TRẦN QUỐC HƯƠNG
Người Chỉ Huy Tình Báo

 

Nguyễn Thị Ngọc Hải

Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ
2020


          

             1. Tuổi thơ, gia đình và quê hương
              2.  Bị Pháp bắt năm 1941
              3. Ban công tác đặc biệt của Trung ương
              4. Tham gia làm báo Đảng ở chiến khu Việt Bắc
               5. Vào Nam
               6. Đấu trí ở trại giam Tòa Khâm, Huế
               7. Đấu lý với Ngô Đình Nhu
               8. Hoạt động tình báo - “Người chỉ huy của những điệp viên huyền thoại"

           

9.

Ra Bắc vào Nam lần thứ hai

 

Năm 1964 sau khi ra khỏi nhà tù của bọn Mật vụ miền Trung Ngô Đình Cẩn, ông được lệnh ra miền Bắc. Lúc đó, Trung ương Cục miền Nam cũng muốn giữ ông ở lại, và bản thân ông cũng muốn ở lại. Ngoài lý do công tác ra, ông nghĩ “muốn ở lại làm việc trả ơn vì ông sống được là nhờ có phong trào cách mạng miền Nam, Diệm đổ, nếu không ông đã chết trong tù ngục”.

Đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) lúc đó đã bố trí cho ông đi học chính trị trên Miền ba tháng, chuẩn bị công tác. Nhưng Trung ương gọi ra. Vì sức khỏe còn yếu, mới ra tù nên ông không thể đi đường Trường Sơn, mà phải tìm cách đi công khai bằng máy bay từ Phnom Pênh sang Thượng Hải rồi mới về Việt Nam. Vậy là từ khi kháng chiến chống Pháp kết thúc với thắng lợi Điện Biên Phủ, hai miền chia cắt theo hiệp định Genève đến nay đã mười năm. Mười năm ông xa gia đình, không tin tức. Lúc đi, ông là người cán bộ lứa đầu tiên chi viện cho kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, được đồng chí Trường Chinh và Bác Hồ giao nhiệm vụ. Ra đi, ông để lại gia đình, vợ con ở lại miền Bắc, và hoạt động ở miền Nam, trong đó có năm năm tù đày. Nay ông trở lại quê nhà, cũng với bao nhiêu khó khăn, làm thủ tục giấy tờ ở Nam Vang lâu tới nửa năm. Ngoài Bắc mọi người đã tưởng ông bị bắt lại (do lúc đó địch cũng bắt được anh Hai Xô ở Nam Vang). Về đến Hà Nội, ông được đưa lên K5 ở Quảng Bá như mọi cán bộ chiến trường miền Nam ra thường ở đó dưỡng bệnh. Ra tới nửa tháng vẫn không gặp ai, không biết tin tức gia đình, nóng ruột tới mức ông phải liều đi tìm. Lúc đó ở miền Bắc, phong trào đề cao cảnh giác đang lên vì Mỹ bắt đầu ném bom và thả biệt kích ra phá hoại miền Bắc. Trong người chẳng có giấy tờ nên khi tới Viện Kiểm sát tìm ông Trần Hiệu, bảo vệ cũng không cho vào!

Đến khi gặp được mọi người, ông mới biết vợ mình đang đi học nước ngoài. Cuộc hôn nhân của ông cũng đổ vỡ. Đó là một câu chuyện buồn, nhưng ông đã cố gắng cư xử cho đẹp.

