TRẦN QUỐC HƯƠNG
Nguyễn Thị Ngọc Hải
10.
Hương sự thật
Nhìn lại cuộc đời ông Trần Quốc Hương ta như thấy hiện lên cả một chiều
dài lịch sử kháng chiến.
Có thể nói bản lý lịch công tác của đời ông khá điển hình cho cuộc đời
của một thế hệ chiến sĩ lão thành, được Đảng phân công làm rất nhiều
công tác khác nhau đều nỗ lực hoàn thành. Về cuộc đời ông Mười Hương,
các đồng chí của ông nhận xét rằng, không chỉ là một cuộc đời mang nhiều
chiến công gắn bó với các giai đoạn cách mạng, mà đời ông còn cho thấy
ông là một người dám nói ra nhận định của mình một cách thẳng thắn. Thái
độ cư xử với những thăng trầm cuộc đời, với những điều không may, với bè
bạn, rất rõ những suy nghĩ sâu sắc, mang phong cách riêng.
“Suốt cuộc đời tôi sống không có gì phải ân hận.” Câu nói này chúng ta
đã nghe ở nhiều người. Ý nghĩa chính mà họ nghĩ có lẽ là: Cả đời đã cống
hiến, đã đi theo cách mạng là đúng, không có gì phải ân hận. Nhưng nếu
xét chi li kỹ lưỡng theo những gì một đời người phải trải qua, phải giải
quyết, có thể có gì sai không, thì nói ra được câu ấy, không phải chuyện
dễ.
“Tôi là người dạng ưu tư, hay nghĩ ngợi lắm. Suốt gần 6 năm ở trong tù
chế độ Ngô Đình Diệm, tôi nghĩ kiểm lại toàn bộ quá khứ. Là bởi vì ở
trong tù luôn căng thẳng, luôn phải nghĩ ngợi, cái đầu làm sao giữ được
quân bình và sáng suốt. Muốn vậy trong lòng phải thật sự không có gì
phải ân hận hay vướng mắc. Tôi nhớ lúc đó mình chỉ tiếc một điều là ra
đi không để cho con một tấm hình nào, nếu từ đây không bao giờ được trở
về nữa thì con nó không biết gì về cha. Còn ngoài ra lòng tôi thanh thản
vì đã sống đúng, làm việc hết mình cho cách mạng. Nếu trước đây sống bừa
bãi, sai trái thì lúc ở tù nghĩ lại ấy chắc chắn sẽ ân hận giày vò không
thế nào sống yên được. Không quan tòa nào bằng lương tâm, mình không thể
giấu chính mình được. Giả dụ như tòa án của nó không giết mình được,
không xử tội mình được, nhưng nếu mình làm điều gì sai trái thì quả là
sống dở chết dở.” Chính vì vậy mà ông nói rằng đời ông không có gì ân
hận. Ông là người coi trọng đạo đức, lương tâm. Với Đảng, ông luôn trung
thực nghĩ gì nói nấy. “Người ta bảo tại tôi có một quá trình lịch sử tốt
mới dám nói thẳng.” Nhưng để có một lịch sử tốt, lại càng phải có tình.
Ông thích câu thơ đơn giản của Tố Hữu khi nói về Bác Hồ: “Bác để tình
thương cho chúng con”. Tình thương yêu là quan trọng. Ông bảo: “Các
con tôi sẽ mừng vì cha để lại bản lý lịch cuộc đời rất trong sáng. Chúng
đến đâu nơi cha mình từng làm việc đều thấy mọi người quý hóa. Khi tôi
trở lại những đơn vị cũ đã công tác qua ở cả Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí
Minh, làm ngành công an, quân đội, hay tình báo, tôi cảm động vì tình
thương yêu của mọi người. Trở lại những gia đình cơ sở cũng vậy, tình
cảm đó không gì mua được?”
