TRẦN QUỐC HƯƠNG
Nguyễn Thị Ngọc Hải
7. Đấu lý với Ngô Đình Nhu
Anh em Diệm - Nhu - Cẩn không đem thủ tiêu mà cố gắng “chuyển hướng”,
lay động lý tưởng Cộng sản trong những người tù quan trọng như ông Mười
Hương. Nhưng họ đã đánh giá lầm. Diệm - Nhu - Cẩn không bao giờ biết
được thật chi tiết những trang đời trước đó của người tù đặc biệt này.
Đây không phải lần đầu ông Mười Hương ở tù.
Dùng đòn tâm lý, tư tưởng, hành hạ thể xác để mong lung lạc ông Mười
Hương không được, Ngô Đình Cẩn đã nhờ cố vấn Ngô Đình Nhu gặp ông để
thuyết phục.
Trong tù đã lâu, thiếu thông tin nhưng với niềm tin và cái nhìn thời
cuộc khá tinh của người làm công tác tình báo, ông Mười Hương đã đưa ra
nhiều lý lẽ làm anh em nhà họ Ngô phải giật mình.
Ngay từ khi bị bắt cho tới sau này, giặc thấy ông luôn bình tĩnh, ôn
tồn, không chửi bới nên chúng chỉ thị không được thô bạo với ông. Hồ sơ
chúng ghi có lần ông liếc thấy: “Nghi can Phó Giám đốc Nha Tình báo
Trung ương Bắc Việt không khai báo gì.”
“Tôi luôn tâm niệm: Chắc là mình sẽ chết, không bao giờ còn ngày về với
gia đình. Nhưng chắc chắn thằng địch phải cúi đầu trước cái chết, và tôi
không đầu hàng, không tự sát. Lúc đó có thể tự sát được vì ở riêng trong
phòng tối. Chết cũng chấp nhận, vậy mà có những nỗi khổ tức cười: lúc ở
nhà tù để quốc còn bắt được muỗi, rệp, ở đây không thấy muỗi đâu mà
đánh.”
Chúng đánh ông thế nào? Ông kể vắn tắt: “Lần ấy nó đánh tôi ba ngày.
Thường đánh đến chết ngất mới thôi. Tôi nghĩ: cố gắng không kêu. Làm sao
học được cách của ông Trần Xuân Độ nghĩ khi bị đánh trong tù: chúng đánh
như đánh vào đống đất thì chúng chán. Nếu mình la hét, nó sẽ thấy đánh
có tác dụng, lại càng đánh thật lực. Ngày thứ hai nó đem lên đánh, tôi
chủ động bảo: “Xin lỗi các ông, cho tôi bỏ quần áo ra, vì không có quần
áo thay, lỡ ra máu”. Tôi tự cởi, chờ đòn. Thấy vậy, có đứa “dội” bảo
nhau: “Thôi, mày vào trước đi”. Chúng tránh không phải chứng kiến kiểu
chờ đòn một cách chủ động như vậy. Tôi có ý giữ cái ót, cái chấn thủy,
nơi có thể làm chết người. Chú ý giữ hạ bộ nữa, những chỗ nguy hiểm.
Phải giữ sao đừng để nó đánh hụt, nó tức. Bọn địch chỉ tuyệt vọng, thối
khí khi thấy đánh thằng này không ăn thua gì. Tương quan lực lượng như
thế, nó đánh nó chẳng sợ mình chết đâu. Tuy nhiên nó không muốn, vì mình
chết thì nó hết chỗ khai thác. Làm sao cho nó đánh, mình chịu được trót
lọt. Đến ngày thứ ba, chúng ngừng lại.”
Một hôm, tên Dương Văn Hiếu, Trưởng ty Công an Thừa Thiên, từ Sài Gòn
ra, đến gặp ông Mười Hương một buổi chiều. Nó nói linh tinh tin tức về
các vụ bắt bớ, đàn áp phong trào của nó thắng lợi lớn, rồi bất ngờ vỗ
bàn vỗ ghế, hỏi ông:
- Chúng tôi dã làm việc với anh hết sức rồi. Bây giờ anh chỉ nói một câu
thôi: anh Quốc gia hay Cộng sản? Nếu là Cộng sản thì tôi với anh một mất
một còn. Có anh không có tôi.
