chức rồi thì có
ra tù cũng không được tin dùng nữa. “Lấy chim cu diệt chim cu, lấy chúng
nó đánh chúng nó” là một ý tưởng của Diệm - Cẩn.
Đã có lần Ngô Đình Cẩn tập hợp số anh em bị bắt ở Huế, thuyết phục bằng
lời lẽ kích động: Các anh là ân nhân của đất nước, là tinh hoa của đất
nước. Bởi nếu không có kháng chiến thì cũng không có cả nước Việt Nam
Cộng hòa. Nhưng các anh bị Cộng sản lợi dụng và cướp công. Vì thế, chế
độ của Ngô Đình Diệm mời các anh hợp tác. Được như vậy là hồng phúc lớn
của dân tộc.
***
Sau khi không lung lạc được ông Mười Hương, Ngô Đình Cẩn đưa ông về giam
ở trại lao Thừa Phủ (Huế) và tiếp tục dùng đòn tâm lý, tư tưởng hành hạ
thể xác qua chuyện giam trong phòng tối, chuyện ăn, ngủ... Để tồn tại
trong nhà tù, ông Mười Hương “phải tìm việc làm” cho cái óc của mình để
không bị đi đến chỗ phản bội. Ông kể, một trong những hình ảnh lưu giữ
động viên tôi nhiều nhất là cặp mắt trong veo của con trai tôi (anh
Trung, nay đã là đại tá quân đội): “Mình phải làm sao để khi về, hai cha
con có thể nhìn thẳng vào mặt nhau. Nếu tôi phản bội, tôi làm gì sai,
thì rồi sống cũng như chết thôi.”
Cái khổ trong tù là: trước lúc bị bắt nghĩ đến lúc bị tra tấn, muốn
chết. Đau và chết là hai ám ảnh với người bị bắt. Mình cứ chờ: thôi nó
đánh cho xong, chứ chờ là khổ nhất. Trong lúc chờ đợi, tôi nghĩ phải làm
thế nào để giữ được. Con người còn sống còn nghĩ. Nghĩ vì ích lợi, không
đưa đến tiêu cực. Tôi nghĩ ra cách: ôn lại Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm.
Nghĩ cho đến lúc đi ngủ, không sợ sệt. Phải tìm việc làm cho cái óc của
mình, bởi con người ta đi dến chỗ phản bội cũng từ suy nghĩ. Tôi kết
luận được tính chất của chính sách Diệm: não, tinh thần là quý nhất của
con người, Diệm làm cho hư hại.
Cái chính là nó hành hạ mình. Không có người bên cạnh trong phòng tối.
Ăn uống thì người tù trại chính được cả suất, mình chỉ nửa suất, tiêu
hao sinh lực. Trước thì giam ở phòng tối rửa ảnh cũ của Nha Công an. Sau
đưa lên trại lao Thừa Phủ Huế cũng xà lim riêng. Quần áo suốt gần sáu
năm tù chỉ có một bộ.
Mà Huế thì lạnh lắm.
Đó là một thời kỳ máu lửa. Chỉ trong hai năm bọn Diệm triệt hạ gần hết
cấp ủy Thừa Thiên - Huế. Ở Quảng Nam, Quảng Trị bị bắt cũng nhiều. Có
những người địch sử dụng được làm quần chúng hoang mang. Anh em mình
cũng có người sai lầm, có người khờ khạo tưởng có thể trá hàng, lừa được
kẻ địch, có thể lợi dụng được “chính sách”. Cậu Hội “cao”, võ rất giỏi,
trước đây trong kháng chiến nổi tiếng đánh mật vụ Tưởng ở Đà Nẵng. Hội
“cao” tưởng lợi dụng được tụi đưa cơm, viết thư cho cơ sở báo cho các
đồng chí chạy trốn, nhờ chuyển. Không ngờ bị họ đưa tất cả cho công an
địch. Hội “cao” bỏ trốn không thoát, nó đánh chết. Cuộc đấu tranh tư
tưởng mình chỉ có cái óc, địch có bộ máy. Mình khó lòng lừa nó được.