Đến việc phân công công tác mới cho ông, lãnh đạo muốn ông về lại ngành công an, vì dù sao ông cũng đã tiếp xúc trực tiếp với kẻ địch rồi. Bộ Công an đưa ông về phụ trách tình báo kỹ thuật. Có hai điều khiến ông muốn từ chối: một là ông muốn từ chối để trở lại chiến trường miền Nam. Thứ hai, công việc mới của ông sẽ phải phụ trách một Cục lớn của Bộ, Cục Kỹ thuật, ở đó có nhiều kỹ sư, phó tiến sĩ được đào tạo từ nước ngoài về, mà ông đâu có học gì về kỹ thuật, làm sao lãnh đạo. Băn khoăn này được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn giải thích: Công việc vô cùng cần thiết, là bộ phận chủ lực để đánh biệt kích. Mà đánh địch thì không chỉ là vấn để kỹ thuật. Đây là nơi cần các chiến sĩ phản gián và các kỹ sư cùng làm việc. Còn yêu cầu chính trị nữa, nên cấp trên vẫn quyết định, và ông Mười Hương thành Đại tá Cục trưởng. Đó là một Cục lớn nhất của Bộ khi đó, chiến đấu bằng kỹ thuật. Qua cuộc chiến tranh nhìn lại, thấy một thành tựu rất rõ: Cục đã là lực lượng chủ lực phối hợp với các cục nghiệp vụ khác làm phá sản âm mưu dùng biệt kích đánh phá miền Bắc. Ông là người đã nhận việc gì tổ chức giao là làm tới nơi tới chốn. Nên ông đã phải để ra mấy tháng học về công tác chống biệt kích và tính năng tác dụng của máy móc kỹ thuật. Đã nói đến hoạt động gián điệp bao giờ cũng liên quan đến các phương tiện liên lạc bằng kỹ thuật, do đó phải canh gác bầu trời 24/24 giờ. Phát hiện, định vị, truy bắt biệt kích, ông tham gia với đơn vị, có khi đi đến tận nơi bom đạn.

Cục Kỹ thuật làm nhiệm vụ chống gián điệp, là phản gián kỹ thuật, tình báo kỹ thuật. Ông nói: “Công tác tình báo khó nhất là giao thông liên lạc. Không có nó thì chẳng có ý nghĩa. Thời kỳ đó Mỹ thả biệt kích ra để phá hoại miền Bắc lúc đó là hậu phương lớn của chiến trường miền Nam. Thời phát xít Đức nó cũng làm như vậy với Liên Xô.”

Cục Kỹ thuật của ông theo dõi sự liên lạc của bọn chúng. Phải có một trung tâm thông tin đâu đó ở một số nước gần như Nhật, Philippine. Biệt kích sẽ liên lạc điện đài để nhận sự điều hành và Cục của ông làm công việc “tuần tra” thanh sát trên không để phát hiện làn sóng lạ, tìm ra tần sóng, nơi phát để rồi định vị. Tất cả các yếu tố để vây bắt gọn đều được tính đến rất tỉ mỉ, kể cả việc đi tìm nơi chúng ẩn náu khi đã được thả xuống. Bọn chúng nhất định phải ở gần nơi có nguồn nước, gần nhà dân, các vùng dân cư phức tạp. Xác định một khu vực lớn, khoanh vùng, phán đoán và truy lùng. Giặc Mỹ có thể có máy móc tinh vi hơn, nhưng một kết quả không thể chối cãi là tất cả các toán biệt kích thời kỳ đó đều bị bắt gọn.

Thời gian này Mỹ bắt đầu ném bom phá hoại, thả biệt kích xuống miền Bắc. Bác Hồ và Bộ Chính trị nhận định, phải đề phòng khả năng địch đánh bộ binh ra miền Bắc. Ông Trần Quốc Hoàn giao chuẩn bị phương án đề phòng. Theo đó, có phương án giao cho Cục Chính trị của Bộ Công an tuyển ba lớp nữ trinh sát đặc biệt gồm 100 cháu độ tuổi từ 12 dến 15 để đào tạo kỹ năng hoạt động địch hậu. Ông Hoàn đề nghị: người có thể đào tạo tốt nhất lớp hoạt động địch hậu không ai khác ngoài đồng chí Mười Hương. Ông được giao phụ trách chung, lên chi tiết nội dung và thời gian học tập, chương trình vừa học vừa thực hành, ở dưới còn ba cán bộ cấp cục quản lý. Cán bộ giảng dạy là của Trường C500 (nay là Học viện An ninh). Được chăm nom và giáo dục chu đáo, tất cả các cô bé của lớp học ngày đó nay đã trưởng thành. “Tôi mừng là không có đứa nào hư họ đều là cán bộ công an, mang quân hàm từ trung úy tới thượng tá cả rồi”. - Ông Mười Hương cười, mắt lấp lánh.