- Anh em gác tù nói với tôi là ông bắt tôi vì tôi là Cộng sản. Tôi đấu
tranh cho độc lập, thống nhất, hòa bình, dân sinh dân chủ, tôi không phủ
nhận việc làm của một người Việt Nam yêu nước. Còn ông gọi thế là Cộng
sản, đem bắn giết tôi cũng không chối bỏ việc tôi làm.
“Làm cách mạng bị tra tấn là chuyện thường.
Nhưng đấu tranh tinh thần mới là khó. Cái quý của con người là tinh
thần. Bọn địch thâm hiểm bày mưu hòng làm lung lạc tinh thần của anh em
chúng tôi. Một số anh em bị đòn tra không chịu nổi, khai báo nhưng vẫn
cho là trong lòng mình không phản là được. Họ tự an ủi hàng Hán mà không
hàng Tàu. Họ không biết như thế là đã bỏ cái mạnh nhất của mình: chính
nghĩa. Anh từ bỏ nó là anh chết thôi.”
Chúng bố trí cho ông Mười Hương gặp Ngô Đình Nhu trong một cuộc họp đông
người tại nhà nghỉ mát của Ngô Đình Cẩn ở cửa Thuận An để nghe Nhu giảng
giải thuyết phục. Chính “cuộc họp” này đã gây cho ông Mười Hương một sự
phiền toái sau này: Có những tố giác ông về việc gặp gỡ này. Rất may là
“tài liệu sống và tài liệu chết” còn nguyên: tổ chức của Đảng đã thẩm
tra lại được hồ sơ của địch - là tài liệu chết, và lấy lời khai của
những tên tay sai của Mỹ ngụy lúc đó còn đang cải tạo dưới chế độ ta sau
giải phóng - đó là tài liệu sống. Bọn này đều có liên quan đến việc bắt,
khai thác, lập hồ sơ về ông Mười Hương thời kỳ ông bị địch bắt (như Lê
Văn Dư, Lê Phước Thưởng, Phạm Thư Đường và Nguyễn Tư Thái đều là phụ tá
Đoàn công tác đặc biệt...). Tổ chức Đảng cũng đã làm rõ, lấy được ý kiến
xác nhận của bốn cán bộ cùng bị tù chung với đồng chí Mười Hương. Họ đều
nói thống nhất là suốt thời gian bị bắt, bị tù, đồng chí không hề khai
báo, chuyển hướng, còn nhắc anh em cố gắng giữ gìn khí tiết, được anh em
kính trọng, coi như cấp trên của mình. Ông Phạm Xuân Ẩn, một nhà tình
báo của ta cũng kể lại: “Tôi đang học ở Mỹ - ông Mười Hương giữ được khí
tiết, không khai ra nên tôi an toàn.”
Cuộc gặp đó có cả Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Hà Thúc Luyện - Tỉnh
trưởng Thừa Thiên, Hồ Đặc Khương - đại biểu chính phủ Trung phần, Trần
Văn Đôn - Tư lệnh Quân khu và một số cán bộ ta bị bắt. Nhu nói về tình
hình thế giới, về chính sách của họ Ngô, kêu gọi sự chuyển hướng. Ông
Mười nhớ lại: “Tôi vừa đến thì chúng “chấn” ngang tinh thần tôi”. Cẩn
trách:
- Các ông ác lắm, diệt cả gia đình chúng tôi. Các ông đã giết anh Cả tôi
(Ngô Đình Khôi, Tổng đốc Quảng Nam), lại còn giết con anh tôi, Ngô Đình
Huân - cháu đích tôn của dòng họ. Suýt nữa thì gia đình họ Ngô tôi tuyệt
tự..
Tôi lập tức nói, cố giữ giọng bình thường:
- Ông ạ, nếu Cộng sản ác như ông nói thì ông Diệm không còn sống đến bây
giờ. Có lúc bắt được ông Diệm, Cụ Hồ tha đó thôi, còn kêu gọi hợp tác
chống đế quốc. Các ông đều biết rõ cả.
Ngô Đình Cẩn nói ngay để lảng sang vấn đề khác:
- Ông nói phải. Việc đối xử sai là do cấp dưới. Không bao giờ cấp trên
các ông làm như thế.