Mình tôi mà có tới 10 người gác ngày, đêm. Lúc nào nó cũng quan sát
mình. Phải rất cảnh giác, không khiêu khích yêng hùng nhưng biết tranh
thủ tùy đối tượng. Với tụi gác, tôi chỉ hỏi rõ các quy định để biết mà
thực hiện, cái gì giúp được thì họ giúp. Thí dụ về khuya xin được mở cửa
cho thoáng. Cho tự cọ bô khỏi hôi, toàn việc bình thường với lòng nhân
ái con người bình thường chứ không nhờ gì về chuyện liên lạc. Với anh em
mang cơm cũng vậy, không biết địch nó có “xây dựng” các cậu này không.
Ngay ở những điểm nhận xét về con người như thế này, ở ngoài tù có nhiều
người không hiểu, nghĩ cũng không biết về hoàn cảnh đẩy người cán bộ đến
chỗ thỏa hiệp. Ngay anh Đạt, Phó Bí thư Thừa Thiên, bị tụi Cẩn lung lạc
và đưa ở cùng với tôi khi ra Huế. Anh gặp tôi khóc: “Chúng em sai rồi.
Anh cố giữ đầu tàu cho anh em trông vào. Nhưng không sống được đâu anh
ạ”. Có lẽ đó cũng là lời trăng trối của Đạt.
Nó có đánh đập ông không, vì có người tù Cộng sản nào lại thoát được
đánh đập? Để trả lời câu này, có thể dùng kết luận về bọn mật vụ miền
Trung: Xuyên suốt từ đầu đến cuối, nó dựa vào tâm lý, tư tưởng. Nếu có
đánh là nó thử một cú xem sao. Đánh một lần không ăn thua là thôi, vì
Cẩn không chủ trương đánh những người quan trọng như ông Mười Hương
người phụ trách tình báo miền Nam. Ông được biết mấy thằng đánh ông đã
bị Cẩn gọi lên chửi: “Chính sách của tao là dụ dỗ. Chúng mày định phá
chính sách của tao à? Tụi bây tưởng tao không biết làm như công an Sài
Gòn à? Nhưng tao không làm. Những người mà một câu nói của họ ủng hộ
mình bằng vạn thằng bộ trưởng tay sai. Chúng mày đánh là phá chính sách
của tao!”.
Ở nhà lao Thừa Phủ xảy ra mấy chuyện:
Thái độ của tụi canh gác: Sáu tháng đầu, chúng khiêu khích, không cho
yên ổn, vừa nằm xuống định ngủ thì đập cửa kêu dậy làm việc nhưng không
thấy gì. Nó muốn mình mất ngủ. Ông Mười Hương thiền suốt đêm cho đến khi
ngủ gục. Chúng lại đập cửa. Tuy nhiên cũng có những lính gác động lòng.
Một người tên Nhung lúc thay ca lén ném cho ông chiếc chăn đơn: “Anh ạ,
trâu sao bò vậy, thấy anh tôi không cầm lòng nổi, tôi làm theo lệnh
trên, anh thông cảm. Anh đắp chăn mà ngủ, hết ca tôi gọi anh dậy trả
chăn”. Nhờ vậy nên ông mới gà gật được một chút qua đêm lạnh cóng.
Chuyện ăn uống cũng vậy. Có thời gian suốt nửa tháng ăn cơm muối không.
Muối hột cứ ăn từng đợt như thế, sức lực kiệt dần. Sống được cũng là do
người gác còn chút lương tâm làm ngơ khi biết anh em làm bếp có tiếp tế.