Ông có một phương châm sống, hay nói đó là triết lý sống cũng được: chịu
đựng, rồi sự thật sẽ chiến thắng. Khi bị giam cầm đày đọa, giặc hành hạ
ông bằng đủ cách. Cho ăn cơm sống, ông vẫn ăn và nghĩ theo lời người
lính đưa cơm còn chút lương tâm đã khuyên ông: bác chịu khó. Cuộc đấu
tranh còn gian khổ lắm. Lúc ra khỏi tù do chính quyền Diệm đổ, ông ở
trong tình trạng tê bại, mắc bệnh trĩ nặng. Căn bệnh hành ông một thời
gian dài. Cho đến tận năm 1975 vừa hành quân, ông vừa dùng tay đẩy hậu
môn. Đi cầu, ra máu như cắt tiết gà, răng lung lay hết, ảnh hưởng cả cái
đầu, thần kinh căng thẳng để hậu quả lên cái dạ dày. Ông là thương binh
loại 1/4. Khi trở ra Bắc, được nằm Quân y viện 108 dưỡng bệnh mà buổi
trưa nằm nghỉ, thấy bóng những người y tá qua lại, ông vẫn tưởng đó là
bọn mật thám canh gác ông. Một vị bác sĩ đã nhận xét: Ông bệnh nhân này
cư xử, cảm nhận như một người tù.
Không chỉ là sự chịu đựng, cảm nhận đến giới hạn kinh khủng nhất của con
người là cái sống - chết, ông còn nói rằng chính sự từng trải mọi thử
thách khốc liệt đó khiến mình bình tĩnh và bao dung. “Ra tù, thấy lòng
mình nhân ái hơn.” Nếu nhìn vào câu chuyện đời ông, có cả những chuyện
xưa nay khó có ai viết ra trong sách vở, hồi ký, dù sự thật ngoài đời ai
cũng biết, thì sẽ thấy lòng nhân ái, sự chịu đựng và niềm tin mãnh liệt
vào sự thật, vào sự ngay thẳng ở ông không phải là lời nói văn chương,
hoa mỹ.
Ông đã giải quyết cho bản thân mình, đã ứng xử ra sao trước các nghi
vấn, các lời tố cáo ông sau này một cách thiếu cơ sở? Ông bảo: “Tổ chức
Đảng đã xác minh và kết luận sáng rõ tất cả.”
Thực tế, ông Mười Hương đã phải đề đạt ý kiến xin làm rõ vấn đề có người
khiếu nại ông. Đảng làm đi làm lại công tác kiểm tra tới 5 lần, mãi tới
Đại hội V năm 1980 mới kết luận.
Cũng rất may cho ông, lúc Đảng kiểm tra xác minh những người liên quan
còn cả, giấy tờ hồ sơ của địch vẫn còn nguyên. Và ông đã được tổ chức
kết luận qua xác minh từ các đồng chí bị tù chung cho đến lời khai của
những tên đang bị ta giam giữ cải tạo sau giải phóng trước đây có liên
quan việc giam giữ ông.
Nhưng trong quá trình còn chưa được làm sáng tỏ, ông sống và nghĩ sao?
“Đây là một thực tế xảy ra trong Đảng, nếu Đảng làm rõ, chỉ có lợi về
chính trị. Vì đất nước ta trải qua cuộc chiến tranh lâu dài và quá phức
tạp. Nhiều cán bộ bị tù đày ra, còn phải tiếp tục chịu đựng sự kiểm tra
của tổ chức, có thể bị hàm oan nữa.” Đó là chưa kể tới sự tố giác có khi
rất nguy hiểm. Bởi không phải có thể luôn làm rõ được mọi trường hợp.
Ông bị nghi vấn vì “sao Ngô Đình Nhu không giết mà lại gặp ông”, “Sao bị
nó biết là tình báo cao cấp, ông lại được thả”, v.v...
Những nghi vấn chỉ của một số cá nhân, nhưng tổ chức phải làm rõ. Việc
này ảnh hưởng đến việc để cử ông vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông
chấp hành quyết định của Tổ chức nhưng quan điểm của ông cũng rõ và
thẳng thắn. Ông nói “Tôi chấp hành nhưng phải làm rõ. Nếu không làm rõ,
sau này tôi không nhận công tác đâu”.
Vốn là một người công tác lâu năm với đồng chí Trường Chinh từ thời đầu
cách mạng, nên đồng chí Trường Chinh rất hiểu và tin ông. “Một lần đồng
chí Trường Chinh kêu tôi sang ăn cơm. Anh ấy hỏi: Chú thấy tôi có cần
nói việc của chú với anh Ba (đồng chí Lê Duẩn) không? Tôi bảo không.
“Anh nói mà anh Ba không nghe thì anh có ngừng lại không? Tôi tin là anh
không thể ngừng. Tôi không muốn vì tôi mà có gì ảnh hưởng tới sự đoàn
kết nhất trí của Đảng. Anh cứ yên trí. Tôi chỉ có mỗi việc bị bắt thôi.