Chúng quay ra kể về các phong trào của ta giết tề, phá kìm kẹp như là
những thí dụ của việc không thực hiện Hiệp định Genève.
Tôi nói: “Những người kháng chiến không đòi ông điều gì. Chúng tôi chỉ
đòi thực hiện đúng Hiệp định, không được trả thù. Nhưng thực tế ra sao?
Các ông đã làm quá đáng: vợ con người tập kết ông bắt làm giấy bỏ chồng,
từ con. Ông nhớ người Việt Nam có câu: Con giun xéo lắm phải quằn. Người
ta phải chống lại thôi. Mọi việc là tại các ông thôi. Đánh nhau hay
không không phải Việt Minh muốn. Nếu họ muốn đánh nhau thì họ chẳng ký
Hiệp định. Rõ ràng người ta muốn hòa bình, thống nhất.”
Khi tranh luận, tôi nói:
- Các ông chưa có độc lập đâu.
Nhu: Tại sao ông lại nói thế. Chúng tôi chỉ dựa vào Mỹ, cũng như các ông
dựa vào Nga Xô thôi.
Tôi: Chính các ông nói: Mỹ viện trợ 80% cho quân sự và vũ khí, 20% còn
lại trang bị cho cảnh sát và thông tin tuyên truyền, tức là chỉ giúp các
ông điều kiện để đánh nhau và chửi nhau với miền Bắc thôi. Có gì cho xây
dựng kinh tế đâu. Ông Diệm vay tiền làm đập Đa Nhim, nhưng Mỹ không cho.
Các ông vay - họ không cho vay, các ông phải xin họ mới cho. Họ không
tin các ông. Các ông mua hàng dân dụng ở đâu cũng phải do Cơ quan viện
trợ Mỹ chỉ định. Ít nhất 10% hàng chở về cũng phải bằng tàu Mỹ. Các ông
phụ thuộc Mỹ. Viện trợ Mỹ là cái thòng lọng. Khi nào các ông chống họ,
không nghe họ thì họ thắt lại, các ông hết thở thôi. Kinh tế các ông chả
có gì cả. Ở miền Bắc chúng tôi mọi chuyện hoàn toàn khác.
Sau này ngay khi có đảo chính, tôi nghĩ với chút tự hào, nếu anh em Diệm
có còn ai sống sẽ phải công nhận tôi nói đúng. Ngô Đình Nhu nghe vậy thì
im lặng tảng lờ và xoay sang chuyện khác. Nhu bảo:
- Ông ạ, các ông cứ chửi chúng tôi là tay sai của Mỹ, cứ giữ biên giới
Mỹ ở Vĩ tuyến 17. Không biết ông có biết, hay là chỉ các ông lớn ở trên
mới biết, là Kennedy và Khơrútxốp đã thỏa thuận, xác định Vĩ tuyến 17 ở
Việt Nam và Vĩ tuyến 38 ở Triều Tiên làm ranh giới phân chia cân bằng
ảnh hưởng của hai phe, hai thế lực. Chúng tôi bước sang phía Bắc Vĩ
tuyến 17 thì Nga Cộng không để yên. Còn các ông bước vào phía Nam thì Mỹ
cũng không thể nào để yên được. Ông là người Bắc sao lại vào Nam phá
Hiệp định?
Đây vốn là luận điểm khiến một số trí thức miền Nam hiểu nhầm, không coi
đây là kháng chiến chống Mỹ vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà
cho là chiến tranh ý thức hệ.
Tôi lập tức trả lời:
- Ông Nhu này, tôi là người Việt Nam. Từ nhỏ tôi đā được học nước Việt
Nam liền một dải, từ Ải Nam Quan ở phía Bắc tới Mũi Cà Mau ở phía Nam.
Cụ Hồ từng nói “miền Nam là máu thịt của Việt Nam, dù sông có thể cạn,
núi có thể mòn”. Tôi theo Cụ Hồ. Tôi rất tự hào vì đã được ở lại miền
Nam để đấu tranh cho thống nhất đất nước. Nếu muốn biết chế độ nào tốt,
xấu, ông thử mở cửa giới tuyến cho tự do lựa chọn xem. Nếu miền Bắc xấu
thật thì người ta sẽ theo vào miền Nam với các ông hết.