Họ giấu cá, thịt dưới bát cơm. Khi ra đổ bô, phía sau vườn có những cây
hoa, dưới gốc mọc rau dại li ti, ông bứt vội mà ăn, không được phép cũng
cứ lấy. Có lần ông được lén cho chiếc lòng đó trứng gà. Ông nhớ lại:
“Chưa bao giờ tôi ăn cái lòng đỏ trứng ngon đến vậy. Có chút rơi vãi,
lấy tay chấm như người nghiện chấm thuốc phiện rơi xuống chiếu”. Những
đồng đội ở xà lim khác cũng cứu giúp một cách bí mật. Đi cầu tiêu, ông
nhìn xéo ra chỗ sân nơi tù phụ nữ ra vờ như phơi đồ. Một chị ra phơi
miếng vải trắng, tay vuốt vuốt nước, nhìn ông ra hiệu, khi ông ra đổ bô,
lấy đem vào. Ông làm gì được với miếng vải đó?
“Có lẽ các chị thấy trời lạnh quá mà tôi chỉ mặc xà lỏn nên ra hiệu cho
tôi lấy vải may đồ. May thế này: Tôi lén viết thư chuyển cho anh chị em
xà lim bên xin kim chỉ và lưỡi dao cạo. Tôi tự cắt để may thêm chiếc xà
lỏn nữa. Ở tù, ai cũng biết lục lọi, moi tìm từ các lỗ, ngách để hy vọng
thấy gì đó được giấu từ người tù trước để lại.”
Thời kỳ đó, giám thị nơi tôi bị giam nghe anh em kêu là “thầy Mai”, đảng
viên Quốc dân Đảng, đã làm rất lâu cho Pháp. Văn phòng của “thầy Mai” ở
cùng dãy với xà lim của tôi. Thường thì ông ta buổi trưa về nhà ăn cơm.
Tôi nghĩ cách sẽ bí mật may quần áo buổi trưa. Trong phòng tối, ngoài
trời nắng gắt nên có thể tận dụng tia sáng qua khe cửa.
Ông làm như vậy cho đến một buổi trưa, đang hí húi may chợt thấy bóng
người đứng lù lù nơi cửa. Ngửng nhìn thì đúng là tên giám thị. “Thầy
Mai” cất tiếng quát:
- Mày làm gì?
Ông Mười Hương không trả lời. Ba lần hỏi như vậy vẫn thấy người tù im
lặng, hắn gặng:
- Sao hỏi không trả lời?
Lúc đó, ông mới nói thong thả:
- Tôi là thầy giáo. Tôi không bao giờ mày tao chi tớ với ai. Với con
tôi, tôi cũng dạy nó như vậy.
Chợt hiểu, hắn thay đổi:
- Anh làm gì?
- Tôi may.
- Lấy đâu ra may?
- Người ta cho.
- Ai cho?
- Ông đã biết tôi bị giam mấy năm nay không
khai báo. Chắc khi đưa tôi đến đây giam, người ta phải báo cho ông biết
điều đó rồi.
Sau một lúc đối đáp cụt lủn vậy, “thầy Mai” đổi giọng:
- Tôi biết anh chứ. Nhưng sao cần không nói
cho chúng tôi biết?
Lại nói giọng ôn tồn mà dứt khoát, ông Mười:
- Tôi không muốn phải xin các ông, vì xin là
phải trả mà tôi lại không trả được cái các ông muốn. Ông đã biết những
chuyện quan trọng như khi tôi bệnh cũng không xin thuốc. Tên giám thị
thấy được sự thật trong lời nói này. Hắn biết ông đang bị phù thũng
nặng, toàn thân như tê bại, chỉ còn cặp mắt và lưỡi để cất tiếng nói.
Hắn hạ giọng:
- Anh không sợ gì sao? Chỉ khổ thân anh thôi.
Ông Mười thuyết phục:
- Ông không biết ai cho tôi đồ may. Việc này cũng chỉ mình ông biết, tôi
mong ông nhắm mắt bỏ qua. Đời còn dài. Sau này biết đâu con cái tôi lại
gặp con ông. Để cho chúng nó còn nhìn mặt nhau. Ông vẫn thường nói mình
sẽ không ham lên chức tước gì nữa, vậy ông nên bỏ qua việc này. Hắn bỏ
qua thật. Ông Mười Hương nhận xét: “Con người cũng phải còn có chút
lương tâm. Mình không chọc vào cá nhân, không coi thường, vênh váo thì
cũng thu phục được ít nhiều” Xem tiếp: |