Bây giờ tài liệu sống cũng có, tài liệu chết cũng có: Tụi bắt tôi, trừ
Dương Văn Hiếu, tất cả đều còn trong trại cả. Hồ sơ của địch về tôi cũng
còn nguyên. Mọi chuyện của tôi đều rất rõ. Trung ương có muốn làm hay
không thôi”.
Vậy nên làm gì? Anh Trường Chinh rất thương và muốn giúp làm sáng tỏ.
Tôi bảo: Nếu anh nói cho tôi, không có lợi đâu, bởi ai cũng biết rõ tôi
với anh có quan hệ như thế nào. Tôi sẽ tự đặt vấn đề với Bộ Chính trị.
Nếu không giải quyết được, tôi để nghị đưa ra Ban Chấp hành. Nếu vẫn
không được, tôi sẽ đưa ra trước Đại hội để tranh thủ ý kiến cao nhất là
trí tuệ đại hội giúp cho làm rõ mọi chuyện. Anh Trường Chinh: Tôi tán
thành ý kiến của chú. Trong Đảng cứ nguyên tắc điều lệ mà làm. Ở xã hội
cứ theo luật pháp mà làm.”
Về sau, một số đồng chí như các ông Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt đều
gặp ông nói: Cậu dũng cảm, không nóng nảy, xử sự như thế là tốt cho
Đảng. Chịu đựng, âm thầm suy nghĩ, không hay to chuyện, nhưng lại làm
đến tận cùng. Ông Mười Hương dựa vào tổ chức, không bao giờ bất mãn cá
nhân, và rất cương quyết, dứt khoát. Ông không dựa vào cá nhân. Bởi theo
ông “mình sống, làm việc là quan trọng quyết định chứ một vài người quý
hóa nâng đỡ cũng không có ý nghĩa gì. Những suy nghĩ của tôi về sự
nghiệp của Đảng, về vấn đề cán bộ, về nhận định thời cuộc, tôi có trao
đổi với anh Nguyễn Văn Linh. Anh Linh bảo: Ông nghĩ thế là đúng. Nếu ông
không nghĩ thế, không phải là ông nữa.”
Ông không nghĩ thế, không phải là ông nữa - lời nhận xét ấy trùng hợp
với những gì người ta nghĩ về Mười Hương. Ông có những suy nghĩ riêng,
có phong cách. Một trong những đặc điểm của “phong cách Mười Hương” là
ông tin con người theo nhận xét của mình, dù người đó có bị ai nói vào
nói ra ra sao, ông vẫn giữ niềm tin.
Làm được gì minh oan cho con người, nếu ông biết, ông đều làm với tất cả
lòng tin vào sự thật. “Có nhiều giai đoạn phức tạp, không phải không có
người bị hàm oan. Trường hợp của anh Nguyễn Phổ, con ông Nguyễn Văn
Vĩnh, là một thí dụ. Anh Phổ bị tù vì nghi là người của Pháp cài lại,
phá hoại đốt nhà máy. Ngày xưa, khi tôi còn nhỏ, lên Hà Nội được học
nghề in từ anh Phổ ở nhà in Trung Bắc Tân Văn. Tôi biết anh là người
tốt. Anh đã từng giúp cán bộ ta kỹ thuật làm micrô phim để chuyển tài
liệu. Tôi gặp các anh có trách nhiệm trình bày, yêu cầu thẩm tra lại.”
Kết quả việc thẩm tra này thật tốt đẹp. Nhà nước đã trả lại quyền lợi và
danh dự cho gia đình anh Nguyễn Phổ. Tất cả động cơ việc làm này dựa
trên một lòng tin sáng suốt vào con người. Ông Mười Hương nói: “Nói cậu
Phổ theo Tây làm hại cách mạng, tôi không bao giờ tin.”
“Vì công việc đặc biệt, nên tôi hay để ý con người”. Có thể lấy ra làm
thí dụ: Ông từng nhận xét và tin tưởng hai người bị đánh giá không đúng,
bị hàm oan.
Đến nay qua một chặng đường dài ngoảnh lại, mới thấy lòng tin của ông
đúng.