Ngô Đình Nhu bảo:
- Nội một triệu người di cư cũng đủ chết rồi.
Lấy gì nuôi.
- Sao các ông nói chính nghĩa mà không dám trung lập như Ấn Độ, lại phải
theo Mỹ?
- Nếu thế thì mất ngay với các anh thôi. Các anh nói giỏi. Tôi thừa nhận
chúng tôi không có được những cán bộ như thế.
Tôi hỏi tiếp Nhu:
- Nếu chỉ là nghe tuyên truyền thôi, tại sao chúng tôi là trí thức có
học lại vẫn tin theo miền Bắc, Cụ Hồ? Vậy nhất định phải có gì đó chứ!
Nhu lấy chuyện Nhân văn giai phẩm và cải cách ruộng đất ra để phản công,
cho rằng không có dân chủ. Nhu xoáy rất nhiều vào cải cách ruộng đất ở
miền Bắc đang gặp những sai lầm. Tôi phân tích bằng sự tự suy xét của
mình. Tôi nói:
- Gia đình tôi là địa chủ nhưng tôi không chấp nhận gia đình tôi không
làm ruộng mà có hàng chục mẫu trong khi nông dân không có ruộng đất. Tôi
tán thành cải cách ruộng đất nhưng không muốn cảnh đấu tố sai. Người ta
làm ruộng là phải có ruộng đất. Nhưng tôi phản đối cách làm.
Ông Mười Hương bây giờ cố nhớ lại những tranh cãi ngày ấy như muốn đối
chiếu lại sự thật lịch sử, thấy có nhiều lý lẽ đúng. Trong tù đâu có
được nhiều thông tin nhưng với những niềm tin căn bản, cái nhìn thời
cuộc khá tinh của một người làm công tác tình báo, nhiều điều ông phân
tích rất đúng. Ông nói: “Tôi có nói với Cẩn, Nhu: các ông phải chịu Mỹ
thôi, vì nó sẽ không viện trợ cho những gì không kiểm soát được. Mà cứ
chống lại Mỹ là nó giềng anh thôi. Không thoát được thòng lọng viện trợ
đâu. Lý Thừa Văn được Mỹ tin hơn ông Diệm, vậy mà khi cần gạt nó vẫn gạt
bỏ như thường”. Sau này, có người nói lại cho tôi biết toàn bộ biên bản
cuộc tranh luận được gửi lên cho Ngô Đình Diệm đọc. Anh em họ Ngô có
nhận xét: ông Hai đó (tên gọi của ông Mười Hương) là Cộng sản ngoan cố
nhưng nói nhiều điều phải suy nghĩ”.
Đảo chính 1963, Ngô Đình Diệm đổ, thời thế chộn nộn, đổi thay. Lực lượng
đảo chính của Dương Văn Minh lo thanh trừng phe phái của Diệm, không
quan tâm số tù chính trị cũ, nên cho thả rất đông và rất dễ. Nguyễn Tư
Thái (phụ tá Đoàn công tác đặc biệt miền Trung) sau này có nói, năm 1965
nghe Trần Văn Hai - Chủ sự phòng thẩm vấn khối cảnh sát đặc biệt chửi
bọn đảo chính chẳng làm ăn được gì cả, còn ăn đút lót để thả cán bộ Cộng
sản, và đã thả nhầm một cán bộ tình báo cao cấp quan trọng là Mười
Hương. Hồ sơ của ông có nhận xét ở phiếu tóm lược: “Đương sự ngưng hoạt
động năm 1955, hơn nữa không gia nhập Đảng Cộng sản và đã bị giam giữ
sáu năm”.
Chúng đã nhầm to và cũng do không có lời khai của ông trong những lần
thẩm vấn. Chúng đưa ông về Sài Gòn phúc cung lại. “Tôi lại khai vòng vo:
Tháng 6 năm 1958, đang đi ở Gò Vấp bị xe Jeep chặn lại bắt, không rõ lý
do gì. Trước là thầy giáo, có tham gia kháng chiến. Đến năm 1953, gặp
khó khăn, vợ có mang, tản cư khổ nên về thành. Gần Hiệp định Genève,
biết Việt Minh thắng lợi, trở về sợ ngượng nên di cư vào Nam, vẫn đi dạy
học. Nó hỏi: Thế tại sao lại bị giam lâu như người mắc tội quan trọng?
