TRẦN QUỐC HƯƠNG
Người Chỉ Huy Tình Báo

 

Nguyễn Thị Ngọc Hải

Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ
2020


          

             1. Tuổi thơ, gia đình và quê hương
              2.  Bị Pháp bắt năm 1941
              3. Ban công tác đặc biệt của Trung ương
              4. Tham gia làm báo Đảng ở chiến khu Việt Bắc
               5. Vào Nam
               6. Đấu trí ở trại giam Tòa Khâm, Huế
               7. Đấu lý với Ngô Đình Nhu

           

8.

Hoạt động tình báo -
“Người chỉ huy của những điệp viên huyền thoại"

 

Trong kháng chiến chống Pháp, công tác tình báo chủ yếu phục vụ cho các chiến dịch quân sự. Sau khi ký Hiệp định Genève, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã thấy trước sự can thiệp sâu của Mỹ nên chỉ đạo chuyển hướng hoạt động tình báo ta sang hoạt động tình báo chiến lược.

Làm việc ở cơ quan kháng chiến Việt Bắc, đến năm 1948 ông Mười Hương chuyển sang tình báo quân sự, tiền thân của ngành tình báo sau này được thành lập vào năm 1951. Công việc lúc đó chủ yếu tổ chức lưới trinh sát trong các trung đoàn, tổ chức điệp báo vào các thị trấn gây cơ sở. Ông cũng đi trận mấy chiến dịch: Đường 10, Hà Nam Ninh, qua sông Đáy đánh trận Ninh Bình, chiến dịch Trung du.

“Tôi thường nắm tình hình địch cho Ban chỉ huy các chiến dịch. Trận Điện Biên Phủ tôi được phân công đi tả ngạn nắm tình hình địch rút quân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Lúc đó, tôi giúp việc cho đồng chí Trần Hiệu, Cục trưởng Cục 2 bấy giờ. Thời điểm này, anh Đỗ Mười đang làm Chính ủy Khu Tả ngạn.

“Khi Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, nhiệm vụ đặt ra của tình báo rất lớn. Chúng tôi chọn những tình báo như Vũ Ngọc Nhạ đi theo quân đội Pháp vào Nam.

Tôi được cử vào Nam được vài tháng thì Ngô Đình Diệm cũng được đưa về làm thủ tướng thay Bửu Lộc. Lúc đó, Ban nghiên cứu Xứ ủy có một bộ phận lo bảo vệ an toàn cho cấp ủy và đồng chí Lê Duẩn, do anh Cao Đăng Chiếm phụ trách. Tôi ở trong nhóm nắm tình hình của Mỹ và các tầng lớp khác. Các cơ sở nội thành tôi nắm một phần, một phần do anh Năm Xuân (Đại tướng Mai Chí Thọ) nắm. Tôi là một trong ba người có điều kiện ở Sài Gòn không bị lộ. Anh Cao Đăng Chiếm trước là Giám đốc Công an ta ở Nam Bộ, nhiều người biết mặt, do đó không được ở Sài Gòn, không được ra khỏi căn cứ U Minh. Thỉnh thoảng anh Năm Xuân cũng vọt lên Sài Gòn họp nhưng cũng rất hạn chế đi lại vì tình hình khá nguy hiểm. Tôi ở lại Sài Gòn, dù một số đám di cư có thể biết nhưng tôi có giấy tờ giả bán hợp pháp. Chúng tôi tự đánh giá: trước sau gì cũng bị bắt vì Diệm bắt đầu có chính sách tố Cộng. Tình hình khó khăn, mặc dù quần chúng cơ bản là của mình. Anh Năm Xuân, Bí thư Khu ủy miền Đông, cho biết trước anh ở đó có tới 23 ngàn đảng viên, sau về chỉ còn 800. Không có một chi bộ nào, chỉ liên lạc đơn tuyến. Nhiều người bi quan. Có những câu quần chúng hỏi tôi không trả lời được. Tôi nhớ có một bà má thắc mắc trước việc Diệm ra tay đàn áp mà ta chưa có đối sách hành động. Bà bảo: “Tao thấy tụi Diệm không ký, không tổng tuyển cử, sao tụi bây không làm gì? Tụi bây nhớ nông dân trồng cây không ăn được là nhổ liền. Để Diệm ác thế như cái cây bén rễ sâu, tụi bây làm sao mà nhổ được?”. Lúc đó phải đấu tranh lại bằng bạo lực chứ không thể chỉ nói hòa bình.”

Ông Mười Hương là chỉ huy của những nhân vật tình báo nổi tiếng, những tên tuổi sau này làm nên chiến công vang dội như Vũ Ngọc Nhạ (nguyên mẫu của nhân vật Hai Long, cố vấn cho Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu trong tiểu thuyết và phim Ông cố vấn của Hữu Mai); Lê Hữu Thúy - đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (nguyên mẫu của nhân vật Lê Nguyên Vũ trong tác phẩm Điệp viên giữa sa mạc lửa của Nhị Hồ); Phạm Ngọc Thảo - đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thành Luân trong tiểu thuyết và phim Ván bài lật ngửa của tác giả Trần Bạch Đằng) và Phạm Xuân Ẩn - thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (nhân vật chính của cuốn Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời của Nguyễn Thị Ngọc Hải); cuốn Một người Việt Nam thầm lặng của nhà báo Pháp Jean Claude Pomonti; cuốn Điệp viên hoàn hảo của giáo sư sử học Larry Berman.

Ông đã chỉ đạo lưới tình báo này. Ngày nay, ông đánh giá: Anh em dù ít, tổ chức không rộng nhưng hoạt động rất có kết quả. Các chiến dịch Trương Tấn Bửu, Thoại Ngọc Hầu giặc sục sạo vùng U Minh đều được thông báo sớm, giúp anh em đưa anh Ba Duẩn từ Bến Tre lên Sài Gòn, rồi vọt lên biên giới Cao Miên. Anh em cũng thu thập được nhiều thông tin tình báo chiến lược và kịp thời gửi ra Trung ương xử lý. Hoạt động bí mật, có hai điều chúng tôi đã giải quyết tốt: chức nghiệp hóa (có nghề nghiệp thật sự để có tiền sinh sống) và xã hóa (xử sự đúng cương vị anh sống trong xã hội). Chúng tôi nhìn lại thời kỳ đó, thấy những chuyển hướng chiến lược của Mỹ về chiến tranh đã được chúng tôi báo cáo phục vụ Trung ương rất tốt.