Trường hợp thứ nhất là Nguyễn Hữu Đang. “Ngay khi nghe báo cáo lại rằng
Đang theo Thụy An, tôi không tin. Đang bị tù 18 năm, rồi đưa về quản chế
ở Thái Bình. Mà tôi biết Đang tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản từ năm
1929. Tôi sống với anh, biết anh không phải người xấu. Tôi có viết thư
lên Ban Tổ chức Trung ương, quan điểm tôi cho rằng 18 năm tù quá đủ rồi,
nay ra tù đưa về quê, ở đó đâu còn gì cho người ta sống. Vì vậy tiếng
nói đó góp phần giúp Đang được ở lại Hà Nội. Bây giờ có dịp ra Hà Nội
tôi đều gặp Đang.”
Ông còn vui vẻ kể về hình ảnh Nguyễn Hữu Đang. Họ thân nhau, gọi nhau
bằng mày, tao. “Nó bảo: tao thỏa mãn rồi, có đòi hỏi gì nhiều đâu. Ngày
xưa mày nhớ chứ, tao ở Hà Nội mày biết rồi, rất khổ. Bây giờ có nhà, có
công trình vệ sinh. Còn về ăn: ngày xưa phải khó khăn lắm mới đãi được
bạn, bây giờ tao đãi tụi mày năm, mười đứa cũng được. Còn về mặc thì xưa
không có nổi cái áo len, nay thì hai, ba cái áo ấm, có thể muốn cho ai
cũng được. Còn về đi lại, (ông Tôn Văn nói bốn nhu cầu y, thực, trú,
hành) thì tao có ba cái xe đạp, nếu muốn có xe máy cũng có đứa nó cho
được. Ở đời cái gì mình cần, có rồi thì không đòi hỏi quá.”
Ông Mười Hương vẫn còn nhớ công lao của Nguyễn Hữu Đang trong việc tổ
chức lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. “Dù thành công buổi
lễ là nhờ ở phong trào nhân dân, nhưng phải thấy Đang rất giỏi”.
Năm 1945 chuẩn bị cho ngày lễ Tuyên ngôn Độc lập, Thường vụ Trung ương
thành lập một ban chuẩn bị cuộc mít tinh lớn trước quốc dân đồng bào.
Đồng chí Trường Chinh yêu cầu: một cuộc mít tinh có tính chất văn hóa,
lịch sử của đất nước độc lập, nên mời người bên văn hóa cứu quốc lo. Ông
hỏi Mười Hương: “Cậu giới thiệu ai?”.
“Tôi nghĩ không ai hơn Nguyễn Hữu Đang được. Con người năng nổ, biết tổ
chức, có uy tín trong nhân dân và đang là nhân vật có tiếng ở Hội Truyền
bá quốc ngữ. Tôi gặp đưa Đang sang hội Trí Tri ở phố Hàng Quạt, Hà Nội,
cơ sở của phong trào Đông kinh nghĩa thục. Cụ Nguyễn Văn Tố dạy tiếng
Pháp ở đó. Họ gặp nhau, bàn bạc cùng ông Liệu lúc đó là Bộ trưởng Tuyên
truyền và ông Xuân Thủy chủ bút báo Cứu Quốc.
Lúc đó Bác Hồ thực hiện sách lược mềm dẻo, tập hợp nên mới có cuộc vận
động Bảo Đại thoái vị. Trưởng đoàn đi vận động là ông Nguyễn Lương Bằng
là chủ tịch Tổng bộ Việt Minh, trong đoàn có cả Huy Cận. Chở đoàn đi
chưa về, Nguyễn Hữu Đang sốt ruột bảo tôi: “Anh giục đi. Muốn làm một
cuộc mít tinh lớn phải có thời gian chuẩn bị, từ chỗ đứng, khán đài...”
Lúc chờ đợi ấy, có ai đó nêu lên một câu lo ngại: Nhỡ Bảo Đại không chịu
thoái vị thì sao? Không có chính quyền hợp pháp của nhà Nguyễn trao cho
Việt Minh thì sao?”. Tôi nhớ mãi câu nói của Bác Hồ, nhẹ nhàng thoải
mái: “Thì Bảo Đại cứ làm vua. Hồ Chí Minh làm Thủ tướng, có gì đâu!”.
Một người góp công cũng lớn trong tổ chức lễ là ông Phạm Văn Khoa, lúc
đó đang hoạt động ở Hội Truyền bá quốc ngữ.