***

Năm 1968 chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân, chiến trường miền Nam lại xin ông trở vào. Lần này ông đi cùng đoàn cán bộ cao cấp, có cả đồng chí Đinh Đức Thiện. Lộ trình đi sang Trung Quốc, về Phnom Pênh, rồi từ đó về Sài Gòn.

Trước khi ông đi, Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh có dặn dò: “Chú nhớ nhé, mình là người Cộng sản. Đối với công việc, việc nào nhỏ nhất mà có lợi cho nước cho dân thì nhỏ mấy cũng làm. Việc nào mà không có lợi cho dân cho nước thì không nói, không biết, không làm. Bởi vì mình là người Cộng sản.”

Lần đi trước, ông để lại gia đình, lúc đó đứa con gái út mới biết bò. Đi hoạt động bí mật ở chiến trường, không có thời hạn, không biết bao giờ ra, không thư từ tin tức, không hình ảnh. Đến khi ông trở ra sau mười năm, đứa con gái thắc mắc hỏi bà thím: “Có ông nào về nhận là bố con. Không biết có thật không”. Nay ông trở lại vào chiến trường trong khi đã mang một vết thương trong chuyện đời riêng của cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Những năm tháng cả dân tộc bước vào một chiến dịch quyết định ngày toàn thắng, ông làm gì?” Tôi trở vào Nam sau khi chiến trường Mậu Thân đã ở cuối đợt một. Bom đạn dữ lắm. Các anh bố trí tôi ở Ban an ninh Miền, phụ trách an ninh đô thị và trinh sát vũ trang vì tôi trước đó hoạt động đô thị.”

Năm 1970 ông làm Trưởng ban An ninh Sài Gòn - Gia Định cho đến tận năm 1975.

Công tác an ninh lúc đó phát triển mạnh, chuẩn bị cho chiến dịch lớn. Mỗi huyện đều có Ban An ninh, chúng ta phải xây dựng những “lõm chính trị”, không chỉ ngành công an mà các đoàn thể cũng làm nhiệm vụ này rất tích cực. Đó là những khu vực của địch nhưng ta dựa vào phong trào thanh niên trốn lính và lính trốn, xây dựng những “lõm” liên hoàn thành một vành đai tròn ngoại thành, để lực lượng cách mạng ra vào được dễ dàng. Công việc này có hiệu quả lớn. Ta làm chủ được ban đêm. Bọn ác ôn nào nổi lên là bị lực lượng vũ trang trấn áp liền. Đến năm 1975 thì các lõm này đã khép kín quanh Sài Gòn, tạo được hành lang từ căn cứ Củ Chi vào, làm đường vận chuyển vũ khí nhẹ vào nội đô. Những lõm chính trị này làm cho cơ sở tề ngụy rệu rã mất thế. Lực lượng vũ trang làm cho giặc muốn hung hăng không được, các hoạt động chính trị dễ dàng hơn, quần chúng trốn lính cũng dễ. “Tôi thường đi ở những vòng ngoài ấy, xuống Củ Chi, Gò Vấp, xuống cơ sở vào ban đêm, có hầm bí mật để trụ được ở đó.”

***

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ-ngụy vẫn trắng trợn chà đạp hầu hết các điều khoản trọng yếu của Hiệp định, tiếp tục tiến hành “Cuộc chiến tranh Việt Nam hóa” trên quy mô lớn với nhiều biện pháp và thủ đoạn mới. Bộ Chính trị xác định, chúng ta tiếp tục cuộc đấu tranh tổng hợp bằng ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, tiến lên hoàn thành mục tiêu cách mạng của mình. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam giao cho ông Mười Hương tuyển chọn thanh niên, sinh viên... cài vào hoạt động trong lực lượng thứ ba. Ông Linh nói: “Những người thông minh sắc sảo hoạt động ngoài uổng lắm”. Trong số những người được tuyển chọn có nhóm của họa sĩ Ớt - tức Huỳnh Bá Thành - báo Điện Tín, và Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, Lý Quí Chung...