Ông Mười Hương (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) là chỉ huy
của những huyền thoại tình báo như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy


Từ trái qua: Vũ Chính, Phạm Xuân Ẩn, Trần Quốc Hương (Mười Hương),
Trần Hiệu, Lê Hữu Thúy, Đặng Trần Đức (Ba Quốc). Ảnh tư liệu, Bộ Quốc phòng.

***

Là một chỉ huy đã từng làm việc với các nhân vật tình báo nổi tiếng như thế trong chiến tranh nhưng khi được hỏi, ông trả lời chân thật: “Chỉ huy là Trung ương Đảng, là cả một lực lượng cách mạng, tôi là người được giao lại các đầu mối. Cái chính của tôi là cái anh chỉ trỏ, chỉ tay năm ngón thôi. Còn các anh ấy giỏi nên lập được nhiều chiến công lớn, vô cùng quan trọng cho cách mạng. Đành là phải lần theo sự “chỉ trỏ”, “chỉ tay năm ngón” như lời ông nói để có thể phần nào hình dung ra công việc của một trong những người xây dựng mạng lưới tình báo chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ.

Ông Mười Hương kể về suy nghĩ của mình khi dùng các nhà tình báo vào đúng vai trò, nhiệm vụ như thế nào. Thí dụ như việc ông chỉ đạo nhà tình báo Lê Hữu Thúy.

“Lúc kháng chiến chống Pháp, anh Thúy là cán bộ công an. Đến cải cách ruộng đất, do gia đình thuộc tầng lớp trên nên anh bị đưa ra khỏi ngành. Nhưng ở Nha Tình báo của ta, người lãnh đạo tài năng Trần Hiệu đã nhìn thấy con người anh Thúy có nhiều phẩm chất xuất sắc. Ông Trần Hiệu móc nối lại, tổ chức đưa anh Thúy đi Nam. Anh vào cùng đợt, làm việc với Vũ Ngọc Nhạ. Sau này khi cấp trên giao anh Nhạ cho tôi cũng giao luôn cả anh Thúy làm việc trực tiếp với tôi.”

Ông Mười Hương nhận thấy cái đặc điểm nổi trội của Lê Hữu Thúy: “Anh ấy là cử nhân văn chương, quen nhiều quan chức cao cấp. Anh vào được lực lượng Hòa Hảo. Ngô Đình Diệm đưa anh vào giống như một phái viên chính phủ bên cạnh Hòa Hảo, làm việc với thứ trưởng Bộ Nội vụ của Diệm, công cán ủy viên Huỳnh Văn Nhiệm. Khi xảy ra nhiều vụ lộn xộn giữa các giáo phái, chúng tôi nói anh vào với Bình Xuyên. Đám Bảy Viễn dùng anh liên lạc với Phòng Nhì Pháp để xin tiền vì Bảy Viễn dựa vào tiền của Pháp để chống Diệm.

Có hôm Thúy nói với tôi: “Phòng Nhì Pháp xui tôi về lực lượng Hòa Hảo bắn vài quả đạn vào Sài Gòn làm áp lực với Diệm”. Tôi bàn với Thúy: “Cậu về nói lại cho Năm Lửa biết chuyện đó đi. Cho họ biết là Pháp chỉ muốn lợi dụng họ chứ không giúp họ lật Diệm”. Tôi bàn với anh Thúy xem liệu có lôi kéo được lực lượng cho cách mạng không. Anh Thúy nhận xét rất xác đáng: “Không được đâu. Họ vì tiền mà làm. Tiền thì mình không thể nhiều như đế quốc được. Lộ ra thì người của Phòng Nhì Pháp giết tôi ngay lập tức”. Tôi gợi ý: “Anh dụ nó đưa quân về Đồng Tháp, để Diệm đánh tan nó ở Đồng Tháp. Địa phương chúng ta sẽ lợi dụng tình thế đó phất cờ vũ trang, diệt bớt ác ôn, phong trào sẽ lên”..

Nằm sâu trong hậu trường sân khấu chính trị miền Nam, tình báo viên chiến lược Lê Hữu Thúy - với tên hoạt động Lê Nguyên Vũ, đã sáng tạo, thận trọng thực hiện chính xác từng kế hoạch tinh vi củng cố được lòng tin của Diệm - Nhu. Vai trò phụ tá cho tổng trưởng Nội vụ Huỳnh Văn Nhiệm, cho giám đốc Sở nghiên cứu chính trị - mật vụ Trần Kim Tuyến, cho giám đốc Nha An ninh quân đội Đỗ Mậu là vỏ bọc bằng thép giúp ông có thể tìm hiểu cặn kẽ kẻ thù, khoét sâu vào các mâu thuẫn vốn có để phân hóa và làm suy yếu từ bên trong lực lượng địch.

***

Ông đã “chỉ trỏ” cho nhà tình báo Lê Hữu Thúy xâm nhập vào lực lượng Hòa Hảo như thế. Với ông Vũ Ngọc Nhạ, ông nói “Anh Nhạ phải bám cha Từ. “Các bài viết về Vũ Ngọc Nhạ chưa giải thích rõ vì sao anh ấy được chỉ đạo bám cha Lê Hữu Từ. Tôi nhớ vào khoảng năm 1946 thì phải, Bác Hồ yêu cầu chuẩn bị cho Bác một chuyến đi quan trọng. Đích thân Bác đi gặp cha Lê Hữu Từ, định mời về làm cố vấn cho Chính phủ. Tôi ngạc nhiên thưa với Bác là trong Quốc hội lúc đó, đại biểu Công giáo là cha Phạm Bá Trực rồi, ở các địa phương cũng có các linh mục trong Mặt trận rồi, sao bây giờ Bác còn đích thân đi mời cha Lê Hữu Từ nữa. Lúc đó Bác mới giải thích cho chúng tôi hiểu rằng thời kỳ ấy, ảnh hưởng của các dòng tu đều khác nhau. Dòng Châu Sơn ở Nho Quan của cha Từ là dòng “khổ hạnh”, có uy tín lớn lúc đó, được bên Tòa Thánh trân trọng nhất nên cũng cần mời họ giúp cho Chính phủ. Ông Mười Hương nhớ mãi lời Bác Hồ: “Là người Việt Nam ai cũng có lòng yêu nước. Như năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn, lòng yêu nước thể hiện nhiều hay ít thôi. Nếu ta biết cách, sẽ thu phục được.”

 “Tôi biết Vũ Ngọc Nhạ lúc chuẩn bị vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó, ai cũng náo nức muốn tham gia chiến dịch lịch sử này. Nhưng tôi không được tham dự mà lại được phân công đi xuống Khu Tả ngạn. Nhiệm vụ của chuyến đi này là tôi phải chọn cán bộ để gài theo những người di cư vào Nam. Tôi đã chọn được hai anh cán bộ của Thị ủy Thái Bình là Nhạ và Ruật.”