Để chuẩn bị cho lễ đài, cần đến vải che. Vải lúc đó hiếm lắm. Đang phải
xin Bác. Cụ cho một cái lệnh mới dám quyên góp. Tôi coi đó như một Khuê
Văn Các, bây giờ mỗi khi phim tài liệu chiếu lại cảnh đó trên tivi, tôi
không bao giờ kìm giữ được nước mắt. Tôi còn nhớ sau lễ, trở về nhà, Bác
nói: “Không thể hình dung đồng bào đông và trật tự, trang nghiêm đến
thế”. Và Bác nói đây là hạnh phúc lớn nhất trong đời hoạt động của Bác.
Vụ án Nhân văn giai phẩm diễn ra ở miền Bắc, lúc ông Mười Hương đang ở
trong tù của chế độ Ngô Đình Diệm. Ông biết tin tức trong một tình thế
cô đơn nhất, và Ngô Đình Cẩn là người cho ông thông tin đó chứng minh
sai lầm của miền Bắc làm vũ khí đánh về mặt tinh thần ông. Nhưng lòng
ông vẫn tin ở cách mạng. “Sau khi thoát khỏi nhà tù, năm 1964 tôi ra
Bắc, nhận dược lá thư rất ngắn của Đang. Đang viết đại ý: Tao bây giờ
khổ lắm. Đi tù 16 năm về bị quản chế ở quê tao. Tao chưa biết chết sẽ
chôn ở đâu.
Tôi liền về Thái Bình tìm Đang ngay. Trước đây chúng tôi vẫn thường về
đó. Bây giờ gia đình Đang không còn ai. Sống khổ lắm. Chúng tôi mới có
dịp trao đổi với nhau thông tin tôi nghe được lúc tôi ở tù. Tôi hỏi: Sao
người ta nói mày đi theo Thụy An nhỉ, để mang cái án theo làm gián điệp,
nguy hiểm quá. Đang bảo: Nó nói láo đấy. Lúc ra tòa đứng cạnh tôi, Thụy
An bảo: Tôi có tội với ông Đang, tôi khai bậy cho ông.
Ông Mười Hương luôn tin ở bạn mình. Ông viết lá thư dài cho người phụ
trách tổ chức lúc đó là ông Nguyễn Đình Hương, khẳng định phẩm chất và
công trạng của Nguyễn Hữu Đang. Ông còn phê phán: Không có lý gì khi ở
tù lâu như thế, còn giam lỏng người ta ở Thái Bình.
Sau này Nguyễn Hữu Đang đã nhận được những điều kiện sống tốt hơn, do
tình hình đã trở nên rõ ràng. Năm 1965, ông được về Hà Nội sống, có nhà
ở, có lương chuyên viên 7, ngang với Thứ trưởng. Năm nào từ Sài Gòn ra
Hà Nội, ông Mười Hương và Nguyễn Hữu Đang cũng gặp nhau.
Người thứ hai là ông Nguyễn Tài. Giờ đây ông Nguyễn Tài đã được minh oan
và được phong anh hùng. Nhưng hãy nghe những dòng sau đây, ông Mười
Hương nói về ông Nguyễn Tài từ những năm mọi việc còn trong sương khói
mờ mịt của sự nghi kỵ. “Tài là một cán bộ công an dũng cảm lắm. Cậu ấy
rất kỹ, nhưng bị bắt bất ngờ. Căn cứ ở Bến Tre lúc đó tôi có đến, khi
cậu ấy bị bắt thì tôi đã về R rồi. Ai đi cậu cũng dặn cẩn thận, vậy mà
chính cậu bị. Vì cậu hay nghe đài miền Bắc, sớm hơn giờ miền Nam 1 giờ
nên có vặn đồng hồ lại. Đến lúc đi tới điểm hẹn công việc, quên không
chỉnh đồng hồ nên ra sớm mất một tiếng, chưa xả giới nghiêm, đò đi bị
chặn hỏi. Trùng thời điểm đó bộ đội Bến Tre đánh tàu giặc. Ba người ngồi
một ghe nhưng căn cước lại ở hai nơi khác nhau. Tài có căn cước ở địa
phương nhưng lại nói tiếng Bắc. Nó bắt đưa về Mỹ Tho, đưa xuống Quân
đoàn 4 đánh dã man mãi cũng không được. Chúng không biết Tài đã là
Thường vụ Khu ủy, Trưởng ban An ninh T4 Sài Gòn - Gia Định. Bọn giặc
quyết tìm hiểu xem Tài là ai, dùng người nhận diện, biết Tài là một cán
bộ quan trọng, là Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị, một cục chủ lực của
Công an ta. Chúng tìm được tấm hình Bác Hồ đi Ấn Độ, có Tài đi bảo vệ.