Vì người ta muốn tôi phải làm cái việc lương tâm tôi không cho phép làm.
Việc gì? Chỉ những người kháng chiến xưa cho họ bắt. Bắt tôi nhận có làm
chức này, kia mà thực tôi không làm.” Chứng cứ bắt không có. Kết hợp lo
lót (do các anh em được thả trước giúp) nên ông được thả ngày 18 tháng 5
năm 1964. Tụi địch còn đùa: “Nay, tụi này thả ông anh ra về kịp ăn sinh
nhật Cụ Hồ nhá!”. __________________________________________________________
Phụ lục
Đại tá Tư Cang kể chuyện dùng 3kg vàng
(VTC News) - Đại tá Tư Cang nhớ như in câu chuyện dùng 3kg vàng để mua
chuộc cai ngục tạo điều kiện giải cứu ông Mười Hương khỏi ngục tù.
Một chiều trung tuần tháng 6, điện thoại tôi bỗng thông báo có cuộc gọi
đến: "Bác Tư Cang".
"Con vẫn ở TP.HCM chứ? Ông Mười Hương mất rồi, báo đài đồng loạt đưa
tin. Tự nhiên nhớ và muốn kể những điều dễ thương về ông ấy", giọng ông
Tư Cang buồn rầu vang lên trên điện thoại.
Đại tá Tư Cang (92 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu), tên thật là Nguyễn Văn
Tàu. Ông vốn là sĩ quan tình báo quân đội, nguyên là Cụm trưởng Cụm tình
báo H.63. Ông cũng chính là người cứu nhà tình báo huyền thoại Trần Quốc
Hương (bí danh là Mười Hương, vừa từ trần ngày 11/6/2020) ra khỏi ngục
tù của chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963.
Đối với Đại tá Tư Cang, dù không gắn bó lâu dài với nhà tình báo huyền
thoại Mười Hương, tuy nhiên mỗi cơ duyên để ông và tướng Mười Hương gặp
nhau đều là những giây phút quý giá, đáng trân trọng.
Người khiến chính quyền Ngô Đình Diệm "5 lần 7 lượt" đòi thu phục
Tiếp chuyện chúng tôi tại nhà riêng nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh
(Phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM), Đại tá Tư Cang xúc động kể về
những dịp hội ngộ với ông Mười Hương.
"Dịp gặp nhau giữa tôi và ông Mười Hương cũng
chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay, tuy nhiên lần nào cũng cho tôi có mội cái
nhìn mới mẻ, nể phục ông ấy", Đại tá Tư
Cang nói.
Theo lời kể của Đại tá Tư Cang, ngày 26/10/1954, Ngô Đình Diệm lên làm
Thủ tướng ở miền Nam Việt Nam. Ông Mười Hương, lúc bấy giờ là Phó Giám
đốc Nha tình báo, được cử vào miền Nam 6 tháng để tăng cường cho chiến
trường miền Nam.
Ngay những ngày đầu đặt chân vào Nam, ông cùng các cộng sự của mình đã
viết nên những huyền thoại tình báo. Ít ai ngờ rằng, 6 tháng tưởng chừng
ngắn ngủi như dự định, bỗng trở thành 10 năm đằng đẵng với những biến cố
khó lường.
Năm 1960, Mười Hương bị khai báo, bị bắt và đưa đi giam giữ, tra tấn tại
nhà giam Chín Hầm (Huế) do Ngô Đình Cẩn cai quản. Tại đây, ông bị Ngô
Đình Nhu "5 lần 7 lượt" đòi thu phục nhưng đều thất bại.
"Hồi đó tôi là Cụm trưởng Cụm tình báo H.63,
được giao làm thư ký, ghi chép lại những điều ông Mười Hương kiểm điểm
khi ra tù. Hồi đó, cứ ai đi tù ra đều phải làm kiểm điểm. Đó cũng là cơ
hội để tôi được nghe lại những câu chuyện trong nhà giam Chín Hầm - một
"máy xay thịt người" của chính quyền Ngô Đình Diệm, và cũng là cơ hội để
hiểu rõ hơn con người của ông Mười Hương",
Đại tá Tư Cang kể.