Khi chuẩn bị vào Nam hoạt động, Vũ Ngọc Nhạ có giấy chứng nhận do cha Hoàng Quỳnh cấp, chứng nhận Nhạ là trung úy tự vệ của Phát Diệm trong lực lượng Công giáo. Như vậy, tôi nghĩ Nhạ phải tận dụng mối quan hệ này bám cha Quỳnh để qua đó quen thân được với cha Lê Hữu Từ. Cha Từ rất thân với cha Quỳnh. Anh cứ bám cha Quỳnh. Ông Quỳnh vào đây cũng có hụt hẫng. Xa giáo xứ, con chiên Phát Diệm rất khổ. Anh hãy làm một con chiên ngoan, chăm sóc cha Quỳnh lúc thường, lúc ốm đau, đưa cả con cái tới thăm ông ta để tạo quan hệ gia đình gần gụi. Tranh thủ được tình cảm ông Quỳnh rồi sẽ tìm được mối quan hệ với giám mục Từ. Chính mối quan hệ này cho phép anh Nhạ lập được nhiều chiến công sau này, có lần thoát chết được.” Ông cùng với Vũ Ngọc Nhạ trao đổi, cứ nói là Ngô Đình Diệm thân Mỹ, Mỹ nắm được Công giáo, nhưng không phải. Công giáo Việt Nam lúc ấy vẫn là Pháp nắm. Mỹ bỏ nhiều tiền ra nên có ảnh hưởng lớn. Kết quả cuộc trao đổi này là một nhận định quan trọng: Ngô Đình Diệm muốn nắm nhưng chưa nắm được các dòng tu Công giáo thân Pháp như dòng của Lê Hữu Từ. Chính đó là chỗ Nhạ có thể phát huy được.

“Qua các tin tức của Nhạ, tôi thấy lúc đó có một mâu thuẫn: Diệm rất cần ông Từ nhưng chưa nắm được. Một hôm, Nhạ bảo tôi: Cha Từ than phiền là Tổng thống tin Mỹ quá. Tôi liền nói ngay với Nhạ: Đây là hơi hướng Pháp chê hơi hướng Mỹ của Ngô Đình Diệm đấy. Nếu Ngô Đình Diệm muốn dựa vào Công giáo mà không dựa được vào cha Từ là hở. Tôi bảo Nhạ: “Làm thế nào anh nói đến tai Ngô Đình Diệm ý này: nếu không liên kết được với cha Từ sẽ khó khăn”. Phải biết rằng ông Diệm rất cần ông. Từ mà không nắm được, vì một anh thân Mỹ, còn một anh thì thân Pháp.” Khi Vũ Ngọc Nhạ bị bắt và chuyển về Tòa Khâm thì ông Mười Hương đã bị chuyển sang phòng tối cách đó 200 mét, đằng sau Nha Cảnh sát Trung Việt. Ông quan sát, tìm hiểu, và biết chắc chắn rằng ông Nhạ dù được đi lễ nhà thờ nhưng tinh thần vẫn còn. Ngô Đình Cẩn là người khá đặc biệt. Trong số tù nhân, nếu ai theo Công giáo thì Chủ nhật Cẩn cho đi lễ. Ông Mười Hương tìm cách bí mật liên lạc, nhắn ông Nhạ giữ nguyên vỏ bọc, cứ hướng cũ mà đi thôi: “Cái áo rách, nhưng vá lại vẫn dùng được”. Vũ Ngọc Nhạ đã thành công khi liên lạc với cha xứ và tự tiếp cận Ngô Đình Cẩn. Ông Nhạ nhờ cha Hồng chuyển thư cho linh mục Lê Hữu Từ, trong thư viết bằng giọng mập mờ như đã quen biết. Cha Từ thấy ông Nhạ là người Công giáo Phát Diệm, tìm hiểu về ông qua cha Quỳnh, rồi ra Huế thăm dò. Cha Từ dùng ông Nhạ tác động lại Cẩn, bắt tay Nhu - Diệm. Ngô Đình Cẩn thì dùng ông Nhạ để kết thân cha Từ. Và từ đó, mối quan hệ của ông Vũ Ngọc Nhạ với gia đình họ Ngô được nâng lên một bước cao hơn.

Ông Vũ Ngọc Nhạ đã giảng hòa được hai bên và lợi dụng được hai bên. “Chính anh Nhạ làm được cái cầu nối giữa họ Ngô với cha Lê Hữu Từ. Từng có lần anh Nhạ về gặp anh Năm Xuân, sau đây anh Năm Xuân nói với tôi: “Tôi thấy anh này ăn nói giống linh mục”. Tôi bảo: “Anh ấy đóng linh mục mà không ăn nói giống linh mục thì sao được ông?”. Người tình báo nhập vai giỏi quá thành ra vậy.”

Biết quan sát thực tế, ông Mười Hương thấy rõ chính quyền Diệm - Nhu đối xử phân biệt với hai xứ Công giáo Bùi Chu, Phát Diệm. Ở xứ Bùi Chu của giám mục Phạm Ngọc Chi được chăm lo hơn địa phận Phát Diệm của giám mục Lê Hữu Từ. Những trao đổi, phân tích của ông cùng với nhà tình báo đã giúp cho đường hướng công việc tiến triển tốt như chúng ta đã biết qua hoạt động cố vấn của Vũ Ngọc Nhạ. Thời gian ông Nhạ ở Tòa Khâm, thật là trong cái rủi lại có cái may, là thời gian ông hoạt động thành công nhất.

Sắc sảo, nhạy cảm, sáng suốt, có thể nói như thế về vai trò “chỉ trỏ” của ông Mười Hương. Không phải vô cớ mà thế giới đánh giá cao những người tình báo ở tù rồi mà vẫn phát huy được tác dụng.