Chúng mới biết Tài là con nhà văn Nguyễn Công Hoan, cháu ông Lê Văn
Lương, Ủy viên Bộ Chính trị. Chúng đưa về giam ở số 3 Bạch Đằng Nha Tình
báo Trung ương, giam vào xà lim mấy năm liền, cho tới tận 1975 giải
phóng miền Nam.”
Một người đầy công lao như thế nhưng cũng bị thành nạn nhân của những tố
giác, Tài bị nghi là người của CIA. Nhiều cư xử khiến lòng đau đớn, và
không phải ai cũng có thể nhận ra và thông cảm với nỗi đau đớn của con
người. Đến nỗi con của Tài có chuyện yêu thương với con một đồng chí
lãnh đạo cao cấp cũng gặp khó khăn. Chúng khóc với đồng chí lãnh đạo đó
và dẫn ra: ba biết chú Mười Hương và tin chú. Mà chú Mười Hương lại tin
bố Tài thì không lý nào bố Tài xấu. Con không tin. Ba hỏi chú Mười Hương
xem”. Ông Mười Hương nghi ngay ở đây có vấn đề nội bộ.
“Tôi cứ nghĩ những chuyện đó mà thương Tài lắm. Năm 1975, thời kỳ tôi là
Phó Bí thư Thành ủy dự kiểm thảo Tài trước khi bổ nhiệm Tài trở lại công
tác sau khi ở tù ra.
Lúc Tài bị hàm oan, cứ thưa mãi. Kết luận hai, ba lần không minh bạch,
Tài không chịu. Thời kỳ đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư, tôi có
đề nghị tiến hành làm lại, kết luận lại, góp phần minh oan cho Tài. Bây
giờ thì mọi sự đã rõ rồi.”
Ông đối với anh em đồng chí thủy chung như nhất. Nhưng có một chuyện với
một người mà ông cứ nhắc mãi. Người đó là nhà báo Cao Dao. Anh không do
ông trực tiếp phụ trách. Anh quen nhiều chính khách của Diệm - Nhu và
chuyên viết báo. Anh cũng từng bị chỉ điểm, bị địch bắt giữ song bọn
chúng phải thả anh vì không khai thác được gì, không chứng cứ. “Ngay sau
giải phóng có một lần Cao Dao tới chỗ tôi. Anh để râu tóc rậm, bảo vệ
ngại không cho vào ngay mà kêu chờ ở cổng. Hay tin, tôi vội ra thì anh
đã vừa đi mất, chạy đuổi theo mà không kịp, anh đã khuất dạng ở khúc
quẹo ngã tư. Tôi có ý tìm mãi, song thâm tâm cũng biết rằng khó gặp lại
được vì những trí thức như anh vốn đầy kiêu hānh.
Mãi sau này tôi mới biết Cao Dao đã sang châu Âu với con, và mất ở bên
ấy. Đó là một kỷ niệm buồn, tôi cứ day dứt mãi, không biết anh ấy có cần
giúp đỡ gì không...”
“Đời buồn vì những chuyện ấy.” - Ông Mười Hương nhận xét, có lẽ là vì cả
tai nạn của bản thân ông cùng cảnh ngộ - “Hoạn nạn mới hiểu nhân tình
thế thái, mới hiểu lòng bạn bè.”
Cái tên gọi “Hương sự thật” cũng do một số bạn bè, đồng chí gọi ông, do
ông luôn dũng cảm và kiên định với sự thật, không xu thời. Ông tự nhận:
“Tôi có một nhược điểm là không phản ứng đấu tranh nhanh như người ta.
Phải nghĩ thật chín rồi mới làm tới nơi tối chốn”. Đều đặn trong thời kỳ
kháng chiến, mỗi ngày ông lại để ra ít thời gian, khoảng nửa giờ để nghĩ
lại mọi việc trong ngày.
Những kinh nghiệm sống, chiến đấu và làm việc ngày nào vẫn trao đổi, dặn
dò anh em khi hoạt động, nay ông truyền lại cho những người trẻ tuổi.
Đồng chí Phạm Văn Hùng, sĩ quan tiếp cận luôn bên ông kể lại: “Ông rất
quan tâm tới mọi người, tới những người từng giúp ông từ trước đến giờ.