Tại nhà giam Chín Hầm, Mười Hương được trực tiếp Ngô Đình Nhu (người
được cho là lý luận sâu sắc, tinh ranh của chính quyền Ngô Đình Diệm)
tra khảo. Đánh giá được Mười Hương "khác người", không như những bộ đội
khác, Ngô Đình Nhu lên kế hoạch thu phục Mười Hương vào bộ máy chính
quyền Ngô Đình Diệm.
Sau nhiều lần tra khảo bằng những lý luận sâu sắc để đấu trí, Ngô Đình
Nhu dùng ánh sáng 500kW chiếu thẳng vào mắt Mười Hương nhằm làm rối loạn
dây thần kinh, để đo được độ thật của ông. Tuy nhiên, "5 lần 7 lượt" đều
thất bại.
Năm 1962, Ngô Đình Nhu buộc phải chuyển Mười Hương về nhà giam tại Sài
Gòn để chờ thời cơ tiếp tục thu phục. Trong những lần trực tiếp tra
khảo, Ngô Đình Nhu phải thừa nhận Mười Hương là một người cộng sản ngoan
cố, nhưng nói nhiều điều phải suy nghĩ. Nếu không thu phục được thì chắc
chắn phải thủ tiêu.
Đổi 3kg vàng để lấy... tướng tình báo
Tại nhà giam ở Sài Gòn, Ngô Đình Nhu tiếp tục lên kế hoạch thu phục Mười
Hương. Đồng thời bố trí lực lượng canh giữ ông nghiêm ngặt. Tuy nhiên,
cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm đã tạo cơ may để tổ chức giải
thoát ông ra khỏi lao tù.
"Trong cuộc đảo chính, cụm tình báo nhận nhiệm
vụ từ Trung ương là giải cứu ông Mười Hương. Khi đó tôi là Cụm trưởng
nên phải lên kế hoạch thực hiện", Đại
tá Tư Cang nhớ lại.
Tháng 11/1963, nhân thời điểm đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm
nhiều hỗn loạn, cụm tình báo lên kế hoạch thực hiện. Nhận biết được điệp
viên Phạm Xuân Ẩn thông minh, giỏi ngoại giao, Cụm trưởng Cụm tình báo
Tư Cang giao Phạm Xuân Ẩn giữ vị trí quan trọng trong cuộc giải cứu Mười
Hương.
Sau khi thăm dò tình hình, điệp viên Phạm Xuân Ẩn báo với tổ chức phải
chuẩn bị đủ 100.000 đồng (giá vàng thời điểm này là 3.000 đồng/lượng,
tương đương hơn 3kg vàng) để mua chuộc cai ngục và đưa Mười Hương ra
ngoài.
Đại tá Tư Cang kể về chuyện giải cứu ông Mười Hương khỏi ngục tù Ngô
Đình Diệm.
"Phạm Xuân Ẩn hồi đó đi học ở Mỹ về, trước đó rất thân tín với ông
Mười Hương. Việc Phạm Xuân Ẩn qua Mỹ đi học cũng là do ông Mười Hương đề
xuất, nên mối liên giao giữa hai người đặc biệt hơn người khác.
Trong cuộc giải cứu ông Mười Hương, bằng khiếu ngoại giao sẵn có cùng
sự khôn khéo, Phạm Xuân Ẩn đã tiếp cận được cai ngục.
Sau đó, Ẩn ra điều kiện là viên cai ngục chỉ
cần lơ là 15 phút để cho ông Mười Hương tự thoát ra ngoài, rồi giả vờ
truy hô thì sẽ được nhận 100.000 đồng. Hồi đó 100.000 đồng lớn lắm, mua
được cả căn nhà ở thành phố bây giờ",
ký ức về cuộc giải cứu cam go vẫn in rõ mồn một trong ký ức Đại tá Tư
Cang.