***

Còn công việc với nhà tình báo Pham Xuân Ẩn thì điều chủ yếu thành công là ở một cách nhìn, đánh giá tình hình. “Lúc tôi vào Nam, anh Ẩn đang làm thư ký nhà đoan, đưa tin tức tình báo về việc quân Pháp vận chuyển vũ khí. Anh báo ra những tin tức tàu đến tàu đi, chở hàng hóa, vũ khí ra các miền”. Anh Ẩn rất giỏi tiếng Anh, sau đó làm ở cơ quan MACV (Cơ quan viện trợ Mỹ). Lúc Hiệp định Genève, Mỹ đang thay chân Pháp. Ngay lúc đó, nhà chỉ huy Mười Hương nhạy bén nhận thấy: nếu anh Ẩn cứ đi theo con đường này, giỏi lắm leo lên đến đại tá, không phải chỗ ngon ăn. Tụi này là cơ quan chính trị, nó mà thanh trừng lẫn nhau, dễ chết lây sang Ẩn. Đối tượng của cách mạng Việt Nam sẽ là Mỹ. “Khi anh Ẩn đưa tôi tới nhà đám sĩ quan Mỹ mà Ẩn quen, tôi thấy đám Mỹ này thích Ẩn lắm. Tôi bèn bàn với Ẩn: Phải chuyển thôi. Phải làm nghề tự do. Tôi nhớ ngày xưa Cụ Hồ đi hoạt động cũng làm tân văn ký giả. Bác xưa vẫn khuyên đám cán bộ chúng tôi hoạt động thời Pháp phải chú ý tới “báo chí để tứ quyền. Đụng tới, họ la to lắm”. Tôi nghĩ Ẩn phải đi học báo chí tại Mỹ, về viết báo Mỹ hẳn hoi chứ không phải chỉ về làm báo lá cải kiểu Tiếng Chuông cũng không ra gì. Anh phải hiểu rõ văn hóa Mỹ, học được những cái hay của văn hóa Mỹ, thấy rõ tính cách con người Mỹ để có thể nghĩ và viết như người Mỹ. Cho nên suốt cuộc đời hoạt động của Ẩn sau này, cách ứng xử của anh ấy tôi ưng lắm. Kết hợp văn minh hiểu biết với nhân văn, văn hóa Việt Nam mới ra được con người như Ẩn.”

 “Khi các cán bộ lãnh đạo vào Nam năm 1948, có đồng chí Vũ là trung tá và anh Tư Tùng thiếu tá. Họ vào cùng anh Lê Đức Thọ. Sau này, khi đã tiếp xúc với Ẩn, tôi bàn với anh Tư Tùng. Anh rất có công trong việc xây dựng lưới. Anh ấy còn được bà cụ mẹ của Ẩn nhận làm con nuôi.” Họ bàn bạc, trao đổi, xin ý kiến lãnh đạo của Trung ương và thế là phương án đi học của tình báo Phạm Xuân Ẩn được hình thành. “Anh Tư Tùng lúc đó làm chủ sở cao su nhỏ, rất tháo vát. Anh đóng góp thêm tiền giúp vào cho Ẩn có thể đi du học.” Nhớ lại chuyện này, ông Mười Hương nhắc đến bà cụ thân sinh ra Phạm Xuân Ẩn với bao nhiêu lời quý trọng. “Công bà già lớn lắm. Ẩn hoàn thành nhiệm vụ cũng do công bà mẹ đóng góp nhiều. Bà không nói năng, lẳng lặng nuôi con, chăm lo cho con với tình người mẹ thương con và yêu nước.”

Chính khi ông Phạm Xuân Ẩn đang học ở Mỹ thì hầu như toàn bộ tổ chức trong nước bị chế độ Diệm đánh, phá vỡ hàng loạt. Ông Mười Hương bị bắt và số phận chàng sinh viên Ẩn kể như cá nằm trên thớt. Ông Tư Tùng, tức Dương Minh Sơn và cậu em trai của Ẩn cũng bị bắt. Nhưng ông Mười Hương đã chịu đựng sự khốc liệt này, giữ nguyên được tổ chức. Sau này ông Ẩn kể lại: “Ông Mười thường quan tâm dặn tôi hai việc: thứ nhất, nhấn mạnh lập trường tư tưởng, chính trị, hiểu biết văn hóa; thứ hai là nghiệp vụ vững. Ông bảo: phải đi học, tìm hiểu văn hóa Mỹ. Phải học văn hóa”.

Sau khi thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn qua đời vào năm 2006, ông Mười Hương được đoàn làm phim tài liệu phỏng vấn về những suy nghĩ của ông với nhà tình báo “điệp viên hoàn hảo”. Nhớ lại ngày Phạm Xuân Ẩn chuẩn bị được đưa đi học báo chí ở Mỹ, ông Mười Hương bảo: “Ẩn lúc đó chưa có bằng tú tài. Tôi gợi ý Ẩn xem bên đó có loại trường nào nó không đòi bằng tú tài. Và nhắc Ẩn: chỉ có học làm báo thôi!

Tôi phân tích: Ở trong nước Ẩn cũng đang hoạt động mở quan hệ có nhiều triển vọng. Nhưng lúc bàn bạc với nhau như anh em trong nhà, tôi bảo Ẩn: Mày đã thân được đến như Phạm Xuân Giao ở Phòng 6, thân với Nguyễn Văn Hinh thì giả dụ có thương quý lắm cũng đưa mày giỏi lắm lên đến chuẩn tướng, cũng là đi hầu nó thôi em ạ. Phải làm gì đó mà vừa quen thân vừa nghe ngóng từ giới cu li bên ngoài cho đến bên trên là thủ tướng, thì chỉ có làm anh nhà báo thôi. Mà Ẩn lúc đó có cả tiếng Anh tiếng Pháp.”

Hai anh em trò chuyện, phân tích với nhau. Ông Mười Hương bảo Ẩn (vì là anh lớn tuổi hơn nên ông hay xưng hô thân mật như gọi đứa em):

- Mày thấy “ông” Hồ ra nước ngoài sống bằng nghề ký giả tân văn mà làm cách mạng.

Trước đó, Edward Lansdale muốn cử Phạm Xuân Ẩn đi học tình báo và tâm lý chiến. Khi việc này được báo cáo với ông Mười Hương, lúc đó đang là chỉ huy trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn, đã bị ông Mười Hương khuyên không nên vì quá nguy hiểm. Ông Mười Hương rất tâm đắc việc Ẩn nên đi học báo chí.

Nhưng lúc đó ba của ông Ẩn ốm nặng. Sau này chúng ta biết việc của ông Ẩn đi học ở Mỹ đã phải lùi ngày lên máy bay, vì vào đúng ngày đó, ba Ẩn qua đời - ngày 24/9/1957.

Trước đó, Phạm Xuân Ẩn cứ nghĩ rằng việc anh đi học ở Mỹ sẽ không thành. Giấy tờ của chính quyền quan liêu là một chuyện, còn chuyện cha đang ốm nặng. Ông Mười Hương phải tìm cách động viên và giúp đỡ chăm sóc gia đình thay Ẩn là người con trưởng đang chịu tang cha. Ông Mười Hương đã đến nói chuyện với mẹ của Ẩn. Bà cụ hoàn toàn ủng hộ con mình.