Ông nhắc nhở chúng tôi, thân thiện, nhẹ nhàng và trìu mến như dạy dỗ con
cái trong nhà: “Có ba việc lúc nào cũng phải trau dồi: Một, sống phải
biết thế nào là vừa, thế nào là đủ. Hai, trong công việc phải luôn luôn
vượt lên chính mình.Và thứ ba, nên làm việc bằng chính cái đầu của mình,
không được để lai căng”. Đây cũng chính là những điều mà chúng tôi tâm
đắc. Thú thật, đã có những lúc đứng trước cám dỗ, song lạ lùng là lời
ông dặn cứ vang lên trong đầu, giúp tôi tỉnh trí.”
Với bạn chiến đấu trước kia và các đồng nghiệp sau này, khi tâm sự ông
thường nhắc tới câu: “Làm công an, công tác tình báo và an ninh cái đầu
phải lạnh, trái tim phải nóng, và bàn tay phải sạch, như thế thì làm cái
gì cũng dễ, làm cái gì cũng được, trăm trận trăm thắng. Công việc mình
làm dù khó khăn đến đâu cứ bình tĩnh và thận trọng giải quyết từng bước
một thì thể nào cũng thành công. Luôn luôn phải khiêm tốn cả với cấp
trên và cấp dưới, đừng bao giờ thỏa mãn với công việc của mình và nhất
là đừng để chữ tôi lên đầu.” Những kinh nghiệm chắt chiu từ một đời cống
hiến hết mình cho Tổ quốc của một thời oanh liệt hào hùng ấy được truyền
sang cho lớp trẻ, ngọt và ấm nóng như mật.
Đã qua những chức vụ cao, đã qua các chìm nổi trong cuộc đời một người
chỉ huy tình báo, nay là một đảng viên lão thành, ông vẫn là con người
của sự chân thật như bản chất ban đầu. Ông vẫn thường nói thẳng suy nghĩ
của mình đối với Đảng về thời cuộc, sự đúng, sai.
Có lẽ vì cuộc đời của những cán bộ như ông, trung thành, nhiều kinh
nghiệm và luôn trung thực xây dựng Đảng, nên Đảng và Nhà nước vẫn luôn
lắng nghe. Ông là một trong số cán bộ lão thành thường được mời phát
biểu ý kiến đóng góp cho các vấn dề quan trọng của lãnh đạo, của đất
nước.
Gặp các đồng chí lãnh đạo, ông thường nói: “Tôi ở tuổi không biết sống
chết lúc nào, nhìn cái đã qua không ân hận gì với Đảng và Nhà nước,
nhưng nhìn nhân tình thế thái, còn băn khoăn lắm. Cái lớn của đất nước
là con người. Có giữ được đất nước không, Đảng có mạnh hay không, vấn đề
cốt lõi là con người. Con người khỏe thì tổ chức mạnh. Tôi luôn tâm đắc
nhận định ở Đại hội VI: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là công tác cán
bộ. Nhân sự là vấn đề rất lớn.”
Khi đóng góp nhận xét vào tình hình đất nước, vào tổng kết các nhiệm vụ
cách mạng, ông cũng đưa ra cách nhìn thẳng thắn. “Tiến hành cuộc chiến
tranh, chúng ta xây dựng được hai việc lớn: Tinh thần anh hùng cách mạng
và tinh thần vì miền Nam ruột thịt. Hàng triệu gia đình tình nguyện đưa
con em mình vào chiến trường. Thời chiến tranh khó khăn mà xã hội lành
mạnh, đất nước gặp lúc nguy nan lướt qua được. Nhớ lại hồi Bác mất, các
nghị quyết, khắp nơi giữ an ninh trật tự một cách tự giác, xã hội như
trong sạch hơn khi gặp đau thương. Máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, tưởng bom
đạn thế là mất an ninh, nhưng Hà Nội lại không hề có trộm cắp, tinh thần
đùm bọc nhau rất tốt. Có phải tại ta xây dựng được tinh thần trên, chi
phối con người không? Tại sao bây giờ có những kẻ không phải do đói, do
nghèo mà lại tiêu cực? Tụi làm bậy lại không phải người nghèo đói. Hình
như có nhiều người còn né, sợ nói đến khó khăn, không dám đối mặt với
thực tế.”