Nhận được tin phải chuẩn bị đủ 100.000 đồng để mua chuộc cai ngục, là
người đứng đầu cụm tình báo, Đại tá Tư Cang lo lắng vì số tiền quá lớn,
tổ chức không thể lo đủ để đưa cho Phạm Xuân Ẩn. Tuy nhiên, việc giải
cứu không thể trì hoãn, ông cùng đơn vị buộc phải đi vay mượn của một
người tư sản yêu nước để giải quyết việc cấp bách.
Đúng như kế hoạch, giữa cuộc đảo chính hỗn loạn, viên cai ngục nhận
100.000 đồng và cho Mười Hương 15 phút tự tìm đường thoát thân. Nhờ vậy,
nhiệm vụ giải cứu Mười Hương của ông Tư Cang và cụm tình báo diễn ra
thành công.
Vị tướng chân chất, giản dị
Ra khỏi buồng giam, Mười Hương được Phạm Xuân Ẩn chở ra ngã tư Bảy Hiền
(quận Tân Bình). Sau đó, người của đơn vị tiếp tục chở ông về Bến Đình
(Củ Chi) để gặp Cụm trưởng Tư Cang và tổ chức.
Do thời gian cấp bách, sợ quân địch truy đuổi, cuộc gặp gỡ của Mười
Hương với tổ chức tại Củ Chi chỉ vỏn vẹn trong một bữa cơm.
"Lúc vừa ra khỏi nhà giam, ông Mười Hương gầy
lắm, song gầy nhưng khoẻ khoắn. Khi ông ấy nói muốn ăn cơm, tôi lập tức
nhờ một cô chuyên hỗ trợ tổ chức vào bếp ngay. Tổ chức hồi đó cũng
nghèo, chỉ có lươn bắt được ngoài đồng, thế là có món lươn kho sả ớt đãi
ông Mười Hương ra tù", nói đến đây, Đại
tá Tư Cang bỗng phì cười, đưa mắt nhìn xa xăm như nhìn về ký ức xưa.
Sau bữa cơm chóng vánh, Cụm trưởng Tư Cang giao cho Mười Hương một chiếc
xe đạp mới. Sau đó cả hai người, mỗi người một xe, đạp lên căn cứ ở
Trảng Bàng (Tây Ninh).
Trong ký ức của Đại tá Tư Cang, ông Mười Hương là luôn mang đến năng
lượng cho mọi người xung quanh. Thời điểm mới ra khỏi nhà giam sau gần 3
năm tù ngục, ông Mười Hương vẫn rất phấn khởi, tinh thần yêu nước vẫn
trào dâng.
Theo Đại tá Tư Cang, dù hôm nay ông Mười Hương có mất đi, thì mãi tận
mai sau
Dù là người chuyên đạp xe đi tiền trạm các điểm để lập căn cứ, nhưng
trong quãng đường từ Củ Chi đến Trảng Bàng, cụm trưởng Tư Cang vẫn không
thể theo kịp Mười Hương - người bị kìm cặp gần 3 năm trong ngục tối.
Song, đối với Đại tá Tư Cang, điều làm ông nhớ và khâm phục nhất về ông
Mười Hương đó là con người hiền hậu, giản dị, chân chất, có lòng yêu
nước đặc biệt. Theo ông, một người hội đủ tất cả yếu tố trên thì mới có
thể xây dựng được một lực lượng tình báo hùng mạnh như Mười Hương đã
làm.
"Sau này, rất nhiều lần gặp lại nhau sau giải phóng, giữa rất đông
người, dù đã ở vị trí rất khác nhưng ông Mười Hương vẫn xướng to rằng
"Đây là ông Tư Cang, người giải cứu tôi khỏi ngục tù chính quyền Ngô
Đình Diệm năm xưa".
Dù đảm nhận vị trí quan trọng trong bộ máy
chính quyền, ông ấy vẫn rất gần gũi, vẫn là người thầy đơn sơ như ở
chiến trường năm xưa. Tôi chắc chắn rằng, dù hôm nay ông ấy có mất đi,
thì mãi tận mai sau người đời sẽ vẫn kính nể ông bằng tấm lòng đơn sơ và
chân thật nhất", Đại tá Tư Cang xúc
động. (Thy Huệ)
8. Hoạt động tình báo - “Người chỉ huy của những điệp viên huyền thoại” |