Ông Mười dặn dò: Mày sang đó tìm hiểu cái xứ văn minh ấy, chứ không chỉ “chửi nó bóc lột” như lý thuyết được học. Văn hóa Mỹ nhiều cái hay lắm, chính Cụ Hồ tìm hiểu và dùng cái văn hóa đó để phục vụ việc làm cách mạng. Văn hóa tư bản tôn trọng cá nhân, mày học kỹ, đó cũng là thứ nó sẽ bảo vệ mày. Như vậy là chính Mỹ dạy mày làm tình báo cho cách mạng đó (hai anh em cùng cười).

Ông Mười nghĩ: Công tác tình báo giống như vở kịch. Người lãnh đạo nghĩ ra mục tiêu còn thành công là do người tình báo sáng tạo và can đảm. “Khi người ta giao Phạm Ngọc Thảo cho tôi có khuyên rằng nên khai thác, dựa vào việc Thảo thân Pháp, dân Công giáo. Tôi bảo: Không nên coi Thảo như người theo kháng chiến rồi về đầu hàng. Bởi Ngô Đình Diệm cần người yêu nước, quốc gia không Cộng sản, chứ không cần người kém cỏi đầu hàng. Phải nhận thức được Ngô Đình Diệm có tinh thần “quốc gia dân tộc” mới được. Chính tôi đã gửi nhận định này ra cho Trung ương, không nên coi Ngô Đình Diệm như mấy ông bơ sữa bợ Tây như Tâm, Hữu. Hai bức điện của tôi gửi ra được vận dụng mục tiêu đúng cho tình báo hoạt động”.

Ông đeo đuổi việc quyết tâm đưa Phạm Xuân Ẩn đi Mỹ học về báo chí. “Nó đi bằng hai chân của nó”. Ông đã tranh luận như vậy với một số lãnh đạo lúc đó theo lối cổ điển thường nắm con người bằng cách ràng buộc người cán bộ, kiếm cho họ một người vợ theo ý của tổ chức. Ông không chịu lối nắm con người bằng thủ đoạn, tiền bạc. Phải tôn trọng sự độc lập suy nghĩ của người cán bộ. Chưa một ai dưới quyền lại bị ông sử dụng theo lối thủ đoạn, tiền bạc.

Sau này khi gặp nhau, ôn lại cái giai đoạn Phạm Xuân Ẩn ở Mỹ nghe tình hình trong nước bị khủng bố bắt bớ, cả em trai của Ẩn và Mười Hương cũng đã bị bắt. Lúc đó chính quyền Ngô Đình Diệm đang truy lùng gắt gao để diệt Cộng sản. Cái tin em trai và ông Mười bị bắt đã khiến Phạm Xuân Ẩn lo sẽ bị lộ. Anh sợ mọi người không chịu được đòn tra khảo tàn bạo, sẽ khai ra anh. Nhất là ông Mười Hương, người chỉ huy trực tiếp của anh. Ẩn đã phải để phòng bằng cách học thêm tiếng Tây Ban Nha. Anh nghĩ khi cần thiết, có thể sẽ chạy trốn sang Cuba hoặc Nam Mỹ. Anh hoàn toàn độc lập ở xứ người, không còn liên lạc, xin ý kiến của ai. Tin tức chỉ nhận được qua lá thư của người em trai viết bóng gió để anh suy luận mà hiểu tình hình.

Sau hai năm học tập, vào năm 1959 khi trở về nước, Phạm Xuân Ẩn vẫn còn phải đề phòng. Anh sợ vừa xuống sân bay đã bị bắt cóc đưa đi thủ tiêu mà không ai biết. Lúc này anh cũng không biết tin tức gì của ông Mười Hương đang bị giam ở Huế. Anh phải dặn cả gia đình ra đón mình ở sân bay, cho dù có thể mẹ anh sẽ phải chứng kiến cảnh đau lòng con trai bị bắt. Nhưng như vậy còn hơn là bặt vô âm tín. Đến khi về nhà rồi, anh cũng không dám đi đâu một mình ra đường. “Nghe tin anh bị bắt, em vẫn có một linh tính là mình được an toàn. Dù sao thì cũng phải đề phòng. Trong tay em đã có vé máy bay đi Cuba và Pháp. Bởi em tin, hai nơi đó mới có đường liên lạc với tổ chức. Em cũng nhắn gia đình ra đón nên mời cả bạn bè Mỹ, cánh nhà báo, nếu có gì họ sẽ đưa tin.”

Phạm Xuân Ẩn có lúc đã tâm sự: “Anh làm lãnh đạo chỉ huy, chứ người khác, chắc em không dám trở về”. Với gia đình Phạm Xuân Ẩn, cái tên Mười Hương được tin yêu. “Em thấy cũng lạ. Mẹ em lúc sắp mất, quên cả tên em Định. Vậy mà bà nhớ tên em và anh. Có lần, khi đất nước giải phóng, bà hỏi: “Anh Hai có ở trong hay không? Em bảo anh dù ở đâu cũng biết chuyện thôi mẹ ạ”. Còn ông Mười thì bảo: Tôi chỉ thuyết phục bà mẹ bằng sự ăn ở của tôi thôi.

Có lẽ câu chuyện hoạt động của ông Mười Hương khi được giao chịu trách nhiệm với các nhà tình báo sau này nhìn lại thấy toàn tên tuổi huyền thoại - chắc còn nhiều điều chúng ta không được biết hết. Nhưng có thể chắp nối từ những câu chuyện gián đoạn không hệ thống bất chợt ông kể ra khi đang trình bày một vấn đề khác.

Như một người con trong gia đình, ông Mười Hương có quan hệ quen biết cả lứa bạn cùng học với cha của Phạm Xuân Ẩn ở trường lục bộ xưa ngoài Hà Nội. “Ông già Ẩn là một kỹ sư đạc điền. Ông có người bạn tên Quyến là một người được trọng như sếp, trưởng tràng. Chính ông Quyến là người sắp xếp đám tang cho cha của Phạm Xuân Ẩn. Còn ông Quyến cũng học giỏi lắm. Gốc Nho học, đi Tây học tiếp nên học rất giỏi. Xưa có những gia đình trí thức lớn lắm, thân nhau lắm.”

Năm 2006, sau khi thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn qua đời, hãng phim TFS của HTV (Đài truyền hình Tp. Hồ Chí Minh) có thực hiện bộ phim tài liệu 12 tập về ông. Nữ đạo diễn Lê Phong Lan có tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn ông Mười Hương về Phạm Xuân Ẩn.