Ông cho rằng: phải học người Nhật cúi mặt làm việc, tạo ra cả một tâm lý
dân tộc: thua phải biết bứt dậy. Có lúc ta sau chiến thắng 1975 không
tỉnh táo. Có người còn hy vọng viển vông Mỹ nó đền bù. Hết kiêu ngạo,
rồi gặp khó khăn là đổ cho diễn biến hòa bình. Không vững vàng. Ai nói
ngược lại cho họ là CIA. Đâu cũng có CIA. Tâm địa vậy là không tốt. Ông
mong muốn có thể phát huy tất cả lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc,
kích thích người dân mình làm việc hết lòng xây dựng đất nước sao cho
không hổ thẹn với truyền thống. Dân tộc ta không chỉ đánh giặc giỏi mà
còn là một dân tộc văn hóa rất hay.
Ông góp ý thêm về cái nhìn với con người, đánh giá con người của dân tộc
cần rộng mở, không chỉ có tiêu chuẩn của Đảng: “Tôi nghĩ Đảng ta phải
nhìn thấy nhiều vấn đề khác nữa. Nhìn lại ngành giáo dục, thời kỳ kháng
chiến mà hưng thịnh. Bộ trưởng Giáo dục giỏi như Nguyễn Văn Huyên, sau
này có các nhà giáo dục như Ngụy Như Kon Tum, Tạ Quang Bửu lúc đó đâu có
phải là đảng viên?”.
Đánh giá đúng con người, tin tưởng họ, điều này ông đã được Bác Hồ nhận
xét khi ông được chọn vào chi viện cho miền Nam. Bác Hồ bảo: “Chú ấy
đánh giá đối tượng, con người đúng và chú ấy biết dùng người”.
Có lẽ nhờ vào điều này mà ông là người “viết kịch bản” cho những nhà
tình báo nổi tiếng nhất như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy,
Phạm Xuân Ẩn. Tuy nhiên, ông luôn luôn khiêm tốn: “Khi làm tổng kết của
ngành, tôi đã nói: Những nhà tình báo tài năng của chúng ta họ hoàn toàn
độc lập trong hoạt động và thành công.” Nhưng rõ ràng, nhờ vào việc tìm
ra “kịch bản” - đường lối hoạt động - thì các “diễn viên” mới có thể
hoàn thành xuất sắc vai trò của mình.
***
Cuộc đời của ông Mười Hương tham dự vào nhiều sự kiện lịch sử lớn lao.
Nhưng trong cuốn sổ tự ghi của ông mang tên “Hành trang quý báu trong
đời”, ông Mười Hương nhớ nhất là thời kỳ làm việc ở Đội Công tác trực
thuộc Trung ương từ giữa năm 1943 cho đến trước Tổng khởi nghĩa tháng
Tám năm 1945. Có thể là vì giai đoạn ấy chính ông được làm việc và được
các lãnh tụ vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam dẫn dắt. Ông viết trong
phần kết thúc:
“Đối với tôi, những năm tháng được giúp việc Thường vụ Trung ương
trong Công tác Đội ở An toàn khu của Trung ương thật sự là thời gian tu
dưỡng về lý luận cách mạng, chủ trương, đường lối, chính sách cụ thể của
Đảng cũng như kiểm nghiệm trong thực tiễn công tác. Đó là hành trang quý
báu giúp tôi rất nhiều trong cuộc đời cách mạng của mình, trải qua nhiều
công tác khác nhau trên mọi miền đất nước.”
Suốt một chặng dài gần trọn đời rong ruổi theo sự nghiệp Cách mạng với
đủ đầy những vinh, nhục, buồn, vui, ông luôn mang theo mình hành trang
đó. Một hành trang lặng lẽ và quả cảm giúp ông vươn tới sự tôn vinh đầy
tính thuyết phục của đồng chí, đồng nghiệp: “Người thầy” của những nhà
tình báo huyền thoại.
Song một điều không phải ai trong ngày hôm nay cũng nhận ra, Mười
Hương - người chiến sĩ cách mạng khi về già, ngồi soát xét lại toàn bộ
hành trang cuộc đời của mình đã tìm ra một báu vật với nụ cười thanh
thản: đó chính là niềm tin yêu mãnh liệt vào con người và lòng trung
thực. Và ngẫm cho cùng, đây cũng chính là khía cạnh nhân bản lấp lánh,
bất diệt của Cách mạng
HẾT |