Đầu năm 1975, ông Mười Hương giao cho nhóm một nhiệm vụ trực tiếp cực kỳ quan trọng: Thâm nhập sâu trong lực lượng thứ ba của Dương Văn Minh để tác động, vận động lực lượng này chống đối, cô lập, chia rẽ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu nhằm vô hiệu hóa sự chống phá của kẻ thù trước ngày toàn thắng của cách mạng. Ông Mười Hương nói: “Nhất định kỳ này mình dứt điểm thống nhất nước nhà, cần tạo điều kiện gần gũi những người có ảnh hưởng quyết định. Nhưng các cậu phải chú ý: Thứ nhất, làm sao cho họ thấy, kỳ này nhất định quân ta giải phòng Sài Gòn, tình thế không thể đảo ngược, cưỡng lại không được đâu. Thứ hai, họ nên có sáng kiến, cử chỉ gì - trên cương vị nhà cầm quyền Việt Nam Cộng hòa - để quân đội quốc gia của họ bất động, làm dịu sự đối địch, không gây cảnh đổ nát cho Sài Gòn. Nhớ khéo léo, tránh chạm đến tự trọng, tự ái của người ta, làm sao để người ta có sáng kiến quyết định, chứ mình không đưa ra phương án cụ thể”.

9 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, Đài phát thanh Sài Gòn phát bản Tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi quân ngụy đơn phương ngừng bắn và bàn giao chính quyền cho cách mạng. Tuyên bố án binh bất động của Dương Văn Minh đặt quân đội ngụy vào thế tan rã tinh thần. Tiểu đoàn dù ở ngã tư Bảy Hiền thì rã toàn bộ. Có nhiều người lính chạy sang các hàng thợ may xung quanh để mướn quần áo mặc, trút bỏ bộ đồ lính. Chứng kiến cảnh nháo nhào, mẹ của họa sĩ Ớt ở tiệm may Tuấn gần đó cũng vội vàng tiếp tay, mang quần áo ra cho. Tất nhiên vẫn có những tên ngoan cố, thí dụ, như một tên đại úy ở Giang Thuyền, quận 8 đã rút súng ra bắn lên trời, chửi đổng: Tổng thống mẹ gì mà mới vậy đã án binh bất động.”

Khi nghe bản Tuyên bố lúc 9 giờ 30 sáng đó, tôi mừng vô cùng và điện ngay cho anh Linh. Quân ta vẫn tiếp tục tiến công theo kế hoạch.”

Ngay khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, Thành ủy phân công từng đồng chí trong Thường vụ đi theo từng cánh, thí dụ như cánh của Bình Chánh, quận 7, 8 có anh Ba Tôn phụ trách. Ông Mười Hương đi cánh phía Bắc: Từ Tân Bình, vào quận 5, 6, vào các quận trung tâm, sang đến Bà Chiểu. “Tôi vào Sài Gòn, đưa anh em ta vào ém quân ở Tân Bình từ đêm 28/4. Ở với cơ sở, với nhiệm vụ hễ khi nào thấy pháo bắn vào Tân Sơn Nhất thì giải tán được chính quyền ngụy ở cơ sở. Nhưng đêm 29 tề ngụy bỏ chạy hết. Tôi đi với mấy đồng chí quận ủy lâm thời như Bình Thạnh, thị xã Gia Định cũ, sau này chị Sáu Kẹo làm Bí thư. Có anh Út Thành Bí thư ở Tân Bình... Chúng tôi vào ban đêm, ở nhà cơ sở, nhà của một người dân quê gốc Củ Chi chạy bom đạn dời về đó. Sáng 30 tháng Tư cánh của anh Năm Nghị về quận 5, họ chỉ gặp một trung đội cảnh sát dã chiến. Cánh đi ở Bà Chiểu - Phú Nhuận đến ngã tư Bảy Hiền thì gặp cảnh nhốn nháo của tiểu đoàn lính dù đóng ở đó. Những ngày ấy binh lính ngụy tan rã từng tiểu đoàn, từng mảng lớn. Quân chính quy của bộ đội giải phóng tiến vào thành phố. Cánh quân Tây Nam của ông Lê Đức Anh vượt sông Vàm Cỏ từ Bình Chánh vào, anh em không biết đường đi, chúng tôi đón xe tăng ở đường 10, mạn Phú Lâm, cử một chị đi cùng dẫn đường về trụ sở Quân khu Thủ đô của ngụy quyền. Họ bỏ chạy hết, xe tăng cứ thế tiến vào một cách bất ngờ.”