Câu hỏi thứ nhất: Ông nhận định con người Phạm Xuân Ẩn thế nào để giao nhiệm vụ sang Mỹ học?

Ông Mười Hương: Khi tôi vào miền Nam, ông Phạm Ngọc Thạch giới thiệu, có một thanh niên trưởng thành từ phong trào trò Ơn thời chống Pháp. Cậu ấy đã được giao theo dõi biến động quân đội ở Đông Dương khi cậu làm thư ký nhà đoan ở cảng. Trước đó, tôi lại nghe một cán bộ kể chuyện về Ẩn. Người cán bộ này bảo: Cậu thanh niên này hăng hái, tính nóng. Có người mẹ nuôi, chồng bà này đối xử với vợ ra sao làm nó giận quá, túm cổ áo ông ta nói: Ba không thể làm thế với mẹ được! Tôi tìm đến nhà gặp Ẩn. Thấy đó là một thanh niên rất thông minh, nhanh trí, ăn nói dí dỏm. Tôi liên hệ ý nghĩ: Bác Hồ là nhà tình báo giỏi, đơn thương độc mã tìm đường cứu nước, cũng là một nhà báo giỏi. Phải đưa Ẩn đi làm báo, vì như tôi đã nói với Ẩn: Đi theo Phạm Xuân Giai ở phòng 6 cũng giỏi lắm lên được chuẩn tướng làm tay sai. Không thể đi nghe ngóng biết được các vấn đề chiến lược. Mày phải đi học. Không đi Pháp, mà đi Mỹ đi. Về hỏi đám bạn Mỹ để tìm hiểu chuyện học. Mỹ là thằng khó khăn nhất. Ẩn có tham khảo đại úy Mỹ Philip lúc đó nhà ở đường Trần Quốc Toản. Ẩn có dẫn tôi lại nhà Philip chơi một lần. Tôi thấy Philip khen phục văn hóa Việt Nam, người già được con cái thương kính chăm sóc. Con cái rất thương yêu cha mẹ ông bà, nuôi cha nuôi mẹ. Nếu có khổ thì chỉ vì “nghèo nên khổ thôi, còn tình cảm đỡ cô độc hơn so với phương Tây. Philip khuyên vợ phải cố gắng học văn hóa Việt Nam. Tôi bảo Ấn hỏi xem mọi thủ tục. Lúc đó có người cháu của má Ẩn vào làm cơ sở kinh tế cho cách mạng, trong đồn điền cao su Lộc Ninh. Từ đó mới góp thêm kinh phí giúp Ẩn di học được. Má của Ẩn lo vụ này rất tích cực. Cũng chỉ phải lo tiền máy bay, vì sang đó có học bổng rồi.

Để trả lời cho câu hỏi thứ hai của đạo diễn Phong Lan: “Thời kỳ chú bị bắt, chú có sợ bị bọn địch tìm cách bắt chú khai ra Phạm Xuân Ẩn?”. Ông Mười Hương trả lời: “Điều đó tôi đã hiểu rõ từ lâu. Tôi thường nói với Ẩn: Có ba thử thách lớn với người cách mạng: Ở tù, tiền bạc, tình. Thời kỳ ở tù, tôi hay mắc cỡ nếu nghĩ mình khai ra một người nào. Tôi bị bắt không dính đến Ẩn. Cậu Định, em Ẩn bị bắt trước cả tôi. Hai vụ không dính nhau. Tôi rất tin tưởng Ẩn. Cái này tự nhiên, bằng linh cảm, khó giải thích. Ẩn bộc lộ con người đáng tin cậy, luôn trung thực, luôn giúp đỡ. Khi tôi ở tù, mọi người biết được tình hình của tôi là do Ẩn có người chú làm ở Nha Cảnh sát Trung phần. Ông hay qua chỗ tôi bị giam và biết được, đám lính gác nể tôi lắm. Chắc ông chú này nắm được tình hình, báo ra cho gia đình Ẩn.

Câu hỏi thứ ba: “Chú và chú Ẩn sống sót qua cuộc chiến khốc liệt đầy nguy hiểm, tình anh em đồng chí có ý nghĩa đặc biệt như thế nào?”.

Ông Mười Hương ngẫm nghĩ, chậm rãi không trả lời ngay. Đó là phản xạ suy nghĩ chậm của người già hay vì còn lý do nào khác? Ông ngậm ngùi: “Nhiều lúc thấy thương Ẩn quá. Không ai hiểu Mỹ bằng Ẩn. Công trạng được tuyên dương nhưng không phải đã được hiểu hết. Sau giải phóng tôi có hỏi đại tướng Văn Tiến Dũng, sao không để Ẩn phát huy tiếp. Tướng Dũng bảo: Một cán bộ làm địch hậu hơn 20 năm rồi, chịu bao khó khăn hy sinh. Nay lại bắt hy sinh tiếp, đứng về chính sách thế là không ổn. Tôi gặp Ẩn, có ý tiếc việc Ẩn không tiếp tục, thì Ấn bảo, công việc anh ấy vẫn say mê nhưng cấp trên đã có quyết định thế rồi, em kêu vợ con trở về.

Tôi luôn tự hào về Ẩn, và cũng tự hào về việc mình đã nhận định, đánh giá, dùng Ẩn đúng vị trí. Dù rằng tôi chỉ là anh đạo diễn thôi, tài cán là do điệp viên làm. Tôi “dựng kịch” đường lối hoạt động cho Ẩn đúng như với Nhạ, Thảo, Thúy. Họ giỏi nên đã làm cho kịch bản thành công.”

“Vì sao Ẩn thương và tin tôi ư? Làm việc với nhau, thấy được con người thì thương thôi. Những điều tôi bàn bạc, phân tích cùng Ẩn, ra đời Ẩn thấy đúng nên thương thôi. Còn tôi đánh giá Ẩn ư? Một con người sáng suốt và trung thực. Tôi đánh giá Ẩn là một tình báo hơn cả nhà tình báo vĩ đại của Nga: Richard Sorge. Ông ta có công phát hiện đúng tình hình kẻ thù tấn công Tổ quốc như thế nào, không tập trung quân ở biên giới phía Đông, để Stalin tập trung giải quyết mặt trận với Đức, rồi mới quay lại Á Đông. Nhưng Ẩn còn vĩ đại hơn, vì hoàn thành nhiệm vụ mà giữ được an toàn, bí mật từ đầu tới cuối.

Tình cảm tôi tin cậy Ẩn còn coi như... duyên số. Cũng giống như ngày đầu cách mạng, tại sao lãnh đạo lại tin tôi, một cán bộ trẻ, giao cho những việc quan trọng nhất. Giao cả tính mạng của lãnh đạo, để tôi đưa anh Trường Chinh đi gặp tụi nhà binh Pháp ngay trước Sở Mật thám. Có lần tôi hỏi anh Trường Chinh. Anh bảo: Tin là tin. Có cả yếu tố linh cảm, trực cảm.”

***

Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo chiến lược dưới sự chỉ huy của Ban địch tình Xứ ủy Nam Bộ mà trực tiếp là dưới sự chỉ đạo của ông Mười Hương. Ngay những ngày đầu xâm nhập vào lòng địch, ông Mười Hương đã “chỉ trỏ” cho nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo như thế nào? Với nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo, ông Mười Hương giải thích thêm: nguyên tắc của Trung ương lúc đó rất chặt chẽ cho việc sử dụng tình báo. Dùng cán bộ cấp nào phải được cấp ủy nào đồng ý, không thể dễ dãi tùy tiện dược. Trường hợp nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo do chính đồng chí Lê Duẩn phụ trách Trung ương Cục lúc đó cho phép và giới thiệu. Trường hợp nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn do đồng chí Phạm Ngọc Thạch trực tiếp giao nhiệm vụ.

“Anh Phạm Ngọc Thảo lúc đó đã có một lý lịch kháng chiến nhiều người biết. Anh ấy đã làm đến chức tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 10. Ai lại không biết. Anh ấy còn làm Trưởng ban Quân báo Nam Bộ.

Mặt khác, anh Thảo lại là con của một gia đình trí thức Công giáo rất lớn. Cả nhà đều là dân Tây. Pháp rất nể trọng gia đình này, tin dùng ngang cỡ gia đình Nguyễn Văn Xuân, Pétrus Ký - những gia đình dòng họ trí thức lớn làm việc với Pháp. Vợ của Phạm Ngọc Thảo là em cụ Phạm Thiều, cũng là một trí thức Nam Bộ. Khi quân ta đi tập kết sau Hiệp định Genève, anh ấy ở lại. Đồng chí Lê Duẩn có ý định dùng lợi thế của Thảo, giới thiệu với anh Năm Xuân. Lúc đó, tôi, anh Năm Xuân và Cao Đăng Chiếm là ba người của Ban Địch tình Xứ ủy (tiền thân của Ban An ninh miền Nam). Anh Năm Xuân lúc đó là phó ban nhưng anh không thể về Sài Gòn nhiều vì hoạt động lẫy lừng, cũng vì đã quá nhiều người biết, cán bộ miền Tây cũng như miền Đông. Phong trào lúc này khó khăn nên dễ đụng bọn người xấu lắm. Anh Chiếm cũng vậy, Đảng không cho phép sống ở Sài Gòn, dễ bị địch bắt. Anh Năm Xuân đành đi về theo kiểu con thoi. Anh giao nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo cho tôi liên hệ vì tôi có điều kiện ở hợp pháp tại Sài Gòn. Tôi với danh nghĩa thầy giáo dạy kèm có thể đi lại tự do hơn.”

Ngày nhận nhiệm vụ, ông Mười Hương đến gặp Phạm Ngọc Thảo và họ thảo luận đường lối hoạt động. Riêng việc này cũng phải bàn luận, cân nhắc hết cả một buổi sáng. Ông Mười Hương phân tích: “Không thể để Phạm Ngọc Thảo giấu đi cái lý lịch kháng chiến của anh ấy được. Phải công khai điều đó, vậy thì lý do gì anh ta bây giờ làm việc với đối phương, từ bỏ cái lý lịch kia?”. Im lặng một lát rồi ông Mười tiếp tục:

“Phải nhìn thấy đặc điểm của anh em họ Ngô. Họ không là loại tay sai kiểu bơ sữa như Tâm, Hữu, mà cố gắng thể hiện tinh thần quốc gia theo kiểu của mình, quốc gia chống Cộng. Họ mơ tìm sử dụng người như phía ta đã tôn vinh cụ Hoàng Minh Giám. Cụ không phải Cộng sản, sao Cộng sản vẫn dùng người tài. Đó là mơ ước của anh em họ Ngô. Vậy nên Thảo phải nhập vào bằng cách đó, một người giỏi, có kháng chiến, yêu nước nhưng Quốc gia, không Cộng sản. Anh em Diệm rất cần. Tôi nói với Thảo: anh phải làm thế nào bắn tin cho ông Ngô Đình Thục tin anh, ông ấy sẽ có tiếng nói giúp”.

Làm sao để họ tin? Ông Mười Hương bàn với Phạm Ngọc Thảo: Hãy cứ dựa vào lý lịch gia đình mình. Nói rõ gốc rễ như vậy, Cộng sản không bao giờ tổ chức, phát triển anh vào Đảng. Cộng sản chọn lý lịch giai cấp cơ bản chứ không chọn những người có lý lịch như Thảo. “Anh phải thông qua các linh mục dưới Mỹ Tho, mới ở Thụy Sĩ về thì phải, để đến với Ngô Đình Thục. Anh nên nói anh đi đánh Tây vì ngay ngày còn bé đi học anh cũng đã thích đánh nhau với bọn Tây con cùng học mà hách dịch, phách lối. Anh không hiểu vì sao gia đình anh được Tây ưu ái mà anh lại ghét Tây. Chỉ thấy Việt Minh đứng dậy đánh Tây xâm lược nên anh theo họ. Còn họ không tổ chức, phát triển anh vào Đảng vì gia đình anh là gia đình đại phong kiến, thân Tây. Phải nói anh Thảo đã đóng vai này rất giỏi, như chúng ta đã từng biết qua cuộc đời tình báo của anh. Có lần anh ấy nói với Ngô Đình Thục: Cha ạ, ta chống Cộng phải rồi. Nhưng chống kiểu này ta thua họ thôi. Việt Minh đi tập kết, theo đúng Hiệp định thì hai năm họ sẽ về, cha gặp lại con, vợ gặp lại chồng. Vậy mà chúng ta ép vợ người tập kết phải bỏ chồng, ép mẹ không được nhận con. Việc làm như thế Chúa cũng không cho phép. Chúng ta chống Cộng thế nào lại lòi ra Việt Minh nó nhân ái hơn.”