Đang ở trong khu lao động người Hoa chỗ Đầm Sen quận 11, ông Mười Hương lên xe lam đi vào khu nội đô xem khu Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ ra sao. “Suốt dọc đường bà con bán cờ giải phóng đỏ rợp trời, cứ y như sự xuất hiện cờ đỏ sao vàng hồi Cách mạng Tháng Tám 1945. Khi quân cách mạng vào đến trụ sở các quận của chính quyền cũ, đã thấy người dân treo cờ ở đó rồi.”

Sau ngày toàn thắng, trong lần gặp Dương Văn Minh, ông Lê Đức Thọ hỏi: “Những ngày tháng Tư có nhiều lực lượng tác động đến ông, công an có, tình báo có, trí vận có, lực lượng thứ ba có... Lực lượng nào tác động mạnh nhất để ông ra tuyên bố sáng 30 tháng Tư đó?”.

Dương Văn Minh trả lời: Nhóm họa sĩ Ớt.

Câu chuyện cuộc tấn công về mặt chính trị những ngày tháng Tư đó giải thích lý do tại sao cả tấn thuốc nổ đã được đặt ở cầu Sài Gòn lại không nổ. Hãy thử hình dung: Một cú nổ, cầu Sài Gòn sập, ta sẽ phải bắc cầu phao, sẽ mất nhiều thời gian, có thể bị bắn tỉa, không tránh khỏi đổ nát, hy sinh, mất mát... Sài Gòn đã được giải phóng nguyên vẹn trong sự hân hoan tột đỉnh của cả dân tộc.

“Một người tình báo giỏi trong chiến tranh có tác dụng hơn cả một binh đoàn” - không thể có gì chính xác hơn câu nói của Stalin trong trường hợp này.

Thành phố Sài Gòn giải phóng. Niềm vui chiến thắng to lớn bao nhiêu thì nhiệm vụ lo an toàn cũng hiện ra nhiều bấy nhiều. Lệnh nhận được là phải giữ gìn an ninh trật tự, những kho gạo phải nguyên vẹn, không được để người dân đói, đảm bảo điện, nước sinh hoạt bình thường, Đài phát thanh, bưu điện hoạt động, không bị phá hủy. Ban Quân quản thành lập. Thành phố bước từ nhiệm vụ chiến đấu sang quản lý, xây dựng cuộc sống mới. Công việc phải làm ngổn ngang. Ông Mười Hương là Phó bí thư Thường trực, phụ trách tổ chức, tiếp nhận rất nhiều nguồn cán bộ. Từ anh em được giải phóng ra khỏi nhà tù, cho tới anh em từ miền Bắc vào, cán bộ tại chỗ, các tỉnh chi viện cho thành phố, tất cả đoàn kết thành một sức mạnh lo cho một thành phố lớn. Ban lãnh đạo thành phố lúc đó đã làm được một nhiệm vụ chiến lược lớn: xây dựng một hệ thống chính quyền mạnh.

 

Xem tiếp:

10. Hương sự thật (Hết)