Được hoạt động dưới vỏ bọc công khai, hợp pháp là một thầy giáo dạy kèm, ông Mười Hương đã liên lạc với nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo bằng cách đơn giản, cổ xưa nhưng lại an toàn, bất ngờ nhất. Họ có những dấu mật hiệu quy định ở đâu đó. Thí dụ, ông đi qua cửa nhà Phạm Ngọc Thảo, tìm xem một dấu hiệu nhỏ ở đâu đó để biết có thể vào. Khi muốn đến gặp, ông cũng làm một dấu hiệu kín đáo nào đó để đến. Ông thường nói với Phạm Ngọc Thảo: “Tôi hoạt động bí mật. Anh thì làm việc công khai. Tôi vào đây với danh nghĩa dân di cư vì tôi không thể giấu giọng Bắc được. Chúng mình phải thật kỹ, kể cả việc liên lạc, gặp nhau khi có tình hình bất thường phải trao đổi gấp.”

Họ đã trao đổi, tìm ra đường hướng hoạt động của một điệp viên. “Ý Thảo nhận xét rất đúng: Anh em nhà họ Ngô này phải qua đảo chính lên xuống nhừ tử mới hạ bệ được..”

Có khá nhiều lần họ gặp nhau ở Sài Gòn, nhưng cũng có một số chuyến ông Mười Hương xuống thẳng nơi Phạm Ngọc Thảo đang làm việc ở trụ sở. Đó là dạo Phạm Ngọc Thảo làm đại úy bảo an ở Sa Đéc. Người giao thông đưa ông xuống gặp là một cán bộ phụ nữ Vĩnh Long, bà hiện vẫn còn sống. Hồi đó, chị ấy có gia đình bán hàng tơ lụa ở Vĩnh Long. “Tôi vào thẳng trụ sở của Thảo, thái độ đàng hoàng như người thân của đại úy xuống chơi xin gặp. Thảo rất tích cực, lập nhiều mối quan hệ tốt. Anh còn cho biết ở vị trí của anh có thể cung cấp nhiều tin tình báo, không rõ Trung ương có cần không. Tôi bảo anh: Anh có nhiệm vụ là xây dựng ảnh hưởng, có lực lượng chính trị bên cạnh anh để dùng. Anh phát huy bằng uy tín chính trị cá nhân của anh chứ đừng ham mê tổ chức thêm ai cả. Dễ bị lộ lắm, Đừng tham việc. Dứt khoát là không tổ chức cơ sở. Ý anh phân tích đúng rồi đó: sẽ có đảo chính. Vậy anh cứ tạo xung quanh mình lực lượng chính trị dễ tác động. Khi chúng đảo chính, anh có thế lực, ảnh hưởng đến đám sĩ quan cao cấp. Anh tuyệt đối không tổ chức mạng lưới gì cả.”

Ông Mười Hương còn nhớ lần ấy, nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo với lòng nhiệt huyết của một chiến sĩ rất muốn đóng góp nhiều hơn thế. Anh kể với ông Mười Hương công việc công khai của người đại úy bảo an: Phải theo lệnh mang quân đi càn làng xã. Anh còn than phiền rằng trong quá trình công việc, anh quan sát được những sơ hở của các chiến sĩ ta và rất sốt ruột. Anh bảo: Có các đồng chí còn giữ cả trong mình thơ Tố Hữu. Ông Mười Hương phải gạt đi: “Anh mặc kệ họ. Không phải việc của anh. Nó đưa anh vào vị trí bảo an là nó còn đang thử thách anh đấy, nó bắt anh ở vị trí chống Cộng xem anh có chống không. Anh chỉ nắm tình hình, gây uy tín chứ không can thiệp những gì không liên quan nhiệm vụ của anh.”

Ông Mười Hương thấy rõ sau đó Phạm Ngọc Thảo đã thực hiện rất tốt. Ông vẫn có những cơ sở theo dõi các hoạt động của Phạm Ngọc Thảo để bảo vệ anh, làm tai mắt. Kể cả việc phía địch đánh giá, nhận xét anh thế nào.

“Thời kỳ anh em Diệm - Nhu lập Đảng Cần lao Nhân vị còn mời cả Phạm Ngọc Thảo vào ban lãnh đạo. Khi ban lãnh đạo Cần lao Nhân vị họp ở Viện Hối đoái, có một cơ sở của ta đóng vai người phục vụ bán thuốc lá phục vụ hội nghị đó. Người cán bộ cơ sở này tất nhiên không thể biết được vai trò Phạm Ngọc Thảo nên về báo cáo với giọng giận dữ: “Cái thằng Thảo ấy tệ lắm. Trước đây nghe nói nó có khả năng. Vậy mà vào cái hội nghị ấy, nó phát biểu hăng lắm. Có ai nói đâu, chỉ Thảo nói, Nhu nói. Khi ra hành lang, còn nghe Nhu nói bằng tiếng Pháp với những người thân cận nhận xét về Thảo: đích thực là một thằng dân tộc chủ nghĩa đậm chất Nam Bộ.”

Tôi gặp Thảo, động viên: Ông đóng vai thế là ăn. Nhưng đừng hăm hở quá. Cứ từ từ. Cần thì cứ viết báo, dùng các tích cũ để nói kiểu nước đôi, như Mao Tôn Cương ngày xưa bình trận Xích Bích. Anh Thảo đã làm theo, sĩ quan địch rất phục.

Ông Mười Hương làm việc với Phạm Ngọc Thảo một thời gian thì ông bị bắt. Ông vẫn nhớ hình dáng người chiến sĩ tài năng ấy: “Người vừa tầm. Hơi đen, khỏe mạnh, linh hoạt và dũng cảm. Đã làm được những việc kỳ tích. Sau khi tôi ra tù lúc Diệm đổ, không liên lạc với anh ấy nữa, theo đúng nguyên tắc. Nhưng tôi biết anh qua nhiều nguồn khác. Anh đã từng làm đến tỉnh trưởng Bến Tre, thả cả ngàn cán bộ ta bị bắt. Trong số đó có cả anh Bảy Thanh (Võ Viết Thanh).”

Ông Mười Hương lại nhấn mạnh như có chút tổng kết: “Các anh ấy (những nhà tình báo nổi tiếng: Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ấn...) chỉ nhận chỉ đạo đường hướng thôi, còn tự tài năng của mình đã lập công lớn. Chứ công việc bí mật, độc lập như vậy, sao cầm tay chỉ việc được”.

Sự khiêm tốn thể hiện chân thành, tự nhiên trong giọng nói nhẹ, gương mặt bình thản. Hoạt động đơn tuyến, ai cũng biết, nếu người chỉ huy trực tiếp vạch đường sai, kịch bản tính nhầm một bước là có thể tan nát hêt.

Xem tiếp:

9. Ra Bắc vào Nam lần thứ hai